Tọa đàm về Tiềm năng, cơ hội hợp tác Việt Nam - Trung Quốc trên "Tuyến hành lang mới về thương mại, đường bộ, đường biển quốc tế”
01/10/2019 17:03
Sáng 27 tháng 9 năm 2019, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã phối hợp với Đại sứ quán nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Tiềm năng, cơ hội hợp tác Việt Nam - Trung Quốc trên tuyến hành lang mới về thương mại, đường bộ, đường biển Trung Quốc - ASEAN”. Tọa đàm do TS. Trần Hồng Quang - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chủ trì.
Tham dự tọa đàm, về phía Việt Nam có lãnh đạo và các chuyên gia của Viện Chiến lược phát triển; đại diện các bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Công Thương, Giao thông vận tải, Ngoại giao; lãnh đạo và đại diện một số địa phương có biên giới giáp Trung Quốc; đại diện doanh nghiệp Logistics Việt Nam.
Về phía Trung Quốc có bà Doãn Hải Hồng - Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; ông Vương Hình - Phó Chủ nhiệm Văn phòng logistics và cửa khẩu thành phố Trùng Khánh; đại diện doanh nghiệp của Trùng Khánh.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Trần Hồng Quang - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chia sẻ Viện Chiến lược phát triển được lãnh đạo Bộ giao làm cơ quan đầu mối chủ trì nghiên cứu, tư vấn cho lãnh đạo Bộ và Chính phủ về một số nội dung hợp tác với Trung Quốc như hợp tác "Hai hành lang, một vành đai”, "Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng”, kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến "Vành đai và Con đường”,... Trong các sáng kiến hợp tác vừa nêu, "Tuyến hành lang mới về thương mại, đường bộ, đường biển quốc tế” từ Trùng Khánh qua Việt Nam đến Singapore có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy kết nối Việt Nam - Trung Quốc trong các lĩnh vực: giao thông, thương mại, du lịch và kết nối con người...
Viện trưởng Trần Hồng Quang cũng cho biết kể từ khi Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc ký Bản ghi nhớ (MOU) về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến "Vành đai và Con đường” năm 2017 đến nay, các địa phương và doanh nghiệp của hai nước đã tích cực triển khai hợp tác trên tuyến hành lang nói trên và bước đầu thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình mỗi nước cũng như tình hình khu vực, quốc tế và thực tế hợp tác đang đặt ra cơ hội cùng những khó khăn đối với hợp tác Việt - Trung trên "Tuyến hành lang mới về thương mại, đường bộ, đường biển quốc tế” nói trên. Với mong muốn đánh giá chính xác tiềm năng, cơ hội hợp tác cùng những khó khăn, thách thức, Viện trưởng Trần Hồng Quang hy vọng sẽ được lắng nghe các ý kiến thẳng thắn, cởi mở của các đại biểu để có thể đưa ra những kiến nghị giải pháp xác đáng gửi đến các cơ quan chức năng và Chính phủ hai nước, góp phần thúc đẩy hợp tác Việt - Trung hiệu quả hơn nữa trên "Tuyến hành lang mới về thương mại, đường bộ, đường biển quốc tế”.
Tại tọa đàm, đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Chiến lược phát triển đã trình bày báo cáo tổng quan "Tiềm năng, cơ hội hợp tác Việt Nam - Trung Quốc trên tuyến hành lang mới về thương mại, đường bộ, đường biển quốc tế”. Báo cáo nhận định, biết bối cảnh hiện nay thuận lợi cho việc triển khai hợp tác Việt –Trung trên tuyến hành lang mới nói trên. Cụ thể là: Những năm gần đây Kết nối trở thành chủ đề của thời đại và Trung Quốc cũng tăng cường các cơ chế hợp tác với ASEAN cả về thương mại, đầu tư, hạ tầng, giao thông; Việt Nam và Trung Quốc đã ký MOU về "thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai với Sáng kiến Vành đai và Con đường” năm 2017, trong đó kết nối giao thông, thương mại là những nội dung quan trọng; hợp tác đầu tư, thương mại Việt - Trung đang phát triển mạnh mẽ; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến Trung Quốc gia tăng tìm kiếm thị trường mới...
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hợp tác Việt – Trung trên tuyến hành lang nói trên cũng còn một số khó khăn như: Việt Nam và các nước ASEAN thiếu thông tin về tuyến hành lang; ở cấp chính phủ hai bên chưa có các kế hoạch hợp tác cụ thể về vấn đề hợp tác trên tuyến hành lang mới về thương mại, đường bộ, đường biển Trung Quốc – ASEAN; cơ sở hạ tầng của Việt Nam, các nước ASEAN, bao gồm Lào, Campuchia, còn hạn chế, hệ thống đường sắt lạc hậu; thủ tục hải quan, kho bãi còn bất cập; thương mại song phương mất cân đối, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Việt Nam; tuyến vận tải liên vận đường sắt, đường bộ chi phí còn cao, khó cạnh tranh với đường biển...
Từ phân tích những thuận lợi và khó khăn nêu trên, TS. Nguyễn Quốc Trường thay mặt nhóm nghiên cứu của Viện Chiến lược phát triển đã đề xuất một số kiến nghị nhằm thúc đẩy hợp tác hiệu quả tuyến hành lang mới về thương mại, đường bộ, đường biển Trung Quốc - ASEAN, như: Tăng cường trao đổi thông tin về tuyến hành lang; trước mắt tập trung triển khai một số dự án hợp tác cùng có lợi (du lịch, thương mại, logistics); hợp tác thúc đẩy tiện lợi hóa thương mại và kết nối giao thông; hỗ trợ doanh nghiệp điều tra nghiên cứu thị trường logistics Trung quốc - ASEAN; đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông...
Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng đã chia sẻ nhiều thông tin về tiềm năng hợp tác của các địa phương trên "Tuyến hành lang mới về thương mại, đường bộ, đường biển quốc tế”; tình hình và triển vọng hợp tác, kinh doanh của doanh nghiệp Việt nam, Trung Quốc trên tuyến hành lang này. Đồng thời, các doanh nghiệp kiến nghị các bộ, ngành, địa phương hữu quan của hai bên cần tăng cường hợp tác phát triển hạ tầng giao thông, thương mại, logistics và đặc biệt là dỡ bỏ các "rào cản” trong vận chuyển hàng hóa và thông quan ở các cửa khẩu biên giới Việt – Trung.
Kết thúc tọa đàm, TS. Trần Hồng Quang - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chân thành cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Tọa đàm. Các ý kiến sẽ được Viện Chiến lược phát triển và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam ghi nhận, tổng hợp và báo cáo các cấp lãnh đạo của hai bên./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.