Hội thảo “Lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Báo cáo Nghiên cứu số 5: “Công nghiệp hóa đến năm 2020: Việt Nam có thể rút ra bài học gì từ kinh nghiệm của các nước Đông Á””

25/04/2011 10:33


Sáng ngày 05 tháng 04 năm 2011, trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2011-2020” do UNDP tài trợ, tại Khách sạn Fortuna đã diễn ra hội thảo về chủ đề nêu trên, do Viện Chiến lược phát triển và UNDP phối hợp tổ chức. Đại biểu đến dự hội thảo là những nhà hoạch định chính sách, học giả của Việt Nam và quốc tế, cùng với các phóng viên báo chí trong nước.

 GS. Dwight H. Perkin và GS. Vũ Thành Tự Anh thuộc trường Harvard Kenedy thực hiện Báo cáo Nghiên cứu số 5. Trong bài trình bày của mình, TS. Vũ Thành Tự Anh đã nêu ra 5 vấn đề chính. Đó là:

-       Một số khái niệm cơ bản về chính sách công nghiệp và chính sách phát triển công nghiệp;

-       Phân tích một số đặc điểm quan trọng trong cơ cấu và chính sách công nghiệp của Việt Nam;

-       Tác động vĩ mô của chính sách công nghiệp;

-       Chính sách công nghiệp của Việt Nam từ góc nhìn so sánh với một số nước trong khu vực (kinh nghiệm thành công của chính sách công nghiệp của Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và bài học thất bại của Malaysia );

-       Một số khuyến nghị chính sách.

Các tác giả đánh giá giá trị SXCN ở Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng, đồng thời đây là một nền công nghiệp ngày càng đa dạng hóa cả về ngành sản xuất và loại hình sở hữu. Tuy nhiên, tác giả cũng chỉ ra một số hạn chế: Tăng trưởng chủ yếu thiên về lượng, giảm về chất thể hiện ở tốc độ tăng năng suất thấp, GTGT/GTSX giảm rất nhanh.

Tác giả đã phân tích mô hình công nghiệp kiểu cũ của Việt Nam với một số đặc trưng quan trọng.

Thứ nhất, đó là mô hình công nghiệp hóa kiểu cũ trong một nền kinh tế nội địa và toàn cầu hóa kiểu mới. Điều này thể hiện ở độ mở của nền kinh tế là rất lớn, mức độ hội nhập ngày một sâu và cơ cấu nền kinh tế đã khác trước rất nhiều.

Thứ hai là trong mô hình công nghiệp hóa kiểu cũ, khu vực kém hiệu quả được chọn làm khu vực chủ đạo. Tác giả dẫn chứng trong hai thời kỳ 2001-2005 và 2006-2009, tỉ lệ thâm dụng vốn của các Doanh nghiệp Nhà nước lớn trong khi tỉ lệ đóng góp cho tăng trưởng GTSX lại nhỏ. Ngược lại, Doanh nghiệp dân doanh và Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn cho tăng trưởng GTSX thì lại không được ưu tiên về vốn đầu tư và tín dụng.

Thứ ba, trong mô hình công nghiệp kiểu cũ, quy hoạch ngành chưa phải là một công cụ điều phối hữu hiệu. Những quy hoạch này chưa thực hiện tốt chức năng thông tin và phối hợp.

Thứ tư là chính sách công nghiệp kiểu cũ có tính lưỡng thể, không bền vững. Chính sách công nghiệp của nền kinh tế Việt Nam vừa “chọn ngành công nghiệp mục tiêu”, vừa “thúc đẩy xuất khẩu”.

Thứ năm,công nghiệp hóa, hiện đại hóa để xây dựng một nền kinh tế độc lập-tự chủ.  

 

TS. Vũ Thành Tự Anh trình bày kết quả nghiên cứu

TS. Vũ Thành Tự Anh trình bày kết quả nghiên cứu

Bài thuyết trình của giáo sư đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của các chuyên gia kinh tế đến từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW, Văn phòng Chính phủ, Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, thuộc Đại học Quốc gia, Tổ chức JICA…

Hội thảo đã thành công như mong đợi trên tinh thần tôn trọng và bảo đảm các nguyên tắc thẳng thắn, khách quan, trung thực, xây dựng và cầu thị. PGS.TS Bùi Tất Thắng, Phó Viện trưởng, chủ trì hội thảo, bày tỏ hi vọng nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo dựa trên những nhận xét, góp ý hết sức quý báu đã ghi nhận được./.