Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam: Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

14/07/2025 15:03


Sự phát triển của các trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) là một xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa tài chính. Việc hình thành TTTCQT không chỉ nhằm thu hút dòng vốn quốc tế mà còn góp phần nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng bền vững. Trong khu vực châu Á, các quốc gia như Singapore, Malaysia và Trung Quốc đã có những chiến lược riêng biệt nhưng hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển TTTCQT. Việc nghiên cứu các mô hình này giúp Việt Nam có nhiều kinh nghiệm thực tiễn bổ ích để xây dựng và phát triển TTTCQT trong thời gian tới.

Kinh nghiệm một số nước phát triển Trung tâm tài chính quốc tế 

Kinh nghiệm từ Singapore: Mô hình dẫn đầu khu vực 

Singapore được đánh giá là một trong những trung tâm tài chính toàn cầu hàng đầu nhờ vào hệ thống pháp luật ổn định, minh bạch và thân thiện với nhà đầu tư, chính trị ổn định và hệ thống thuế ưu đãi giúp Singapore thu hút đông đảo tổ chức tài chính toàn cầu. Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) đóng vai trò vừa là ngân hàng trung ương vừa là cơ quan giám sát tài chính, đảm bảo sự phối hợp chính sách linh hoạt và hiệu quả.

Chính phủ Singapore đầu tư mạnh vào giáo dục và đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ tài chính (fintech) và quản trị rủi ro. Đồng thời, quốc gia này cũng duy trì chính sách thị thực mở để thu hút chuyên gia quốc tế. 

Singapore là một trong những trung tâm đi đầu về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, nhờ vào việc tích cực ứng dụng blockchain, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Đây là yếu tố giúp Singapore duy trì lợi thế cạnh tranh trong kỷ nguyên số. 

Ngoài ra Singapore đã xây dựng chiến lược rõ ràng “Singapore Financial Centre Masterplan” để định hướng phát triển trung tâm tài chính toàn diện, nhấn mạnh các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, fintech và quản lý tài sản.

Tuy nhiên, Singapore vẫn đối mặt với thách thức về quy mô thị trường nội địa nhỏ, phụ thuộc nhiều vào dòng vốn quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt trong khu vực. 

Malaysia: Mô hình trung tâm tài chính Hồi giáo Kuala Lumpur

Kuala Lumpur nổi bật với định hướng phát triển thành trung tâm tài chính Hồi giáo quốc tế. Chính phủ Malaysia đã triển khai nhiều chính sách đặc thù để phát triển ngành này như ban hành khung pháp lý riêng, thành lập cơ quan điều phối - MIFC (Malaysia International Islamic Financial Centre) và thu hút các tổ chức tài chính Hồi giáo toàn cầu. 

Malaysia áp dụng chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ hành chính cho các doanh nghiệp tài chính đặt trụ sở tại Kuala Lumpur. Hệ thống hạ tầng tài chính được hiện đại hóa thông qua các chương trình phát triển do nhà nước dẫn dắt, như Kế hoạch Tài chính Quốc gia (Financial Sector Blueprint). Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ fintech qua sáng kiến “Digital Free Trade Zone”, cải thiện hạ tầng và dịch vụ tài chính số. 

Mặc dù có bước tiến rõ rệt, Malaysia vẫn cần cải thiện thương hiệu quốc tế và phát triển hệ sinh thái dịch vụ tài chính toàn diện hơn để thu hút dòng vốn ngoài khu vực Hồi giáo. 

hcm-1742015950786279307806

Thượng Hải: Trung tâm tài chính đang nổi của Trung Quốc 

Thượng Hải là đầu tàu trong chiến lược quốc gia của Trung Quốc nhằm quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và tăng cường hội nhập tài chính. Khu Thí điểm Tự do Thương mại Thượng Hải (Shanghai Free Trade Zone) đóng vai trò là không gian thử nghiệm các chính sách tài chính mới, từ đó từng bước mở cửa hệ thống tài chính quốc gia.

Mô hình “Một thành phố, hai trung tâm” giữa Thượng Hải (tài chính) và Thâm Quyến (công nghệ tài chính) đang tạo nên hệ sinh thái tài chính hiện đại, tích hợp giữa vốn, công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, Thượng Hải vẫn đối mặt với một số thách thức về tự do hóa dòng vốn và mức độ minh bạch pháp lý. Tuy nhiên, Trung Quốc đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách và mở cửa, đặc biệt thông qua các hiệp định thương mại khu vực và cải cách nội địa.

Kinh nghiệm cho Việt Nam về phát triển Trung tâm tài chính quốc tế

Từ kinh nghiệm phát triển trung tâm tài chính quốc tế của Singapore, Malaysia và Thượng Hải, có thể rút ra một số bài học thiết thực đối với Việt Nam đang trong quá trình phát triển trung tâm tài chính. 

Thứ nhất, việc xây dựng một khung thể chế và pháp lý minh bạch, ổn định và có tính tiên liệu cao là điều kiện tiên quyết để hình thành một trung tâm tài chính mang tầm quốc tế. Singapore là ví dụ điển hình trong việc phát triển hệ thống pháp luật thân thiện với thị trường và bảo vệ nhà đầu tư, nhờ đó duy trì được lòng tin của cộng đồng tài chính quốc tế. Khả năng điều tiết tài chính hiệu quả, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, cũng là một điểm mạnh đáng học hỏi. Ngược lại, những hạn chế trong cơ chế kiểm soát vốn, tính minh bạch của hệ thống pháp luật, như trường hợp Thượng Hải, cho thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm tính nhất quán, rõ ràng và hiệu lực của hệ thống pháp lý trong quá trình quốc tế hóa thị trường tài chính. 

Thứ hai, các trung tâm tài chính thành công đều dựa trên một chiến lược phát triển rõ ràng, dài hạn và linh hoạt theo bối cảnh kinh tế - chính trị toàn cầu. Malaysia nổi bật với chiến lược phát triển tài chính Hồi giáo, dựa trên lợi thế văn hóa và vị trí địa chính trị trong thế giới Hồi giáo. Trong khi đó, Thượng Hải đóng vai trò đầu tàu trong chiến lược quốc gia nhằm quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và tăng cường hội nhập tài chính khu vực. Vì vậy mỗi trung tâm cần được định vị dựa trên lợi thế so sánh riêng biệt, có tầm nhìn chiến lược cụ thể, đồng thời nhận được sự hỗ trợ chính sách rõ ràng và kiên định từ phía nhà nước. 

Thứ ba, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tài chính - công nghệ hiện đại là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của trung tâm tài chính trong kỷ nguyên số. Singapore là một hình mẫu trong việc tích hợp công nghệ vào hệ thống tài chính thông qua các giải pháp Fintech, dữ liệu lớn và tự động hóa. Việc thiết lập một hệ sinh thái tài chính số không chỉ giúp tăng tính hiệu quả và minh bạch trong giao dịch mà còn thu hút các công ty công nghệ tài chính quốc tế. Các quốc gia muốn phát triển TTTCQT cần chủ động xây dựng hệ thống thanh toán hiện đại, tăng cường khả năng kết nối dữ liệu và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. 

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh hội nhập quốc tế là hai trụ cột không thể thiếu để duy trì hoạt động hiệu quả và bền vững của một TTTCQT. Singapore và Malaysia đều chú trọng đào tạo nhân lực tài chính, khuyến khích chuyển giao tri thức và tạo điều kiện để chuyên gia nước ngoài làm việc, từ đó xây dựng một lực lượng lao động đa dạng và có năng lực toàn cầu. Bên cạnh đó, khả năng hội nhập quốc tế - thể hiện qua việc hài hòa hóa các tiêu chuẩn kế toán, kiểm toán, pháp lý với chuẩn mực toàn cầu - giúp trung tâm tài chính không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Từ những bài học trên có thể khẳng định: không có một mô hình chung nào cho việc xây dựng TTTCQT. Tùy theo bối cảnh quốc gia, các trung tâm tài chính cần được định hình một cách linh hoạt, tránh rập khuôn, đồng thời phải giữ được mục tiêu xuyên suốt là nâng cao sức cạnh tranh, tăng tính hấp dẫn đối với dòng vốn toàn cầu và bảo đảm sự phát triển tài chính bền vững. 

Việc xây dựng một TTTCQT là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ từ cấp lãnh đạo quốc gia, sự phối hợp liên ngành và chính sách nhất quán, dài hạn. Kinh nghiệm của Singapore, Malaysia và Thượng Hải cho thấy rằng không có một mô hình duy nhất, nhưng các yếu tố nền tảng như thể chế, nhân lực, công nghệ và hội nhập quốc tế là không thể thiếu. Những bài học này có thể được tham khảo để thiết kế chiến lược phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam./.

Anh Tuấn

Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế, tài chính và thống kê