Chuỗi Hội thảo và Tọa đàm với Đoàn công tác của OECD về Báo cáo đánh giá đa chiều (MDR) của Việt Nam

23/10/2019 14:28


Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (do Viện Chiến lược phát triển làm đối mối) và Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xây dựng Báo cáo đánh giá đa chiều (MDR) của Việt Nam (trước đây có tên gọi Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR)) nhằm góp phần phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Hoạt động hợp tác này chính thức bắt đầu từ tháng 02 năm 2019 với Tọa đàm Khởi động xây dựng Báo cáo đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR) của Việt Nam do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư và một số đối tác phát triển tổ chức, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Báo cáo do Nhóm chuyên gia của Trung tâm Phát triển của OECDchủ trì xây dựng. Báo cáo được bắt đầu triển khai xây dựng từ tháng 02/2019. Cho đến thời điểm hiện tại, tiến trình xây dựng Báo cáo đã hoàn thành giai đoạn I Đánh giá sơ bộ (Initial Assessment) (tháng 02-5/2019) và giai đoạn II Phân tích sâu, đề xuất chính sách (In-depth Analysis) (tháng 6-9/2019). Nhóm chuyên gia OECD cứu đã xây dựng Báo cáo MDR tóm tắt cho Việt Nam với tên gọi Văn kiện chiến lược "Xây dựng nền kinh tế hội nhập, hiệu quả và bền vững” nhằm cung cấp đầu vào cho việc xây dựng Chiến lược phát kinh tế xã hội của Việt Nam 2021-2030. Đây cũng là mục tiêu cốt lõi mà Báo cáo MDR đề xuất đối với chiến lược trong tương lai của Việt Nam. Sau đợt công tác và tổ chức hội thảo này, Nhóm chuyên gia OECD sẽ bước vào giai đoạn III - giai đoạn cuối cùng Xây dựng kế hoạch hành động (From Analysis to Action) (tháng 10-12/2019), tập trung vào khuyến nghị các chính sách và kế hoạch hành động. Dự kiến, Báo cáo sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay và công bố tại Việt Nam vào khoảng tháng 3/2020.

Trong thời gian từ ngày 22 đến ngày 24/10/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao đã phối hợp với OECD và một số đối tác phát triển của Việt Nam (Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Quỹ Hans Siedel Stifung) tổ chức 03 cuộc hội thảo và 02 buổi tọa đàm nhằm thu thập ý kiến góp ý của phía Việt Nam để hoàn thiện nội dung thực hiện trong giai đoạn II và xác định định hướng xây dựng nội dung thực hiện trong giai đoạn III của Báo cáo:

(1) Hội thảo "Xây dựng các liên kết giá trị cao giữa khu vực tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)” diễn ra vào sáng ngày 22/10/2019.

(2) Tọa đàm giữa Tổ Biên tập của Tiểu Ban Kinh tế - Xã hội với Nhóm chuyên gia nghiên cứu của OECD về các kết quả nghiên cứu diễn ra vào chiều ngày 22/10/2019.

(3) Hội thảo "Mạng lưới các định chế (cơ sở) xây dựng kỹ năng và đổi mới sáng tạo - Các bước đi cụ thể” (A network of institutions to build up skills and innovation - Concrete steps) diễn ra vào sáng ngày 23/10/2019.

(4) Tọa đàm thảo luận, lựa chọn các khuyến nghị và xác định các chỉ số đo lường hiệu quả chính (KPI) trong quá trình thực hiện giữa Nhóm chuyên gia nghiên cứu của OECD và đại diện các đơn vị thuộc các Bộ có liên quan của Việt Nam diễn ra vào chiều ngày 23/10/2019.

(5) Hội thảo "Xử lý ô nhiễm không khí và nước - Đâu là những trở ngại đối với pháp chế hữu hiệu?” (Tackling air and water pollution - What are the obstacles to effective legislation?) diễn ra vào sáng ngày 24/10/2019.

Văn kiện chiến lược MDR của Việt Nam nêu trên do OECD xây dựng dựa trên đánh giá ban đầu của Báo cáo MDR trong đó xác định ba thách thức phát triển xuyên suốt mà Việt Nam sẽ phải giải quyết: Thứ nhất, xây dựng một nền kinh tế hội nhập, hiệu quả và bền vững hơn; thứ hai, nâng cao năng lực phát triển tài chính; và thứ ba, xây dựng Chính phủ và năng lực điều tiết cần thiết cho phát triển bền vững. Trên cơ sở đánh giá này, Nhóm chuyên gia OECD đã tiến hành phân tích sâu và đề xuất các khuyến nghị chính sách, tập trung trước tiên vào những thách thức đã được xác định.

Báo cáo đã xác định năm mục tiêu cụ thể mà Việt Nam cần đạt được nhằm hiện thực hóa mục tiêu chiến lược "Xây dựng nền kinh tế hội nhập, hiệu quả và bền vững”, đó là: (1) Thu hút FDI chất lượng cao hơn và hỗ trợ thiết lập các mối liên kết; (2) Cải thiện môi trường kinh doanh để tạo ra kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước; (3) Đầu tư vào hệ thống giáo dục đại học và cao đẳng để nâng cao kỹ năng và tạo ra đổi mới sáng tạo; (4) Cân nhắc lại vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế và cải cách doanh nghiệp nhà nước; và (5) Bảo đảm khung pháp lý hữu hiệu trong lĩnh vực môi trường và tạo điều kiện cho chuyển đổi xanh. Trên cơ sở các mục tiêu này, Báo cáo đã xác định những điều kiện cần để xây dựng nền kinh tế hội nhập, hiệu quả và bền vững và đề xuất nhiều khuyến nghị chính sách cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu.

Tại các cuộc hội thảo và tọa đàm, các đại biểu Việt Nam đã có những bình luận, trao đổi, tranh luận thẳng thắn với Nhóm chuyên gia OECD xây dựng MDR cho Việt Nam của OECD để đi đến thống nhất về những vấn đề cơ bản, tạo tiền đề cho Nhóm thực hiện giai đoạn III - giai đoạn cuối cùng của Báo cáo./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.