Hoạch định chính sách, chiến lược phát triển đất nước

26/03/2014 12:12


Viện Chiến lược phát triển trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là viện nghiên cứu cấp quốc gia, được hình thành trên cơ sở tiền thân là hai Vụ của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, thành lập năm 1964. Trải qua chặng đường phát triển 50 năm, với nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu chiến lược; tham mưu cho Đảng, Chính phủ xây dựng và triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tham gia hoạch định chiến lược phát triển quốc gia, Viện đã có những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống vẻ vang trong chặng đường nửa thế kỷ vừa qua, đội ngũ nhân viên, các nhà khoa học của Viện hiện nay tiếp tục có những đóng góp đáng ghi nhận, trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng.

50 năm chặng đường lịch sử

          Viện Chiến lược phát triển trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư được hình thành trên cơ sở tiền thân là hai Vụ của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước: Vụ Tổng hợp kế hoạch kinh tế quốc dân dài hạn và Vụ Kế hoạch phân vùng kinh tế. Hai Vụ này được thành lập theo Quyết định số 47-CP ngày 09/3/1964 của Hội đồng Chính phủ, hoạt động liên tục trên hai hướng lớn về xây dựng kế hoạch dài hạn và về phân bố lực lượng sản xuất cho đến năm 1988 được tổ chức lại thành Viện Kế hoạch dài hạn và phân bố lực lượng sản xuất, đến năm 1994 được đổi tên thành Viện Chiến lược phát triển.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từng giai đoạn tuy mang tên gọi khác nhau, nhưng nhiệm vụ bao trùm các chặng đường lịch sử phát triển của Viện Chiến lược phát triển là nghiên cứu chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các vùng lãnh thổ và các ngành, làm cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch dài hạn, kế hoạch 5 năm và hằng năm.

          Trong 50 năm hoạt động, Viện Chiến lược phát triển đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ, phát triển, thống nhất đất nước thời kỳ trước năm 1975 và sự nghiệp cải cách, đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước những thập kỷ gần đây.

          Trong tình hình đất nước bị chia cắt, có chiến tranh (1964-1975), Viện đã có nhiều đóng góp trong việc thực hiện công tác phân vùng quy hoạch, chủ yếu nghiên cứu, triển khai ở miền bắc. Trong giai đoạn này trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết, ứng dụng lý luận của Liên Xô (trước đây) về phân vùng vào điều kiện miền bắc Việt Nam, Viện đã triển khai nghiên cứu một số vùng cây trồng (vùng dâu Ba Vì, vùng mía Vạn Điểm, vùng cói Kim Sơn v.v...).  Các dấu mốc đáng ghi nhớ trong công tác phân vùng quy hoạch của Viện trong thời kỳ này gồm: giai đoan 1964-1969: Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án "Phân vùng kinh tế nông - lâm nghiệp miền Bắc Việt Nam”, theo đó miền bắc được chia thành 4 vùng kinh tế nông lâm nghiệp lớn (với 46 tiểu vùng). Giai đoạn1976-1978: Triển khai công tác phân vùng quy hoạch kinh tế trên phạm vi cả nước, theo một quan điểm tổng hợp chung - kết hợp ngành và lãnh thổ. Giai đoạn 1978-1988: Với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, Viện đã tiến hành xây dựng "Tổng sơ đồ phân bố lực lượng sản xuất trên phạm vi cả nước thời kỳ 1986-2000”…

          Về nghiên cứu chiến lược và kế hoạch dài hạn, Viện Chiến lược phát triển đã được Đảng, Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ quan trọng và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong giai đoạn 1964-1975, Viện đã triển khai hàng loạt nghiên cứu về triển vọng dài hạn và kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế sau chiến tranh. Tiếp đó, trong các năm 1976-1990, Viện đã chủ trì tổ chức xây dựng các kế hoạch 5 năm trình Đại hội Đảng, phục vụ quá trình khôi phục và phát triển đất nước trong điều kiện cả nước thống nhất và đi lên CNXH...

          Hoạch định chiến lược phát triển trong thời kỳ đổi mới

Bước sang thời kỳ đổi mới, kể từ Đại hội Đảng lần thứ VI, năm 1986 đến nay, Viện Chiến lược phát triển tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước, xây dựng các kế hoạch và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Theo đó, Viện đã tham gia vào quá trình xây dựng tất cả các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trình Đại hội Đảng: Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Trong đó, chủ trì nhiều khâu quan trọng, như xây dựng Đề cương; Thường trực Nhóm biên tập… Năm 2013, Viện được giao chủ trì và đã hoàn thành xây dựng Báo cáo "Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về kinh tế - xã hội, trọng tâm là thực hiện ba khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, trình Bộ Chính trị và Hội nghị Trung ương 8, khoá XI (tháng 10/2013).       

Cùng với xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Viện Chiến lược phát triển cũng đã được giao chủ trì xây dựng một số chiến lược khác, như: Xây dựng Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020. Chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển nhân lực thời kỳ 2011-2020. Viện cũng đã bước đầu triển khai nghiên cứu cơ chế, chính sách để tham mưu nhiều hơn cho Đảng và Nhà nước trong phát triển đất nước, như: Đảm nhiệm vai trò thường trực nhóm xây dựng báo cáo "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011 - 2020”; hoàn thành xây dựng Đề án "Cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2012-2020”; chủ trì xây dựng báo cáo "Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về kinh tế - xã hội, trọng tâm là thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”; trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư năm 2013.

          Về công tác quy hoạch, Viện cũng có những đóng góp quan trọng. Các đóng góp thể hiện trên hai mặt chủ yếu như: tham mưu để Bộ KHĐT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chỉ thị, nghị định liên quan các vấn đề về lập, thẩm định và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng các quy hoạch, gồm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm; quy hoạch phát triển công nghiệp, kết cấu hạ tầng; quy hoạch phát triển các lãnh thổ đặc biệt như các hành lang kinh tế, vành đai kinh tế, dải ven biển, khu công nghiệp…

Bên cạnh đó, Viện Chiến lược phát triển còn làm tốt công tác nghiên cứu khoa học hoàn thành hàng trăm đề tài, đề án nghiên cứu cấp bộ và cấp quốc gia có giá trị lý luận và thực tiến cao; đào tạo 13 Tiến sĩ từ năm 2004 đến nay…Viện đã mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế như các cơ quan của LHQ, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Viện phát triển quốc tế thuộc Trường Đại học Harvard Mỹ (HIID), Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI)…để phối hợp nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực chiến lược, quy hoạch và các vấn đề phát triển khác.

Phát huy những thành tựu đã đạt được trong chặng đường 50 năm qua, tập thể cán bộ, nhân viên, các nhà khoa học của Viện Chiến lược phát triển hôm nay đã và đang nỗ lực năng cao năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu tham mưu, tư vấn, hoạch định chính sách phát triển đất nước trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
                                       PGS. TS. Bùi Tất Thắng
                                Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

                          Theo Báo Nhân dân (số 21372, tháng 3/2014)