"Quy hoạch vùng, ngành, sản phẩm phải lồng ghép với quy hoạch tổng thể"

14/12/2011 10:01


Đó là khẳng định của ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng trong Hội thảo Tổng kết công tác quy hoạch, diễn ra tại Hà Nội ngày 12/12 do Viện Chiến lược Phát triển phối hợp với Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức.

Ông Ngô Doãn Vịnh, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, nhấn mạnh 3 nội dung trọng tâm mà hội thảo cần đưa ra thảo luận, gồm: Một là, có nên lồng ghép quy hoạch ngành sản phẩm vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội hay không?

Hai là, có nên tiếp tục đánh giá tác động của môi trường chiến lược khi lập quy hoạch ở các tình hay không (khi mà quy hoạch vùng đã có đánh giá tác động môi trường chiến lược)?

Ba là, khi quốc gia, vùng đã có quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế xã hội rồi thì tỉnh có cần lập quy hoạch nữa không hay chỉ lập quy hoạch chi tiết đối với ngành, nghề, sản phẩm.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc lập quy hoạch hiện nay ở các địa phương còn chưa thống nhất, chồng chéo, dàn trải. Quy hoạch lập ra quá nhiều nhưng chỉ mang tính hình thức, không được thực hiện trong thực tế, gây lãng phí nguồn lực. Quy hoạch ngành, sản phẩm mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Định mức nào cho quy hoạch không phải là 1 câu hỏi dễ trả lời đối với nhiều nhà lập quy hoạch ở các địa phương hiện nay. “Xét lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh chỉ có 800 triệu trong khi quy hoạch cho ngành, sản phẩm lên đến vài tỷ, thì đâu là định mức?”, ông Phạm Ngọc Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định thắc mắc.

Thời gian lập quy hoạch cũng được nhiều đại biểu quan tâm, bởi trên thực tế, lập 1 quy hoạch cho giai đoạn phát triển 10 năm thì mất tới 5 năm thực hiện, như vậy khi đó ý nghĩa của bản quy hoạch có cần thiết hay không?

Hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng nên lập 1 quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội mà trong đó đã có chi tiết và cụ thể quy hoạch ngành, sản phẩm. Ông Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh: “Không phải vùng nào, ngành nào cũng cần lập quy hoạch mà chỉ làm khi thật cần thiết”.

Đồng nhất với ý kiến của ông Ngô Công Thành, Vụ phó Vụ Quản lý Quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Liêm cũng đề xuất là cần phải tiến tới thành lập Viện Quy hoạch quốc gia với các chức năng: nắm phương pháp luận về quy hoạch để làm quy hoạch, phối hợp thực hiện công tác quy hoạch; thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể; thực hiện giám sát, đánh giá công tác quy hoạch; đào tạo cán bộ cho công tác lập quy hoạch.

Quy hoạch phát triển sẽ thay đổi theo thời gian, nó phụ thuộc vào trình độ hiểu biết của con người và trình độ phát triển của khoa học công nghệ. Vì thế, việc hoàn thiện về lý luận và làm cho công tác quy hoạch đem lại hiệu quả cho thực tiễn phát triển là công việc cần được xem xét thường xuyên và nghiên cứu nghiêm túc qua các thời kỳ phát triển đất nước. Việc hoàn thiện lý luận và thực tiễn công tác quy hoạch không thể chỉ làm trong một năm hoặc vài năm mà phải tiến hành liên tục với tinh thần trách nhiệm cao, bằng nguồn lực thỏa đáng.

Theo Lê Vân

Báo điện tử Tạp chí Kinh tế và dự báo