Hội thảo góp ý cho dự thảo Báo cáo cuối cùng "Nghiên cứu tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách”
07/09/2015 10:35
Trong khuôn khổ Hợp phần "Nâng cao năng lực của Viện Chiến lược phát triển trong việc thực hiện các nghiên cứu về dân số và phát triển nhằm đưa ra những bằng chứng về tác động của dân số đối với phát triển bền vững và đề xuất các giải pháp để đảm bảo thực hiện các mục tiêu về dân số và xã hội trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020” do Viện Chiến lược phát triển thực hiện thuộc Dự án "Hỗ trợ thực hiện Chiến lược phát triển thống kế Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và sử dụng thông tin thống kê dân số trong xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển” (VNM8P01) do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) hỗ trợ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2012-2016, ngày 01/9/2015, Viện Chiến lược phát triển phối hợp với UNFPA tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự thảo cuối cùng Báo cáo nghiên cứu "Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách” tại khách sạn Công Đoàn, Hà Nội.
Ông Lê Bạch Dương, Trưởng phòng Dân số và Phát triển, UNFPA Việt Nam và ông Phạm Mạnh Thùy, Phó Trưởng ban - Phụ trách Ban Phát triển nhân lực và xã hội, Viện Chiến lược phát triển, ĐIều phối viên Hợp phần Dự án, đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo cóbà Lê Thị Phương Mai, Cán bộ chương trình phụ trách Dự án, UNFPA Việt Nam; các nhà nghiên cứu đến từ một số cơ quan, đơn vị có liên quan: Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo chiến lược, Viện Khoa học lao động và xã hội và Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm, Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội); Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế;; Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam;Tổng cục Thống kê, Học viện Chính sách và phát triển và Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhiều cán bộ nghiên cứu của Viện Chiến lược phát triển.
Tại Hội thảo, ThS. Phạm Ngọc Toàn, Phó Giám đốc - Phụ trách Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo chiến lược, Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn đã trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo nghiên cứu "Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách”. Báo cáo hướng tới các mục tiêu cụ thể như: (1) Sử dụng phương pháp tiếp cận "Tài khoản chuyển nhượng quốc gia” (NTA) để phân tích giai đoạn Việt Nam có "dư lợi dân số”; (2) Xây dựng các mô hình để tính toán tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam cho đến năm 2049; (3) Đề xuất một số chính sách nhằm tận dụng và hiện thực hóa "cơ hội dân số” thành "dư lợi dân số”.
Bằng phương pháp NTA, nhóm nghiên cứu đã tiến hành ước lượng: thu nhập, tiêu dùng theo nhóm/độ tuổi; tỷ số hỗ trợ kinh tế; đặc biệt là vấn đề về thâm hụt và thặng dư vòng đời. Kết quả nghiên cứu cho thấy dân số trong độ tuổi từ 23 đến 53 tuổi là những đối tượng luôn có thặng dư kinh tế do họ có mức thu nhập cao hơn mức tiêu dùng. Đây là những đối tượng có vai trò quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, huy động, tận dụng tối đa nguồn lực này cho phát triển. Ngược lại, đa phần những đối tượng từ 54 tuổi trở lên thường có thâm hụt kinh tế (tức là họ có mức thu nhập nhỏ hơn mức tiêu dùng) và có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây, dự báo sẽ có những tác động lớn đến sự phát triển của nước ta trong giai đoạn sắp tới, đòi hỏi Chính phủ cần có những chính sách, giải pháp cụ thể để tận dụng, ứng phó nhằm phát huy những lợi thế/tác động tích cực, giảm thiểu những tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị cụ thể đối với vấn đề trên.
Báo cáo đã nhận được 3 ý kiến phản biện và hơn 10 ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý đến từ các Bộ, ngành, viện nghiên cứu có liên quan./.