Việt Nam 2035: Cần một triết lý toàn diện cho phát triển

29/06/2015 14:52


Bản chất của đổi mới tại Việt Nam là quá trình tái phân bổ tài sản và nguồn lực của quốc gia, cụ thể là chính sách với doanh nghiệp nhà nước, đất đai và tài nguyên.

Đó là tổng kết trong hội thảo "30 năm đổi mới – dấu ấn và thách thức” và "Quản trị quá trình cải cách và phát triển”. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hội thảo xây dựng báo cáo Việt Nam 2035 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) và Ngân hàng Thế Giới chủ trì. Hội thảo có sự tham dự của ôngCao Viết Sinh, Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhiều đại biểu là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu chính sách của Việt Nam.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS.Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đã tổng kết những dấu ấn và thách thức trong 30 năm đổi mới vừa qua. Theo ông Thành, bản chất của đổi mới tại Việt Nam là quá trình tái phân bổ tài sản và nguồn lực của quốc gia, cụ thể là chính sách với doanh nghiệp nhà nước, đất đai và tài nguyên. Tư duy đổi mới thể hiện ở ngay ngôn từ dùng trong mỗi giai đoạn phát triển: từ nền kinh tếtập trung quan liêu bao cấp,đếnsản xuất hàng hóa nhiều thành phần,tiếp theo làkinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước,và hiện nay làkinh tế thị trường định hướng XHCN.

Tư duy "lưỡng thể”, nửa vời cản trở sự phát triển

Một số thành tựu của Việt Nam trong 30 năm đổi mới có thể kể đến thu nhập từ mức thấp tăng lên mức trung bình, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, thực hiện được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, và mức độ hội nhập khá cao vào nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức mà nước ta chưa giải quyết được, như chất lượng tăng trưởng chưa cao và giảm dần trong gần một thập kỷ qua, đặc biệt là một nền kinh tế "lưỡng thể” với một bên là Doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn lớn, một bên là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khoảng cách tài sản quá lớn, thiếu tầng trung gian, nên việc lan tỏa (đặc biệt là lan tỏa công nghệ) rất thấp. Việc thiếu tầng trung gian còn thể hiện ở hai đại đô thị (Mega-city) Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh phát triển quá nóng, đối nghịch với các khu vực nông thôn, miền núi cơ sở hạ tầng còn rất yếu kém. Việc thiếu hụt khoảng trung gian phát triển dẫn đến khả năng lan tỏa thấp và nhiều hệ lụy cho các thành phố lớn như ô nhiễm và quá tải.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, trong quá trình cải cách và phát triển 20 năm tới, cần nhìn nhận ra những rủi ro có thể xảy đến, và có cách thức quản trị rủi ro hợp lý. Những rủi ro có thể kể đến như: rủi ro nội tại của thể chế (thiết kế chính sách tồi, thực thi chính sách yếu, tương tác kinh tế-chính trị thiếu nhất quán), rủi ro do các cú "sốc” trong và ngoài nền kinh tế (kinh tế vĩ mô, nghèo đói, bất bình đẳng, các yếu tố quốc tế, và thiên tai, biến đổi khí hậu).

Phạm Chi Lan,chuyên gia kinh tế, đồng tình với phân tích của báo cáo và cho rằng: "phát triển trong giai đoạn mới cần phải cắt bỏ tư duy lưỡng thể như kinh tế vừa định hướng XHCN, vừa định hướng thị trường”. Theo bà Lan, chính tư duy "lưỡng thể” nói trên đã làm hạn chế thành tựu phát triển của nước ta sau 30 năm đổi mới.

Cần một triết lý phát triển cho Việt Nam trong 20 năm tới

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho thấy, Việt Nam cần một triết lý phát triển xuyên suốt cho 20 năm tới và nhiều thế hệ sau đó. Triết lý này phải bao gồm: thay đổi cấu trúc sở hữu của xã hội, thay đổi cấu trúc quản lý (nhà nước phải trao quyền cho xã hội và cho dân nhiều hơn), thay đổi cơ chế vận hành, và thay đổi cách thức hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội…

Tuy nhiên, ôngVõ Trí Thànhkhẳng định, không thể xóa bỏ hoàn toàn những gì hiện nay Việt Nam đang tiến hành, mà phải có lộ trình phát triển, giữ lại những yếu tố có ý nghĩa để làm nền tảng cho sự phát triển.

ÔngHoàng Thế Liên,nguyên thứ trưởng Bộ Tư Pháp, cho rằng việc thực thi chính sách thiếu minh bạch của nước ta là hạn chế lớn nhất cản trở tiến bộ. Theo ông, báo cáo Việt Nam 2035 cần nhấn mạnh đến một hệ sinh thái xã hội gồm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đan xen với nhau, để đảm bảo sự phát triển đồng bộ mà không manh mún như hiện nay.

Ông Liên cũng đề xuất tìm ra một công thức tính toán rủi ro trong tương lai dựa vào các yếu tố tính hứng chịu, tính dễ bị tổn thương và khả năng chống chọi. Đồng thời cần phải có hệ thống theo dõi và đánh giá rủi ro theo từng tiêu chí cụ thể.

Ngoài những rủi ro đã nêu trong báo cáo, các đại biểu cũng nêu nhiều nguy cơ trong tương lai mà Việt Nam cần phải tính đến, như: rủi ro an ninh trong và ngoài nước, di cư, mất cân bằng dân số, hội nhập văn hóa, khoa học công nghệ, tuân thủ pháp luật, tôn giáo… Để ứng phó với các thách thức này, Việt Nam cần phải có nhiều "kịch bản” theo chuẩn mực quốc tế và bộ máy thực thi cần phải được huấn luyện để có năng lực phản ứng và xử lý từng tình huống.

Các ý kiến trong hội thảo đều đã được ghi nhận và sẽ được cân nhắc đưa vào Báo cáo Việt Nam 2035 trong thời gian tới.

Nhóm truyền thông Báo cáo Việt Nam 2035