Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018
07/12/2018 09:24
(MPI) – Ngày 05/12/2018, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển (VRDF) với chủ đề "tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới” dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione. Diễn đàn vinh dự có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Mục tiêu xuyên suốt của VRDF là tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các cơ quan của Chính phủ với cộng đồng các đối tác phát triển, các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, khu vực kinh tế tư nhân... để thảo luận các vấn đề có liên quan nhằm đưa ra những khuyến nghị hiệu quả, đẩy mạnh tiến trình cải cách và phát triển đối với nền kinh tế Việt Nam. Diễn là bước đi ban đầu, tạo nền tảng phát triển để trở thành Diễn đàn cải cách và phát triển mang tầm quốc tế và khu vực, góp phần vào sự thịnh vượng và phát triển bền vững không chỉ của riêng Việt Nam mà cả khu vực, tạo điều kiện cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam phát huy tốt hơn vai trò của mình trên trường quốc tế.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã khẳng định chủ trương lớn là "Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Cùng với đó là nhiều Nghị quyết quan trọng về hoàn thiện thể chế, pháp luật, các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp, kinh tế tư nhân, phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội... Điều này đặt ra yêu cầu đối với Chính phủ là phải xây dựng được hệ thống những giải pháp, hành động cụ thể để chỉ đạo, điều hành phát triển toàn diện các lĩnh vực của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trên thế giới.
Thành quả quan trọng nhất của hơn 30 năm đổi mới đã làm thay đổi hẳn diện mạo kinh tế Việt Nam, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đến nay, tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế từng bước cải thiện, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, của cả xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, nhất là các đối tác phát triển. Nền kinh tế Việt Nam những năm tới hứa hẹn cả những thách thức và cơ hội đan xen. Một số kịch bản kinh tế đã được đưa ra với triển vọng tăng trưởng trung bình của Việt Nam ước đạt 6,85% trong các năm 2018 - 2020. Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn luôn ý thức được những thách thức và khó khăn, cả những vấn đề nội tại cũng như những tác động khách quan từ bên ngoài có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là làm thế nào để tận dụng triệt để được mọi cơ hội, nhất là cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vượt qua được các khó khăn, thách thức, làm rõ các động lực tăng trưởng mới với tầm nhìn phát triển trong kỷ nguyên mới gắn liền với tư duy đổi mới, cải cách để tìm ra phương án tốt nhất cho bài toán tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, hướng tới tăng trưởng bứt phá, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở tận dụng thành tựu khoa học công nghệ của nhân loại, đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có nền kinh tế thị trường tiên tiến, phát triển bền vững lấy mục tiêu phát triển con người là trọng tâm, đảm bảo thực hiện các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp, thậm chí làm thay đổi cả con người, chúng ta đang đứng trước yêu cầu lịch sử là phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ, căn bản để tiếp tục phát triển, đi lên. Vì nếu không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, chúng ta sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại. Đây là thời điểm "vàng” bởi Việt Nam đang đứng trước những cơ hội quý. Cơ hội về tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao, tỷ lệ qua đào tạo ngày càng tăng; cơ hội về hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; cơ hội tiếp cận và tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cơ hội về dòng vốn đầu tư từ các nền kinh tế phát triển, từ các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia ngày càng chảy nhiều hơn vào các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để làm được điều này, chúng ta cần phải ý thức được những vấn đề khó khăn, thách thức phải giải quyết trong giai đoạn tới, nhất là những vấn đề về giải quyết mối quan hệ giữa cải cách và phát triển, trong cả nhận thức và hành động; dự báo và ứng phó được với những tác động bất lợi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong bối cảnh phải: một mặt, phát hiện và tận dụng được những cơ hội do cuộc cách mạng này đem lại, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ; cải thiện cho được những chỉ số cấu thành năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam, nhất là về môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh, hạ tầng, tiếp cận với công nghệ thông tin và truyền thông; huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực của khu vực tư nhân, nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh toàn cầu phải trở thành động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế đất nước; liên kết, hợp tác cùng phát triển giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài; ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đảm bảo phát triển bền vững...; Mặt khác, giảm thiểu được những thách thức, tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này, nhất là việc sử dụng ngày càng rộng rãi robot thay thế cho con người.
Phát biểu tại Diễn đàn, Giám đốc WB Ousmane Dione cho biết, đây là diễn đàn thường niên kế thừa Diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF), Diễn đàn Đối tác phát triển (VDPF), Hội nghị Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG) đã tổ chức thường niên trong suốt 25 năm qua, kể từ năm Hội nghị CG đầu tiên năm 1993 tổ chức ở Paris. Đồng thời đánh giá cao những thành tựu nổi bật của Việt Nam. Trong hơn 30 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng trung bình gần 7%/năm, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần gấp 5 lần. Việt Nam ngày nay đã nổi lên như một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và là nước xuất khẩu đang phát triển mạnh. Sự tăng trưởng của Việt Nam cũng có tính bao trùm, với tỷ lệ nghèo đã giảm xuống dưới 7%, so với mức hơn 60% vào cuối những năm 1980.
Từ những kết quả đạt được, Giám đốc Ousmane Dione đề xuất bốn ưu tiên chính của Việt Nam. Thứ nhất, cải cách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước sẽ cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ, để trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước nên tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị doanh nghiệp. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, cũng như chú ý đến khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai, cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vốn có ý nghĩa rất quan trọng cho tăng trưởng trong tương lai. Thu hút đầu tư tư nhân có thể có ý nghĩa to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu đầu tư cao của Việt Nam.
Thứ ba, đầu tư vào vốn nhân lực, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ đột phá thay đổi nhanh chóng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tập trung vào chất lượng và sự phù hợp của giáo dục đại học và dạy nghề… Thứ tư, quản lý tài sản tự nhiên và xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, chế biến thực phẩm và du lịch.
Khung chính sách kinh tế Việt Nam đưa ra ba trụ cột, gồm: Thịnh vượng kinh tế, bền vững môi trường; Công bằng và hòa nhập xã hội; Nhà nước hiệu quả và trách nhiệm giải trình. Ảnh: MPI
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc Ousmane Dione đã công bố Khung chính sách kinh tế Việt Nam với thông điệp rõ ràng về quyết tâm xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, hành động và liêm chính để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, động viên các nguồn lực cho phát triển nhằm cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hài hòa và bền vững.
Trong khung khổ Diễn đàn đã diễn ra các phiên thảo luận với chủ đề "Tầm nhìn Việt Nam trong thế giới thay đổi nhanh", "Động lực tăng trưởng mới: Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghiệp 4.0" và "Phát triển khu vực kinh tế tư nhân”. Các diễn giả sẽ thảo luận về những cơ hội và thách thức với Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi mạnh mẽ và những hành động Việt Nam cần làm để vượt qua thách thức, vươn tới khát vọng. Đồng thời, đưa ra những rào cản, khoảng cách công nghệ của nền sản xuất Việt Nam so với trình độ công nghệ 4.0; những chính sách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam, đổi mới sáng tạo thông qua hợp tác giữa ngành công nghiệp và các trường đại học./.
Theo Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Link: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=41747&idcm=188