Tọa đàm "Các vấn đề hiện tại đối với Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) để tìm ra lập trường đúng về chính sách tiền tệ và ảnh hưởng của nó đối với những thị trường đang nổi"
07/08/2017 18:19
Sáng ngày 28/7/2017, tại 65 Văn Miếu, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức Tọa đàm với GS. Andreas Hauskrecht đến từ trường Kinh doanh Kelley thuộc Đại học Indiana Bloomington, Mỹ; thành viên nhóm Sáng kiến Việt Nam với chủ đề "Các vấn đề hiện tại đối với Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) để tìm ra lập trường đúng về chính sách tiền tệ và ảnh hưởng của nó đối với những thị trường đang nổi". Tọa đàm do Phó Viện trưởng Phan Ngọc Mai Phương chủ trì.
Giáo sư Andreas Hauskrecht là giảng viên trường Kinh doanh Kelley, Đại học Indiana Bloomington, Mỹ. Giáo sư là thành viên nhóm Sáng kiến Việt Nam.Các lĩnh vực chính giáo sư nghiên cứu là kinh tế học, tiền tệ, tài chính. Giáo sư đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam, chủ yếu là trong lĩnh vực ngân hàng. Từ năm 1994 đến nay Giáo sư là Giám đốc Dự án Hỗ trợ Việt Nam trong cải cách hệ thống ngân hàng. Giáo sư cũng tham gia nhiều Chương trình, dự án khác trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính thuộc khu vực Đông Nam Á và ở Việt Nam.
Tại Tọa đàm, GS. Andreas Hauskrecht cho biết để bình thường hóa chính sách tiền tệ thì "Theo dự báo của Ủy ban thị trường mở liên bang (Federal Open Market Committee - FOMC), lãi suất sẽ phải tăng vài lần cho đến năm 2019 và cho đến khi lãi suất mục tiêu của quỹ Cục Dự trữ liên bang Mỹ đạt đến mức "bình thường” vào khoảng 3%. Nhưng để tăng lãi suất mục tiêu đối với vốn của mình, Cục Dự trữ liên bang Mỹ thường bán chứng khoán, giảm lượng vốn sẵn có trên thị trường. Tuy nhiên, với giá trị (số dư) bảng cân đối tài sản của Cục Dự trữ liên bang Mỹ hiện vào khoảng 4,5 nghìn tỷ USD và lượng thanh khoản khổng lồ được giữ như khoản dự trữ vượt mức (dự trữ vượt mức dự trữ bắt buộc), Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể sẽ phải bán số lượng chứng khoán rất lớn để tăng lãi suất mục tiêu đối với vốn của Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ bán ra số lượng chứng khoán lớn có thể làm tăng mạnh lợi tức, gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường thế chấp cũng như đường cong lợi tức.”
Vì có những rào cản trong việc bình thường hóa chính sách tiền tệ, để thu hẹp bảng cân đối tài sản, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã công bố việc bắt đầu thu hẹp số dư bảng cân đối tài sản tương đối sớm, bắt đầu từ tháng 9 năm 2017. Cục Dự trữ liên bang Mỹ cũng sẽ bán chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp, bắt đầu với 4 tỷ USD mỗi tháng, tăng 4 tỷ USD mỗi tháng cho đến khi đạt 20 tỷ USD trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, việc thu hẹp bảng cân đối tài sản của Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể trùng hợp với việc gia tăng thâm hụt ngân sách ở Mỹ mà điều này có thể gây áp lực đối với tiền lãi trong dài hạn.
Kết thúc Tọa đàm, Phó Viện trưởng Phan Ngọc Mai Phương chân thành cảm ơn những chia sẻ hữu ích của giáo sư và hy vọng rằng sẽ có nhiều cơ hội trao đổi và làm việc hơn nữa với giáo sư trong tương lai./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.