Tọa đàm công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu 2013”

23/01/2013 10:50


Chiều ngày 21/01/2013, Viện Chiến lược phát triển phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức buổi công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu 2013” tại 65 Văn Miếu, Hà Nội.

Chủ trì buổi tọa đàm có PGS.TS. Bùi Tất Thắng – Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển và ông Deepak Mishra – Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam.

Tới dự tọa đàm còn có ông Phan Diễn – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, ông Vũ Khoan – Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước,…

                    

Ông  Andrew Burn – Trưởng nhóm kinh tế Vĩ Mô, Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới trình bày báo cáo.

Tại tọa đàm, ông  Andrew Burn – Trưởng nhóm kinh tế Vĩ Mô, Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới, tác giả chính Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu 2013 đã trình bày những kết quả đã nghiên cứu được. Theo Andrew Burn, trong thời gian vừa qua tác động của khu vực đồng Euro thực sự lớn hơn dự kiến làm nền kinh tế toàn cầu yếu đi rất nhiều. Song các nước đang phát triển lại có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là nước có nền kinh tế lớn như Trung Quốc. Trong năm 2013 này dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu còn ở mức yếu.

Trong khuôn khổ của buổi tọa đàm, cũng như mối quan tâm của các nhà khoa học về vấn đề kinh tế Việt Nam, ông Deepak Mishra – Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đã có bài trình bày về “Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam”. Ông cho rằng có sự ổn định trong tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam mấy tháng vừa qua. Trong năm 2012 lạm phát có giảm xuống song vẫn cao, đó là một trong những rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra ông còn đưa ra bốn rủi ro khác đối với nền kinh tế Việt Nam: Thứ nhất là mức dự trữ ngoại tệ thấp so với quốc tế; thứ hai, việc nới lỏng các chính sách tài khóa hoặc tiền tệ có thể làm lạm phát tăng trở lại; thứ ba, chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng xấu đi, nợ công tăng nếu tính cả nợ dự phòng của các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước; thứ tư, triển khai chậm trễ và kém hiệu quả quá trình cải cách cơ cấu kể cả giải quyết nợ xấu trong ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước đang là những vật cản tới tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Tọa đàm đã thu được nhiều ý kiến thảo luận của các chuyên gia kinh tế và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Nguồn: Ban Thông tin và Hợp tác quốc tế.