Hội thảo Hợp tác Việt Nam - Diễn đàn Kinh tế thế giới trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng
23/11/2017 10:00
Ngày 16/11/2017, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Ngoại giao và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức Hội thảo "Hợp tác Việt Nam - Diễn đàn Kinh tế thế giới trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng”.
Đồng chủ trì hội thảo có Ông Nguyễn Văn Hiếu -Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu và ông Justin Wood - Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Thành viên Ủy ban Chấp hành, Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Tham dự hội thảo có ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Alex Wong - Giám đốc Hợp tác về Thách thức Toàn cầu, Ủy viên Ban Chấp hành, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đại diện các Bộ của Việt Nam, đại diện các tập đoàn kinh tế, ngân hàng trong và ngoài nước và nhiều các nhà nghiên cứu đến từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Hội thảo là bước khởi động trong việc triển khai Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và WEF về nội dung "Tương lai của đầu tư dài hạn, cơ sở hạ tầng và phát triển” - một trong 7 nội dung quan trọng của Thỏa thuận hợp tác với WEF về "Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai”.
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, phát triển kết cấu hạ tầng là một nhiệm vụ quan trọng, một trong ba khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách trong tìm kiếm và triển khai các dự án PPP ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng ở Việt Nam vẫn chưa được như mong đợi, chưa tương xứng với tiềm năng của nhà đầu tư.
Chính phủ Việt Nam cũng nhận thức được rằng có nhiều kinh nghiệm về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên thế giới, có nhiều quốc gia đã thành công trong thu hút nguồn lực phát triển và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam cũng đang thúc đẩy tìm kiếm những kinh nghiệm tốt nhất để xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Justin Wood, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Thành viên Ủy ban Chấp hành, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết WEF là tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác công tư (PPP). WEF tập chung vào nghiên cứu 14 thách thức toàn cầu, cụ thể như: y tế, chăm sóc sức khỏe tương lai của môi trường, tương lai của năng lượng, tương lai của sản xuất chế tạo,… và một trong những vấn đề quan trọng nhất mà WEF phải tập trung là tương lai của cơ sở hạ tầng. Đó là một vấn đề mà WEF sẽ làm việc chặt chẽ với Việt Nam.
Cũng theo ông Justin Wood, từ những năm 1980 Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc, từ một nước có mức thu nhập thấp thành một nước thu nhập trung bình. Nhưng để từ một nước thu nhập trung bình sang nước có thu nhập cao là một con đường đầy khó khăn. Ngày nay, do ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 con đường này ngày càng khó khăn hơn. Việt Nam cần phải dựa vào chất lượng vào lao động thay vì giá cả và lao động. Vì vậy hôm nay WEF mong muốn thiết lập được một nhóm công tác về hạ tầng với đại diện từ tất cả các bên doanh nghiệp, chính phủ, học giả,.. để cùng nhau giải quyết các vấn đề của Việt Nam.
Hội thảo hôm nay tập trung thảo luận về hai nội dung lớn: Thứ nhất, tổ chức hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn kinh tế Thế giới: (i) Định hướng hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn kinh tế Thế giới - Chương trình nghị sự trong năm 2017 và năm 2018; (ii) Tổ chức thực hiện hợp tác như thành lập Nhóm công tác về Cơ sở hạ tầng (IWG); Nhóm thư ký và cơ chế hoạt động của Nhóm công tác. Thứ hai, trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề: (i) Đánh giá và tiêu chuẩn về chương trình hạ tầng PPP quốc gia, nhằm đánh giá những cơ hội và thách thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực; (ii) Hợp tác đầu tư phát triển bền vững (SDIP) nhằm thúc đẩy Phát triển hạ tầng bền vững thông qua tài chính kết hợp, trong đó khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thông qua hình thức PPP.
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp và nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà nghiên cứu đến từ WEF cũng như các nhà quản lý đến từ các tập đoàn, ngân hàng lớn trong và ngoài nước./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển