Hội thảo tham vấn Quốc gia đóng góp kỹ thuật cho Chương Lao động việc làm của Báo cáo Việt Nam 2045
01/07/2025 10:25
Sáng ngày 30/6/2025, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính do Phó Viện trưởng Nguyễn Quốc Trường đồng chủ trì đã phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế do bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam long trọng tổ chức Hội thảo tham vấn Quốc gia nhằm đóng góp kỹ thuật cho Chương Lao động việc làm trong khuôn khổ xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia và các nhà khoa học như: TS. Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm phân tích dự báo chiến lược và Dịch vụ công, Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động, PGS.TS. Mạc Văn Tiến - Viện trưởng Viện Giáo dục nghề nghiệp và An sinh xã hội, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Lao động Xã hội, PGS.TS. Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2022 - 2026....
Ông Nguyễn Quốc Trường - Phó Viện trưởng phát biểu tại Hội thảo
Chương Lao động việc làm trong Báo cáo Việt Nam 2045 tập trung phân tích những xu hướng lớn ảnh hưởng đến thị trường lao động Việt Nam trong dài hạn, đánh giá các thách thức và cơ hội trong bối cảnh chuyển đổi số, già hóa dân số và hội nhập quốc tế. Chương này nhằm đề xuất các định hướng, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo việc làm bền vững và nâng cao năng suất lao động, góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Hội thảo đã được nghe bài trình bày của 3 báo cáo: (i) Việc làm bao trùm và hiệu quả trong quá trình chuyển đổi kinh tế; (ii) Giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; (iii) An sinh xã hội và quyền lao động.
Các báo cáo đã chỉ ra định hướng phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2045 đặt ra tầm nhìn trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao, sở hữu nền kinh tế hiện đại, sáng tạo và phát triển bền vững. Theo các mốc chiến lược được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, đạt trình độ công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Mô hình phát triển được định hình dựa trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với thúc đẩy kinh tế xanh và đổi mới sáng tạo. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo được coi là vấn đề trọng tâm. Báo cáo cũng phân tích thực trạng về nguồn nhân lực của nước ta hiện nay, chất lượng giáo dục - đào tạo vẫn còn nhiều vấn đề, thực trạng lao động còn chưa hiệu quả, dịch chuyển việc làm còn chậm và chưa tạo bứt phá về năng suất lao động đồng thời đưa ra những khuyến nghị để phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới: bảo đảm việc làm bao trùm trong giai đoạn chuyển tiếp, tăng cường năng lực kỹ năng gắn với thị trường, mở rộng an sinh xã hội và chính thức hóa lao động, tăng trưởng năng suất và nâng cao chất lượng việc làm...
Tại hội thảo, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến chia sẻ góp phần hoàn thiện báo cáo, đồng thời góp ý thêm về những giải pháp nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục - đào tạo, an sinh xã hội và quyền lợi của người lao động để hướng tới hiệu quả bền vững trong tương lai.
Toàn cảnh hội thảo
Ông Nguyễn Quốc Trường - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính cảm ơn sự chia sẻ, đóng góp của các chuyên gia và các nhà khoa học tại hội thảo, đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp thu những ý kiến để hoàn thiện các chương còn lại để sớm công bố báo cáo./.
Thu Trang