FDI toàn cầu điều chỉnh xu hướng: Việt Nam cần chuẩn bị gì?
14/07/2025 15:31
Trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu đang có sự điều chỉnh rõ nét cả về quy mô và định hướng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhờ lợi thế về vị trí địa lý, môi trường chính trị ổn định và hội nhập quốc tế sâu rộng. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả cơ hội từ xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng và chuyển dịch đầu tư chiến lược, Việt Nam cần chủ động cải thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư.
Xu hướng mới của FDI toàn cầu
Trong hai năm 2024 và 2025, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu ghi nhận nhiều điều chỉnh đáng chú ý. Những thay đổi này phản ánh tác động từ bối cảnh kinh tế - chính trị quốc tế, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng cùng quá trình chuyển đổi số và phát triển xanh diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Theo các phân tích quốc tế, năm 2024, tổng dòng vốn FDI toàn cầu ước tính giảm khoảng 8% nếu loại trừ các khoản đầu tư tài chính đi qua các trung tâm trung gian tại châu Âu. Tuy nhiên, mức giảm này không đồng đều. Ở các nền kinh tế đang phát triển, dòng vốn FDI chỉ giảm khoảng 2%, trong khi tại một số khu vực như ASEAN, Nam Á (đặc biệt là Ấn Độ) và châu Phi, dòng vốn đầu tư thậm chí còn có xu hướng tăng nhẹ.
Tại khối các nước phát triển, dòng vốn FDI có dấu hiệu phục hồi với mức tăng 5% tại châu Âu và 9% ở Bắc Mỹ trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, trong Báo cáo Đầu tư Thế giới 2025, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết số lượng dự án FDI mới giảm 11% (chủ yếu xảy ra tại các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là châu Âu, nơi dòng vốn đầu tư giảm mạnh tới 58%). Tuy nhiên, giá trị đầu tư lại tăng tới 20%, cho thấy sự chuyển dịch từ các dự án quy mô nhỏ sang các khoản đầu tư có giá trị cao và mang tính chiến lược.
Ngược lại, tại các nền kinh tế đang phát triển, nếu không tính đến một dự án quy mô lớn tại Ai Cập, dòng vốn FDI thực chất sụt giảm khoảng 3% trong nửa đầu năm. Cả số lượng lẫn giá trị các dự án mới đều ghi nhận xu hướng đi xuống, lần lượt giảm 11% và 24%. Đặc biệt, các ngành công nghiệp trọng điểm như ô tô, năng lượng và bất động sản công nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực. Các thương vụ mua bán, sáp nhập xuyên biên giới (M&A) cũng giảm mạnh tới 53%.
Tình hình phân bổ FDI hiện nay đang chịu sự chi phối của nhiều yếu tố như căng thẳng địa chính trị, gia tăng rào cản thương mại, sự phân mảnh chuỗi cung ứng, cùng với các điều chỉnh trong chính sách tài khóa và tiền tệ toàn cầu. Tuy nhiên, một số yếu tố tích cực như điều kiện tài chính được cải thiện và lợi nhuận doanh nghiệp tăng trở lại có thể hỗ trợ đà phục hồi nhẹ của FDI trong giai đoạn cuối năm 2024 và năm 2025.
Về mặt ngành nghề, FDI tiếp tục tập trung mạnh vào lĩnh vực chế biến chế tạo, đặc biệt là công nghệ cao như điện tử, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Ngoài ra, năng lượng tái tạo và bất động sản công nghiệp, logistics là những lĩnh vực có triển vọng hấp dẫn, nhất là trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đang tăng tốc.
Tác động đến Việt Nam
Dòng vốn FDI tiếp tục giữ vai trò then chốt trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững của Việt Nam trong các năm 2024 và 2025. Cụ thể, năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 38,23 tỷ USD, trong đó vốn giải ngân lên tới 25,35 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay. Những con số này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 8% của Chính phủ trong năm 2025. Đặc biệt, nguồn vốn FDI tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chất bán dẫn, điện tử và công nghệ xanh, hỗ trợ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Bên cạnh vai trò tài chính, FDI còn mở ra cơ hội lớn về việc làm và nâng cao chất lượng lao động. Với khoảng 3,8 triệu lao động đang làm việc trong khối FDI, khu vực này góp phần ổn định an sinh và giảm thất nghiệp. Hơn 57% doanh nghiệp có chương trình đào tạo bài bản, giúp lao động Việt tiếp cận công nghệ hiện đại và gia tăng năng suất. Từ đó, Việt Nam không chỉ thu hút vốn, mà còn từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Những xu hướng tích cực này hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo đà thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên. trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, thu hút FDI toàn cầu năm 2025 còn nhiều thách thức, đặc biệt là các chính sách giữ chân các nhà đầu tư của các quốc gia lớn. Xung đột địa chính trị kéo dài, lạm phát toàn cầu duy trì ở mức cao và chi phí đầu tư tăng mạnh khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia thận trọng hơn trong việc mở rộng đầu tư.
Một thách thức khác là Việt Nam chưa có cơ chế đủ hấp dẫn để thu hút hiệu quả dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo hay năng lượng sạch. Chính sách ưu đãi đã ban hành nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư. Đồng thời, tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề và nguyên vật liệu tại một số địa phương gây ra nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.
Việt Nam cần chuẩn bị gì để tận dụng xu hướng FDI toàn cầu
Để đón đầu xu hướng FDI xanh, công nghệ và số hóa, Việt Nam cần có chiến lược ứng phó đồng bộ và linh hoạt hơn để thu hút dòng vốn đầy tiềm năng này, đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Trước hết, thể chế đầu tư cần được cải cách mạnh mẽ, tập trung vào hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài, đất đai, xây dựng và môi trường, đặc biệt là những quy định liên quan đến sau cấp phép. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian xử lý hồ sơ, số hóa quy trình cấp phép là điều kiện tiên quyết để tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường toàn cầu cạnh tranh từng cơ hội.
Cùng với cải cách thể chế, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết, bao gồm cả đội ngũ công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng lao động trực tiếp trong doanh nghiệp. Quá trình tái cấu trúc bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả cần đi đôi với việc tuyển chọn cán bộ có năng lực, đạo đức và tư duy quản trị hiện đại. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số và phát triển xanh, Việt Nam cần đẩy mạnh đào tạo nghề, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục, thu hút chuyên gia quốc tế và nâng cao kỹ năng số cho người lao động tại các doanh nghiệp.
Về chính sách thu hút đầu tư, Việt Nam cần chuyển từ cách tiếp cận dàn trải sang xúc tiến đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sạch, trung hòa carbon và công nghiệp tuần hoàn. Bên cạnh đó, việc nâng cấp hạ tầng đầu tư hiện đại, bao gồm khu công nghiệp, logistics, trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D) và vùng nguyên liệu, là điều kiện cần để tiếp nhận hiệu quả các dự án có hàm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn.
Đặc biệt, Việt Nam cần xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư mang tính chủ động và định hướng dài hạn, tập trung vào các tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu chuỗi cung ứng trong khu vực. Việc thiết lập cơ chế “đối thoại chiến lược” với nhà đầu tư lớn sẽ giúp Chính phủ kịp thời nắm bắt nhu cầu, tăng cường niềm tin và đồng hành hiệu quả trong suốt vòng đời dự án. Qua đó, Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao và từng bước khẳng định vị thế là điểm đến chiến lược trong làn sóng FDI toàn cầu mới./.
Nguyễn Hương
Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế, tài chính và thống kê