Hợp tác đầu tư Việt - Trung: Dư địa lớn, bất cập vẫn nhiều
14/12/2020 14:25
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung gay gắt, chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển mạnh mẽ… cơ hội và tiềm năng hợp tác đầu tư song phương Việt Nam – Trung Quốc còn rất lớn. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội, nâng qua hiệu quả hợp tác đầu tư, cần giải quyết ngay một loạt bất cập, vướng mắc từ cả hai phía.
Những nội dung nêu trên đã được các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc thảo luận cởi mở, thẳng thắn tại cuộc Tọa đàm quốc tế "Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh mới” do Viện Chiến lược phát triển, Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, vừa tổ chức tại Hà Nội.
Xung lực mới cho "làn sóng đầu tư” từ Trung Quốc
Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn vì đại dịch Covid-19, làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong hơn hai năm qua. Năm 2019, Trung Quốc có 683 dự án đăng ký mới đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn 2,3 tỉ USD, đứng thứ 5 trong số 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Tính đến hết tháng 10/2020, Trung Quốc đã có 2,17 tỷ USD vốn đăng ký vào Việt Nam, đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Các chuyên gia, doanh nghiệp của Trung Quốc và Việt Nam có chung nhận định rằng, trong thời gian tới, do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và chủ trương tái cơ cầu, điều chỉnh chiến lược phát triển của Trung Quốc, làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc ra các nước khác nói chung, Việt Nam nói riêng còn tăng mạnh. Đáng lưu ý là các doanh nghiệp của Trung Quốc cũng đang tăng cường đầu tư ra các nước trong khu vực để tránh mức thuế cao của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, tận dụng các điều kiện thuận lợi hơn về giá nhân công, giá thuê đất, thị trường và chính sách ưu đãi tại các quốc gia khác như Ấn Độ, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.
Theo nhận định của TS Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc và ông Dương Vạn Sinh, Phó Hội trưởng Tổng hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Tây, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Vạn Sinh Long, việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết cũng sẽ mang lại xung lực mới cho hợp tác đầu tư Việt Nam – Trung Quốc. Hiệp định này với 15 thành viên, chiếm hơn 32% tổng GDP toàn cầu, sẽ tạo dòng chảy thông suốt của hàng hóa, dịch vụ và nhân sự, cải thiện môi trường kinh doanh chung của khu vực... Theo đó, sẽ tác động tích cực đến hợp tác đầu tư giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, việc Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các FTA; cải cách và hoàn thiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; thực thi các chính sách mới về ưu đãi đầu tư từ năm 2021, cũng tạo cơ hội mới thúc đẩy thu hút FDI, trong đó có FDI từ Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc sẽ triển khai "chiến lược kinh tế tuần hoàn kép”. Theo đó, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đóng vai trò quan trọng trong "vòng tuần hoàn bên ngoài” của kinh tế Trung Quốc nhờ vào ưu thế có vị trí địa lý gần và kết nối giao thông thuận tiện với Trung Quốc.
Còn nhiều "chướng ngại vật” trong hợp tác đầu tư
Thực tế nêu trên cho thấy hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có cơ hội phát triển mạnh. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư song phương, hai bên cần tích cực hợp tác gỡ bỏ những hạn chế, bất cập và không ít "chướng ngại vật” hiện nay.
Từ phía Việt Nam, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, vấn đề lớn đang đặt ra là đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, nhưng chất lượng dự án FDI còn hạn chế. Đa số dự án là cỡ nhỏ; ít các dự án khai thác công nghệ cao và dự án thân thiện với môi trường. Chính những yếu kém trong các dự án hợp tác đầu tư trước đây như chậm tiến độ, chất lượng và hiệu quả khai thác thấp, ô nhiễm môi trường… đang tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác kinh tế Việt – Trung nói chung và phần nào trở thành "vật cản” đối với các nhà đầu tư mới vào làm ăn tại Việt Nam hiện nay.
Một vấn đề nữa là gần đây, một số doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam chỉ chú trọng khai thác những ưu thế về thuế, giá nhân công, ưu đãi trong xuất khẩu (do các FTA Việt Nam đã ký kết mang lại), chưa chú trọng hợp tác cùng có lợi lâu dài. Ngoài ra, các vấn đề khác, nhất là an ninh Biển Đông, cũng đã và đang tác động tiêu cực đến hợp tác đầu tư song phương.
Từ phía Trung Quốc, các doanh nghiệp cho rằng, môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện nhanh chóng và có một số thuận lợi như: Việt Nam rất nỗ lực ký kết nhiều FTA; thể chế ngày càng hoàn thiện, chính sách thuế ưu đãi cho nhà đầu tư; giá nhân công, giá thuê đất rẻ hơn đa số các nước trong khu vực... Tuy nhiên, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như:
Một là, một số nơi thủ tục hành chính còn rườm rà, phiền nhiễu, năng lực hành chính vẫn tương đối thấp. Ở một số địa phương, các doanh nghiệp thường xuyên bị kiểm tra hành chính. Trình độ điện tử hóa của Việt Nam vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến tính minh bạch, một số trường hợp dẫn đến hiện tượng tham nhũng, không có lợi cho môi trường kinh doanh, đầu tư.
Hai là, tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đặc biệt hạ tầng giao thông, hiện chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng FDI. Chẳng hạn, tại KCN An Dương (Hải Phòng), cơ sở hạ tầng xung quanh KCN như hạ tầng điện chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; hạ tầng thoát nước kém.
Để tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư song phương Việt Nam – Trung Quốc, các chuyên gia và doanh nghiệp hai nước dự kiến nghị, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường xây dựng các KCN quốc tế, thông qua KCN quốc tế để thu hút FDI. Đồng thời, chú trọng kiểm soát tốc độ tăng giá thuê đất. Để tạo môi trường kinh doanh tốt trong KCN, Ban quản lý của các địa phương nên hạn chế tần suất kiểm tra hành chính đối với doanh nghiệp; tăng cường đào tạo, tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước cho doanh nghiệp. Về phía Doanh nghiệp Trung Quốc khi đầu tư tại Việt Nam, cần chú trọng đảm bảo trách nhiệm xã hội, kết hợp hài hòa lợi ích của người dân - lợi ích doanh nghiệp – lợi ích địa phương.
Bên cạnh đó, hai nước cần đặc biệt chú trọng nội dung hợp tác đầu tư, thương mại trong sản xuất và xuất khẩu nông sản. Theo ông Dương Vạn Sinh, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Vạn Sinh Long, nhu cầu nhập khẩu hoa quả của Trung Quốc rất lớn. Hiện nay, đã hình thành Khu chế biến hoa quả nông sản giáp biên 25.000 tấn giữa Việt Nam và Trung Quốc, tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam còn gặp khó khăn về logistic nên đôi khi chưa đáp ứng đủ yêu cầu nhập khẩu hoa quả, nông sản của hải quan Trung Quốc. Hai bên cần thống nhất tiêu chuẩn xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng cường đồng bộ về cơ chế chính sách, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa.
Trong khi đó, ông Đinh Cao Khuê, ông Đinh Cao Khuê – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, hiện nay, Việt Nam mỗi năm xuất khẩu từ 3,4-3,6 tỷ USD hoa quả sang thị trường Trung Quốc. Nếu làm tốt xây dựng vùng nguyên liệu (chuối, chanh leo…) thì chỉ riêng 1 tỉnh Gia Lai cũng có thể đạt kim ngạch xuất khẩu hoa quả nêu trên.
Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam có thể nghiên cứu hợp tác từ xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất nông sản tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc, nhất là với một số mặt hàng Việt Nam có tiềm năng sản xuất, Trung Quốc có nhu cầu lớn như: Chuối, dứa, chanh leo.
Trung Quốc cần nghiên cứu để Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều loại nông sản mà Việt Nam có lợi thế vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, giới thiệu các doanh nghiệp cung ứng thiết bị, máy móc nông nghiệp, chế biến nông sản cho doanh nghiệp Việt Nam.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư, hai bên cần tăng cường hơn nữa việc trao đổi thông tin, hiểu biết lẫn nhau, giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, thị trường; tích cực tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư để hướng tới mục tiêu cùng thắng.
TS. Nguyễn Quốc Trường
Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư