Kinh nghiệm cải cách quản lý tài sản công của các quốc gia trên thế giới
18/09/2015 17:08
"Kinh nghiệm cải cách quản lý tài sản công của các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước” là nội dung chính của cuốn sách "Của cải công của các quốc gia: Quản lý tài sản công có thể thúc đẩy hay làm đổ vỡ tăng trưởng kinh tế như thế nào” (The Public Wealth of Nations: How Management of Public Assets Can Boost or Bust Economic Growth) của hai tác giả Dag Detter và Stephan Folster đã được chính ông Detter chia sẻ với các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu chiến lược và kế hoạch, các nhà khoa học và quản lý đến từ một số cơ quan của Chính phủ Việt Nam trong buổi tọa đàm tại Trụ sở Viện Chiến lược phát triển sáng ngày 10 tháng 9 năm 2015 vừa qua.
Ông Dag Detter là đồng sáng lập của Whetstone, tổ chức chuyên tư vấn cho các nhà đầu tư ở châu Âu và châu Á trong lĩnh vực sáp nhập/giải thể các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước. Trong thời gian làm Chủ tịch Stattum -tập đoàn kinh tế nhà nước của Chính phủ Thụy Sĩ- và Vụ trưởng của Bộ Công nghiệp Thụy Sĩ đầu thập kỷ 90, ông đã dẫn dắt quá trình chuyển đổi sâu rộng đầu tiên trong việc quản lý tài sản thương mại nhà nước ở Thụy Sĩ. Ông Detter cũng là một trong những người khởi xướng xây dựng bản Hướng dẫn của OECD về quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp nhà nước.
Cuốn sách "Của cải công của các quốc gia” nêu trên vừa được xuất bản tháng 6/2015 đã đưa ra một số luận điểm quan trọng: Thứ nhất, chủ sở hữu lớn nhất đối với của cải của các quốc gia không phải là các doanh nghiệp tư nhân hay các cá nhân giàu có, mà chính nlà các Chính phủ. Tuy nhiên, những của cải công khổng lồ này chưa được quan tâm, quản lý đúng mức và hiệu quả; Thứ hai, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước không phải là giải pháp duy nhất, và các cuộc tranh luận về sở hữu công - tư thường bỏ qua một vấn đề quan trọng hơn nhiều là chất lượng quản lý tài sản công.
Tại buổi tọa đàm, ông Detter đặc biệt nhấn mạnh cách tiếp cận và các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công. Tài sản công cần được quản lý theo nguyên tắc: minh bạch, độc lập và chuyên nghiệp. Nguyên tắc "minh bạch” đòi hỏi phải tách biệt giữa tài sản công có khả năng sinh lời (tài sản thương mại) và tài sản công phục vụ mục đích chính sách (tài sản chính sách), từ đó xây dựng danh mục tài sản công quốc gia theo hai nhóm nêu trên và công bố công khai. Nguyên tắc "độc lập" đòi hỏi phải tách việc quản lý tài sản công thương mại khỏi sự can thiệp của các chính trị gia nhằm mục đích chính trị. Thay vào đó, tài sản công thương mại cần được các tổ chức chuyên nghiệp quản lý, áp dụng các kiến thức quản trị doanh nghiệp hiện đại. Bài trình bày của ông đã đề cập đến kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới trong cải cách quản lý tài sản công.
Buổi Tọa đàm cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi của các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học và quản lý đến từ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, Viện Chiến lược phát triển… về vấn đề quản lý tài sản công tại Việt Nam.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển