Cuộc "đổi ngôi” mới của kinh tế toàn cầu
24/09/2014 15:33
Những chuyển động mới từ các nền kinh tế thuộc các nhóm nước mới nổi và phát triển đang cho thấy xu hướng ngày càng rõ nét về một cuộc "đổi ngôi” của kinh tế toàn cầu. Trong khi các nền kinh tế phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản vốn trì trệ, suy thoái kéo dài, nay đã chuyển biến tích cực thì "mây đen” lại đang bao phủ các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil…vốn được coi là "động lực” tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Sau cuộc khủng hoàng tài chính-kinh tế toàn cầu nổ ra từ năm 2008, trật tự kinh tế thế giới đã có những thay đổi lớn. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ chao đảo trong ‘bão” nợ; kinh tế châu Âu "hôn mê sâu” với hơn 6 quý liên tiếp suy thoái; kinh tế Nhật Bản vừa suy thoái, vừa lâm vào giảm phát kéo dài…, thì các nền kinh tế mới nổi thuộc nhóm BRICS như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và nam Phi vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao và trở thành động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới đã có những thay đổi căn bản, nhất là từ quý 2 năm nay.
"Sóng gió” đã qua với các nền kinh tế phát triển
Sau một thời kỳ dài ngập chìm trong khủng hoảng, giờ đây, sóng gió đã qua đi với các nền kinh tế phát triển. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong báo cáo cuối tháng 8 vừa cho biết, các nền kinh tế phát triển tiếp tục đi lên trong quý 2, với nhịp độ tăng trưởng đạt 0,5% sau khi đã tăng 0,3% trong quý 1, chủ yếu nhờ kinh tế Mỹ, Đức và Anh tăng trưởng mạnh hơn, trong khi kinh tế Pháp đã bật dậy. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng kinh tế của các nước thành viên OECD tăng 0,9%.
Bộ Thương mại Mỹ vừa cho biết, tăng trưởng GDP quý 2 của nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt 1,7%, là mức tích cực, tốt hơn dự báo bình quân 1,1% của giới phân tích. Một số ý kiến nhận định rằng, suy thoái kinh tế Mỹ sẽ không còn kéo dài và tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục cải thiện trong hai quý cuối năm, khi ảnh hưởng từ chính sách tài khóa thắt chặt giảm dần. Trong quý 2 vừa qua, xuất khẩu của Mỹ tăng 5,4% so với mức giảm 1,3% trong quý đầu 2013. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ cũng tăng 9,5% so với mức tăng 0,6% trong quý đầu. Chi tiêu của chính phủ liên bang trong quý giảm 1,5% so với mức giảm 8,4% trong quý 1. Đầu tư vào các lĩnh vực không thuộc nhà đất trong quý tăng 4,6% so với mức giảm 4,6% trong quý I.
Theo ước tính của hãng khảo sát ADP, thị trường việc làm trong khu vực tư nhân ở Mỹ đã tạo được 200.000 việc làm từ tháng 6 đến tháng 7. Chuyên gia phân tích thị trường Carl Larry của Hãng Oil Outlooks and Opinions nhận định các số liệu tăng trưởng kinh tế Mỹ công bố ngày 31/7 đủ để chứng minh rằng nền kinh tế này đang đi đúng hướng. Trong khi đó, Bộ Thương mại dự báo, năm 2014 kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ấn tượng hơn, GDP có khả năng tăng từ 2,9%-3,5%. Nợ công và thâm hụt ngân sách của Mỹ cũng được dự báo sẽ bớt gay gắt hơn. Theo dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), thâm hụt cán cân thu chi ngân sách của Mỹ tài khóa 2013 có khả năng chỉ ở mức 845 tỷ USD, giảm mạnh so với mức thâm thủng 1.100 tỷ USD trong tài khóa 2012.
Kinh tế châu Âu nói chung và Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) cũng đã thoát khỏi suy thoái. Trong quý 2/2013, GDP của Eurozone đã tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo công bố 8 của công ty dữ liệu Markit, Chỉ số Quản lý Sức mua (PMI) của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 8/2013 đã tăng lên 51,7 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 6/2001. Chỉ số này cứ trên 50 điểm thể hiện hoạt động của cả các công ty chế tạo và dịch vụ đều tăng trưởng. Theo OECD, trong quý 2 vừa qua, kinh tế Anh tăng trưởng 0,6%, trong khi GDP của Đức tăng 0,7% so với mức tăng nhẹ trong quý trước, còn kinh tế Pháp đã tăng trưởng 0,5%, so với mức suy giảm 0,2% trong quý trước.
Những số liệu thống kê khác cũng đã cho thấy sự hồi phục kinh tế của Nhật Bản, với doanh số bán hàng của nước này trong tháng 6 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong cùng tháng là 3,9%, rớt xuống dưới ngưỡng 4% lần đầu tiên trong hơn bốn năm rưỡi qua. Ngân hàng trung ương Nhật (BOJ) đã nâng cao mức đánh giá triển vọng của nền kinh tế nước này trong 7 tháng liên tiếp gần đây, khi những chính sách cải cách mạnh mẽ đã giúp "đất nước mặt trời mọc” ra khỏi suy thoái kinh tế từ quý 1 năm nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế Nhật sẽ đạt 2% trong năm 2013.
"Mây đen” bao phủ các nền tinh tế mới nổi
Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý 2/2013 tiếp tục đà tụt dốc với mức tăng trưởng 7,5%. Những dữ liệu về tình hình thương mại trong các tháng gần đây đang củng cố nhận định rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2013 có thể đạt mức thấp nhất trong vòng hơn 2 thập kỷ qua. Trong khi đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc nửa đầu năm nay chỉ đạt 9,3% thấp hơn 1,6% so với mức tăng của 2012. Tình hình suy giảm đã được thể hiện trên số liệu về mức tăng thu ngân sách một cách rõ nét. Trong nửa đầu năm 2013 tăng trưởng thu ngân sách của Trung Quốc đạt 7,5%, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, con số nợ công của Trung Quốc, nhất là nợ xấu từ các chính quyền địa phương đang gây lo ngại. Việc ước lượng quy mô nợ công của Chính phủ Trung Quốc là vấn đề gây nhiều tranh cãi và vẫn chưa có con số thống nhất. Tại Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao 2012, nguyên Bộ trưởng tài chính của Trung Quốc cũng đã cho rằng con số nợ địa phương của Trung Quốcthực tế đã lên tới 18.000-20.000 tỉ NDT. Còn theo một số chuyên gia, nợ công của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã lên tới con số 33.500 tỉ NDT (5.461 tỉ USD và tương đương 65% GDP).
Một nền kinh tế mới nổi khác là Nga, cũng đối mặt nhiều khó khăn. Quý 2 vừa qua, kinh tế Nga đang tăng trưởng chậm lại, đúng như dự báo của giới chuyên gia nước này. Theo số liệu Cục Thống kê quốc gia Liên bang Nga vừa công bố, trong quý 2/2013, kinh tế Nga chỉ tăng trưởng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn so với mức tăng trưởng vốn đã thấp 1,6% trong quý 1/2013, cũng như mức dự báo tăng 1,9% của Bộ Kinh tế Nga.Trước số liệu này, các nhàphân tích cảnh báo kinh tế"xứ bạch dương" có thể rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm nay. Trong khi đó, theo Bộ Phát triển Kinh tế Nga, lượng vốn chảy ra nước ngoài trong tháng 5/2013 đã lên tới 8 tỷ USD, tăng gấp đôi so với tháng trước. Với hiện trạng này, Bộ trên ước tính đến cuối năm nay, lượng vốn chảy máu sẽ lên tới 30-35 tỷ USD.
Tại Ấn Độ, xu hướng suy giảm kinh tế vẫn tiếp diễn trong khoảng thời gian khá dài. Hiện nay, thị trường tài chính Ấn Độ tiếp tục đối mặt với sự bất ổn, khi đồng Rupee lại tiếp tục giảm giá kỷ lục, bất chấp các biện pháp giải cứu của Ngân hàng Trung ương. Hôm 22/8, đồng Rupee đã có lúc rơi xuống mức 65,56 Rupee đổi một USD - mức thấp chưa từng có của đồng tiền này. Đã bắt đầu có những lo ngại rằng, Ấn Độ đang để đồng tiền của mình vượt ngoài tầm kiểm soát. Giới phân tích lo ngại rằng, nếu đồng nội tệ tiếp tục giảm giá, Ấn Độ có thể phải đối mặt với khả năng bị hạ xếp hạng tín nhiệm trong thời gian ngắn.
Tại các nền kinh tế mới nổi khác trong nhóm BRICS như Brazil, Nam Phi, cũng như một số nền kinh tế vốn năng động khác của Nam Mỹ, ASEAN, nguy cơ suy giảm tăng trưởng và các khó khăn kinh tế cũng đã gia tăng trong những tháng gần đây. Đáng lo ngại là tình trạng "nhức đầu sổ mũi” của các nền kinh tế đang nổi lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, đang tác động tiêu cực tới các nền kinh tế khác ở khu vực Đông Á, đặc biệt là ở ASEAN.
"Tin xấu' cũng đã xuất hiện cả ở Bangkok khi các số liệu kinh tế mới nhất cho thấy Thái Lan đang bắt đầu rơi vào suy thoái. So với ba tháng đầu, trong quý này GDP Thái Lan đã co lại 0,3%. Đây là lần sụt giảm thứ hai liên tiếp mà Thái Lan trải qua, giống như người hàng xóm Indonesia đang trầy trật vì lượng cầu Trung Quốc suy giảm.
Thế "giằng co” của kinh tế toàn cầu
Trong bối cảnh "tranh tối tranh sáng” của kinh tế toàn cầu nêu trên, nhiều chuyên gia nhận định, kinh tế thế giới trong nửa cuối năm nay sẽ vẫn trong thế "giằng co” giữa phục hồi, tăng trưởng và suy giảm. Dù các nền kinh tế Mỹ, Nhật đã "qua cơn bĩ cực”; khu vực Eurozone đã thấy "ánh sáng cuối đường hầm”, song hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công vẫn còn dai dẳng và những khó khăn, thách thức mới đang xuất hiện nhiều hơn ở các nền kinh tế mới nổi.
IMFmới đây đã hạ mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2013; cho rằng GDP toàn cầu năm nay có thể chỉ đạt 3,1%, giảm 0,2% so với dự báo hồi tháng 4, do tình trạng suy thoái kéo dài tại Eurozone và tốc độ tăng trưởng chậm hơn của các nền kinh tế mới nổi. Theo IMF, năm 2014 tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến đạt 3,8%.
ThS. Nguyễn Quốc Trường, Trưởng Ban Các vấn đề quốc tế.