Hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

07/11/2019 14:33


Viện Chiến lược phát triển được Hội đồng Quy hoạch Quốc gia và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao lập Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Viện Chiến lược phát triển đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo báo cáo. Để hoàn chỉnh Báo cáo, sáng ngày 29 tháng 10 năm 2019, tại 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm trao đổi ý kiến rộng rãi đối với đại diện các Viện nghiên cứu thuộc các Bộ và các Vụ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hội thảo do TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chủ trì.

Tham dự Hội thảo có đại diện các Viện nghiên cứu thuộc các Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường,… đại diện lãnh đạo một số vụ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện Chiến lược phát triển.

Tại Hội thảo, đại diện nhóm xây dựng Báo cáo, ông Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng ban, Ban Tổng hợp trình bày Dự thảo Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các nội dung được trình bày gồm: (1) Căn cứ lập Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG); (2) Yêu cầu về nội dung, phương pháp lập QHTTQG; (3) Chi phí lập QHTTQG; (4) Trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân liên quan.

Theo đó, ông Nguyễn Hoàng Hà chia sẻ, lập QHTTQG nhằm 05 mục tiêu sau: (1) Xây dựng khung phát triển về không gian quốc gia, tạo nền tảng cơ sở cho xây dựng và kết nối đồng bộ, thống nhất và hiệu quả các loại hình quy hoạch khác theo Điều 5 và Điều 6 của Luật Quy hoạch; (2) Tối ưu hóa và bảo đảm tính khả thi, bền vững trong quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước; (3) Nâng cao năng lực cạnh tranh lãnh thổ của quốc gia, tạo dựng sự phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng và địa phương; bảo đảm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của quốc gia, vùng, địa phương và khả năng hội nhập; (4) Góp phần tạo ra nhiều việc làm, ổn định sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; (5) Là một công cụ hiệu quả, hiệu lực của nhà nước trong việc điều hành phát triển KTXH, đồng thời là sự kết nối chặt chẽ giữa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm.

Ông Nguyễn Hoàng Hà cũng cho biết, lập QHTTQG ngoài tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Luật Quy hoạch, cần bảo đảm các nguyên tắc sau: (1) Bảo đảm tính bền vững và dài hạn; (2) Bảo đảm tính khả thi và thích ứng; (3) Bảo đảm tính kế thừa và tính mở để tiếp cận các phương pháp quy hoạch hiện đại; (4) Bảo đảm tính thị trường trong việc huy động các yếu tố, điều kiện phát triển KTXH của quốc gia; (5) Bảo đảm tính liên kết không gian; (6) Bảo đảm tính phòng ngừa.

Hội thảo đã nhận được 13 ý kiến trao đổi và góp ý của các đại biểu tham dự cho Dự thảo báo cáo. Các đại biểu đã đánh giá cao sự chuẩn bị của Viện Chiến lược phát triển trong khi chưa có quyết định phân công nhiệm vụ chính thức. Các ý kiến trao đổi chủ yếu đi sâu vào các hợp phần liên quan đến lĩnh vực mà đơn vị mình phụ trách.

Kết thúc Hội thảo, Viện trưởng Trần Hồng Quang chân thành cảm ơn những trao đổi, góp ý của các đại biểu tham dự. Viện trưởng Trần Hồng Quang mong rằng sẽ có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị không chỉ đối với QHTTQG mà cả trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh trong thời gian tới./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.