Ngân hàng Thế giới công bố hai báo cáo “Việt Nam 2045”: Cải cách thể chế và tăng trưởng xanh

22/05/2025 16:58


Ngày 22 tháng 5 năm 2025, tại Hà Nội, Ngân hàng thế giới (WB) chính thức công bố hai báo cáo quan trọng trong khuôn khổ chuỗi nghiên cứu “Việt Nam 2045”, đưa ra lộ trình và các khuyến nghị then chốt nhằm hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Hai báo cáo Việt Nam 2045 - “Đột phá: Thể chế cho một tương lai thu nhập cao” và “Tăng trưởng xanh hơn: Con đường hướng tới tương lai bền vững” nhấn mạnh rằng chỉ khi cải cách thể chế toàn diện cùng với đó là phát triển xanh, Việt Nam mới có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình và xây dựng nền kinh tế hiện đại, bao trùm, vươn lên vị thế thu nhập cao.

BCVN 2025

Bà Mariam J.Sherman - Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Tại sự kiện công bố, bà Mariam J.Sherman - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào - khẳng định rằng Việt Nam đã có những thành tựu ấn tượng trong ba thập niên qua, nhưng để duy trì đà tăng trưởng nhanh, bao trùm và bền vững cần những cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới. Theo bà Sherman, hai trụ cột thể chế vững mạnh và phát triển bền vững sẽ là “đòn bẩy” chiến lược để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, cải thiện năng suất và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Báo cáo “Đột phá: Thể chế cho một tương lai thu nhập cao” cho rằng cải cách thể chế phải là trọng tâm trong chiến lược phát triển quốc gia. Cụ thể, cần hoàn thiện pháp luật, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch; cải thiện hiệu quả đầu tư công thông qua cơ chế giám sát và đánh giá độc lập; tăng quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình cho chính quyền địa phương; và đặc biệt là cải tổ bộ máy công vụ để xây dựng nền hành chính hiện đại, năng động, có năng lực đáp ứng yêu cầu hội nhập - với quy mô hợp lý, chế độ đãi ngộ tốt hơn và được hậu thuẫn bới các thể chế bảo đảm quy trình tố tụng hợp pháp, tính minh bạch và cơ chế giám sát độc lập. Theo WB, chính từ những cải cách này sẽ mở rộng không gian phát triển cho khu vực tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế.

BC VN 2045 2

Toàn cảnh buổi lễ công bố hai báo cáo

Trong khi đó, báo cáo “Tăng trưởng xanh hơn: Con đường hướng tới tương lai bền vững” nhấn mạnh rằng Việt Nam không thể đạt được tăng trưởng dài hạn nếu không giải quyết được các thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu. Báo cáo chỉ rõ các tác động nghiêm trọng của nước biển dâng, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long - nơi có thể bị ngập gần một nửa diện tích nếu mực nước biển dâng từ 75 đến 100 cm vào giữa thế kỷ này. Trước nguy cơ này, WB đề xuất Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn vào thích ứng khí hậu, tăng cường cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai, chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh hơn và phát triển kinh tế biển bền vững. Đồng thời, việc cải cách chính sách để hỗ trợ đầu tư vào năng lượng tái tạo, giao thông ít phát thải và nền nông nghiệp thông minh sẽ giúp Việt Nam tiến gần hơn tới cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cả hai báo cáo đều được xây dựng với sự tài trợ của Chính phủ Australia thông qua Chương trình Đối tác Chiến lược Australia - Ngân hàng Thế giới Giai đoạn 2 (ABP2). Đây là một phần trong nỗ lực dài hạn nhằm đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình chuyển mình từ nền kinh tế có thu nhập trung bình sang quốc gia thu nhập cao, đồng thời không đánh đổi môi trường và sự bền vững./.

MT