Chiến lược phát triển bàn về tư duy và hành động có tính chiến lược
19/03/2011 14:31
Tên sách: CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BÀN VỀ TƯ DUY VÀ HÀNH ĐỘNG CÓ TÍNH CHIẾN LƯỢC
Tác giả: PGS. TS. Ngô Doãn Vịnh,
Nhà xuất bản chính trị Quốc Gia
Năm xuất bản: 2007
Tổng số trang: 430 trang
Nội dung tóm tắt: Sau hơn 20 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, một trong những thành tựu đó là việc xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 với mục tiêu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Hiện nay chúng ta đang trong quá trình nghiên cứu chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2011 - 2020. Việc tiến hành xây dựng và thực thi các chiến lược phát triển có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để đưa đất nước trở nên giàu mạnh, giảm dần khoảng cách và đuổi kịp sự phát triển của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, chiến lược là vấn đề rất phức tạp, rộng lớn cả về mặt lý luận và thực tiễn; trên thế giới và cả trong nước vẫn đang còn có nhiều cách hiểu khác nhau về chiến lược cũng như vai trò của chiến lược trong quá trình phát triển đất nước.
Với mục đích giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo về những vấn đề trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xuất bản cuốn sách Chiến lược phát triển - Bàn về tưu duy và hành động có tính chiến lược do PGS. TS. Ngô Doãn Vịnh chủ biên.
Viện Chiến lược phát triển là cơ quan tham mưu về công tác chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi các vùng và cả nước, nhiều tác giả trong cuốn sách các tác giả đã tham gia vào quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 1991-2010 và 2001-2010. Trong cuốn sách các tác giả tập trung vào những vấn đề cốt lõi như các quan niệm và kinh nghiệm của thế giới về chiến lược, chiến lược phát triển các ngành sản xuất vật chất, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, chiến lược phát triển vùng và chiến lược phát triển nguồn nhân lực ở nước ta. Đây là những vấn đề phức tạp, có nội hàm rộng lớn nên mặc dù các tác giả và những người biên tập đã cố gắng nhưng không tránh khỏi còn thiếu sót. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!