Hội thảo Những xu thế lớn toàn cầu và các tác động tới Việt Nam

19/08/2016 14:20


Sáng ngày 18/8/2016, Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Úc tổ chức Hội thảo "Những xu thế lớn toàn cầu và các tác động tới Việt Nam” tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6B Hoàng Diệu, Hà Nội.

Tham dự hội thảo có ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Claire Ireland, Tham tán Kinh tế và Phát triển, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam; Ông Vũ Khoan, Nguyên phó Thủ tướng và ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cùng đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ các cơ quan trong nước và nước ngoài.
 
Hội thảo đã được nghe TS. Stefan Hajkowicz chia sẻ về những xu thế lớn toàn cầu. Tiến sĩ cho biết xu hướng lớn không phải là xấu mà là những cơ hội lớn cũng như những rủi ro, thách thức, mối đe dọa, hiểm nguy trong tương lai. Có những thứ trong quá khứ không xảy ra nhưng nó lại xảy ra qua thời gian với những biến động. Ví dụ như so với 20-30 năm trước thì nhiệt độ tăng lên 2oc, dẫn đến ngày càng có nhiều sự kiện thời tiết cực đoan, bão lụt nhiều hơn. Vì vậy con người cũng xây dựng nhiều công trình, nhiều thành phố có khả năng chống chịu với khí hậu nhiều hơn. Đây cũng có lẽ là xu hướng chung mà các quốc gia đều đi theo.
 
An ninh lương thực và nước là vấn đề mà cả thế giới phải đối mặt. Nhu cầu về lương thực và nước ngày càng tăng, nguồn lực thì hạn chế, giá tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Tiến sĩ chia sẻ, hiện nay, 35% thức ăn bị vứt đi, trong khi đó lại có những người bị béo phì và những trẻ em bị suy dinh dưỡng do thiếu thức ăn. Nguồn nước thì ngày càng khan hiếm. Dự báo đến năm 2025, 25% các quốc gia ở các khu vực trên thế giới, sẽ có khoảng 700 triệu người bị thiếu nước. Vấn đề chính trị cũng có tác động rất lớn đến hai vấn đề này. Đây là một thách thức lớn đối với toàn thế giới. Vì vậy cần có cơ chế  phân bổ nước một cách minh bạch và công bằng cho con người ở khắp nơi trên thế giới.
 
Vấn đề dân số ngày càng già hóa, tỷ lệ dân số nghỉ hưu đông và tăng dần lên ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của thế giới. Ví dụ như Nhật Bản có tới 40% dân số có tuổi cao hơn 70. Đó cũng là một xu hướng chung của thế giới. Và dần dần, khi khoa học công nghệ phát triển thì một số công việc của con người sẽ được thay thế bằng rô bốt như: kế toán, lái xe,…
 
Vấn đề vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh cũng được TS. Stefan Hajkowicz nhấn mạnh trong bài thuyết trình của mình. Điều đó gây ảnh hướng tới việc điệu trị sức khỏe con người. Và cũng làm con người tử vong giống như những trường hợp mắc phải bệnh ung thư trên thế giới hiện nay.
 
Hội thảo còn được nghe bài trình bày của ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển về Những thách thức trong thực hiện chiến lược phát triển trong một thế giới đầy biến động, như vấn đề đô thị hóa còn kém hiệu quả; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững về môi trường; xã hội tồn tại và nổi lên những vấn đề phải giải quyết: (1) trẻ em người dân tộc thiểu số đối mặt với bất bình đẳng về cơ hội lớn hơn so với trẻ em người kinh; (2) dân số già đi và tầng lớp trung lưu đang nổi lên. Đặc biệt, dự báo vào năm 2035, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi sẽ tăng gấp đôi và trên một nửa dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu. Và một vấn đề nữa cũng hết sức đáng quan ngại đó là thể chế đang là một rào cản và là vấn đề xuyên suốt quá trình phát triển. Vậy chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề đó như thế nào?
 
Hội thảo cũng đã nhận được rất nhiều các ý kiến tham luận của các nhà nghiên cứu, quản lý trong và ngoài nước. Thứ trưởng Đặng Huy Đông đánh giá đây là một hội thảo có ý nghĩa, qua đó chúng ta có thể tìm thấy những cơ hội cho Việt Nam trong tương lai./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.