Tình hình thu - chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2025

14/07/2025 13:59


Nửa đầu năm 2025 khép lại với những điểm sáng rõ nét về kết quả thu ngân sách Nhà nước (NSNN), phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Tuy nhiên, thách thức trong quản lý chi, đặc biệt là chi đầu tư phát triển và xử lý nợ thuế, vẫn là những “nút thắt” cần tháo gỡ để đảm bảo mục tiêu cân đối bền vững.

Thu ngân sách nhà nước đạt nhiều kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2025 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu NSNN lũy kế đến hết tháng 5 đạt 1.139,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 57,9% dự toán cả năm và tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là một trong những mức thực hiện cao nhất trong cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phản ánh sức phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong nước, hiệu quả của các chính sách tài khóa linh hoạt và vai trò nổi bật của khu vực sản xuất, kinh doanh trong cấu trúc thu ngân sách.

Trong tổng số thu kể trên, thu nội địa đạt 987,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 59,2% dự toán năm 2025 và tăng tới 27,6% so với cùng kỳ 2024. Đây là tín hiệu rất tích cực cho thấy nguồn thu từ nền tảng kinh tế thực (thay vì phụ thuộc vào nguồn thu một lần hay từ tài nguyên) đang phục hồi Thu thuế tài nguyên đạt khoảng 11,6 nghìn tỷ đồng, bằng 50,2% dự toán, tăng 24,6% so cùng kỳ, chủ yếu do tăng thu thuế tài nguyên nước thủy điện, tài nguyên khoáng sản kim loại, khoáng sản phi kim loại. và mở rộng đáng kể. Đặc biệt, nếu loại trừ các khoản thu có tính chất không ổn định như thu tiền sử dụng đất, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu - chi từ Ngân hàng Nhà nước, thì phần thu “thuần” từ hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn đạt mức tăng 16,7% - một con số thể hiện chiều sâu chất lượng phục hồi của khu vực doanh nghiệp và tiêu dùng nội địa. Trong khi đó, cùng thời điểm năm 2024, thu nội địa mới đạt 53,6% dự toán năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2023. Sự cải thiện rõ rệt này cho thấy mức độ phục hồi kinh tế năm 2025 không chỉ nhanh mà còn ổn định hơn.

Cơ cấu thu ngân sách năm nay cũng cho thấy sự bền vững rõ rệt khi các sắc thuế trụ cột vốn phản ánh trực tiếp hiệu quả sản xuất, kinh doanh đều tăng trưởng tốt:

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đạt 257,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 71% dự toán, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Mức tăng này không chỉ phản ánh kết quả kinh doanh khả quan trong quý IV/2024 và quý I/2025, mà còn cho thấy nhiều doanh nghiệp đã phục hồi lợi nhuận, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đạt 153,5 nghìn tỷ đồng, bằng 48,1% dự toán và tăng 10,4% so với cùng kỳ. Tuy mức tăng không quá cao, nhưng trong bối cảnh tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT 2% (còn 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ) thì đây là kết quả rất đáng ghi nhận, phản ánh nhu cầu tiêu dùng và sản xuất đang dần khởi sắc.

Thu thuế tài nguyên đạt khoảng 11,6 nghìn tỷ đồng, bằng 50,2% dự toán, tăng 24,6% so cùng kỳ, chủ yếu do tăng thu thuế tài nguyên nước thủy điện, tài nguyên khoáng sản kim loại, khoáng sản phi kim loại. Thu từ đất đai là điểm sáng vượt trội với con số 198,3 nghìn tỷ đồng, tăng đến 105% so với cùng kỳ. Trong đó, tiền sử dụng đất chiếm phần lớn, nhờ hoạt động đấu giá, giao đất tại nhiều địa phương được tổ chức sớm và hiệu quả từ cuối năm 2024. Đây là một cú hích cho thu ngân sách địa phương nhưng cũng là dấu hiệu cần thận trọng, bởi nguồn thu này không ổn định và tiềm ẩn rủi ro nếu thị trường bất động sản đảo chiều. 

Thu từ dầu thô - vốn từng là “trụ cột” ngân sách nay chỉ đạt 22,5 nghìn tỷ đồng, bằng 42,2% dự toán và giảm 9,1% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh hai thực tế: (i) giá dầu thế giới duy trì ở mức thấp hơn kỳ vọng (trung bình chỉ 78,4 USD/thùng); (ii) sản lượng khai thác giảm theo kế hoạch dài hạn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là cơ cấu ngân sách dần chuyển dịch theo hướng ít phụ thuộc vào tài nguyên, gia tăng tỷ trọng từ thuế thu nhập và thuế tiêu dùng, cho thấy nền tài khóa đang trở nên bền vững hơn.

Bên cạnh đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt 129,2 nghìn tỷ đồng, bằng 55% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Tổng số thu thuế đạt 182,1 nghìn tỷ đồng, trong khi hoàn thuế GTGT là 52,9 nghìn tỷ đồng, duy trì mức tăng hợp lý 5,1%. Để đạt được kết quả này, cơ quan Hải quan đã tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời tập trung công tác quản lý thu, chống gian lận thương mại, chống thất thu ngân sách.

Tuy nhiên, đằng sau kết quả thu ngân sách ấn tượng là những thách thức ngày càng lớn trong quản lý thuế, đặc biệt khi nền kinh tế số, thương mại điện tử (TMĐT) và thu nhập không thường xuyên ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Tính đến cuối tháng 5/2025, tổng nợ thuế đã lên tới 249,2 nghìn tỷ đồng, tăng 25,7% so với cuối năm 2024, cho thấy áp lực thu hồi nợ thuế chưa hề giảm nhiệt. Dù ngành thuế đã thu hồi được 39,4 nghìn tỷ đồng, trong đó gần 2 nghìn tỷ đồng bằng biện pháp cưỡng chế, thì tốc độ nợ xấu thuế vẫn vượt tốc độ xử lý. 

Từ kết quả nêu trên, có thể thấy tổng thu NSNN trong 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt và vượt mức kế hoạch dự toán, hoàn toàn có khả năng đạt mức tăng trưởng hai con số như kỳ vọng. Điều này phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách tài khóa linh hoạt. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng này, cần tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường quản lý thu chi ngân sách và ứng phó linh hoạt với các thách thức kinh tế trong và ngoài nước.

Chi ngân sách tăng mạnh, nhưng chi đầu tư vẫn “tắc” ở khâu thực thi

Tổng chi NSNN 5 tháng đầu năm 2025 đạt khoảng 833,8 nghìn tỷ đồng, bằng 32,7% dự toán, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2024. Bức tranh chi tiêu công ghi nhận sự mở rộng trên cả ba cấu phần chính: chi thường xuyên, chi trả nợ và chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, đằng sau những con số tăng trưởng là các “điểm nghẽn” cũ chưa được xử lý triệt để, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư công.

Chi thường xuyên ước thực hiện 37,3% dự toán, vẫn chiếm tỷ trọng cao và duy trì đều đặn để bảo đảm vận hành bộ máy nhà nước và các chính sách an sinh xã hội. 

Chi trả nợ lãi đạt 43,1% dự toán cho thấy nghĩa vụ nợ được đảm bảo đúng tiến độ, giữ vững uy tín tài khóa quốc gia.

Chi đầu tư phát triển đạt khoảng 199,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 25,2% dự toán, tăng hơn 55 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân thực tế chỉ đạt 24,1% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Mặc dù mức chi NSNN đến cuối tháng 5/2025 tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đạt 32,7% dự toán năm 2025. Do vậy chúng ta khó có thể đạt được mức chi trong 6 tháng đầu năm 2025 theo đúng kế hoạch của dự toán, nhất là trong lĩnh vực chi đầu tư công còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. 

Có thể nói, trong bối cảnh nền tài khóa đang có thặng dư lớn (thu vượt chi), việc để vốn đầu tư phát triển nằm chờ giải ngân đồng nghĩa với đánh mất cơ hội tăng trưởng và làm suy yếu tác động lan tỏa từ chính sách tài khóa mở rộng.

Một số khuyến nghị điều hành trong 6 tháng cuối năm 2025

Dữ liệu thu - chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy Việt Nam đang ở trong giai đoạn tài khóa “vàng”: thu vượt chi. Tuy nhiên, để chuyển hóa sức mạnh tài khóa thành động lực tăng trưởng dài hạn, một số khuyến nghị cấp thiết được đặt ra: 

Đẩy nhanh phân bổ và giải ngân đầu tư công: Không thể để tình trạng “ngâm vốn” kéo dài. Cần ràng buộc trách nhiệm cá nhân trong các khâu chậm trễ, từ lập kế hoạch đến đấu thầu và thi công.

Siết quản lý nợ thuế và nợ địa phương: Tăng cường định danh điện tử, kiểm soát dòng tiền và kết nối dữ liệu liên ngành để nâng cao hiệu quả thu nợ.

Nắm bắt cơ hội từ kinh tế số: Khẩn trương hoàn thiện Luật sửa đổi thuế GTGT, TNDN để bao phủ các nguồn thu mới từ nền tảng số và TMĐT xuyên biên giới.

Minh bạch hóa chi ngân sách: Triển khai công khai hóa chi tiêu công trực tuyến, theo thời gian thực, tạo niềm tin và áp lực xã hội nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn công. 

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, kết quả thu - chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2025 đã trở thành điểm tựa vững chắc, góp phần củng cố niềm tin vào khả năng điều hành tài khóa của Chính phủ. Tuy nhiên, để biến dư địa tài khóa thành động lực phát triển thực chất, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải duy trì kỷ luật ngân sách, đẩy nhanh cải cách đầu tư công và sớm hoàn thiện hệ thống thuế hiện đại - minh bạch. Đây sẽ là nền tảng then chốt giúp hiện thực hóa mục tiêu kép: tăng trưởng kinh tế nhanh, đi đôi với phát triển bền vững và tiến bộ xã hội trong nửa cuối năm 2025./.

Quốc Huy

Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế, tài chính và thống kê