Hội thảo công bố báo cáo cuối cùng Chương trình chia sẻ tri thức của Hàn Quốc với Việt Nam năm 2016-2017

31/03/2017 14:38


Trong khuôn khổ Chương trình "Chia sẻ tri thức với Hàn Quốc” (KSP), ngày 28/3/2017, tại Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển phối hợp với Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo cuối cùng Chương trình chia sẻ tri thức của Hàn Quốc với Việt Nam năm 2016-2017.

Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có PGS. TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển; bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Quản đốc Chương trình KSP năm 2016-2017 và đại diện các cơ quan bộ, ngành, chuyên gia kinh tế…Về phía Hàn Quốc có ông Lee Hyuk, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam; GS. Sang-Woo Nam, Quản đốc Chương trình KSP 2016-2017; ông Yoon Daehee, Nguyên Bộ trưởng Bộ Điều phối chính sách, Cố vấn cao cấp Chương trình KSP năm 2016-2017 và các nhà nghiên cứu.

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, tiếp nối thành công lớn của KSP trong những năm qua, năm 2016, KDI đã phối hợp với Viện Chiến lược phát triển điều phối thành công Chương trình KSP dành cho Việt Nam với chủ đề "Nâng cao tính hiệu quả từ nội tại” với ba nghiên cứu: (1) Bài học cho Việt Nam từ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc nghiên cứu chính sách cho sự hình thành và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; (2) Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc tư nhân hóa các dịch vụ công cộng;và (3) Kinh nghiệm đánh giá kết quả làm việc của công chức Hàn Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam.

Năm 2017, đánh dấu 25 năm Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (22/12/1992 - 22/12/2017). Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc không ngừng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu trong gần 25 năm qua. Từ năm 2009, Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Hiện nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Trong năm 2016 Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam với hơn 5,5 tỷ USD vốn đăng ký cho 828 dự án. Việt Nam hiện là quốc gia tiếp nhận đầu tư lớn thứ ba của Hàn Quốc sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Các lĩnh vực hợp tác khác như du lịch, văn hóa, lao động cũng đạt được nhiều thành tựu.

Phát biểu Hội thảo, ông Yoon Daehee, Nguyên Bộ trưởng Điều phối chính sách của Hàn Quốc chia sẻ, Chương trình KSP được xây dựng dựa trên tầm nhìn phát triển dựa vào tri thức bằng việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc với các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia đối tác. Chương trình KSP không chỉ mang kinh nghiệm của Hàn Quốc tới các nước đối tác mà còn tập trung vào việc nâng cao năng lực của mình. Năm 2017 đánh dấu 12 năm của Chương trình KSP với Việt Nam với hơn 55 chủ đề nghiên cứu đã được thực hiện. Việt Nam được lựa chọn là quốc gia đối tác phát triển chiến lược và thực hiện KSP với tiêu đề "Hỗ trợ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 2011-2020” trong 3 năm.

Kể từ khi Hàn Quốc và Việt Nam thiết lập mối quan hệ ngoại giao, cả hai nước đã có những nỗ lực đáng kể trong việc mở rộng quan hệ và hợp tác. Tính đến năm 2016, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng gấp ba lần, tổng vốn đầu tư lên tới 50 tỷ USD, kim ngạch thương mại song phương tăng gấp đôi, lên 40 tỷ USD trong năm 2016. Nhân dịp kỉ niệm 25 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc đã sẵn sàng để đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

Trong bài trình bày của mình về nghiên cứu chính sách và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, TS. Sung, Keuk-je đến từ trường Đại học Kyunghee Hàn Quốc cho rằng, trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành điện tử, Việt Nam đã tham gia vào tất cả các khâu sản xuất và lắp ráp như sản xuất linh kiện, lắp ráp sản phẩm trung gian, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Tuy nhiên, mặc dù được coi là ngành công nghiệp then chốt và đã đạt được một số thành tựu trong thu hút FDI cũng như đóng vai trò chính trong xuất khẩu, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam mới chỉ ở những bước ban đầu trong chuỗi giá trị của ngành điện tử và đang phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp FDI.

Tiến sĩ cũng đã đưa năm khuyến nghị cho Việt Nam trong vấn đề phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, gồm: (1) Cần xây dựng các thương hiệu trong nước; ( 2) Mở rộng cơ chế hợp tác; (3) Mua công nghệ nước ngoài; (4) Hỗ trợ tài chính nên được quản lý một cách linh hoạt hơn; (5) Sự phát triển song song của công nghiệp vật liệu.

Trong bài thuyết trình của mình, TS. Yoon Jiwoong cho rằng, cổ phần hóa dịch vụ công là cần thiết đối với Việt Nam vì: (1) Trong thời gian dài, Chính phủ Việt Nam đã trực tiếp cung cấp nhiều loại dịch vụ khác nhau, bao gồm dịch vụ hành chính công (như cấp giấy phép, công chứng, giấy đăng ký…) và các dịch vụ phi lợi nhuận (như y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thư viện, bảo tàng…) hoặc các dịch vụ công ích (như điện, cung cấp nước sạch, thoát nước…); (2) Hiệu quả cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam còn thấp; (3) trong thời kỳ quá độ, khu vực tư nhân của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh trong 20 năm gần đây.

Xây dựng hệ thống đánh giá kết quả làm việc cho cán bộ công chức là vấn đề cũng đang được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm. Theo TS. Kim Sun Hyuk đến từ trường Đại học Hàn Quốc, hiện nay, hệ thống đánh giá và quản lý hiệu suất ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu phương pháp tiếp cận khách quan. Tất cả các tiêu chí không được cụ thể hóa thành các chỉ số cụ thể và điểm số để đánh giá.

Qua những phân tích của mình về tình hình thực tế việc đánh giá kết quả làm việc cho cán bộ công chức của Việt Nam, TS. Kim Sun Hyuk đã đưa ra 10 khuyến nghị cho Việt Nam: (1) Coi kết quả công việc là nguyên tắc trung tâm trong đánh giá hiệu quả công việc của khu vực công; (2) Vai trò mạnh mẽ hơn của sự lãnh đạo chính phủ cấp cao trong đánh giá hiệu quả; (3) Đánh giá hiệu quả của các cơ quan chính phủ; (4) Sự phù hợp giữa đánh giá công chức với tầm nhìn và mục tiêu của tổ chức; (5) Mối liên kết giữa đánh giá hiệu quả của tổ chức và cá nhân; (6) Xây dựng các chỉ số đánh giá định lượng và cụ thể hơn; (7) Xác định các tỷ lệ công chức theo cấp bậc; (8) Cải thiện các cuộc họp đánh giá tập thể; (9) Tăng cường sử dụng kết quả đánh giá; Và (10) Hình thành các đơn vị phụ trách đánh giá.

Hội thảo cũng đã nghe ba bài bình luận và nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi của các nhà khoa học, quản lý trong nước về ba chủ đề nói trên./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.