Kinh nghiệm xây dựng và kinh doanh sân golf của Nhật Bản

18/06/2015 14:16


Sáng 10/6/2015, Ban chủ nhiệm đề án về sân golf đã tổ chức buổi Tọa đàm về "Kinh nghiệm xây dựng và kinh doanh sân golf của Nhật Bản”, do PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chủ trì, tại 65 Văn Miếu, Hà Nội.

Tham dự tọa đàm có ông Taizo Kawata, Chủ tịch Tập đoàn T&K, Nhật Bản; ông Horiguchi Takenobu, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Bất động sản, Nhật Bản; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Khoa học-Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng Chính phủ và đại diện một số công ty của Nhật Bản.

Tại tọa đàm, ông Taizo Kawata, Chủ tịch Tập đoàn T&K, Nhật Bản đã giới thiệu tóm tắt việc xây dựng và vận hành hoạt động sân golf tại Nhật Bản. Ông cho biết, ở Nhật Bản, Chính phủ không chỉ đạo về việc xây dựng hay quản lý vận hành sân golf mà sẽ do địa phương nơi có khu đất dự kiến xây dựng cấp phép và quản lý.

Ông cũng cho biết thêm, tính đến năm 2013, Nhật Bản có 2.385 sân golf được phê duyệt và đang hoạt động. Dịch vụ sân golf đang là nguồn thu khá lớn cho các địa phương ở Nhật Bản. Bởi vì thuế sử dụng sân golf ở Nhật Bản sẽ nộp cho chính quyền địa phương nơi có sân golf chứ không nộp vào ngân sách nhà nước.

Theo so sánh của ông, với một sân golf trung bình, ở Nhật Bản chỉ cần khoảng 69 nhân viên, trong khi đó Việt Nam cần tới 363 nhân viên. Đó là một trong những hạn chế, quản lý kém hiệu quả ở Việt Nam.

Cũng tại tọa đàm, ông Horiguchi Takenobu, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Bất động sản, Nhật Bản cũng đã giới thiệu về Dự án sân golf tại khu vực Núi Voi, Hải Phòng do công ty ông làm chủ đầu tư. Hiện nay Hải Phòng đã có 2 sân golf hoạt động trên tổng số 33 sân golf của cả nước. Nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Vì vậy Dự án sân golf Núi Voi này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Hải Phòng. Bên cạnh đó, ông cũng mong muốn các cơ quan chức năng của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thủ tục hành chính để thu hút được nhiều hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài.

Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi giữa các bộ, ban, ngành với các nhà quản lý của Nhật Bản./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.