Hội nghị sinh hoạt chuyên đề: Hợp tác Mê Công - Lan Thương và những thách thức đặt ra đối với Việt Nam hiện nay

24/09/2019 17:54


Thực hiện Chương trình công tác Đảng năm 2019 của Đảng bộ Viện Chiến lược phát triển, sáng ngày 10 tháng 9 năm 2019, tại trụ sở Viện, 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Đảng ủy Viện Chiến lược phát triển phối hợp với Chi bộ Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức Hội nghị sinh hoạt chuyên đề "Hợp tác Mê Công - Lan Thương và những thách thức đặt ra đối với Việt Nam hiện nay”.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Phan Ngọc Mai Phương - Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cùng toàn thể đảng viên của Đảng bộ Viện Chiến lược phát triển tại Hà Nội và đảng viên của Chi bộ Tạp chí Kinh tế và Dự báo.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Nhân Quảng, Chuyên gia về quản lý lưu vực sông đã trình bày chuyên đề về "Thách thức đối với Việt Nam về quản lý tài nguyên nước trong cơ chế hợp tác Lan Thương - Mê Công”. Trong bài trình bày đồng chí Nguyễn Nhân Quảng cho biết, lưu vực sông Mê Công gồm có 6 quốc gia: Trung Quốc, Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam có 65.000 km2, chiếm 8% so với toàn lưu vực. Các quốc gia ven sông sử dụng nguồn nước Mê Công cho các mục đích khác nhau như: Tưới tiêu, thủy điện, thủy sản, giao thông, du lịch sinh thái và tâm linh,… Thủy điện được nhiều quốc gia quan tâm. Trên dòng chính sông Mê Công có rất nhiều dự án thủy điện đã đang và sẽ được xây dựng và chủ yếu là thủy điện trên địa phận Trung Quốc. Trên dòng nhánh sông Mê Công, Lào và Thái Lan cũng đã tận dụng tất cả những khu vực có thể để xây dựng thủy điện. Đây cũng là vấn đề gây ảnh hưởng cho các nước ở cuối lưu vực sông Mê Công. Về sử dụng nước tưới, Việt Nam và Thái Lan là 2 trong 6 nước sử dụng lượng nước sông Mê Công rất lớn để phục vụ trong nông nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Nhân Quảng cũng cho biết, vì mỗi nước đều có mục đích sử dụng nước khác nhau cho nên một số quốc gia có kế hoạch chuyển nước sông Mê Công như: Thái Lan: chuyển nước từ lưu vực sông Mê Công sang lưu vực sông khác như Chao Phraya gồm các tuyến dự án: Kong - Ing- Yom, Kok-Ing- Nan, Kong-Pasak và kế hoạch chuyển nước trong lưu vực sông Mê Công từ bờ trái (Lào) sang bờ phải (Thái Lan), từ bờ phải vào sâu nội địa với nhiều tuyến khác nhau (nội địa Thái Lan); Campuchia: Lấy nước dòng chính Mê Công sang lưu vực Vai Co (Vàm Cỏ). Chính vì vậy có nhiều tranh chấp xảy ra trong những quốc gia cùng sử dụng lưu vực sông Mê Công, để giải quyết các tranh chấp thì các quốc gia cần phải hợp tác và đưa ra những quy định chung, thống nhất.

Qua bài trình bày, đồng chí Nguyễn Nhân Quảng cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả sông Mê Công như: Cần có sự chỉ đạo thống nhất, kịp thời mang tính chiến lược; Phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các cơ quan; cần có sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế,…Đối với Việt Nam, về đối ngoại cần tạo cân bằng với Trung Quốc, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Lào và Campuchia; đối nội cần có chiến lược phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương liên quan và chuẩn bị các kịch bản thích ứng sử dụng nước trong bối cảnh nguồn nước bị lệ thuộc vào thượng lưu.

Thay mặt Đảng ủy Viện Chiến lược phát triển và Chi bộ Tạp chí Kinh tế và Dự báo, đồng chí Phan Ngọc Mai Phương - Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chân thành cảm ơn những chia sẻ hữu ích của đồng chí Nguyễn Nhân Quảng về vấn đề lưu vực sông Mê Công. Các vấn đề đồng chí Quảng chia sẻ sẽ giúp ích cho các cán bộ Viện và Tạp chí trong quá trình nghiên cứu và hoạch định kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực đồng bằng Sông Cửu Long./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.