Diễn đàn quốc tế Việt Nam – Hàn Quốc "Cải cách quốc gia và phát triển bền vững Đông Nam Á”
30/03/2017 15:38
Chiều ngày 24/3/2017, Viện Chiến lược phát triển phối hợp với Diễn đàn Hiện tại - Tương lai (Forum Oh-Rae), Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn quốc tế Việt Nam - Hàn Quốc "Cải cách quốc gia và phát triển bền vững Đông Nam Á” tại khách sạn Lotte, Hà Nội.
Tham dự diễn đàn, về phía Việt Nam có Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển; bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển. Về phía Hàn Quốc có ông Lee Hyok, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Hahm Seung Heui, Chủ tịch diễn đàn Hiện tại - Tương lai; ông Kim Byong Chun, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách Diễn đàn Hiện tại - Tương lai. Và đông đảo các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý trong nước và nước ngoài đến tham dự diễn đàn.
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, thế giới hiện đang đứng trước rất nhiều biến động lớn và ngày càng khó lường. Những xu thế lớn, trái ngược nhau trên phạm vi toàn cầu đang đặt các quốc gia đứng trước những vận hội và thách thức rất lớn, đòi hỏi các quốc gia phải tiến hành cải cách, nhất là cải cách cơ cấu, mạnh mẽ và triệt để hơn để có thể tiếp tục tăng trưởng và phát triển, trong đó nhân lực và khoa học- công nghệ là hai lĩnh vực cốt yếu.
Chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để thoát khỏi nỗi lo về tăng trưởng thấp, ông Kim Byong Joon, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách Diễn đàn Hiện tai-Tương lai cho rằng, vấn đề khoa học và công nghệ (KH&CN), năng lực nghiên cứu phát triển và năng suất lao động là những vấn đề mấu chốt quyết định. Ông cũng nhấn mạnh, cần phải thay đổi những mối quan hệ kinh tế chính trị đan xen, những truyền thống mang tính văn hóa thâm căn cố đế để đảm bảo lợi ích quốc gia và phát triển bền vững.
TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết so với các quốc gia trong khu vực có trình độ cao hơn, Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách, năng lực cạnh tranh nhưng vẫn thấp khá xa, nhất là ở nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả, trong đó có giáo dục và đào tạo bậc cao, từ cấp phổ thông trung học trở lên. Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam.
Để nâng cao chất lượng lao động của Việt Nam, bà Tuệ Anh cũng đã đưa ra năm đề xuất về thực hiện nhanh, hiệu quả các giải pháp chính sách lớn đã được thông qua và ban hành; đổi mới phương thức đào tạo; tổ chức diễn đàn nâng cao chất lượng đào tạo hàng năm với sự tham gia của các viện, trường, cơ quan quản lý và các đối tác phát triển; nên có chính sách ưu tiên nguồn lực nhà nước cho đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo ở những ngành Việt Nam ưu tiên phát triển; khuyến khích rộng rãi và hỗ trợ khởi nghiệp kết hợp đào tạo và nâng cao chất lượng lao động.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội chia sẻ, Việt Nam đang ở trong thời kỳ có cơ cấu dân số vàng với nguồn nhân lực dồi dào, trẻ tuổi, thời kỳ có cơ hội để tạo ra những phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, có khoảng cách lớn so với nhu cầu của nền kinh tế và so với các nước trong khu vực ASEAN và các nước khác. Năm 2015, năng suất lao động (NSLĐ) quốc gia bình quân một lao động là 79,3 triệu đồng (tính theo giá hiện hành), 54,38 triệu đồng (tính theo giá so sánh 2010), thấp hơn NSLĐ của Singapo gần 17 lần, thấp hơn NSLĐ của Nhật Bản 11 lần, thấp hơn NSLĐ của Hàn Quốc 10 lần. Vì vậy, Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho các mục tiêu trong thời gian tói.
TS. Bạch Tân Sinh, Phó Giám đốc - Phụ trách Trung tâm Hợp tác nghiên cứu chính sách khoa học và công nghệ, Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ cho biết Việt Nam đang là thành viên chính thức và không chính thức của gần 100 tổ chức quốc tế và khu vực về KH&CN. Theo thống kê của các Bộ, ngành, từ năm 2000 đến nay đã có hơn 500 thỏa thuận, hợp đồng hợp tác về KH&CN được thực hiện tại các cơ sở nghiên cứu - triển khai ở các cấp.
Trong quá trình xây dựng năng lực HNQT về KH&CN, Việt Nam có một số thuận lợi như tiếp cận nhanh và khách quan tới những tiến bộ KH&CN của thế giới; có điều kiện tranh thủ khai thác các nguồn lực từ nước ngoài; có điều kiện để tiếp cận đa dạng tới các hình thức cạnh tranh lành mạnh, hình thức đào tạo tiên tiến. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thách thức: Tính hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, thể chế kinh tế thị trường đang được hình thành nhưng thiếu bài bản; số liệu thống kê phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển KH&CN nói riêng còn bất cập so với yêu cầu khách quan của quản lý; hệ thống chính sách tài chính cho phát triển KH&CN chưa phù hợp; quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và phương thức tổ chức hoạt động KH&CN và sử dụng đội ngũ cán bộ KH&CN chưa đáp ứng được các yêu cầu;…
Nuôi dưỡng sức cạnh tranh cho ngành sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế là phương hướng hợp tác kỹ thuật của Hàn Quốc đối với Việt Nam đã được TS. Kum Dong Hwa, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) nói đến trong bày thuyết trình của mình. Tiến sĩ nhận định, Việt Nam có nhiều thế mạnh trên phương diện xây dựng hạ tầng khoa học công nghệ, hợp tác xuất khẩu, ký nhiều hiệp định tự do thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài có cả lượng và chất.
Viện trưởng Bùi Tất Thắng phát biểu tổng kết tại Diễn đàn.
Viện trưởng cũng nhấn mạnh một số vấn đề mà Việt Nam cần đặc biệt quan tâm trong quá trình phát triển nền kinh tế như: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần 4 diễn ra nhanh, không theo tuần tự đang thổi hơi nóng vào các nền kinh tế, đặc biệt là những nền kinh tế đang phát triển cả về thời cơ lẫn thách thức. Giải pháp cho vấn đề này là tập hợp và chia sẻ trí tuệ tập thể, rút ngắn thời gian phối hợp tư duy chính sách để tạo ra chính sách; Cảnh báo về chính sách khuyến khích không đúng thì sẽ tạo ra cơ cấu cản trở cho sự phát triển. Vì vậy, cần thiết kế chính sách phù hợp; Theo thống kê, tiềm năng KH&CN và đào tạo nhân lực ở Việt Nam là khá tốt, nhưng biến những tiềm năng này thành thực tế năng suất lao động tăng lên và sức cạnh tranh của nền kinh tế tăng lên thì có vẻ như vẫn cần phải có thời gian. Vấn đề ở chỗ do cơ cấu đào tạo chưa hợp lý; Hướng quỹ đạo quốc gia vào KH&CN đồng hành tăng trưởng kinh tế; Cần thiết hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao và KH&CN nhằm đưa các nền kinh tế trong khu vực (trong đó có Việt Nam và Hàn Quốc) phát triển cao hơn, bền vững hơn; Và cuối cùng, công nghiệp chế tạo có vai trò đặc biệt quan trọng. Để phát triển công nghiệp chế tạo nhất thiết phải tăng cường hợp tác giữa hai bên./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.