Hội thảo về Đánh giá thực trạng phát triển, phân bố không gian tăng trưởng quốc gia; dự báo bối cảnh và kịch bản phát triển thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

11/02/2022 10:07


Viện Chiến lược phát triển là đơn vị tư vấn chính được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị tư vấn của các Bộ, ngành lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhằm hoàn thiện nội dung đánh giá thực trạng nền kinh tế và dự báo tăng trưởng, sáng ngày 26 tháng 01 năm 2022, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức hội thảo trực tuyến về "Đánh giá thực trạng phát triển, phân bố không gian tăng trưởng quốc gia; dự báo bối cảnh và kịch bản phát triển thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Hội thảo do Viện trưởng Trần Hồng Quang chủ trì.

Tham dự hội thảo tại điểm cầu Viện Chiến lược phát triển có TS. Đinh Lâm Tấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển; TS. Cao Viết Sinh, Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chuyên gia tư vấn quy hoạch của Bộ trưởng; TS. Nguyễn Bá Ân, Nguyên Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, Chuyên gia tư vấn quy hoạch của Bộ trưởng; ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Viện Chiến lược phát triển và có sự tham gia trực tuyến của một số đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số Viện nghiên cứu chuyên ngành.

Hội thảo đã được nghe ông Nguyễn Việt Dũng và ông Đặng Huyền Linh trình bày 02 báo cáo: Đánh giá bước đầu hiện trạng phát triển quốc gia: Đánh giá tăng trưởng theo vùng và địa phương” và Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong bài "Đánh giá bước đầu hiện trạng phát triển quốc gia: Đánh giá tăng trưởng theo vùng và địa phương”, Ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ 03 nội dung chính, gồm: Tăng trưởng kinh tế các vùng; Cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ; Phân bố không gian tăng trưởng. Theo ông Dũng, tăng trưởng của hầu hết các vùng đều đạt kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 cao hơn giai đoạn 2011-2015; một số vùng dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào năm 2020 nhưng tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 vẫn cao hơn giai đoạn 5 năm trước đó. Các địa bàn động lực tăng trưởng chủ đạo của đất nước đã xác định khá rõ nét theo các cụm tỉnh phía Bắc (tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và các tỉnh trong phạm vi ảnh hưởng) và phía Nam (tứ giác TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu). Hai cụm tỉnh, thành phố này có chung đặc điểm là: đều bao gồm 1 trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước; phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo; có cảng biển cửa ngõ quốc tế; là trung tâm dịch vụ lớn. Vùng Đồng bằng sông Hồng gia tăng nhanh chóng vị thế trong đóng góp vào tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ của cả nước; qua đó vượt Đông Nam Bộ để trở thành vùng có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế cả nước giai đoạn 2016-2020.

Trong bài Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Đặng Huyền Linh đã chia sẻ khái quát hiện trạng phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Đánh giá điểm mạnh - điểm yếu - cơ hội - thách thức đối với phát triển kinh tế Việt Nam và Kịch bản dự báo triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông Đặng Huyền Linh đã đưa ra 06 điểm mạnh và 08 điểm yếu của Việt Nam trong việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia. Qua những phân tích, ông Đặng Huyền Linh đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2030. Đối với kịch bản thấp, ông dự kiến tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 là 6,27%/năm; kịch bản tăng trưởng cao, giai đoạn 2021-2030 là 7,00%/năm.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã đánh giá cao hai báo cáo của Viện, đồng thời cũng đã đóng góp nhiều ý kiến hữu ích giúp ban soạn thảo nhìn và đánh giá vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Kết thúc hội thảo, Viện trưởng Trần Hồng Quang chân thành cảm ơn các nhà khoa học, các đơn vị quản lý và viện nghiên cứu đã tham dự và đóng góp nhiều ý kiến hữu ích cho các báo cáo của Viện. Ban soạn thảo của Viện sẽ tổng hợp và chỉnh sửa để các báo cáo được hoàn thiện hơn. Trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo xin ý kiến chuyên gia, Viện rất mong các chuyên gia sẽ có nhiều ý kiến hữu ích giúp Viện hoàn thiện báo cáo lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 một cách tốt nhất./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.