Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ (Bản Tổng quan)

05/07/2017 10:32


Sau 30 năm đổi mới kể từ năm 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề và kế hoạch hóa tập trung bao cấp, khép kín, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình và một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng vào hệ thống kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá cao, liên tục, ổn định và bao trùm, bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển. Việt Nam đã giảm tỷ lệ nghèo cùng cực từ gần 60 phần trăm trong những năm 1990 xuống dưới 3 phần trăm năm 2016. Đây là thành công rất ấn tượng và là niềm tự hào của Việt Nam, trong đó có sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của cộng đồng quốc tế.

Thành công của 30 năm Đổi mới cũng đặt ra nhiều kỳ vọng và trách nhiệm lớn hơn, nặng nền hơn đối với tương lai. Mục tiêu của Việt Nam được khẳng định trong Hiến pháp là "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Việt Nam có khát vọng mạnh mẽ là đến năm 2035 sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.

Với tinh thần đó, tháng 7 năm 2014, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đưa ra sáng kiến xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035. Báo cáo khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện sáu chuyển đổi quan trọng để trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao. Trước hết là hiện đại hóa nền kinh tế đồng thời với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân. Hai là phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm. Ba là nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hóa, tăng cường kết nối giữa các thàn phố và vùng phụ cận. Bốn là phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm là đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế cùng với sự phát triển của xã hội trung lưu. Sáu là xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao. Chương trình cải cách gắn liền với sáu chuyển đổi này được thể hiện theo ba trụ cột chính: thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.