Giải pháp phát triển kinh tế vận tải ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ tại Hà Nội
22/05/2025 15:15
Sáng ngày 20/5/2025, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính (NIEF) đã tổ chức Hội thảo “Đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế vận tải ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ” (KTCS) tại Hà Nội trong khuôn khổ Đề án “Phát triển ngành kinh tế vận tải Thủ đô gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, kết hợp với các ngành liên quan, phát triển mô hình kinh tế chia sẻ nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội”, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Viện trưởng chủ trì.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ Sở Xây dựng Hà Nội, Hiệp hội Logistics Hà Nội, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, các công ty vận tải áp dụng công nghệ cao và các nhà nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ giao thông vận tải…Đây là Đề án do Sở Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư và NIEF được lựa chọn làm đơn vị nghiên cứu chính cho Đề án. Mục tiêu của Đề án là nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển ngành kinh tế vận tải Thủ đô gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, kết hợp với các ngành liên quan, phát triển mô hình KTCS nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính nêu rõ, những năm gần đây, Đảng và Chính phủ cũng đã quan tâm nhiều vào nền kinh tế chia sẻ. Ngày 12/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thúc đẩy mô hình KTCS, trong đó đặt mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình KTCS và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số. Cho đến nay, loại hình này ngày càng được áp dụng rộng rãi, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải ở các thành phố lớn, đông dân và có hạ tầng thông tin tương đối phát triển như Hà Nội.
Các báo cáo tại Hội thảo cho thấy, các loại hình KTCS trong lĩnh vực vận tải đã xuất hiện và phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, đặc biệt nhờ vào sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ. Những tiến bộ về công nghệ thông tin, Internet và ứng dụng di động đã tạo ra những nền tảng kết nối trực tiếp giữa người có nhu cầu sử dụng dịch vụ và người cung cấp dịch vụ, giúp tối ưu hóa nguồn lực nhàn rỗi và mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên.
Grab, Gojek, Be, Xanh SM... nối tiếp nhau ra đời tại Việt Nam đã mang lại cho ngành vận tải hành khách một cách thức tiếp cận, cách phục vụ mới thân thiện hơn với khách hàng, mang đến sự tiện lợi, yên tâm khi sử dụng dịch vụ. Hiện nay, vận tải hành khách sử dụng ứng dụng các nền tảng công nghệ đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần tại các tỉnh/thành phố (đặc biệt là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố du lịch) và nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với cách thức phục vụ hành khách truyền thống như taxi…
Logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, giữ vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ở Việt Nam, từ trước đến nay, chi phí logistics luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bên cạnh việc trả chi phí cao cho logistics còn gặp rất nhiều vấn đề phát sinh từ chất lượng dịch vụ thấp do việc vận hành thủ công. Chính sự thiếu ứng dụng về công nghệ và thiếu hiệu quả về vận hành đã làm cho chi phí logistics ở Việt Nam chiếm khoảng 16,8% GDP (năm 2023), cao hơn so với mức trung bình 10 - 11% của các nước phát triển, trong khi quy mô thị trường logistics Việt Nam đạt 57 tỷ USD trong năm 2023 (chỉ chiếm 13,2% GDP). Theo thống kê của Hiệp hội DN logistics Việt Nam, quy mô thị trường logistics Việt Nam ước đạt 65 tỷ USD trong năm 2024, với tốc độ tăng trưởng dự kiến 15-20% trong năm 2025.
Theo thống kê, hiện có khoảng 40% lưu lượng hàng hóa của các địa phương khác đang luân chuyển qua địa bàn thành phố Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội còn có 10 khu công nghiệp đang hoạt động và hơn 100 cụm công nghiệp đã và đang hình thành cùng với hàng nghìn siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng..., đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho hơn 10 triệu dân. Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại Hà Nội đang ngày càng phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh chóng của thị trường. Năm 2023, khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt khoảng 215 triệu tấn, tăng 17,4% so với năm 2022, trong đó vận chuyển bằng đường bộ chiếm 97,2%; khối lượng hàng hoá luân chuyển đạt 17,6 tỷ tấn, tăng 19,4% so với năm 2022. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải của Thành phố đóng góp vào GRDP có xu hướng giảm nhẹ trong vài năm trở lại đây. Năm 2023 doanh thu đạt 194.467 tỷ đồng, tăng 16,1% so với năm 2022, (đứng thứ hai của cả nước, sau thành phố Hồ Chí Minh), giá trị tăng thêm tăng 7,7%, đóng góp 0,58 điểm % vào mức tăng chung của thành phố, năm 2024, giá trị tăng thêm giảm xuống 6,2%, đóng góp giảm xuống còn 0,49 điểm % vào mức tăng trưởng chung của thành phố.
Mặc dù có tiềm năng, lợi thế phát triển nhưng logistics Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, cụ thể: (i) Hệ thống kho hàng, bến bãi logistics tại Hà Nội còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết, thiếu nhiều loại hình kho lưu trữ hàng hóa đặc thù như kho mát, kho lạnh…; (ii) Số cảng cạn ICD cũng ít và chủ yếu sử dụng đường bộ, chưa kết nối với đường sắt, đường thủy…; (iii) Hà Nội chưa có cụm cảng thủy container và cảng thủy hành khách; (iv) Chi phí logistics còn cao cộng với tình trạng ùn tắc giao thông cũng làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp (ước tính Hà Nội thiệt hại 1,2 tỷ USD/năm do tắc nghẽn giao thông). Hà Nội không có những địa điểm để kết nối giữa vận tải đường dài và vận tải đường ngắn, dẫn đến việc sử dụng xe không hiệu quả, tỷ lệ xe chạy rỗng lớn dẫn đến chi phí vận tải hàng hóa đường bộ cao làm tăng chi phí logistics quốc gia.
Các báo cáo tại Hội thảo cũng đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy các hình thức vận tải của Hà Nội bằng việc phát triển mô hình KTCS, cụ thể:
Tích hợp toàn diện: Kết nối liền mạch giữa các phương tiện công cộng và chia sẻ. Trong đó tập trung cải tạo các không gian, cơ sở hạ tầng hiện hữu tại khu vực nội đô để đáp ứng các yêu cầu, điều kiện hợp tác quốc tế, kết nối toàn cầu như không gian cơ sở hạ tầng giao thông kết nối quốc tế (sân bay, đường cao tốc); cơ sở hạ tầng tổ chức sự kiện (hội nghị, triển lãm, diễn đàn, cơ sở lưu trú, đảm bảo an ninh, truyền thông)... Phát triển các cơ sở hạ tầng mới tại các khu vực đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh, đặc biệt là khu vực phía Bắc sông Hồng thuộc Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với cơ sở hạ tầng hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế.
Ứng dụng công nghệ: Tận dụng IoT và Big Data để tối ưu hóa luồng giao thông. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong giao thông vận tải đối với hoạt động quản lý như hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành nội bộ, hệ thống phần mềm quản trị giao thông vận tải, hệ thống phần mềm tra cứu, hệ thống máy chủ và hệ thống kho lưu trữ dữ liệu điện tử cùng với hạ tầng công nghệ thông tin sẽ tạo nên hệ thống công nghệ thông tin về dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ. Hệ thống công nghệ thông tin về dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh tế chia sẻ hiện đại và minh bạch với an ninh, an toàn cao, tốc độ cao sẽ giúp tập trung hóa xử lý dữ liệu, chính xác trong tra cứu, thẩm định, truy vấn và trích xuất dữ liệu, góp phần phát triển vận tải chia sẻ trong giai đoạn tới trên địa bàn Thành phố
Logistics thông minh: Mở rộng mô hình chia sẻ sang vận chuyển hàng hóa, bãi đỗ xe, dịch vụ vận tải, kho bãi... Xây dựng khu trung tâm phân phối đảm nhận gom hàng và phân phối hàng cho khu vực trung tâm. Tăng cường khả năng tập hợp các loại hàng hóa trên cùng một phương tiện vận chuyển.
Phát triển và chia sẻ dữ liệu về giao thông: Việc phát triển và chia sẻ dữ liệu về giao thông, các nhà điều hành giao thông có thể tối ưu hóa chính xác khoản đầu tư vào phương tiện giao thông, nó có thể cải thiện lưu lượng xe, tiết kiệm chi phí vận hành và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Quan trọng hơn, dữ liệu về giao thông được chia sẻ có thể trở thành cơ sở dữ liệu quan trọng cho quy hoạch đô thị. Dựa trên tình hình giao thông chung, các sở quy hoạch, sở giao thông và các viện nghiên cứu có liên quan có thể phân tích hành vi giao thông của cư dân, phân bố dân cư, phân bố việc làm, phân bố luồng người di chuyển, tần suất đi lại,.., sau đó nghiên cứu cách sử dụng các phương pháp quy hoạch để tối ưu hóa bố cục không gian đô thị và thúc đẩy cân bằng nhà ở và nơi làm việc. Trên cơ sở đáp ứng nhu cầu cuộc sống của cư dân và phát triển đô thị, có thể kiểm soát mức độ hoạt động giao thông từ nguồn, giảm lưu lượng đi lại và rút ngắn quãng đường đi lại. Do đó làm giảm mức tiêu thụ năng lượng giao thông và lượng khí thải gây ô nhiễm./.
Lê Ninh