TPP: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

02/10/2014 14:54


Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện đã trải qua 19 vòng đàm phán, với sự tham gia của 12 quốc gia thành viên, có triển vọng kết thúc trong năm 2014 này. Với các tiêu chuẩn cao; không gian rộng lớn của 14 quốc gia và vùng lãnh thổ (bao gồm cả hai thành viên tiềm năng là Hàn Quốc, Đài Loan), với hơn 800 triệu dân, đóng góp khoảng 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và khoảng 30% kim ngạch thương mại toàn cầu; TPP được kỳ vọng là một "hiệp định của thế kỷ 21”, đem lại nhiều cơ hội thương mại và đầu tư quốc tế. Việt Nam tham gia đàm phán từ năm 2010 và đang đứng trước những cơ hội, thách thức lớn từ TPP, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Tuy nhiên, nghiên cứu này không đánh giá tác động của TPP đối với Việt Nam đơn thuần về thương mại, mà nhìn nhận cơ hội và thách thức từ TPP trong mối quan hệ tổng thể với tiến trình cải cách, phát triển đất nước những năm tới.

1. Vài nét về TPP

Xuất xứ:TPP khởi nguồn là Hiệpđịnh Đối tác kinh tếchặt chẽhơn, do nguyên thủ3 nước Chile, New Zealand, Singapore (P3) phátđộng đàm phán nhân dịp Hội nghịCấp cao APEC tổ chức tại Mexico vào năm 2002 . Đến năm 2005 có thêm Brunei xin gia nhập với tưcách thành viên sáng lập trước khi vòng đàm phán cuối cùng kết thúc, nên P3 đã biến thành P4, với tên gọi Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương.

Năm 2007, các nước thành viên P4 quyết định mở rộng phạm vi đàm phán của hiệp định này ra các vấn đề dịch vụ tài chính, đầu tư và trao đổi với Mỹ về khả năng nước này tham gia đàm phán mở rộng của P4. Phía Mỹ cũng bắt đầu tiến hành nghiên cứu, tham vấn nội bộ với các nhóm lợi ích và Nghị viện về vấn đề này. Tháng 9/2008, Mỹ quyết định tham gia đàm phán P4 mở rộng; tháng 11 cùng năm, các nước Australia, Peru và Việt Nam cũng bày tỏ quan tâm và tham gia đàm phán TPP, nâng tổng số thành viên tham gia lên 8 nước (trừ Việt Nam đến 13/11/2010 mới tuyên bố tham gia đàm phán với tư cách thành viên đầy đủ). Cũng từ thời điểm này, đàm phán mở rộng P4 được đặt tên lại là đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)[i].

Kể từ sau vòng đàm phán TPP đầu tiên được tiến hành tại Melbourn (Australia) vào tháng 3/2010, đến nay TPP đã có sự tham gia của12quốc gia. Ngoài các thành viên sáng lập, các nước xin gia nhập tiếp theo là Mỹ, Australia, Việt Nam, Peru, Malaysia và gần đây là Mexico và Canada, Nhật Bản. Ngoài ra, Hàn Quốc và Đài Loan là các nước thành viên tiềm năng đang tiến hành tham vấn các đối tác, xem xét chuẩn bị tham gia đàm phán TPP. Các nước nói trên đã trải qua 19 vòng đàm phán; 04 Hội nghị Bộ trưởng TPP (hội nghị lần thứ 4 diễn ra ở Singapore, từ 22-25/3/2014). Sau nhiều lần "lỡ hẹn” từ năm 2011 đến nay, Mỹ và các nước đang quyết tâm kết thúc đàm phán TPP trong năm 2014 này.

Bảng 1: Danh sách các thành viên và thành viên TPP tiềm năng

Nguồn: Nhóm nghiên cứu tự tổng hợp.

Về nội dung: TPP có phạm vi điều chỉnh rộng, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), rào cản kỹ thuật (TBT), chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ và minh bạch hóa. Ngoài ra, còn có một chương về hợp tác và 02 văn kiện đi kèm về Hợp tác Môi trường và Hợp tác Lao động; 02 văn kiện quan trọng về đầu tư và dịch vụ tài chính.Điểm nổi bật nhất của TPP là tự do hóa rất mạnh về hàng hóa. Thuế nhập khẩu được xóa bỏ hoàn toàn và phần lớn là xóa bỏ ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực. Về dịch vụ, thực hiện tự do hóa mạnh theo phương thức chọn-bỏ. Theo đó, tất cả các ngành dịch vụ đều được mở, trừ những ngành nằm trong danh mục loại trừ.

Nét mới nữa trong đàm phán Hiệp định TPP so với các FTA truyền thống trước đây là sự tham gia của các đối tượng liên quan như doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xã hội. Ngoài các nội dung đàm phán mang tính truyền thống trong các FTA, các quốc gia thành viên còn tập trung thảo luận nhiềuđề xuất vàbiện pháp để thúcđẩy hợp tác trong các vấn đề liên quan tới hoạch định chính sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phát triển chuỗi cung cấp và sản xuất giữa các nước thành viên, nâng cao sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào quá trình lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia thành viên TPP…

TPP sẽ có phạm vi điều chỉnh rộng, với xu hướng

đàm phán tự do mạnh mẽ

 

*Thuế quan: Cắt giảm hầu hết các dòng thuế (ít nhất 90%), thực hiện ngay hoặc thực hiện với lộ trình rất ngắn.

* Dịch vụ: Tăng mức độ mở cửa các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính.

*Đầu tư: Tăng cường các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư.

*Quyền sở hữu trí tuệ: Tăng mức độ bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ cao hơn so với mức trong WTO (WTO+).

* Các biện pháp SPS, TBT: Siết chặt các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ và rào cản kỹ thuật.

*Cạnh tranh và mua sắm công: Tăng cường cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm công.

*Các vấn đề lao động: đặc biệt là các vấn đề về quyền lập hội (nghiệp đoàn), quyền tập hợp và đàm phán chung của người lao động, quy định cấm sử dụng mọi hình thức lao động cưỡng bức, quy định cấm khai thác lao động trẻ em, quy định không phân biệt đối xử trong lực lượng lao động.

*Các vấn đề phi thương mại khác: Tăng yêu cầu về môi trường.

 

2. Khái quát tiến trình tham gia đàm phán của Việt Nam

- Sau khi P4 hình thành, Singapore đã gia nhập và thể hiện mong muốn mở rộng TPP và sử dụng TPP như một công cụ để hiện thực hóa ý tưởng về Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương của APEC. Từ năm 2006, đảo quốc Sư tử này tích cực mời Việt Nam tham gia TPP, song vì cân nhắc cả về khía cạnh kinh tế và chính trị, Việt Nam chưa nhận lời mời này.

- Tháng 9 /2008, Mỹ tuyên bố tham gia TPP. Tiếp theo đó, tháng 11/2008, Australia và Peru cũng tuyên bố tham gia TPP. Đồng thời, đại diện các bên khẳng định sẽ đàm phán để thiết lập một khuôn khổ mới cho TPP. Kể từ đó, các vòng đàm phán TPP được lên lịch và diễn ra cho đến nay. Trước khi tuyên bố tham gia TPP, Mỹ cũng đã mời Việt Nam cùng tham gia TPP, đầu năm 2009, Việt Nam quyết định tham gia hiệp định này với tư cách thành viên liên kết.

- Tháng 11/2010, sau khi tham gia 3 phiên đàm phán TPP với tư cách thành viên liên kết, Việt Nam đã chính thức tham gia đàm phán TPP và tham dự đầy đủ các vòng đàm phán cho đến nay.

Ưu tiên đàm phán của Việt Nam trong TPP là mở rộng tiếp cận thị trường đối với sản phẩm may mặc và giày dép, do đây là những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.

3. Những cơ hội từ TPP

3.1. Cơ hội với kinh tế khu vực

Nếu ra đời, TPP sẽ trở thành một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới với hơn 800 triệu người, đóng góp hơn 40% GDP của thế giới và khoảng 30% kim ngạch thương mại toàn cầu[1]. Theo một nghiên cứu định lượng của Trung tâm Đông – Tây (East-West Center - trung tâm nghiên cứu được Quốc hội Mỹ thành lập), thì tác động của TPP trong thời gian đầu là tương đối nhỏ, song đến năm 2025, TPP có thể đem lại gia tăng thu nhập cho nền kinh tế toàn cầu lên đến 104 tỷ USD.

Nghiên cứu này đề cập đến hai con đường hướng tới tự do hóa trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương: thứ nhất là đi từ các hiệp định thương mại tự do của các nước trong khu vực, mà chủ yếu bắt đầu từ các hiệp định của ASEAN, rồi tiến đến một hiệp định thương mại tự do cho cả khu vực; thứ hai là đi từ TPP, mở rộng dần cho các nước trong khu vực, và tiến đến xây dựng hiệp định cho tất cả các quốc gia trong khu vực. Trong nghiên cứu này, các quốc gia TPP được hiểu là bên cạnh 11 quốc gia đã chính thức nhận lời tham gia đàm phán còn có thêm Nhật Bản và Hàn Quốc, tổng cộng là 13 quốc gia[2]. Nghiên cứu này chỉ ra rằng TPP là con đường dẫn đến tự do hóa khu vực đem lại lợi ích nhiều nhất cho các quốc gia. Vào năm 2025 GDP toàn cầu gia tăng 104,3 tỷ USD, tương ứng với mức gia tăng 0,1%. Tất cả các quốc gia tham gia TPP đều thu được lợi ích từ Hiệp định này

Bảng 2: GDP gia tăng theo quốc gia vào năm 2025 với kịch bản TPP

Quốc gia

GDP năm 2025 (không có TPP) (tỷ USD)

GDP gia tăng nhờ TPP (tỷ USD)

% so với GDP

Các quốc gia TPP

 

 

 

Hoa Kỳ

20.337

13,9

0,07

Australia

1.426

2,4

0,17

Canada

1.982

2,3

0,12

Chile

289

2,3

0,78

Mexico

1.999

11,7

0,58

New Zealand

206

1,7

0,83

Peru

311

6,6

2,12

Brunei

22

0,1

0,48

Nhật Bản

5.332

30,7

0,58

Hàn Quốc

2.063

15,1

0,73

Malaixia

422

9,4

2,24

Singapore

386

1,4

0,35

Vietnam

235

33,5

14,27

Một số quốc gia khác

 

 

 

Trung Quốc

16.834

-15,7

-0,09

Nga

2.790

-1,0

-0,03

Châu Âu

22.237

1,6

0,01

Ấn Độ

5.229

-0,6

-0,01

Thế giới

101.967

104,3

0,1

Nguồn: Nghiên cứu của Trung tâm Đông-Tây, thuộc QH Mỹ.

3.2. Những cơ hội đối với Việt Nam

3.2.1. Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu

Nhiều nước tham gia TPP là thịtrường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Trong đó có 2 trong số 3 nước nhập khẩu lớn nhất của nước ta là Mỹ và Nhật Bản. Do vậy, TPP sẽ mở ra cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, Nhật Bản cũng nhưcác thành viên khác của TPP, nhờ những cam kết mởcửa thị trường mạnh hơn, cao hơn so với những cam kết hiện có trong khu vực. Riêng với Mỹ, thông qua Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường này những sản phẩm vốn có thế mạnh (dệt may, thủy sản, giày dép, sản phẩm gỗ...). Theo dự tính của Trung tâm nghiên cứu Đông-Tây (QH Mỹ), nhờ tham gia TPP, đến năm 2025, xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 25,8%. Mức gia tăng này của Việt Nam cao hơn hẳn các quốc gia khác cùng tham gia TPP.

Bảng 3: Gia tăng thu nhập và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam so với các quốc gia TPP và một số quốc gia khác trong khu vực vào năm 2025

STT
Quốc gia
% Gia tăng GDP
% Gia tăng kim ngạch xuất khẩu
1.
Việt Nam
14,27
25,8
2.
Malaxia
2,24
5
3.
New Zealand
0,78
5,7
4.
Hàn Quốc
0,73
7,7
5.
Nhật Bản
0,58
4,9
6.
Mexico
0,58
3,1
7.
Brunei
0,48
1,8
8.
Singapore
0,35
0,6
9.
Trung Quốc
-0,09
-0,5
 
Nguồn: Nghiên cứu của Trung tâm Đông-Tây, thuộc QH Mỹ.

3.2.2. Thúc đẩy thu hút đầu tư

Tham gia TPP, hàng hóa Việt Nam có cơ hội thâm nhập các thị trường xuất khẩu lớn mạnh hơn, do thuế thấp hơn. Theo đó, Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài mạnh hơn các nước trong khu vực. Các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là từ Trung Quốc, ASEAN sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam để tận dụng ưu thế thành viên TPP của Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là lợi ích lớn nhất mà Việt Nam thu được từ TPP. Bên cạnh đó, ngay trong các thành viên TPP cũng có nhiều quốc gia là đối tác đầu tư quan trọng, có khả năng bổ sung cao cho nền kinh tếViệt Nam như: Mỹ, Australia, New Zealand, Singapore... Khi TPP có hiệu lực, hiệp định này cũng giúp thúc đẩy, gia tăng đầu tư của các nước nói trên vào Việt Nam, đặc biệt trong một số lĩnh vực Việt Nam mong muốn như phát triển các ngành công nghệ cao, nâng cao trình độ của các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, tạo khả năng cho Việt Nam tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

3.2.3. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước

Việc tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam có thêm điều kiện, cơ hội triển khai chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế mà Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2011 đã đề ra. Hiệp định này cũng giúp Việt Nam tăng cường quan hệ nhiều mặt với các đối tác quốc tế trong khu vực châu Á-Thái Bình, trong đó có nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…Việc tham gia TPP với nhiều điều khoản, mức độ yêu cầu cao về tự do hóa thương mại, thị trường sản phẩm, dịch vụ, môi trường…cũng chứng tỏ quyết tâm và cam kết cải cách, đổi mới mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam. Qua đó, làm tăng sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam nói riêng và uy tín của Việt Nam nói chung đối với các nhà đầu tư, cộng đồng quốc tế; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam.

3.2.4. Thúc đẩy cải cách thể chế, tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

Thực tế gần 30 năm đổi mới, mở cửa vừa qua cho thấy, việc mở cửa nền kinh tế thành công luôn tạo động lực thúc đẩy cải cách kinh tế và nâng cao trình độ phát triển của Việt Nam. Đồng thời, những cải cách và chính sách mở cửa tích cực lại tạo cơ hội để Việt Nam hội nhập quốc tế thành công. TPP vừa tạo ra thách thức, vừa tạo ra sức ép để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách khu vực DNNN, hoàn thiện hệ thống luật pháp…Những cải cách này trước mắt là để bảo đảm đủ điều kiện cho Việt Nam bước vào "sân chơi” TPP…, song về lâu dài, có tác động tích cực đối với lành mạnh hóa nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thông qua TPP, các quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác giáo dục, khoa học công nghệ giữa Việt Nam với các thành viên TPP có thể cải thiện, mở rộng nhanh chóng. Theo đó, tạo thêm nguồn lực từ bên ngoài giúp Việt Nam phát triển, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới.

Theo nghiên cứu định lượng của Trung tâm Đông – Tây (Mỹ), các quốc gia có quy mô kinh tế nhỏ, đặc biệt là Việt Nam sẽ là nước nhận được nhiều lợi ích nhất từ TPP cũng như các hiệp định thương mại tự do trong khu vực. Trung tâm này dự báo, đến năm 2025, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 14,7%, chủ yếu nhờ vào việc mở rộng thương mại thông qua TPP.

TPP là "một cơhội tạo bước nhảy vọt”

TPP là một Hiệp định Thương mại tựdo khu vực toàn diện. Với Việt Nam, gia nhập TPP là "một cơ hội tạo bước nhảy vọt” trong các lĩnh vực như: Phát triển kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu; tạo thuận lợi trong thương mại, hiệu quả trong chuỗi cung ứng; hiện đại hóa và nâng cấp các lĩnh vực dịch vụ; đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; mở cửa thị trường…

(Luật sưJay L. Eizenstat, Esq của Hãng luật Miller & Chevalier Chartered )

4. Một số thách thức đặt ra

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, việc gia nhập TPP cũng sẽ đặt ra không ít khó khăn, thách thức lớn đối với Việt Nam. Dưới đây là những thách thức chủ yếu.

4.1. Gia tăng sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh

- Gia nhập TPP, sẽ làm gia tăng sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung năng lực cạnh tranh còn yếu, khả năng quản lý còn nhiều bất cập. Khi đàm phán TPP kết thúc, có khả năng cam kết giảm thuế của Việt Nam sẽ thấp hơn một chút so với những nước khác, do vẫn là nước đang phát triển, song Việt Nam vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh nhập khẩu. Theo đó, nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn.Ngay cả nông sản, chăn nuôi, vốn là một thế mạnh của Việt Nam, song nhiều mặt hàng được dự báo khó cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, như thịt lợn, thịt bò...

- Độ mở của nền kinh tế Việt Nam còn thấp và được bảo hộ nhiều hơn bất cứ quốc gia TPP nào. Trên thực tế, ở Việt Nam các thị trường dịch vụ, thị trường lao động, khoa học-công nghệ…vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh hoặc mới chỉ manh nha. Vì vậy, khi TPP chính thức có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với đòi hỏi từ các nước TPP về việc mở rộng cửa hơn nữa cho đầu tư nước ngoài ở nhiều lĩnh vực mà Việt Nam chưa thị trường hóa, chẳng hạn như viễn thông và dịch vụ tài chính. Thỏa mãn những yêu cầu này sẽ là thách thức về mặt kinh doanh và chính sách công.

- Việc tham gia Hiệp định TPP còn dẫn đến những thách thức lớn về cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, mà theo đánh giá của phía Mỹ là chiếm tới 40% GDP quốc gia. Các cam kết từ TPP cóthể gây ra một số hệ quả xã hội tiêu cực cho Việt Nam như tình trạng phá sản và thất nghiệp ở các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu. Ngoài ra, kết quả đàm phán nội dung lao động trong Hiệp định TPP có thể sẽ có tác động tới môi trường lao động ở Việt Nam.

4.2. Khó khăn đối với một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực

Hiệp định TPP đề cập đến tất cả các vấn đề của kinh tế, xã hội như thuế quan, hàng rào kỹ thuật, lĩnh vực phi truyền thống (lao động, môi trường, chống tham nhũng...) ở 22 nhóm lĩnh vực. Bên cạnh cơ hội giảm thuế, những rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ hay kiện phòng vệ thương mại với quy chế nền kinh tế phi thị trường mà Hoa Kỳ thực hiện, rất có thể sẽ vô hiệu hóa lợi ích từ việc giảm thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam. Chẳng hạn, những quy định của TPP về quy tắc xuất xứ, môi trường…sẽ gây khó khăn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: dệt may, thủy-hải sản…Điển hình ở quy tắc xuất xứ, Mỹ đòi hỏi hàng dệt may của Việt Nam phải tính từ khâu sợi, điều mà hiện nay doanh nghiệp Việt Nam khó đáp ứng và khả năng có đến 80% hàng hóa không đạt yêu cầu. Trong khi đó, Việt Nam đang theo đuổi nguyên tắc xuất xứ "cắt và may” trong TPP mà theo đó, dù hàng hoá với nguồn nguyên liệu từ các nước không là thành viên TPP vẫn được hưởng những ưu đãi thuế quan trong TPP. Còn về môi trường, có những yêu cầu cam kết cấm trợ cấp đánh bắt thủy hải sản có thể gây bất lợi đối với chính sách phát triển của ngành này...[3]

4.3. Sức ép kiện toàn khung khổ luật pháp và các chỉ tiêu theo chuẩn quốc tế

Việc cam kết và thực hiện các cam kết sâu và rộng trong khuôn khổ TPP sẽ đòi hỏi Việt Nam trong việc phải nhanh chóng kiện toàn hệ thống luật pháp; các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm, môi trường, xã hội…theo thông lệ quốc tế. Trong khi đó, hệ thống luật pháp của Việt Nam hiện nay kém phát triển hơn những đối tác khác trong TPP. Luật pháp của Việt Nam yếu từ khâu soạn thảo đến ban hành, thực thi. Hiện tại Việt Nam vẫn tồn tại tình trạng phải sử dụng nhiều văn bản dưới luật để triển khai một luật. Các bộ chỉ tiêu đánh giá chất lượng sản phẩm, mức độ phát triển của các ngành và cả nền kinh tế nói chung còn khác biệt lớn so với thông lệ quốc tế cả về chất lượng lẫn phương thức tính toán. Chẳng hạn, chỉ tiêu giảm nghèo là tính theo chuẩn riêng của Việt Nam.

Để thực thi cam kết trong Hiệpđịnh TPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi nhiều quy định pháp luật cũng như các chỉ tiêu chất lượng về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ…Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc đưa hệ thống quy định pháp luật và các chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu kinh tế-xã hội lên một mức tương xứng với các bên khác trong TPP là vô cùng khó khăn.

4.4.Khoảng cách quá lớn về trình độ phát triển

Thách thức nghiêm trọng nhất đối với Việt Nam bao trùm cả những thách thức nêu trên là Việt Nam hiện có khoảng cách quá lớn về trình độ phát triển so với tất cả các nước thành viên TPP. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có những khác biệt lớn với các đối tác trong TPP. Chẳng hạn:

- Về kinh tế thị trường: Việt Nam chưa có kinh tế thị trường đúng nghĩa. Kinh tế thị trường ở Việt Nam là "theo định hướng XHCN”, không thật sự tôn trọng các quy luật của thị trường về cung cầu-cạnh tranh-giá cả. Thị trường ở Việt Nam về cơ bản mới có thị trường sản phẩm; thị trường vốn, lao động, khoa học công nghệ…phát triển chưa đáng kể. Mỹ là đối tác lớn nhất trong TPP hiện cũng vẫn cho rằng Việt Nam là một nền "kinh tế phi thị trường” và áp đặt các hạn chế đối với ngành dệt may, thuỷ sản…của Việt Nam.

- Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong công cuộc tự do hoá nền kinh tế và đã trở thành thành viên của WTO. Tuy vậy, Việt Nam vẫn gặp nhiều chỉ trích về các tiêu chuẩn lao động, sở hữu trí tuệ và vấn đề tham nhũng. Riêng về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách các nước bị phía Mỹ theo dõi, một phần do sản phẩm lậu và nhái vẫn được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, bao gồm cả vi phạm bản quyền online.

- Về quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các đối tác trong TPP chủ yếu là quan hệ "hàng dọc”, nghĩa là xuất khẩu nguyên liệu thô, sản phẩm gia công; nhập khẩu công nghệ, máy móc…

Những yếu tố nêu trên sẽ làm hạn chế đáng kể khả năng tận dụng cơ hội, vượt qua các thách thức từ TPP của Việt Nam.

4.5. Tác động tiêu cực đối với chính sách đối ngoại "cân bằng nước lớn”

Việt Nam chủ trương thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ. Trong quan hệ với các nước lớn là Mỹ và Trung Quốc, thời gian qua Việt Nam thực hiện chính sách ‘cân bằng”. Tuy nhiên, việc Việt Nam gia nhập TPP – "sân chơi” chủ yếu do Mỹ dẫn dắt - đang gây ra những quan ngại và hiểu lầm từ phía Trung Quốc. Trên báo chí Trung Quốc hiện tồn tại quan điểm khá phổ biến là: Mỹ lợi dụng TPP để lôi kéo Việt Nam, Nhật Bản và một số nước khác thực hiện âm mưu "bao vây” Trung Quốc. Chiến lược của Hoa Kỳ và Nhật Bản là cách ly và làm giảm tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực thông qua TPP. Từ năm 2001, sau khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc đã ngay lập tức tận dụng tư cách này để đưa ra một đề xuất rất hấp dẫn về một hiệp định thương mại tự do với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (CAFTA). Đồng thời, thực hiện "chương trình thu hoạch sớm”, đồng ý cắt giảm các khoản thuế nông nghiệp ngay lập tức với các nước ASEAN. Sau đó, ngày 1/1/2010, CAFTA giữa Trung Quốc và mười nước thành viên ASEAN đã chính thức đi vào hoạt động, trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, xét về quy mô dân số. Gần đây, nhiều chuyên gia phân tích của Trung Quốc cũng cho rằng, TPP sẽ là đường dẫn cho sự tham gia nhiều hơn của Mỹ tại khu vực, đồng thời Mỹ cũng đang cố gắng thay đổi các thể thức thương mại theo cách "vạch một đường phân chia xuống Thái Bình Dương". TPP sẽ là những viên gạch nền, là hạt nhân cho một khu vực thương mại châu Á - Thái Bình Dương phục vụ lợi ích thực tế và lâu dài của Mỹ đối với châu Á, và trên hết là tăng cường địa vị, vai trò của Mỹ tại khu vực này. Theo đó, làm suy giảm ảnh hưởng của Trung Quốc.Trong bối cảnh nêu trên, TPP đang và sẽ đặt ra những khó khăn cho Việt Nam trong việc tiếp tục thực hiện chính sách "cân bằng” nước lớn.

5. Một số giải pháp, kiến nghị

TPP hay bất cứ hiệp định tự do thương mại nào khác đều có tính hai mặt của nó, bao gồm cả cơ hội và thách thức với nền kinh tế. Việc tận dụng hiệu quả cơ hội mà TPP mang lại phụ thuộc rất lớn vào sự trưởng thành, tầm nhìn và chủ nghĩa thực dụng cần thiết của mỗi quốc gia. Từ thực tế cơ hội và thách thức mà TPP đặt ra với Việt Nam như đã phân tích ở; trên cơ sở góc nhìn nghiên cứu chiến lược, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị để góp phần giúp Việt Nam tận dụng được cơ hội và ứng phó tốt hơn các thách thức, như sau:

Một là, Việt Nam cần tham gia TPP ngay trong giai đoạn đàm phán với tinh thần tích cực, chủ động hơn nữa. Theo đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến doanh nghiệp, người dân trong từng ngành, lĩnh vực để nhận thức rõ cơ hội và thách thức, có sự chuẩn bị tốt đón TPP ngay từ khi hiệp định đang đàm phán. Bài học từ việc gia nhập WTO cho thấy, nếu chỉ chuẩn bị đàm phán tốt mà không tận dụng cơ hội tốt, hiệu quả kinh tế mà hiệp định mang lại sẽ không đáng kể. Do vậy, ngay từ thời điểm này, song song với việc chuẩn bị đàm phán hiệu quả, cần phải nhanh chóng xây dựng và triển khai một chiến lược tận dụng cơ hội và ứng phó với các thách thức của TPP một cách hiệu quả. Theo đó, ở cấp chính phủ, cần thành lập một ban chỉ đạo liên ngành, tập hợp quan chức và chuyên gia giỏi từ các bộ, ngành, đại diện doanh chủ chốt để phối hợp xây dựng chính sách, triển khai một chiến lược tổng thể đưa Việt Nam gia nhập TPP thành công trong những năm tới.

Trong các giải pháp ứng phó với những tác động tiêu cực của TPP, cần đặc biệt chú trọng xây dựng chính sách hỗ trợ các ngành, lĩnh vực và đối tượng bị tác động nhiều nhất. Chẳng hạn, đối với ngành dệt may, cần chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ để giảm nhập nguyên liệu từ Trung Quốc; với ngành nuôi trồng thủy sản, cần tăng cường năng lực để nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường Mỹ; với khu vực doanh nghiệp nhà nước, cần có phương án hỗ trợ bảo hiểm, đào tạo nghề cho người lao động mất việc làm…

Nhiều khả năng thời điểm đàm phán TPP kết thúc cũng là thời điểm Việt Nam kết thúc một thời kỳ chiến lược phát triển kinh tế xã hội 5 năm và chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới (2015). Theo đó, nếu Việt Nam chủ động và tận dụng tốt các cơ hội mà TPP mang lại, điều này sẽ tạo nên động lực có tính "cộng hưởng” với các chính sách đổi mới quyết liệt mà Việt Nam đang và sẽ ban hành sau Đại hội Đảng XII, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Hai là, để tham gia TPP hiệu quả, Việt Nam cần đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết cải cách, phát triển kinh tế thị trường, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, xác định cải cách thể chế kinh tế là then chốt. Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã chỉ đúng các "căn bệnh” của nền kinh tế và đưa ra các cam kết cải cách về tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và thực hiện "ba đột phá chiến lược”; xây dựng nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, tiến trình cải cách diễn ra vẫn chậm chạp, kém hiệu quả. Chẳng hạn, về môi trường kinh doanh, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, thứ hạng của Việt Nam không thay đổi (vẫn xếp 99/189 nền kinh tế vào năm 2013), dù kể từ năm 2005 đến nay, Việt Nam đã thực hiện 21 cải cách, nhiều nhất trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Về đầu tư, từ năm 2007, Chính phủ đã chủ trương nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư, nhưng đến nay, cơ cấu, chất lượng đầu tư vẫn không chuyển biến rõ rệt[4]. Việc cải cách thể chế, chuyển sang nền kinh tế thị trường, xóa bỏ độc quyền trong nhiều ngành, lĩnh vực, dù đã có chủ trương đúng, song triển khai rất chậm. Nhiều mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2015 được dự báo sẽ không đạt[5]. Do vậy, muốn xóa bỏ được các "rào cản” để hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và tham gia TPP nói riêng một cách vững chắc, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách, đổi mới và sớm xây dựng nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó.

Ba là, cần nhanh chóng kiện toàn hệ thống luật pháp, hệ thống các chỉ tiêu đánh giá kinh tế cho phù hợp thông lệ quốc tế. Trên thực tế, phần lớn các tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam còn kém xa so với các nước khác trong TPP. Hệ thống số liệu thống kê tại Việt Nam vừa thiếu, vừa lạc hậu so với thế giới. Nhiều chỉ tiêu định lượng về kinh tế, xã hội, môi trường, khoa học - công nghệ…không có đủ số liệu đánh giá,[6]hoặc sử dụng không đúng (chẳng hạn việc quá coi trọng tốc độ tăng GDP). Một khi hệ thống chỉ tiêu của Việt Nam còn khác biệt quá nhiều với các thành viên TPP, việc hợp tác, hội nhập sẽ rất khó khăn. Do vậy, để bước vào "sân chơi” TPP đầy mới mẻ thì cùng với nỗ lực cải cách, đổi mới nền kinh tế, việc cải thiện hệ thống luật pháp, xây dựng các tiêu chí theo thông lệ quốc tế và từng ngành, lĩnh vực phải vươn lên nâng cao chất lượng theo chuẩn chung của thế giới có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

TS Trần Hồng Quang ThS Nguyễn Quốc Trường

(Viện Chiến lược phát triển, Bộ KHĐT)

(Bài đã đăng Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Gia nhập TPP - cơ hội và thách thức đối với Việt Nam và ASEAN, do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp Quỹ Rosa Luxemburg tổ chức ngày 20/3/2014)


Tài liệu tham khảo

1. Bộ Công thương, 2012, Kỷ yếu tọa đàm khoa học: Kinh nghiệm quốc tế về chiến lược hội nhập kinh tế

2. Dự án hỗ trợ thương mại đa biên EU-VN (MUTRAP)/Kinh nghiệm quốc tế về chiến lược hội nhập kinh tế/Kỷ yếu hội thảo, tháng 5/2012

3. Đại học Ngoại Thương, 2012,Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương: cơ hội và những vấn đề đặt ra, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông

4. Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Môi trường đầu tư hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam

5. http://www.voxeu.org/article/trans-pacific-partnership-and-implications-europe

6.http://www.baomoi.com/Canada-nhan-loi-chinh-thuc-tham-gia-dam-phan-TPP/119/8721453.epi

7.http://www.brecorder.com/top-news/1-front-top-news/54679-thousands-in-japan-protest-asia-pacific-trade-pact.html

8.Ian F.Fergusson và Bruce Vaughn, 2011,Hiệp định hợp tác Châu Á – Thái Bình Dương(Trans-Pacific Partnership Agreement), Ban nghiên cứu quốc hội, Hoa Kỳ)

9. Peter A. Petri, Michael G. Plummer, Fan Zhai/Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và hội nhập Châu Á – Thái Bình Dương: Đánh giá định lượng2. 3.Thông tấn xã Việt Nam- Tin kinh tế, 2012,Nhật Bản "lỗi hẹn” với TPP, số 1347 TTX

10. Thông tấn xã Việt Nam- Tin kinh tế, 2012,Ai sẽ hưởng lợi nếu Nhật Bản tham gia TPP, số 1222 TTX

11. Thông tấn xã Việt Nam- Tin kinh tế, 2012,Đàm phán TPP có phải là lựa chọn tối ưu cho Canada, số 206 TTX

12. Trung tâm Đông – Tây (East – West Center), 2011,Hợp tác xuyên Thái Bình Dương và hội nhập Châu Á – Thái Bình Dương: Đánh giá định lượng (Trans-Pacific Partnership and Asia-Pacific integration: Quantitative Assessment)

 


 

1. Lịch sử hình thành và diễn biến đàm phán TPP/ http://www.trungtamwto.vn/trang/lich-su-hinh-thanh-va-dien-bien-dam-phan-tpp.

2. Tham gia TPP-kẻ mừng, người lo/Thời báo kinh tế VN, số 1/6/2013.

3. Nghiên cứu thực hiện trong thời điểm Nhật Bản chưa chính thức tham gia đàm phán và Đài Loan chưa tuyên bố quan tâm đàm phán TPP.

4. Theo nhận định của ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương.

5. Kỷ yếu hội thảo "Môi trường đầu tư hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam”/Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 11/2013.

6.Dự kiến đến năm 2015, trong số 18 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XI, có 9 chỉ tiêu đạt được, 7 chỉ tiêu không đạt và 2 chỉ tiêu không đủ số liệu đánh giá (Theo nghiên cứu của Viện CLPT, Bộ KHĐT).

7. Chẳng hạn chỉ tiêu về tỷ lệ tăng thu nhập của nông dân, theo Nghị quyết Đại hội XI; chỉ tiêu về tiêu hao năng lượng/GDP…