Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng: Chặng đường đã qua, thuận lợi mới, khó khăn mới
19/06/2014 16:11
Tóm tắt: Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng (VBBMR) là sáng kiến do Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đề xuất từ năm 2006 và được các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ASEAN nhất trí nghiên cứu, triển khai. Trải qua chặng đường gần mười năm, dù đã đạt những kết quả nhất định, song khuôn khổ hợp tác này vẫn bộc lộ không ít hạn chế về cơ chế phối hợp, các chương trình hợp tác, tính khả thi; chưa thật sự tạo thành một "kênh” thúc đẩy hợp tác kinh tế Trung Quốc-ASEAN như mục tiêu đặt ra. Trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều thay đổi và hợp tác KTVBBMR có sự tham gia mạnh mẽ hơn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gần đây, chương trình hợp tác tiểu vùng này đang có những chuyển biến mang tính "bước ngoặt” với cơ hội mới và cả những khó khăn mới.
Từ khóa: Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng; Khu kinh tế VBB Quảng Tây; Hai hành lang một vành đai; Trung Quốc-ASEAN.
1.Khái quát về hợp tác kinh tế VBBMR
a. Bối cảnh hợp tác
Hợp tác kinh tế VBBMR diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc - ASEAN đã phát triển mạnh trong những năm vừa qua, với các dấu mốc quan trọng.
Về quan hệ chính trị, đối ngoại: Từnăm 1991, Trung Quốc vàASEN bắt đầu xây dựng quan hệ đối thoại đến, đến năm 1997, hai bên đã ký kết Tuyên bố chung Trung Quốc - ASEAN hướng tới thế kỷ 21 (năm 1997). Cuối năm 2002 Trung Quốc và ASEAN đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện cùng hướng tới hoà bình và phồn vinh[1]. Năm 2003, hai bên đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược. Theo đó, nâng cấp quan hệ từ đối thoại chiến lược sang đối tác chiến lược với phương châm hợp tác toàn diện, mở cửa, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, hợp tác khu vực và quốc tế…Từ năm 2005 đến nay, tại các kỳ họp cấp cao Trung Quốc - ASEAN, lãnh đạo các bên tiếp tục khẳng định và đề xuất các biện pháp tăng cường hợp tác, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược theo tinh thần của Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc.
Về hợp tác kinh tế: Trong khoảng 10 năm qua, ASEAN - Trung Quốc đã ký một loạt các Hiệp định quan trọng như: Hiệp định Thương mại hàng hóa và Hiệp định về cơ chế giải quyết tranh chấp (tháng 11/2004), Hiệp định Thương mại dịch vụ(1/2007), Hiệp định Đầu tư (8/2009), hoàn tất và thực hiện Hiệp định tự do thương mại Trung Quốc-ASEAN (CAFTA) từ tháng 1/2010. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN vào năm 2009 và ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc từ năm 2011. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC), thương mại song phương Trung Quốc-ASEAN đã tăng mạnh trong thập kỷ qua, từ 54,77 tỉ USD năm 2002 lên 400,1 tỉ USD vào năm 2012, với mức tăng trung bình 22%/năm. Thương mại Trung Quốc-ASEAN dự kiến đạt 500 tỉ USD vào năm 2015. Tính đến cuối tháng 6/2013, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước ASEAN đạt gần 30 tỉ USD và đầu tư trực tiếp từ các nước ASEAN vào Trung Quốc cũng vượt qua con số 80 tỉ USD[2]. Về phía Trung Quốc, những năm gần đây nước này còn tập trung xây dựng điểm tăng trưởng mới Trung Quốc - ASEAN nhằm khai thác vai trò của Quảng Tây làm cầu nối (cả trên bộ và trên biển) trong giao lưu hợp tác với các nước Đông Nam Á.
Hợp tác kinh tế VBBMR đã ra đời và được từng bước triển khai trong bối cảnh nêu trên. Vào tháng 7/2006 tại Diễn đàn hợp tác kinh tế VBBMR lần thứ nhất tổ chức tại thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), ông Lưu Kỳ Bảo, lúc đó là Bí thư Đảng Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây lần đầu tiên đưa ra sáng kiến "một trục hai cánh”. "Một trục” là Hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore; "hai cánh” là Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng và Hợp tác kinh tế VBBMR. Theo đó, Trung Quốc chủ trương hình thành hai mảng hợp tác lớn trong khu vực là hợp tác kinh tế trên biển(Hợp tác kinh tế xuyên Vịnh Bắc Bộ)và hợp tác kinh tế trên bộ(Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng và Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore),nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện Trung Quốc - ASEAN.
Sáng kiến này sau đó đã được các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc-ASEAN nhất trí xem xét, nghiên cứu triển khai và nhanh chóng được Chính phủ Trung ương Trung Quốc phê chuẩn, đồng thời được các bộ, ngành và địa phương của Trung Quốc triển khai tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế, những năm gần đây, Trung Quốc chỉ chú trọng thúc đẩy mạnh hợp tác kinh tế VBBMR.
b. Mục tiêu vànhững nội dung hợp tác chủyếu
Mục tiêu hợp tác:"Báo cáo nghiên cứu khả thi hợp tác kinh tế VBBMR”, do Nhóm chuyên gia hỗn hợp hợp tác kinh tế VBBMR gồm các chuyên gia của Trung Quốc và các nước ASEAN soạn thảo, thông qua tháng 9/2011, xác định mục tiêu chung của hợp tác kinh tế VBBMR là: Thiết lập một cơ chế hợp tác tiểu vùng, tạo đòn bẩy toàn diện cho hệ thống vận tải trên biển và duyên hải, tăng cường hợp tác cảng biển và tiếp vận, đẩy mạnh liên kết công nghiệp và phân công lao động, phát triển các ngành kinh doanh duyên hải, hợp tác phát triển tài nguyên biển, xúc tiến phát triển các thành phố ven biển, thiết lập các cụm cảng hỗ trợ lẫn nhau, các cụm công nghiệp và cụm thành phố với sự bổ sung mạnh mẽ và tính đa dạng, đồng thời đẩy nhanh việc phát triển bền vững kinh tế, xã hội trong khu vực[3].
Ngoài các mục tiêu chung nêu trên, việc Trung Quốc tích cực đề xuất và triển khai sáng kiến "Một trục hai cánh” nói chung và hợp tác kinh tế VBBMR nói riêng còn nhằm củng cố môi trường hòa bình, ổn định xung quanh, tạo vành đai an ninh ở phía Nam, tăng sự hiện diện, nâng cao vị thế nước lớn của Trung Quốc ở Đông NamÁ; ngăn chặn ảnh hưởng của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, Nhật ở khu vực này, nhất là trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh thực hiện chiến lược "trở lại châu Á” trong năm 2012…Bên cạnh đó, Trung Quốc muốn thông qua hợp tác kinh tế VBBMR để mở rộng không gian phát triển, thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, nguồn cung cấp nguyên liệu, năng lượng, thu hút đầu tư, du lịch... giành vị trí có lợi nhất trong tiến trình liên kết kinh tế khu vực và tiểu vùng. Đồng thời, cụ thể hóa và tận dụng tối đa lợi ích hợp tác toàn diện Trung Quốc - ASEAN trong khung khổ CAFTA. Sáng kiến hợp tác kinh tế VBBMR cũng phù hợp với Chiến lược quốc gia phát triển hướng Nam của Trung Quốc. Trung Quốc coi Đông Nam Á và Nam Á là khu vực trọng điểm thúc đẩy chính sách ngoại giao"láng giềng hoà mục, láng giềng cùng giàu"của nước này.
Phạm vi không gian hợp tác: Phạm vi không gian hợp tác kinh tế VBBMR được xác định không thật sự rõ ràng. Ban đầu, khi Trung Quốc mới đưa ra sáng kiến hợp tác này, không gian hợp tác được xác định là một số tỉnh, thành phố phía nam của Trung Quốc và các nước ASEAN dọc theo Hành lang kinh tế Nam Ninh-Singapore, như: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia Singapore và Brunei. Tuy nhiên, đến nay phạm vi khuôn khổ hợp tác này đã bao trùm hầu hết các nước ASEAN. Về phía Trung Quốc, theo Lộ trình hợp tác kinh tế VBBMR mà Trung Quốc đưa ra tháng 7/2012, không gian hợp tác còn được đề nghị mở rộng trong thời gian tới, với sự tham gia của Hồng Công, Ma Cao và Đài Loan. Theo tính toán của Nhóm chuyên gia hỗn hợp Trung Quốc - ASEAN, thì ngay ở thời điểm Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy mạnh hợp tác kinh tế VBBMR, năm 2008, khu vực hợp tác kinh tế VBBMR đã có quy mô dân số 1,8 tỷ người; tổng GDP khoảng 5,7 nghìn tỷ USD và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4,4, nghìn tỷ USD[4].
Các lĩnh vực hợp tác chủ yếu:Nội dung chính của hợp tác kinh tếVBBMR ngay từ đầu được xác định gồm có: xây dựng cơsở hạ tầng giao thông, tạo tác động lôi cuốn các ngành nghề phát triển. Ưu tiên phát triển ba lĩnh vực: (1) vận tải, giao thông đường biển; (2) tài chính ngân hàng, ngư nghiệp, nông nghiệp, khai thác tài nguyên, du lịch và bảo vệ môi trường; (3) đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục, y tế, phòng chống bệnh dịch.
Về hợp tác xuyên quốc gia, trọng tâm làthiết kế vàxây dựng mạng lưới hạtầng khu vực bao gồm:
- Cảng biển: Xây dựng Ủy ban hợp tác cảng biển Vịnh Bắc Bộ, thông qua xây dựng mạng thông tin và hệ thống hợp tác cảng vụ để phát triển mạng cảng biển Vịnh Bắc Bộ.
- Đường sắt: xây dựng hệ thống đường sắt Nam Ninh - Singapore, kết nối Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phnompenh, Bangkok và Kuala Lumpur.
- Đường bộ: xây dựng hệ thống đường cao tốc Nam Ninh - Singapore, kết nối HàNội, Viêng Chăn, Bangkok và Kuala Lumpur.
- Đường không: mở cửa thị trường hàng không, tăng tuyến bay giữa các thành phố trong khu vực
Đến tháng 7/2012, Trung Quốc cụ thể hóa các lĩnh vực hợp tác bao gồm 7 chương trình cụ thể:
1. Chương trình hợp tác cảng biển và Logistic;
2. Chương trình hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ;
3. Chương trình hợp tác nông nghiệp;
4. Chương trình thúc đẩy thương mại;
5. Chương trình thúc đẩy đầu tư;
6. Chương trình thúc đẩy tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào hợp tác kinh tế VBBMR;
7. Chương trình xây dựng các cơ sở hợp tác kinh tế và thương mại VBBMR[5].
Bảng 1: Lượng thông quan tại các cảng chính trong khu vực vịnh Bắc bộ mở rộng năm 2011
Quốc gia | Cảng | Khối lượng thông quan (triệu tấn) | Khối lượng chuyên chở qua container (triệu TEU) | |
Bru-nây | Muara | 1.23 | 0.101 | |
Campuchia | Sihanoukville | 2.22 | 0.223 | |
Indonesia | Jakarta | 43.20 | 3.82 | |
Tanjung Priok | 42.03 | 4.71 | ||
Malaysia | Kelang | 170.83 | 8.87 | |
Tanjung Pelepas | 132.51 | 6.53 | ||
Mianma | Yangon | 2.77 | 0.085 | |
Philippin | Manila | 70.32 | 3.16 | |
Singapore | Singapore | 502.50 | 28.43 | |
Thái Lan | Laem Chabang | 62.00 | 5.19 | |
Việt Nam | Tp. Hồ Chí Minh/Cái Mép | 56.30 | 4.11 | |
Hải Phòng | 15.69 | 0.954 | ||
Trung Quốc | Quảng Đông | Thâm Quyến | 220.98 | 22.51 |
Quảng Châu | 411 | 12.5457 | ||
Quảng Tây | Các cảng dọc Vịnh Bắc Bộ | 119.23 | 0.564 | |
Hải Nam | Hải Khẩu | 52.03 | 62 |
Nguồn: Bảy chương trình trong khuôn khổ hợp tác kinh tế VBBMR, tháng 7/2012.
Bảng 2: Tình trạng cơ bản của các tuyến cao tốc/tuyến đường và đường sắt dọc Hành lang Nam Ninh - Singapore
Quốc Gia | Tuyến cao tốc/Tuyến đường | Đường sắt |
Trung Quốc (từ Nam Ninh, Quảng Tây tới Cửa khẩu Hữu Nghị | Cao tốc | Khổ chuẩn |
Việt Nam | Đường cấp I và II | Khổ 1m |
Lào | Đường cấp II và III | Khổ 1m |
Campuchia | Đường cấp II và III | 148km đường sắt nối Phnompenh và Kampot ở biên giới với Việt Nam và 48km giữa Sisophon và Poipet ở biên giới Thái Lan cần được sửa chữa. 228km đường sắt giữa Phnôm-pênh và Lộc Ninh, Việt Nam cần được xây dựng. |
Thái Lan | Cao tốc và đường cấp I | Khổ 1m |
Malaysia | Cao tốc | Khổ 1m |
Singapore | Cao tốc | Khổ 1m |
Nguồn: Bảy chương trình trong khuôn khổ hợp tác kinh tế VBBMR, tháng 7/2012.
2. Chặng đường đã qua, tình hình triển khai và những bất cập
a. Tình hình triển khai phía Trung Quốc
Kể từ năm 2008, Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế VBBMR. Theo đó, ngày 16/01/2008 Quốc vụ viện Trung Quốcđã phê chuẩn"Quy hoạch phát triển Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây",đưa khu kinh tế này lên tầm chiến lược quốc gia, nhằm xây dựng khu vực này thành cơ sở trung chuyển hàng hoá, cơ sở mậu dịch, cơ sở chế tạo, trung tâm trao đổi thông tin chính... trong hợp tác giữa Trung Quốc với ASEAN. Phạm vi của khu kinh tế này gồm thành phố Nam Ninh và 3 thành phố lớn ven biển là Phòng Thành, Khâm Châu và Bắc Hải, với tổng diện tích 42.500 km2(chiếm 17,9% diện tích tỉnh Quảng Tây), dân số 12,6 triệu người, trong đó dân số nội thành khoảng 4 triệu người(dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 10 triệu người. Chính phủ Trung Quốc coi Khu kinh tế VBB Quảng Tây là một trong ba khu kinh tế hàng đầu, là"Khu hợp tác kinh tế khu vực và quốc tế"quan trọng bậc nhất của Trung Quốc, có vai trò to lớn trong chiến lược cải cách, mở cửa và trở thành khu vực hợp tác trọng điểm của Trung Quốc với các nước ASEAN. Theo đó, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh đầu tư phát triển khu vực này, tập trung vào xây dựng hệ thống cảng biển, đường cao tốc, các khu công nghiệp. Theo quy hoạch cho giai đoạn 5 năm (2009-2013), Khu kinh tế VBB Quảng Tây triển khai hơn 2.300 dự án, với tổng số vốn khoảng 300 tỷUSD[6].
Đến nay, Quảng Tây cũng đã được quy hoạch bài bản và đầu tư lớn để trở thành "đầu cầu” kết nối Trung Quốc với ASEAN, thông qua Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore. Cơ sở hạ tầng của Khu kinh tế VBB Quảng Tây đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ.
Về cảng biển,Quảng Tây đã thông qua "Quy hoạch tổng thể cảng biển VBB Quảng Tây", theo đó tại đây sẽ xây dựng 1.098 cầu cảng, trong đó có 533 cầu cảng nước sâu và vừa với lượng hàng hóa thông qua năm 2010 đạt 100 triệu tấn; năm 2012 đạt 230 triệu tấn; dự kiến năm 2020 là 300 triệu tấn và năm 2030 sẽ đạt 500 triệu tấn. Về đường bộ, đến năm 2013, tổng chiều dài đường cao tốc đã thông xe đạt 1.048 km; tổng chiều dài đường sắt đã được xây dựng đạt 970 km và tổng chiều dài đường sắt cao tốc đã và đang được xây dựng là 536 km; hệ thống kho bãi, các khu công nghiệp, khu bảo thuế hiện đại cũng đã được xây dựng và hoàn thiện[7].
Về công nghiệp, Trung Quốc đã quy hoạch Khu kinh tế VBB Quảng Tây thành trung tâm công nghiệp với các ngành: nghiệp nặng, điện năng, lọc hóa dầu, hóa chất, sản xuất thép, kim loại mầu, cơ khí đóng tầu, sản xuất đường, giấy... Trung Quốc đã di chuyển nhiều nhà máy công nghiệp nặng từ ba tỉnh Đông Bắc và các tỉnh miến Trung, miền Đông về khu vực này. Trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 11 (2006 - 2010) vừa qua, Quảng Tây đã tập trung phát triển theo định hướng: xây dựng Nam Ninh thành trung tâm thương mại, chế tạo công nghệ cao; Bắc Hải là trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ hải sản; Khâm Châu phát triển ngành hoá dầu, chế tạo bột giấy; Phòng Thành là trung tâm trao đổi hàng hoá, phát triển ngành gang thép... Mấy năm gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nhưng Khu kinh tế VBB Quảng Tây(gồm 4 Thành phố Nam Ninh, Phòng Thành, Khâm Châu, Bắc Hải) vẫn phát triển rất nhanh, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2006 - 2010 đạt trên 15 %/năm, đã trở thành đầu tàu thúc đẩy kinh tế của Quảng Tây phát triển...[8]
Cùng với việc tăng cường đầu tư phát triển để Quảng Tây trởthành "cực tăng trưởng”mới và đi đầu trong hợp tác kinh tế VBBMR, chính phủ Trung Quốc gần đây đã tăng cường sự điều phối của trung ương, mở rộng thêm vai tròcủa các địa phương khác như Quảng Đông và Hải Nam, Vân Nam trong hợp tác kinh tế VBBMR. Tại các Diễn đàn hợp tác kinh tế VBBMR tổ chức thường niên ở Nam Ninh trong mấy năm gần đây, các địa phương Quảng Đông, Hải Nam, Vân Nam…đều đã chủ động và tích cực tham gia hơn. Quảng Đông có Thành phố cảng Khâm Châu nằm bên bờ phía Đông bán đảo Lôi Châu(liên quan trực tiếp với khu vực VBB), là một cảng biển lớn của Quảng Đông (quy mô hơn 100 triệu tấn/năm), đồng thời là cửa mở gần nhất của tỉnh Quảng Đông để mở ra Vịnh Bắc Bộ giao thương với các nước ASEAN và các khu vực Trung Cận Đông, châu Âu, châu Mỹ... Vì vậy Khâm Châu đóng vai trò hết sức quan trọng.
Trong khi đó, Hải Nam là một đảo lớn ở bờ Đông Vịnh Bắc Bộ và là đặc khu kinh tế lớn nhất của Trung Quốc, có ưu thế nổi bật về du lịch. Ngày 31/12/2009, Chính phủ Trung Quốc đã chính thức ban hành"Ý kiến của Quốc vụ viện về thúc đẩy và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam”. Theo đó, hướng tới mục tiêu xây dựng Hải Nam trở thành đảo du lịch lớn và hiện đại, đạt trình độ cao của du lịch quốc tế sau 5 năm tới, mở ra triển vọng hợp tác lớn về du lịch với ASEAN[9].
b.Sự tham gia hợp tác từ phía ASEAN
Giai đoạn trước 2010: Khi Trung Quốc mới đưa ra sáng kiến hợp tác kinh tế VBBMR, nhìn chung các nước ASEAN chưa có quan điểm chính thức về vấn đề này. Chỉ có Singapore hưởng ứng sáng kiến này, song cũng có mức độ. Các nước ASEAN cũng chưa thống nhất với đề xuất của Trung Quốc đưa hợp tác kinh tế VBBMR vào khuôn khổ hợp tác Trung Quốc - ASEAN. Một số nước cho rằng, khuôn khổ hợp tác này chỉ liên quan đến Trung Quốc và các nước có lãnh thổ trên Biển Đông, do đó không nên đưa vào cơ chế hợp tác ASEAN – Trung Quốc.
Về lĩnh vực hợp tác, các nước Indonesia, Philippines chỉ đồng ý hợp tác trong một số lĩnh vực như hợp tác cảng biển. Hầu như chưa nước ASEAN nào lập Nhóm chuyên gia cũng như cử cơ quan đầu mới phụ trách hợp tác kinh tế VBBMR. Nhìn chung, từ năm 2010 trởvềtrước, tình hình triển khai hợp tác kinh tế VBBMR của Trung Quốc không được như mong muốn. Hợp tác Trung Quốc với các nước ASEAN có tiến triển, nhưng tốc độ triển khai chậm. Đa số các nước ASEAN còn thận trọng, cảnh giác và chưa thấy rõ lợi ích khi tham gia khuôn khổ hợp tác này.
Giai đoạn từ năm 2010 đến nay: Cùng với việc Trung Quốc tích cực thúc đẩy hợp tác và sự hấp dẫn to lớn từ nền kinh tế lớn mạnh của Trung Quốc, các nước ASEAN đã đáp ứng tích cực hơn, ở mức độ khác nhau đối với sáng kiến hợp tác VBBMR. Theo "Bảy chương trình hợp tác kinh tế VBBMR” mà Trung Quốc đưa ra năm 2012, thì một số công trình, dự án lớn trong khuôn khổ hợp tác kinh tế VBBMR đã được triển khai tại các nước ASEAN. Chẳng hạn, tại Thái Lan, năm 2011, đã xây dựng xong cây cầu thứ 3 nối liến Nakhon Phanom của Thái và Thakhek của Lào. Cây cầu này đã tạo ra tuyến lưu thông thuận tiện nối Nam Ninh của Trung Quốc qua miền Trung Việt Nam, miền Trung và Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, qua Kuala Lumpuar tới Singapore.Tại Lào, tháng 4/2011, Trung Quốc và Lào đã ký kết Biên bản ghi nhớ về Hiệp định hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, để cụ thể hóa Hiệp định đẩy mạnh hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng mà lãnh đạo hai nước đã ký kết. Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Trung Quốc – Lào tổng chiều dài 421 km, tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD cũng đã được Quốc hội Lào thông qua năm 2011 và đang được xúc tiến triển khai. Tại khu vực VBBMR, đến nay Trung Quốc đã xây dựng các khu hợp tác kinh tế và thương mại tại 4 nước thành viên ASEAN, gồm: Khu kinh tế Sihanoukville ở Campuchia; Khu công nghiệp Rayong Thái Lan –Trung Quốc ở Thái Lan; Khu CN Long Giang ởViệt Nam; Khu hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc– Indonesia ở Indonesia[10].
Tuy nhiên, trên thực tế, các công trình, dự án nêu trên đều là các dự án hợp tác song phương giữa chính phủ Trung Quốc và từng nước ASEAN, không thật sự xuất phát từ những cam kết, chương trình hợp tác cụ thể trong khuôn khổ hợp tác kinh tế VBBMR. Nhìn chung trong thời gian qua, các nước ASEAN vẫn dè dặt và bị động trước những đề xuất về hợp tác kinh tế VBBMR của Trung Quốc. ASEAN chưa thấy lợi ích rõ ràng từ hợp tác kinh tế VBBMR và còn nhiều băn khoăn về cơ chế, cách thức hợp tác...
c. Một số hạn chế, bất cập
Có thể thấy, trong thời gian qua, hợp tác kinh tế VBBMR đã đạt được một số thành quả nhất định. Nhờ sáng kiến hợp tác này, Quảng Tây (Trung Quốc) đã phát triển nhanh chóng. Các diễn đàn hợp tác kinh tế VBBMR và một số hội nghị liên quan cũng góp phần tạo thêm "kênh” giao lưu, hợp tác, tăng cường hiểu biết giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Tuy nhiên, trong chặng đường vừa qua, khuôn khổ hợp tác này cũng đã bộc lộ rõ một số hạn chế, bất cập chủ yếu dưới đây.
Một là, thời gian qua hợp tác KTVBBMR chủ yếu diễn ra từ phía Trung Quốc. Sự tham gia của các nước ASEAN còn rất hạn chế. Trung Quốc đã chủ động đề xuất và dẫn dắt các chương trình hợp tác và đầu tư lớn cho quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng tại Quảng Tây để phục vụ hợp tác KTBBBMR. Liên tục từ các năm 2006 đến 2012, Trung Quốc đã tổ chức diễn đàn hằng năm tại TP Nam Ninh và nhiều hội nghị, hội thảo liên quan bàn thảo phương hướng, giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế VBBMR. Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế VBBMR, thì các nước ASEAN dù hưởng ứng sáng kiến hợp tác này, song nhìn chung còn tham gia hợp tác một cách bị động và chưa hiệu quả.Trong các nước ASEAN, ngoại trừ Việt Nam là nước láng giềng có chung VBB với Trung Quốc, quan tâm và tích cực chuẩn bị tham gia sáng kiến hợp tác KTVBBMR, đa số các nước ASEAN khác chưa thật sự quan tâm các chương trình hợp tác mà Trung Quốc đề xuất. Do vậy, những năm qua, việc triển khai các ý tưởng hợp tác đưa ra từ các Diễn đàn hợp tác kinh tế VBBMR hằng năm hầu như không có kết quả cụ thể.
Hai là, hợp tác KTVBBMR dù đặt ra những mục tiêu lớn, song trên thực tếchưa có một lộ trình và các chương trình hợp tác rõ ràng. Bản dự thảo lộ trình và 7 chương trình hợp tác mà phía Trung Quốc đưa ra năm 2012 không xác định rõ được các mục tiêu hợp tác qua từng giai đoạn; cơ chế hợp tác; cơ quan điều phối hợp tác; nguồn vốn và các dự án hợp tác cụ thể, khả thi…Bên cạnh đó, chương trình hợp tác mà Trung Quốc đề xuất bao gồm quá nhiều lĩnh vực và cũng không thể hiện rõ sự khác biệt với các chương trình, khuôn khổ hợp tác khác mà Trung Quốc và ASEAN đã ký kết trong khuôn khổ hợp tác ASEAN+Trung Quốc hay FTA Trung Quốc – ASEAN…
Ba là, hợp tác KTVBBMR chưa được thể chế hóa thành một cơ chế hợp tác chính thức giữa Trung Quốc và ASEAN. Tại các diễn đàn hợp tác kinh tế VBBMR hằng năm, các đại diện của ASEAN và Trung Quốc mới chỉ dừng ở mức phát biểu ý kiến, bày tỏ quan điểm và kỳ vọng. Hai bên cũng chưa thành lập được một cơ quan điều phối hợp tác chung. Do vậy, không thể triển khai các chương trình, dự án hợp tác cụ thể.
Bốn là,chưa có nguồn vốn cho các chương trình, dự án hợp tác. Nhiều chương trình hợp tác mà phía Trung Quốc đề xuất, nhất là hợp tác phát triển hạ tầng và kết nối giao thông, đòi hỏi sự tham gia của nhiều nước và nguồn vốn rất lớn. Trong khi đó, nhiều nước ASEAN như Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, đều khó khăn về tài chính phục vụ phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, trong hợp tác KTVBBMR, Trung Quốc và ASEAN chưa có giải pháp cho vấn đề này.
Năm là, các chương trình hợp tác mà Trung Quốc đề xuất chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của tất cả các bên và chưa thu hút được sự quan tâm của nhiều nước ASEAN. Một số nước ASEAN chưa nhìn thấy lợi ích rõ ràng trong việc tham gia hợp tác KTVBBMR, do vậy còn dè dặt khi tham gia khuôn khổ hợp tác này.
4. Bước ngoặt mới, thuận lợivà những khó khăn
a.Lộ trình hợp tác mới và sự tham gia của ADB
Từ năm 2013, hợp tác kinh tế VBBMR có những diễn biến mới đáng chú ý và có sự thay đổi lớn mang tính "bước ngoặt”, bởi có sự tham gia tích cực của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với tư cách là cơ quan tư vấn. Theo đó, trong nửa cuối năm 2013, ADB đã liên tiếp tổ chức ba cuộc thợp giữa các nước ASEAN và Trung Quốc để thảo luận việc xây dựng một lộ trình mới cho hợp tác kinh tế VBBMR. Đến tháng 10/2013, ADB đã đưa ra bản dự thảo mới Lộ trình hợp tác kinh tế VBBMR với các nét mới đáng chú ý như:
(1) Đề xuất đổi tên hợp tác kinh tế VBBMR thành Hợp tác kinh tế VBBMR ASEAN-Trung Quốc;
(2) Chỉ đề xuất hai chương trình hợp tác ưu tiên trong thời gian tới là hợp tác tài chính và hợp tác cảng biển-tiếp vận;
(3) Đề xuất việc thể chế hóa chương trình hợp tác thông qua thành lập một Ban Thư ký đặt tại Nam Ninh, có sự tham gia của đại diện Trung Quốc và các nước ASEAN, để điều phối chương trình hợp tác và thành lập Cơ quan phát triển dự án; chính thức đưa hợp tác kinh tế VBBMR vào cơ chế Quan chức cao cấp và Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Trung Quốc;
(4) Xác định mức đóng góp tài chính của các quốc gia tham gia hợp tác, trong đó phía Trung Quốc đóng góp 50%; ASEAN đóng góp 50%…[11]
Trước đó, vào tháng 9/2013, phía Trung Quốc cũng thông báo hoãn tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế VBBMR lần thứ 8 và quyết định sẽ tổ chức diễn đàn này hai năm một lần, thay vì tổ chức hằng năm như trước đây. Ngày 18/1/2014, tại TP Nam Ninh, ADB và Trung Quốc đã tổ chức hội nghị quan chức cấp cao Trung Quốc-ASEAN để thảo luận lộ trình và những nội dung hợp tác mới nêu trên. Tại hội nghị này, các nước đã nhất trí về nguyên tắc cần xây dựng một lộ trình hợp tác mới với những nội dung nêu trên. Tuy nhiên, các nhà tư vấn của ADB cần giúp Trung Quốc và ASEAN làm rõ một loạt vấn đề liên quan đến lĩnh vực hợp tác, Ban Thư ký và Cơ quan phát triển dự án, mức độ đóng góp tài chính của các nước tham gia hợp tác, nguồn lực tài chính cho các dự án hợp tác…
Bên cạnh việc có sự tham gia tư vấn của ADB và được đề xuất một lộ trình hợp tác mới, một điểm đáng chú ý nữa là hợp tác KTVBBMR còn diễn ra trong bối cảnh mới, với việc Trung Quốc đã có một ban lãnh đạo mới sau Đại hội 18 và đang đẩy mạnh công cuộc cải cách kinh tế, trong đó có lĩnh vực kinh tế đối ngoại. Hội nghị trung ương 3 và Hội nghị công tác ngoại giao láng giềng của Trung Quốc mới đây đã xác định một số định hướng lớn có ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ Trung Quốc-ASEAN nói chung và hợp tác kinh tế VBBMR nói riêng. Theo đó, Trung Quốc xác định làm tốt hơn và chủ động hơn công tác ngoại giao láng giềng; thực hiện chiến lược mở của đối ngoại tích cực hơn, đẩy nhanh đầu tư ra bên ngoài, thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông với các nước láng giềng; cải cách hệ thống tài chính và từng bước quốc tế hóa đồng NDT; xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển…Những định hướng này đã có tác động đáng kể đến việc xác định các nội dung ưu tiên trong hợp tác kinh tế VBBMR, nhấn mạnh vào hợp tác tài chính và hợp tác cảng biển-tiếp vận.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh Mỹ tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á và đẩy mạnh Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược (TPP) với một số nước ASEAN; tranh chấp lãnh hải Trung – Nhật căng thẳng, cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc với các nước lớn ở ASEAN ngày càng mạnh mẽ, Trung Quốc cũng càng chú trọng hơn việc thúc đẩy các chương trình hợp tác kinh tế với ASEAN, trong đó có hợp tác kinh tế VBBMR.
b. Thuận lợi và những khó khăn mới
Tình hình và bối cảnh nêu trên đang đặt ra những thuận lợi mới và cả những khó khăn mới cho hợp tác kinh tế VBBMR.
Thuận lợi: Việc ADB tư vấn xây dựng lộ trình và các chương trình hợp tác mới với tầm nhìn rõ ràng và nội dung, định hướng, cách thức tổ chức khiển khai hợp tác, nguồn cung tài chính cho các dự án cụ thể hơn, sẽ bảo đảm hợp tác kinh tế VBBMR có tính khả thi cao hơn. Bên cạnh đó, bản lộ trình và các chương trình hợp tác do ADB dự thảo có tính khách quan hơn và việc chuyên gia tư vấn của ADB tham gia quá trình thảo luận về các văn kiện nói trên giúp Trung Quốc và ASEAN trao đổi ý kiến cởi mở và dễ đi đến thống nhất về các nội dung hợp tác hơn. Sự tham gia của ADB và lộ trình, chương trình hợp tác mới do ngân hàng này đề xuất cũng giúp hợp tác kinh tế VBBMR có triển vọng phá vỡ thế bế tắc trong thời gian vừa qua và thu hút sự quan tâm nhiều hơn của các nước ASEAN. Theo đó, góp phần quan trọng tạo thêm một "kênh” thúc đẩy hợp tác kinh tế và tăng cường đối thoại, hiểu biết lẫn nhau giữa ASEAN và Trung Quốc. Ngoài ra, hai nội dung hợp tác ưu tiên vừa được đề xuất là hợp tác tài chính, hợp tác cảng biển và tiếp vận là những lĩnh vực hợp tác mà Trung Quốc đang có tiềm năng và thế mạnh lớn. Do vậy, cơ hội hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN trong hai lĩnh vực nêu trên là khả quan.
Khó khăn:Tuy nhiên, hợp tác kinh tế VBBMR cũng đang đối mặt không ít khó khăn, thách thức.
Thứ nhất,việc ADB đưa ra một lộ trình và các nội dung hợp tác mới đồng nghĩa với việc sau gần 10 năm, chương trình hợp tác này lại trở về "vạch xuất phát” ban đầu và cần một thời gian khá dài nữa để Trung Quốc, ASEAN thảo luận thống nhất lộ trình, nội dung, cách thức…để đưa khuôn khổ hợp tác này đi vào cuộc sống. Trong bản lộ trình hợp tác mới mà ADB đề xuất cuối năm 2013 còn rất nhiều nội dung cơ bản mà hai bên phải bàn bạc, nhất là các vấn đề liên quan các chương trình hợp tác; mức độ đóng góp tài chính của các nước; việc thành lập các cơ quan phối hợp và điều hành hợp tác…
Thứ hai, riêng về nội dung hợp tác cũng còn nhiều vấn đề cần cân nhắc. Nhiều chuyên gia của các nước ASEAN cho rằng, hai chương trình hợp tác ưu tiên mới mà ADB đề xuất là hợp tác tài chính, cảng biển và tiếp vận chưa thật sự hợp lý và về cơ bản mới chỉ xuất phát từ nhu cầu, tiềm năng của Trung Quốc và một số ít nước ASEAN. Do vậy, không thu hút sự quan tâm của đa số các thành viên ASEAN. Chẳng hạn, các nước ASEAN mới như Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar quan tâm hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với Trung Quốc nhiều hơn là hợp tác tài chính. Riêng Lào là quốc gia không có biển, không có tiềm năng, lợi thế để tham gia hợp tác cảng biển-tiếp vận. Ngay tại Trung Quốc, Quảng Tây là địa phương chủ trì hợp tác kinh tế VBBMR, song cũng không có lợi thế về hợp tác tài chính, nếu so sánh với Quảng Đông, Thượng Hải và một số địa phương khác.
Thứ ba,bất kể lộ trình và các chương trình hợp tác do Trung Quốc đề xuất năm 2012 hay ADB đề xuất năm 2013, nội dung hợp tác kinh tế VBBMR chưa thể hiện được bản sắc riêng. Nói cách khác, các nội dung hợp tác kinh tế VBBMR về cơ bản không có sự khác biệt so với nội dung hợp tác trong các khuôn khổ hợp tác song phương khác mà Trung Quốc và ASEAN đã cam kết và đang thực hiện. Ngay tại thời điểm này, nhiều chuyên gia của ASEAN vẫn băn khoăn đặt vấn đề: Liệu Trung Quốc và ASEAN có thật sự cần đến hợp tác kinh tế VBBMR để thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương hay không?
Ngoài ra, hợp tác kinh tế VBBMR còn đứng trước những khó khăn do trình độ phát triển và tiềm lực kinh tế của các nước tham gia hợp tác chênh lệch nhau quá lớn, dẫn đến hạn chế trong việc thúc đẩy các dự án hợp tác. Bối cảnh khu vực và quốc tế thời gian tới có những diễn biến khó lường, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN luôn có nguy cơ bùng phát, tác động tiêu cực đến hợp tác Trung Quốc-ASEAN nói chung và hợp tác kinh tế VBBMR nói riêng…
5. Lời kết
Hợp tác kinh tế VBBMR đã đi được một chặng đường khá dài. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bên cạnh một số thành tựu chủ yếu từ phía Trung Quốc, khuôn khổ hợp tác này đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế. Tiến trình hợp tác thời gian gần đây có dấu hiệu bế tắc là lý do khiến lộ trình, chương trình hợp tác và cách thức hợp tác đã phải thay đổi. Nếu so sánh với chương trình hợp tác tiểu vùng khác trong khu vực đã được triển khai thành công là hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), có thể thấy, hợp tác kinh tế VBBMR còn nhiều mặt hạn chế. Vì vậy, để biến ý tưởng hợp tác kinh tế VBBMR thành hiện thực, tận dụng được cơ hội và vượt qua các khó khăn, thách thức nêu trên, Trung Quốc và ASEAN còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, hai vấn đề có ý nghĩa quyết định đến thành công của khuôn khổ hợp tác này cần được đặc biệt quan tâm trong tiến trình triển khai hợp tác. Một là, tiến trình triển khai hợp tác, hai bên phải luôn chú trọng xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược. Hai là, mọi chương trình, dự án hợp tác đều phải hướng đến mục tiêu "cùng có lợi”. Thiếu hai điều này, hợp tác kinh tế VBBMR khó có thể thành công và để làm được nhữngđiều này đòi hỏi quyết tâm và thiện chí từ cả hai phía.
CHÚ THÍCH
1. Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện Trung Quốc - ASEAN đã được Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và 10 quốc gia ASEAN ký kết ngày 04/11/2002.
2. Thương mại Trung Quốc-ASEAN dự kiến đạt 500 tỉ USD vào năm 2015, Bản tin Thế giới TTXVN, số 23/7/2013.
3. "Báo cáo nghiên cứu khả thi hợp tác kinh tế VBBMR”, trang 11.
4. Báo cáo nghiên cứu khả thi hợp tác kinh tế VBBMR (bản tháng 6/2009), tr 6.
5. Bảy chương trình hợp tác trong khuôn khổ hợp tác kinh tế VBBMR, tài liệu phục vụ Diễn đàn hợp tác kinh tế VBBMR tại Nam Ninh, Trung Quốc, tháng 7/2012.
6. Quy hoạch phát triển Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây,tài liệu do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cung cấp (bản tiếng Trung).
7. Bộ Ngoại giao, Báo cáo về kết quả đoàn công tác liên ngành khảo sát một số địa phương Trung Quốc liên quan Hợp tác kinh tế VBBMR, tháng 8/2013).
8.Viện Nghiên cứu phát triển VBB Quảng Tây; Viện KHXH Quảng Tây,Báo cáo mở cửa, phát triển Khu kinh tế VBB Quảng Tây năm 2011, Nxb Văn hiến-khoa học xã hội Trung Quốc.
9. Miêu Thụ Bân, Hạ Phong, Xu thế lớn đảo du lịch quốc tế Hải Nam, Nxb Văn hiến và KHXH Trung Quốc, các trang 129-137.
10. Theo Bảy chương trình trong khuôn khổ hợp tác kinh tế VBBMR.
11. Lộ trình mới hợp tác kinh tế VBBMR Trung Quốc-ASEAN, Tài liệu ADB cung cấp tháng 10/2013 (bản tiếng Anh).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ KH và ĐT (2012), Quy hoạch hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam – Trung Quốc 2012-2016 (Tài liệu lưu hành nội bộ)
2. Bộ KH vàĐT (2011), Đề án "Định hướng chính sách của VN trong bối cảnh TQ tăng cường quan hệ với ASEAN”(Tài liệu lưu hành nội bộ)
3. Cổ Tiểu Tùng chủ biên (2010), Báo cáohợp tác phát triển VBBMR, NXB Văn hiến KHXH Trung Quốc.
4. Đỗ Bình (2011), Tiến vào Vịnh Bắc Bộ, NXB Văn hiến trung ương TQ.
5. Lã Dư Sinh chủ biên (2011), Báo cáo hợp tác phát triển VBBMR 2011, NXB Văn hiến KHXH Trung Quốc.
6. Lê Mạnh Hùng (2010; 2011), các bài phát biểu tại Diễn đàn hợp tác kinh tế VBBMR năm 2010; 2011.
7. Nguyễn Quốc Trường, Để Móng Cái nhanh chóng phát triển, cùng Đông Hưng xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới, Kỷ yếu Hội thảo xây dựng Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, tại Đông Hưng (Trung Quốc), tháng 11/2012
8. TTXVN (ngày 30/5/2007), Về kế hoạch hợp tác kinh tế xuyên VBB giữa Trung Quốc và ASEAN, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 092-TTX, tr1- tr 10.
9.TTXVN (29/2/2008), Trung Quốc thúc đẩy Khu kinh tế VBB tỉnh Quảng Tây, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 047-TTX, tr1- tr 4.
10. Trần Vũ chủ biên (2010), Bộ sách Khu mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN (các quyển 1, 2, 3); NXB Đại học Sư phạm Quảng Tây.
11. Văn phòng Ban quản lý quy hoạch và xây dựng Khu kinh tế VBB Quảng Tây chủ biên và xuất bản (2010), Khái quát Khu kinh tế VBB Quảng Tây.
12. Viện nghiên cứu phát triển VBB Quảng Tây (2010), Báo cáo tình hình mở cửa, khai thác Khu kinh tế VBB Quảng Tây 2006-2010; NXB Văn hiến KHXH Trung Quốc.
13. Viện nghiên cứu phát triển VBB Quảng Tây và Viện KHXH Quảng Tây (2011), Báo cáo tình hình mở cửa, khai thác Khu kinh tế VBB Quảng Tây 2006-2010, NXB Văn hiến KHXH Trung Quốc.
14.Viện Nghiên cứu Bộ Thương mại Trung Quốc (2009), Nghiên cứu khả thi Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Bằng Tường - Đồng Đăng
ThS. NGUYỄN QUỐC TRƯỜNG (Bài đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 3/2014)