Thực trạng và xu thế phát triển của hệ thống phân phối nông sản an toàn của Việt Nam hiện nay. Kinh nghiệm của Thái Lan và bài học cho Việt Nam
04/07/2019 11:29
Phân phối thực phẩm nông nghiệp là một vấn đề cấp bách ở Việt Nam do hiện nay Việt Nam chưa có hệ thống chứng nhận rõ ràng và thông tin đẩy đủ về thực phẩm nông nghiệp an toàn ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng và tên thương hiệu của sản phẩm. Áp dụng lý thuyết Push and Pull của Bonney và cộng sự (1999), nghiên cứu phân tích rằng chính phủ Việt Nam đã tạo ra các chiến lược và chính sách để thiết lập một hệ thống phân phối thực phẩm nông nghiệp hiện đại với thông tin về nguồn gốc thực phẩm nông nghiệp và tiêu chí an toàn và các doanh nghiệp phân phối đã đáp ứng yêu cầu của thị trường toàn cầu hóa và hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn có những trở ngại trong việc phát triển đầy đủ hệ thống phân phối nông sản thực phẩm ở Việt Nam bao gồm: thiếu hệ thống chứng nhận để nâng cao lòng tin của khách hàng, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên để đảm bảo nguồn cung bền vững và nhu cầu thị trường không dự đoán . Nghiên cứu các chính sách và sự phát triển của toàn bộ thị trường nông sản thực phẩm của Thái Lan có ảnh hưởng đến hệ thống phân phối có ảnh hưởng đến quốc gia, nghiên cứu rút ra các bài học chính sách cho Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
1.1. Lý do thực hiện nghiên cứu
Trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng đối diện với thách thức nghiêm trọng về thực phẩm không an toàn, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng và hệ thống phân phối nông sản – thực phẩm còn yếu, chưa có được niềm tin của người tiêu dùng và khai thác được tối đa tiềm năng nông nghiệp của Việt Nam. Thực phẩm sạch, an toàn đang trở thành nhu cầu cấp thiết của người tiêu dùng. Trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn chưa lựa chọn được những giải pháp hiệu quả để phát triển kênh phân phối thực phẩm an toàn thực sự đến tay người tiêu dùng.
Mặc dù Việt Nam đã có Luật An toàn thực phẩm từ năm 2010 và bắt đầu thực hiện từ tháng 7/2011, tuy nhiên cho đến nay hệ thống thể chế và chính sách về an toàn thực phẩm vẫn đang hoàn thiện và còn nhiều bất cập. Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đã tăng cường các biện pháp mạnh nhằm tạo dựng một nền sản xuất sạch, kiểm soát tốt chất lượng an toàn thực phẩm. Trên thực tế, việc xây dựng một thị trường nông sản sạch còn nhiều khó khăn. Người tiêu dùng chỉ có thể nhận biết được thực phẩm không an toàn phần lớn là nhờ vào các cơ quan thanh tra, điều tra của báo chí, hoặc thông tin của một số cá nhân, và cũng không thể nhận biết được thực phẩm bẩn ở mức độ nào so với thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam chưa có một chiến lược tổng thể và dài hạn xây dựng hệ thống phân phối nông sản – thực phẩm hiệu quả, các hệ thống chứng chỉ có uy tín tầm cỡ quốc tế để thuyết phục người tiêu dùng. Kết nối của kênh phân phối với các đơn vị sản xuất còn bị động, ảnh hưởng bởi thời tiết mùa vụ. Vì vậy, việc đưa ra những giải pháp đột phá nhằm phát triển kênh phân phối thực phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng là yêu cầu cấp thiết.
1.2. Xác định vấn đề nghiên cứu
Nghiên cứu hiện trạng phân phối nông sản – thực phẩm của Việt Nam và các kinh nghiệm của Thái Lan, nhóm tác giả xác định câu hỏi nghiên cứu như sau:
(i) Hệ thống phân phối nông sản – thực phẩm của Việt Nam đang có những điểm bất cập nào?
(ii) Kinh nghiệm của Thái Lan có thể áp dụng cho bối cảnh của Việt Nam như thế nào?
2. Tổng quan nghiên cứu
2.1. Tổng quan nghiên cứu và cơ sở lý thuyết
Trên thế giới có nhiều nghiên cứu về hệ thống sản xuất – phân phối – tiêu thụ nông sản – thực phẩm dưới góc độ quản lý. Salin (1998) cho rằng phân phối nông sản – thực phẩm là hệ thống phức tạp do tác động của vòng đời sản phẩm ngắn, thời tiết ảnh hưởng đến nguồn cung sản phẩm và an toàn thực phẩm và chất lượng thực phẩm tác động lớn đến thị trường tiêu dùng (tr.329-33). Theo T. Heller (2002), khi toàn cầu hóa gia tăng, với thông tin và lựa chọn về sản phẩm ngày càng phong phú, thị trường tiêu dùng đòi hỏi hệ thống phân phối nông sản – thực phẩm ngày càng cao về chất lượng, độ tươi ngon và phong phú. Nhu cầu mua nông sản – thực phẩm tại các siêu thị có công bố chất lượng sản phẩm chi tiết hơn ngày càng lớn. Burch, D.và Lawrence, G.(2007) cho rằng quyền lực trong hệ thống phân phối nông sản – thực phẩm đã từ từ chuyển từ cơ sở sản xuất, thương hiệu thực phẩm sang các siêu thị bán lẻ lớn. Các tiêu chuẩn và công bố chất lượng dần dần do các siêu thị bán lẻ này áp đặt và đặt hàng hơn là các nhà sản xuất tự kiểm soát sản phẩm của mình. Hiện tượng này đã xảy ra ở nhiều nơi như châu Âu, Bắc Mỹ và Ấn Độ. Các nghiên cứu này đã chỉ ra xu hướng phát triển của hệ thống phân phối nông sản - thực phẩm, tuy nhiên rất ít nghiên cứu xử lý các khó khăn của một thị trường đang phát triển như Việt Nam cũng như cách để tháo gỡ các vướng mắc của hệ thống phân phối nông sản – thực phẩm hiện nay trong bối cảnh Việt Nam có nhiều tiềm lực về nông nghiệp nhưng chưa có nội lực nguồn nhân lực, khoa học kỹ thuật và chính sách dài hạn cho khu vực này.
Ở Việt Nam, các lý luận về sức ảnh hưởng của các mắt xích trong hệ thống phân phối nông sản – thực phẩm chưa được nghiên cứu nhiều. Đặc biệt là đến nay chưa có một hệ thống pháp lý chính thức và thống nhất về nông sản sạch, an toàn hay hữu cơ để phân loại chất lượng nông sản – thực phẩm trên thị trường khiến cho hệ thống phân phối chịu tác động tiêu cực như: thiếu cơ sở cho niềm tin của người tiêu dùng, giá sản phẩm chưa tương xứng với chất lượng sản phẩm và khó xây dựng chiến lược tiếp thị nông sản – thực phẩm. Theo Phạm Hải Vũ – Đào Thế Anh (2016), Việt Nam còn thiếu cơ sở khoa học so với chuẩn thế giới. Theo nghiên cứu này:
"Các kênh phân phối ngắn (Người sản xuất – Người tiêu dùng và Người sản xuất – Người bán lẻ – Người tiêu dùng) thường diễn ra ngay tại vùng sản xuất hoặc tại các thị trường gần vùng sản xuất. Những người sản xuất này có quy mô sản xuất nhỏ, có điều kiện về lao động nên vừa tổ chức được sản xuất, vừa tổ chức tiêu thụ được sản phẩm.” (tr.26-27)
Theo Võ Thị Ngọc Thúy (2016), Các nghiên cứu về nhãn mác, đặc biệt là nhãn mác an toàn xuất hiện ở Mỹ và châu Âu từ cuối thế kỷ XIX. Tuy nhiên, ở Việt Nam chủ đề này vẫn chủ yếu được nhắc đến trong các bài xã luận, chưa có nghiên cứu hàn lâm (tr.3). Hiện nay tại Việt Nam, có rất nhiều quan điểm và công bố khác nhau về nông sản sạch như rau an toàn, VIETGAP và nông sản hữu cơ. Tuy nhiên, sự minh bạch giữa các khái niệm chưa thuyết phục được thị trường tiêu dùng. Ví dụ về tiêu chuẩn hữu cơ, theo Ngô Minh Hải và Vũ Quỳnh Hoa (2016), hiện nay Việt Nam thiếu hụt nguồn thông tin về các sản phẩm hữu cơ hay chưa có một hệ thống đảm bảo chất lượng hoạt động hiệu quả (tr.1467).
Gần đây, cụm từ "nông sản sạch” được hiểu rõ hơn khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về "Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp”, qua đó khái niệm về nông sản sạch, an toàn có thể được hiểu là nông sản an toàn được sản xuất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm; ứng dụng công nghệ cao hoặc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Nhóm tác giả nghiên cứu sử dụng khái niệm hệ thống phân phối nông sản – thực phẩm an toàn theo khái niệm nông sản an toàn được công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công thương là nông sản được sản xuất theo một quy trình nghiêm ngặt về sản xuất an toàn thực phẩm được các cơ quan liên quan cấp phép và quản lý, giám sát, ứng dụng các biện pháp công nghệ cao, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng và không gây hại cho môi trường. Trong đó, các nhóm tiêu chuẩn cụ thể như Hữu cơ, Không biến đổi gen được hiểu là tối thiểu đáp ứng tiêu chuẩn an toàn sau đó đạt tới các mức chất lượng cao hơn, đáp ứng các nhóm người tiêu dùng có nhu cầu cao. Phân phối nông sản an toàn là kênh trung gian kết nối người sản xuất nông sản an toàn tới tay người tiêu dùng.
2.2. Khung lý thuyết sử dụng trong bài viết
Nhóm tác giả áp dụng lý thuyết Đẩy và Kéo trong chuỗi cung cứng sản phẩm (Push and Pull của Bonney và cộng sự (1999)) để phân tích các động lực thúc "đẩy” quá trình phát triển của hệ thống phân phối thực phẩm sạch và lực "kéo” từ đòi hỏi của thị trường hiện đại. Theo Bonney và cộng sự, với một chuỗi cung ứng sử dụng chiến lược đẩy, sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được đẩy từ phía nhà sản xuất tới nhà bán lẻ qua các kênh phân phối. Nhà sản xuất sẽ thiết kế sản lượng ở mức hợp lí dựa trên số lượng đơn đặt hàng trước đây từ các nhà bán lẻ. Chính vì thế nên sẽ tốn rất nhiều thời gian khi phải điều chỉnh lại nếu có sự thay đổi từ nhu cầu của thị trường. Điều này có thể dẫn đến việc quá nhiều hàng tồn kho dư thừa, gây ra sự tắc nghẽn hoặc chậm trễ, chất lượng dịch vụ xuống dốc và sản phẩm không bắt kịp thị trường. Còn khi sử dụng chiến lược kéo với chuỗi cung ứng, việc thu mua, sản xuất và phân phối dựa theo nhu cầu thực tế thay vì phải dự đoán. Trong hệ thống phân phối nông sản – thực phẩm Việt Nam hiện nay, nhóm tác giả tích hợp yếu tố chính sách là lực Đẩy với các dự báo về việc thúc đẩy sản phẩm nông sản – thực phẩm an toàn và các yêu cầu của thị trường hiện nay là lực "Kéo”. Nhóm nghiên cứu giả định khi lực "Đẩy” và "Kéo” xảy ra ở từng doanh nghiệp/ đơn vị kinh doanh đồng thời thì cần quan sát hai lực này ở tầm vĩ mô hơn – khu vực phân phối nông sản – thực phẩm vì tác động của các chính sách về tiêu chuẩn an toàn và đòi hỏi của thị trường tiêu dùng có hiệu ứng vĩ mô.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
Nhóm tác giả sử dụng các phương pháp sau:
(i) Tổng hợp và phân tích tài liệu về chính sách hiện nay đối với hệ thống phân phối nông sản – thực phẩm an toàn của Việt Nam; các số liệu nghiên cứu về hiệu quả của hệ thống phân phối này phân tích tác động của chính sách và yêu cầu của thị trường lên hệ thống phân phối nông sản – thực phẩm Việt Nam theo lý thuyết Đẩy và Kéo của Bonney và Cộng sự (1999)
(ii) Lựa chọn nghiên cứu trường hợp một số doanh nghiệp phân phối nông sản – thực phẩm của Việt Nam theo tiêu chí chọn mẫu đại diện. Mẫu đại diện cho đơn vị phân phối nông sản – thực phẩm có các đặc điểm:
- Có phân phối tỷ lệ lớn trên 50% nông sản – thực phẩm của Việt Nam
- Được công bố có đáp ứng các tiêu chuẩn về nông sản – thực phẩm an toàn của Việt Nam
- Có hợp đồng với các đơn vị cung cấp nông sản – thực phẩm của Việt Nam
- Có tìm đơn vị công bố hoặc tự công bố riêng các tiêu chuẩn theo xu hướng thị trường
- Có năng lực kinh doanh và đã phân phối nông sản thực phẩm trên năm (05) năm: thời gian này đủ chứng minh đơn vị phân phối đáp ứng được các yêu cầu của thị trường để tồn tại
(iii) Nghiên cứu kinh nghiệm chính sách và hệ thống phân phối nông sản – thực phẩm Thái Lan
(iv) So sánh bối cảnh vận dụng chính sách của Thái Lan và Việt Nam để rút ra bài học kinh nghiệm
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Thực trạng hệ thống phân phối nông sản sạch tại thị trường Việt Nam
3.1.1. Các hệ thống chính sách liên quan
Sơ đồ 1: Lực đẩy từ các chính sách tới hệ thống phân phối nông sản – thực phẩm
Cụ thể các chính sách tác động tới hệ thống phân phối này như sau:
(i) Ban Chỉ đạo liên ngành về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững do Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2015. Ban thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, việc làm cấp thiết là phải có một hệ thống phân phối nông sản hợp lý từ đồng ruộng đến các đại lý phân phối, hạn chế tối đa các trung gian không cần thiết. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch phải đảm bảo đủ các điều kiện về địa điểm, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có hợp đồng cung ứng với cơ sở sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; sản phẩm sạch phải có bao bì, nhãn mác và niêm phong theo quy định.
Lực "Đẩy” này đã tác động tới việc các hệ thống phân phối ưu tiên các sản phẩm đạt quy chuẩn và làm suy yếu hệ thống phân phối truyền thống tại đô thị. Từ trước, hình thức phân phối chủ yếu vẫn là truyền thống, có nghĩa là người tiêu dùng vẫn có thói quen mua hàng nông sản tại các chợ và từ người bán rong. Các chợ được phân bố tại khắp các cụm dân cư sinh sống. Chợ có thể được quy hoạch hoặc tự phát. Trên thực tế, hình thức bán rong vẫn tồn tại mạnh tại Việt Nam bởi sự thuận tiện, song xu hướng này sẽ ngày càng giảm đi vì người tiêu dùng muốn tìm đến những kênh phân phối có uy tín để mua được những sản phẩm sạch, an toàn.
(ii) Đề án "Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn” đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 3073/QĐ-BNN-QLCL ngày 27/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nắm bắt được nhu cầu người tiêu dùng, hiện nay kênh phân phối hàng nông sản an toàn của Việt Nam đã phát triển khá mạnh cả về chất lượng và quy mô, cùng với sự ra đời hàng loạt các cơ sở phân phối hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng phân phối nông sản an toàn và các chương trình kết nối cung cầu nông sản sạch do Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức, bước đầu thỏa mãn nhu cầu của người dân, làm thay đổi tư duy tiêu dùng của đa số người dân. Các địa phương trong cả nước cũng đã đẩy mạnh triển khai.
Lực "Đẩy” này khiến các đơn vị phân phối phát triển thành hệ thống hiện đại, gây dựng nhãn hiệu, tiếp thị người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm thực phẩm. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng thành công 746 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông sản an toàn với sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè, thịt trứng, gạo và thủy sản các loại..., trong đó có 382 chuỗi được giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi. Theo dự báo đến năm 2020, nông sản an toàn phân phối tại các kênh phân phối hiện đại có thể chiếm trên 40% thị phần trong nước và xu thế này sẽ ngày càng tăng lên trong tương lai bởi yêu cầu ngày càng khắt khe về an toàn thực phẩm cũng như quản lý phân phối nông sản an toàn ngày càng chặt để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Sơ đồ 2: Tổ chức kênh phân phối hiện nay tại Việt Nam
Nguồn: Nhóm tác giả nghiên cứu, tổng hợp
Trong đó:
+ Kênh gián tiếp:
- Kênh một cấp: Nhà sản xuất bán hàng gián tiếp cho người tiêu dùng qua một trung gian đó là nhà bán lẻ.
- Kênh nhiều cấp: Gồm có kênh 2 cấp, kênh 3 cấp...
Chi phí của kênh phân phối được biểu hiện bằng số lượng trung gian ở mỗi cấp phân phối. Như vậy, nếu càng giảm bớt các chi phí kênh trung gian thì hệ thống phân phối sản phẩm càng có hiệu quả cao vì khi đó giá sản phẩm không bị đẩy lên quá nhiều so với giá trị của nó. Tuy vậy, kênh phân phối hiệu quả hiện tại vẫn chiếm sản lượng tiêu thụ rất thấp.
Sự lớn mạnh của hệ thống các siêu thị không chỉ do các lực "Đẩy” các chính sách, mà còn có lực Kéo của yêu cầu thị trường, bao gồm:
(i) Yêu cầu về giá cạnh tranh: các hệ thống này này giảm bớt được các khâu trung gian, từ đó giảm về giá thành cho người tiêu dùng
(ii) Yêu cầu về chất lượng minh bạch: Hoạt động của các hệ thống phân phối này đều đảm bảo tính minh bạch bởi tất cả các hàng hóa bán ra đều có thể thực hiện trên hóa đơn, giá bán được niêm yết rõ ràng, ngày sản xuất và hạn sử dụng được niêm yết trực tiếp trên bao bì sản phẩm đảm bảo tính minh bạch trên thị trường hàng hóa.
(iii) Yêu cầu về nhu cầu mua sắm với dịch vụ hiện đại: Các hệ thống phân phối này đều có quy trình công nghệ hiện đại về quản lý chất lượng và vệ sinh, các doanh nghiệp bán buôn hiện đại giúp giảm tỷ lệ hao hụt hàng hóa và do đó nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các kênh bán lẻ, cung cách phục vụ khách hàng tốt và khách hàng có thể mua cùng một lúc nhiều loại sản phẩm ở cùng một địa điểm.
Kết quả của các lực Đẩy và Kéo, hệ thống siêu thị có công bố chất lượng ngày càng phát triển. Theo thống kê của Liên minh nông nghiệp Việt Nam, tỷ lệ người dân đi chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm đã giảm tới 35,5% so với 5 năm trước đây. Người tiêu dùng ngày càng tìm đến các kênh phân phối nông sản an toàn để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Sơ đồ 3: Lực "Kéo” của thị trường tới hệ thống phân phối nông sản, thực phẩm
Nguồn: Nhóm tác giả phân tích dựa trên lý thuyết Đẩy và Kéo của Bonney và cộng sự (1999)
Dưới tác động của các lực Kéo và Đẩy đã phân tích như trên, Nhóm tác giả liệt kê các trường hợp (case study viết tắt cs) sau ở Việt Nam:
[cs1] Hệ thống siêu thị của Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA mart) thành lập năm 2016 với mục đích liên kết các Hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản an toàn trên toàn quốc. UCA là nơi phân phối các sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc như rau, củ, quả và thực phẩm như thịt gà, thịt lợn, thịt bò, cá... của các hợp tác xã uy tín trên toàn quốc. 100% hợp tác xã tham gia vào chuỗi siêu thị này được cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá chất lượng thường xuyên, liên tục, nông sản được gắn tem truy xuất nguồn gốc điện tử. Hệ thống chịu tác động của lực Đẩy chính sách lúc thành lập nhưng sau đó đã chịu thêm tác động lực Kéo của yêu cầu thị trường khi đa dạng hóa thực phẩm.
[cs2] Hệ thống siêu thị VinMart & chuỗi cửa hàng VinMart+: Đây là hệ thống siêu thị đã được bình chọn vào Top 2 nhà bán lẻ được người tiêu dùng nghĩ đến nhiều nhất và Top 10 nhà bán lẻ uy tín nhất (theo thống kê của Vietnam Report). VinMart & Vinmart+ cũng góp phần đưa VinCommerce lên vị trí thứ 19 trong top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam theo bảng xếp hạng do Brand Finance công bố trong 2 năm liên tiếp 2016, 2017. Tính đến hết ngày 31/12/2017, hệ thống bán lẻ có quy mô 65 siêu thị VinMart và hơn 1.000 cửa hàng VinMart+ tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước và trở thành chuỗi bán lẻ quy mô nhất Việt Nam.VinMart & VinMart+ cũng là kênh phân phối độc quyền các sản phẩm nông sản an toàn VinEco sản xuất theo công nghệ Israel hiện đại hàng đầu thế giới cung cấp đa dạng sản phẩm nông sản an toàn như rau, củ, quả, nấm tươi cao cấp, thịt và hải sản. Đây cũng là chuỗi cửa hàng tiện lợi, phân bổ giữa các khu dân cư đông đúc, mang đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng trên khắp Việt Nam. Doanh nghiệp phân phối nông sản – thực phẩm này chịu tác động lực Kéo cao, dựa trên đòi hỏi của thị trường, bắt kịp xu thế về tiêu dùng sản phẩm đa dạng, giá thành tốt, công bố rõ nguồn gốc.
[cs3] Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) VinaGAP Việt Nam: Được thành lập từ năm 2010, với thương hiệu là Bác Tôm được xem là đi tiên phong trong lĩnh vực rau và thực phẩm sạch ở Hà Nội, đến nay hệ thống cửa hàng đã phát triển 23 chuỗi cửa hàng trên khắp Hà Nội. Công ty chuyên phân phối các mặt hàng nông sản - thực phẩm sạch và là địa chỉ uy tín lâu năm đối với người tiêu dùng Hà Nội. Doanh nghiệp phân phối nông sản – thực phẩm này chịu tác động lực Kéo và hướng tới nhóm tiêu dùng có nhu cầu truy xuất nguồn gốc cao hơn, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng cao hơn. Đây là mẫu tiêu biểu cho nhiều doanh nghiệp phát triển phân phối sản phẩm nông sản – thực phẩm theo xu hướng tiêu dùng nông sản – thực phẩm cao cấp. Tuy nhiên ở các doanh nghiệp này, các tiêu chuẩn "hữu cơ”, "không biến đổi gen” mới chịu tác động của lực "Kéo” thị trường, thiếu lực "Đẩy” từ hệ thống chứng nhận, chính sách ưu đãi của Nhà nước nên minh bạch thông tin đối với người tiêu dùng còn chưa tối ưu.
[cs4] Công ty TNHH một thành viên Phân phối Saigon Co.op (SCD): Là hệ thống bán lẻ uy tín đối với người tiêu dùng thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và trên toàn quốc với chuỗi siêu thị, cửa hàng Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood. Tính đến 12/2017, hệ thống Co.op mart có 92 siêu thị và gần 200 cửa hàng Co.opFood trên toàn quốc. Các điểm bán hàng của hệ thống Co.op đều có chứng nhận an toàn thực phẩm và đạt tiêu chuẩn VietGAP, VietGAP nhãn xanh. Để có thể cạnh tranh với thị trường bán lẻ trong nước và nước ngoài tại Việt Nam, Saigon Co.op có chiến lược phát triển mới trong đó tập trung vào ba lĩnh vực chính là: Phát triển mạng lưới, hàng hóa và logistics, xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp. Cụ thể năm 2018, Saigon Co.op sẽ xây dựng mô hình kinh doanh mới trong đó có một Co.opmart phân khúc cao (Finelife), kết nối đa phương tiện với các hình thức mua sắm khác. Đẩy mạnh khai thác kinh doanh các mặt hàng hữu cơ... Tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất uy tín để phân phối hàng hóa, thực phẩm chất lượng cao đạt chuẩn an toàn thực phẩm. Đây là một đại diện cho doanh nghiệp chịu tác động "Kéo” của thị trường qua các giai đoạn phát triển khác nhau, từ các tiêu chuẩn tuân theo lực "Đẩy” chính sách về nhãn VietGAP đến đi sâu vào yêu cầu cao hơn của thị trường và có chiến lược gây dựng thương hiệu riêng, tạo ra lực Đẩy mới, đáp ứng lực Kéo của thị trường.
[cs5] Công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam: Được thành lập từ năm 2010,công ty hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ rau, quả thực phẩm sạch và đặc sản vùng miền. Đến nay Biggreen Việt Nam đã xây dựng thành công chuỗi liên kết từ sản xuất đến cung ứng rau, quả sạch, trở thành địa chỉ tin cậy của khách hàng ở thị trường Hà Nội. Biggreen Việt Nam đã xây dựng được mối liên kết với nhiều hợp tác xã, đơn vị sản xuất rau an toàn tại nhiều vùng rau lớn trên cả nước như: Mộc Châu (tỉnh Sơn La), Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và Đông Anh (Thành phố Hà Nội). Công ty cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội khai trương Trung tâm Tư vấn, giới thiệu và bán nông sản thực phẩm an toàn. Các sản phẩm được trưng bày và giới thiệu tại trung tâm đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hay hữu cơ, có sự liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi và được kiểm soát chặt chẽ trong tất cả các khâu. Đặc biệt, tất cả các sản phẩm được bày bán đều có dán tem QR Code trên bao bì để khách hàng có thể dễ dàng kiểm tra thông tin và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là mẫu kết hợp lực Đẩy chính sách và lực Kéo thị trường liên tục, với mỗi lực Kéo yêu cầu của thị trường, lại có sự phối hợp lực Đẩychính sách kịp thời hỗ trợ.
Với các trường hợp nghiên cứu như trên, mặc dù đã có vận dụng lực Đẩy và Kéo của chính sách và yêu cầu thị trường, các doanh nghiệp phân phối nông sản an toàn của Việt Nam chưa phát huy được tiềm năng, cùng với việc xuất hiện ngày càng nhiều tập đoàn phân phối lớn của nước ngoài với tiềm lực mạnh và tính chuyên nghiệp cao, đã làm cho một số các doanh nghiệp phân phối Việt Nam bán lại cho các tập đoàn lớn này. Cụ thể có thể thấy:
(i) Đáp ứng của lực Đẩy chính sách về hệ thống chứng nhận đáp ứng nhu cầu lực Kéo của thị trường còn yếu, đến nay chỉ có chứng nhận an toàn ở mức tối thiểu, chưa phong phú, đa dạng. Hệ thống kiểm định còn yếu kém dẫn tới niềm tin suy giảm. Nhiều hệ thống phân phối uy tín muốn đưa các mặt hàng nông sản sạch vào hệ thống bán hàng của mình với giá cả hợp lý, cạnh tranh song quy mô sản xuất các mặt hàng này hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán. Một số các cơ sở sản xuất hàng nông sản mặc dù có giấy chứng nhận Vietgap hoặc cơ sở sản xuất an toàn nhưng hệ thống kiểm soát chất lượng của kênh phân phối vẫn phát hiện có tồn dư hóa chất, kháng sinh, vi khuẩn... trong thực phẩm. Chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe các cửa hàng phân phối nông sản không đảm bảo an toàn. Lực lượng cán bộ thanh kiểm tra các cơ sở phân phối hàng nông sản còn mỏng về số lượng và kém trình độ nên nhiều vụ việc vi phạm kinh doanh an toàn thực phẩm chưa được phát hiện.
(ii) Do thiếu phân tích lực Kéo cụ thể về nhu cầu, chủng loại, thời điểm, các doanh nghiệp phân phối nông sản còn bị động vì phải phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết, chất lượng của sản phẩm, biến động giá cả của thị trường trong và ngoài nước.
(iii) Do các phân tích về thị trường còn yếu, hợp đồng số lượng lớn, ổn định chưa nhiều: Một số doanh nghiệp phân phối sản phẩm nông sản an toàn vào siêu thị còn gặp nhiều khó khăn: thời gian chờ nhập hàng vào siêu thị, chi phí vận chuyển cao do mỗi lần siêu thị nhập hàng vào với số lượng ít, việc chiết khấu cho siêu thị cao (từ 23-25% giá sản phẩm), thời gian thanh toán tiền hàng của siêu thị còn chậm so với thực tế ghi trong hợp đồng khiến các doanh nghiệp này gặp khó khăn do không có kinh phí tái đầu tư.
3.2. Kinh nghiệm phát triển hệ thống phân phối nông sản sạch của Thái Lan
3.2.1. Hệ thống chính sách phát triển thị trường bền vững tác động thuận lợi tới phân phối nông sản - thực phẩm
Theo Ngân hàng thế giới (World Bank) (2016), nông nghiệp chiếm 12% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Thái Lan và sử dụng 32% lao động toàn quốc. Mặc dù khu vực công nghiệp Thái Lan chiếm 40% GDP song khu vực này có mối quan hệ chặt chẽ với khu vực nông nghiệp do ngành công nghiệp chế biến thực phẩm chiếm tỷ lệ cao trong khu vực công nghiệp. Khu vực dịch vụ chiếm 45% GDP, trong đó các dịch vụ vận chuyển và giao nhận thực phẩm giữa các thành phố, bán buôn và bán lẻ thực phẩm chiếm tỷ trọng cao. Năm 2015, ngành bán lẻ Thái Lan đạt 84,31 tỷ USD. Bán lẻ được chia thành khu vực thực phẩm và phi thực phẩm, trong đó bán lẻ thực phẩm chiếm 62% tổng mức bán lẻ.
Để mạng lưới phân phối thực phẩm phát triển, Thái Lan đã có các chính sách đồng bộ hỗ trợ các mắt xích quan trọng trong mạng lưới phân phối như: Khuyến khích phát triển các tập đoàn thu mua nông sản và phân phối lớn có quy mô quốc gia; đảm bảo đầu ra cho các hộ nông dân; nâng cao uy tín các đơn vị kinh doanh bán lẻ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong nước và khách du lịch; quản lý, chứng nhận và giám sát chất lượng, tiếp thị thương hiệu thực phẩm. Cụ thể, mạng lưới phân phối thực phẩm của Thái Lan được hỗ trợ bởi các yếu tố sau:
(i) Hệ thống chứng nhận chất lượng rõ ràng, được người tiêu dùng tin cậy: Thái Lan là một trong các quốc gia Đông Nam Á đi đầu trong việc tạo ra các chứng nhận chất lượng cụ thể, phù hợp với yêu cầu quốc tế và toàn cầu hóa. Chứng nhận nông sản hữu cơ của Thái Lan tạo ra các sản phẩm có chứng nhận rõ ràng về chất lượng, giúp khẳng định thương hiệu nông sản. Cơ quan cấp chứng nhận hữu cơ nổi bật của Thái Lan là Actorganic-cert (ACT). ACT tuân theo các tiêu chuẩn và quy định của các cơ quan chứng nhận quốc tế như: tiêu chuẩn châu Âu số 1235/2008 (điều 10) có từ năm 2011, Tiêu chuẩn hữu cơ Canada của cơ quan giám sát thực phẩm Canada năm 2009. Hệ thống chứng nhận ACT có tính linh động cao khi có các hồ sơ khác nhau tùy vào sản phẩm xin cấp chứng nhận để bán ở thị trường nào giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
(ii) Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển nông sản và tiêu thụ nông sản: Theo Jennifer Phang (2011), Thái Lan có các cơ quan nghiên cứu về gen và kỹ thuật sản xuất thực phẩm như Viện Thực phẩm quốc gia (The National Food Institute (NFI)), Vụ Dịch vụ kỹ thuật thực hiện các hệ thống an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (tiếng Anh là Good Manufacturing Practices, viết tắt là GMP) và Hệ thống phân tích mối nguy hại trong thực phẩm (tiếng Anh là Hazard Analysis and Critical Control Points, viết tắt là HACCP), Cơ quan phát triển nghiên cứu nông nghiệp (ARDA) phối hợp với NFI để phát triển thực phẩm chế biến và nguồn nhân lực cho ngành nông sản - thực phẩm.
(iii) Chiến lược của chính phủ Thái Lan về hỗ trợ tiêu thụ nông sản và thực phẩm ổn định: Thái Lan có chiến lược nông sản quốc tế mang tên "Thái Lan - Bếp ăn của Thế giới” cho giai đoạn 2012-2016 nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm của Thái Lan bao gồm: nâng cao khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nâng cao kiến thức cho nông dân, tạo ra các ngành công nghiệp chế biến nông sản có giá trị gia tăng cao. Theo Tổ chức y tế Thế giới (2015), đến nay có hơn 85.000 cửa hàng thực phẩm đường phố và 50.000 nhà hàng tham gia dự án Thực phẩm sạch, hương vị ngon, được Bộ Sức khỏe cộng đồng phối hợp Tổng cục Du lịch Thái Lan và Bộ Nội vụ khởi động từ năm 1989. Chiến lược nhằm đảm bảo thực phẩm vệ sinh an toàn phục vụ du lịch và sự chủ động của các cơ quan quản lý thực phẩm địa phương. Trong chiến lược tiếp thị nông sản và thực phẩm của Thái Lan, phối hợp tiếp thị nông sản và du lịch là một nội dung được chú trọng: Tổng cục du lịch Thái Lan sử dụng hình ảnh thực phẩm Thái Lan như một sản phẩm du lịch. Chiến lược của Tổng cục là khiến người Thái Lan và khách du lịch cùng biết đến và yêu thích thực phẩm Thái, đặc biệt các thực phẩm chế biến từ nông sản địa phương. Mục tiêu của Chiến lược không chỉ là tăng thu cho ngành du lịch thông qua khách du lịch thưởng thức thực phẩm Thái mà còn nâng cao giá trị của thực phẩm Thái, gây dựng hình ảnh quốc gia. Chiến lược toàn diện Tổng cục du lịch 2018 đảm bảo lượt khách du lịch cao trong bối cảnh cạnh tranh nhằm tạo nguồn tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp và phối hợp đảm bảo chất lượng nông sản, thực phẩm để khách du lịch quay trở lại.
(iv) Chiến lược duy trì và nâng cao chất lượng chợ truyền thống với các doanh nghiệp siêu nhỏ bán hàng song song với chuỗi siêu thị hiện đại: Mặc dù xu hướng người tiêu dùng mua sắm tại các siêu thị tăng nhanh chóng trong thập kỷ vừa qua, Thái Lan không bỏ mặc các khu chợ truyền thống mà áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cho cả các khu chợ và biến chợ truyền thống thành các điểm thu hút khách du lịch, giới thiệu về nông sản, thực phẩm địa phương. Việc duy trì các tiểu thương hay các doanh nghiệp siêu nhỏ kinh doanh nông sản, thực phẩm cùng với các hệ thống siêu thị tạo ra trạng thái thị trường cân bằng, ổn định, cạnh tranh lành mạnh hơn. Ngoài ra, các hệ thống siêu thị lớn hầu như là các doanh nghiệp vốn nước ngoài thì các tiểu thương và doanh nghiệp siêu nhỏ tại các chợ truyền thống là doanh nghiệp Thái Lan, việc duy trì song song cả hai hệ thống giúp duy trì được nội lực cân bằng cho các doanh nghiệp thương mại kinh doanh nông sản của Thái Lan.
(v) Thương mại điện tử phát triển: Theo báo cáo Kỹ thuật số Đông Nam Á năm 2017 của tổ chức We are Social, Thái Lan có 85% dân số sử dụng internet ít nhất một lần một ngày. Đây là cơ sở để tiếp thị thông tin nông sản, thực phẩm và phân phối bán buôn và bán lẻ cùng phát triển.
(vi) Từ khi xây dựng ngành nông nghiệp hiện đại, năng suất cao, Thái Lan chú trọng và ưu tiên phát triển các tập đoàn lớn, có khả năng thu mua trên quy mô vùng hoặc quốc gia và đảm bảo đầu ra ổn định. Theo Diễn đàn lãnh đạo kinh doanh (2018), Kinh nghiệm của tập đoàn Central Group là làm việc chặt chẽ với các hộ nông dân để có kế hoạch thu mua nông sản thường xuyên theo giá thị trường phân phối trong hệ thống Big C. Kế hoạch thu mua giúp các hộ nông dân chú trọng nâng cao chất lượng nông sản hoặc xem xét khả năng mở rộng sản xuất ổn định.
3.2.2. Tổng hợp mô hình hệ thống phân phối trong thị trường bền vững từ bài học kinh nghiệm của Thái Lan:
Sơ đồ 4: Mô hình phân phối nông sản an toàn
Nguồn: Nhóm tác giả nghiên cứu tổng hợp mô hình hệ thống phân phối nông sản – thực phẩm của Thái Lan
Phân tích sơ đồ trên, nhóm tác giả thấy các yếu tố trên có quan hệ phụ thuộc như sau:
- Nếu hệ thống chứng chỉ, kiểm định không nghiêm ngặt, không tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì mắt xích tiếp thị sản phẩm không hiệu quả. Ngược lại, nếu chỉ đảm bảo chứng chỉ và chất lượng cho sản phẩm nhưng công tác tiếp thị không tốt thì người tiêu dùng không biết đến và không phân biệt được chất lượng sản phẩm.
- Tổ chức đội ngũ tiếp thị sản phẩm rộng rãi giới thiệu những sản phẩm nông sản an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng thay vì những thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường, dần dần xây dựng uy tín thương hiệu của mình trên thị trường hàng nông sản một cách bền vững.
- Có chiến lược thu hút khách du lịch và người tiêu dùng, đảm bảo được đầu ra ổn định mới có thể ký hợp đồng dài hạn với các doanh nghiệp bán lẻ.
- Hợp đồng đầu ra bền vững mới có thể xây dựng hệ thống thu mua bền vững và ngược lại.
- Hệ thống thu mua bền vững, có doanh số ổn định, đảm bảo chất lượng sản phẩm mới đủ điều kiện được cấp chứng chỉ.
4. Một số khuyến nghị và giải pháp thúc đẩy phát triển kênh phân phối nông sản an toàn Việt Nam
Từ các phân tích hiện trạng và kinh nghiệm Thái Lan, nhóm tác giả đưa ra các khuyến nghị sau cho Việt Nam:
- Xây dựng cơ quan nghiên cứu thông tin thị trường nông sản – thực phẩm cho doanh nghiệp;
- Có chính sách khuyến khích hình thành các đơn vị chứng nhận độc lập phù hợp yêu cầu của thị trường;
- Có chiến lược dài hạn xây dựng thị trường tiêu thị nông sản – thực phẩm trong nước bền vững, thu hút các nhóm tiêu dùng sản phẩm nhập khẩu và khách du lịch sang sử dụng nông sản - thực phẩm nội địa được chứng nhận chất lượng cao;
- Thúc đẩy chính sách đầu tư hạ tầng, sử dụng đất và hỗ trợ về vốn, chính sách thuế nhằm phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu công nghệ cao, tạo ra các hợp đồng lớn và dài hạn giúp ổn định các vùng sản xuất chất lượng cao;
- Rà soát thường xuyên phối hợp giữa ba Bộ có liên quan, tránh chồng chéo trong quản lý và giám.Tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác quản lý ATTP trên từng địa bàn và phối hợp tốt với các đoàn thể chính trị, xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát để đảm bảo ATTP. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, tính răn đe trong công tác thanh, kiểm tra ATTP để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, người sản xuất và kinh doanh chân chính cũng như bảo vệ uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
5. Kết luận
Hệ thống phân phối nông sản - thực phẩm sạch là một đề tài quan trọng, nghiên cứu vấn đề thiết thực về thị trường nông sản - thực phẩm hiện nay của Việt Nam, với vị thế một quốc gia đang phát triển, có tiềm lực về nông nghiệp và thị trường rộng lớn đòi hỏi về chất lượng ngày càng cao. Nhóm tác giả dựa trên các phân tích, đánh giá về hiện trạng hệ thống phân phối nông sản an toàn của Việt Nam và bài học kinh nghiệm của Thái Lan, từ đó rút ra được các luận điểm nghiên cứu quan trọng: Một là, hệ thống phân phối nông sản - thực phẩm sạch, an toàn của Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu quy mô hộ gia đình và phần lớn các doanh nghiệp nhỏ, thiếu về vốn, kỹ thuật và chiến lược dài hạn. Hai là, hệ thống phân phối nông sản - thực phẩm còn chưa nằm trong một mạng lưới kết nối các đơn vị chứng nhận có tầm quốc tế, người tiêu dùng, người sản xuất, các kênh bán buôn và bán lẻ. Sự thiếu kết nối này tạo ra sự bị động cho nhà sản xuất và các doanh nghiệp phân phối cũng như người tiêu dùng khi sản xuất không dựa trên thông tin thị trường và đầu ra không ổn định.
ThS. Đinh Thị Ninh Giang
ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc
ThS. Phạm Thanh Hiền
Đăng tại Kỷ yếu Hội thảo "Thương Mại và Phân phối" - CODI 2018.
1. Báo cáo Kỹ thuật số Đông Nam Á năm 2017 của tổ chức We are Social https://www.slideshare.net/wearesocialsg/digital-in-2017-southeast-asia
2. Các văn bản luật pháp và chính sách liên quan của Chỉnh phủ
3. J.D. Kinsey, 2001. The new food economy: Consumers, farms, pharms and science. American Journal of Agricultural Economics, Vol.83 (2001)
4. Jennifer Phang. 2011. Government boost Organic food industry https://www.foodnavigator-asia.com/Article/2011/11/22/Government-support-boosts-Thai-organic-food-industry
5. Ngô Minh Hải, Vũ Quỳnh Hoa. 2016. Nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về thực phẩm hữu cơ, Tạp chí KH Nông nghiệp Việt Nam 2016, tập 14, số 9: 1466-1474
6. Prapimphan Chiengkul. 2017. The Political Economy of the Agri-Food System in Thailand: Hegemony, Counter
7. T. Heller, Sales grow so does competition, Progressive Grocer, Vol. 81 No. 10 (2002)
8. Thailand's agriculture plan for 2012-2016 .2012. https://www.thailand-business-news.com/economics/36646-thailands-agriculture-plan-for-2012-2016.html
9. V. Salin, 1998. Information technology in agri-food supply chains. International Food and Agribusiness Management Review
10. Võ Thị Ngọc Thúy, Ảnh hưởng của nhãn mác thực phẩm an toàn đến hành vi khách hàng với sản phẩm của nhãn hàng riêng, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 32, Số 4 (2016) 59-68
11. Website của các đơn vị được lựa chọn làm nghiên cứu trường hợp