Việt Nam 2035: đổi mới toàn diện bắt nguồn từ thể chế

05/05/2015 14:48


Thể chế là yếu tố căn bản, là động lực cho sự phát triển kinh tế, hòa nhập xã hội và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong 20 năm tới.

Đó là ý kiến của đa số đại biểu trong chuỗi hội thảo diễn ra vào các ngày 14, 15, 16 tháng 4 vừa qua với các chủ đề, cũng là các chương đầu tiên trong Báo cáo "Việt Nam 2035”, bao gồm "Tầm nhìn Việt Nam 2035: Khát vọng và mục tiêu”, "Xã hội hòa nhập”, "Đổi mới sáng tạo: động lực và nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững”. Hội thảo do ông Cao Viết Sinh, Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chủ trì. Hội thảo cũng có sự tham gia của các chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới và phía Việt Nam, cũng là các tác giả trực tiếp xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035.

Làm sao để Việt Nam gia nhập 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035?

Các tác giả báo cáo nhấn mạnh "phát triển nền kinh tế phải dựa trên tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường” trong quá trình phát triển đất nước, từ đó, đề xuất mục tiêu, tôn chỉ cho khát vọng của Việt Nam hướng đến năm 2035 là "sáng tạo, thịnh vượng, bền vững”.

Tư tưởng xuyên suốt của báo cáo là "xã hội sáng tạo trước hết là xã hội dân chủ”, có nghĩa là con người được giải phóng, bình đẳng trong tiếp cận cơ hội, dễ dàng lựa chọn và lập nghiệp, được đảm bảo có tiếng nói và có quyền giám sát xã hội. Để làm được điều này, cần phải xây dựng một thể chế xã hội thượng tôn pháp luật, từ đó đảm bảo một "xã hội thịnh vượng”. Điều này đảm bảo tiềm lực kinh tế quốc gia lớn, và hướng đến đưa Việt Nam lọt vào nhóm 20 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 20 năm nữa.

Bà Victoria Kwakwa cho rằng: "Cần xem xét, liệu GDP trên đầu người có phải càng cao càng tốt không? Hay cần hướng đến một xã hội hạnh phúc và đáng sống?”

Nhiều chuyên gia cho rằng cần thảo luận thêm nhiều vấn đề cấp bách của nhân loại hiện nay như ứng phó với biến đổi khí hậu, già hóa dân số, quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích phát triển công dân toàn cầu, công nhận sự tồn tại tất yếu của xã hội dân sự, nâng thứ hạng cạnh tranh toàn cầu, bình đẳng giới và công bằng cho người thiểu số.

Hòa nhập xã hội: Tập trung vào nhóm người yếu thế

Ông Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng Viện Xã hội học, cho rằng bất bình đẳng ngày một lớn hơn tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các nhóm yếu thế (dân tộc thiểu số, người khuyết tật và người di cư). Theo ông Nguyên Anh, giáo dục là một chìa khóa quan trọng để giải quyết bất bình đẳng trong xã hội.

Nhóm chuyên gia đưa ra các gợi ý chính sách cụ thể cho từng nhóm đối tượng nhằm đảm bảo hoà nhập xã hội (social inclusion) như sau:

- Đối với nhóm dân tộc thiểu số, cần phổ cập tốt nghiệp phổ thông, sử dụng ngôn ngữ dân tộc trong giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục;

- Đối với khuyết tật và người già cần có chế độ bảo hiểm bền vững, thay đổi chế độ lương hưu, trợ cấp lương hưu cho khu vực "phi chính thức”, mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế, chuyển trọng tâm chăm sóc y tế ở bệnh viện sang các cơ sở chăm sóc ban đầu, hoặc mô hình bác sỹ gia đình;

- Đối với nhóm lao động di cư, cần bảo đảm tiếng nói cho người lao động, tăng cường hiệu quả của cơ quan đại diện quyền lợi người lao động, cũng như quyền lợi của Doanh nghiệp.

Bà Kwakwa nhấn mạnh, với nhóm dân tộc thiểu số, cần tập trung chính sách vào nhóm trẻ,bởi sau 20 năm nữa, họ là những người thay đổi vận mệnh của quê hương. Đồng thời, cũng cần chú ý đến vấn đề thất nghiệp ở thanh niên thành thị, một vấn đề đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Cần thêm áp lực đổi mới sáng tạo

Trong vài thập kỷ qua, thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam chủ yếu dựa trên vốn đầu tư và lao động. Trong thời gian tới, tăng trưởng kinh tế sẽ phải dựa ngày càng nhiều vào tăng năng suất lao động. Động lực tăng năng suất quan trọng nhất chính là đổi mới sáng tạo, cụ thể là đổi mới sáng tạo được dẫn dắt bởi công nghệ.

Ông Lê Đình Tiến, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, chia sẻ: "Chính sách đổi mới sáng tạo không phải tự thân mà phải gắn chặt chẽ với chính sách công nghiệp, phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với từng giai đoạn phát triển.”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng nhiều năm qua Việt Nam dựa vào nền kinh tế gia công toàn diện, hài lòng với lợi thế chi phí nhân công rẻ. Do đó, không có động lực để đổi mới sáng tạo. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều làm giàu dựa vào đất đai và tài nguyên mà không phát triển công nghệ tạo ra giá trị gia tăng. Chính sách của Việt Nam lâu nay chưa khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, mà chủ yếu tạo động lực cho doanh nghiệp xin đất, dự án lớn…

Một vấn đề nổi cộm khác là chính sách hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo không mấy thuận lợi, chưa khuyến khích phát triển khoa học công nghệ ở doanh nghiệp mà chỉ tập trung ở các cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Mối liên kết yếu giữa trường ĐH, viện nghiên cứu và doanh nghiệp khiến cho các sang kiến đổi mới sáng tạo khó đi vào thực tế. Hơn nữa, cơ chế tài chính hiện nay gây cản trở, thậm chí còn làm méo mó động lực nghiên cứu khoa học.

Các tác giả và ý kiến đóng góp đề xuất một số hướng đi, nhằm phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong 20 năm tới:

- Xác định lại vai trò điều tiết của nhà nước, để cơ chế thị trường tự vận hành, tạo áp lực đổi mới sáng tạo cho các trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Giảm bớt việc đặt hàng của nhà nước đối với các viện nghiên cứu, để viện tự sống nhờ vào đơn đặt hàng của thị trường. Hướng tới Hệ thống sáng tạo quốc gia với hạt nhân là doanh nghiệp, liên kết đa chiều với các trường đại học và viện nghiên cứu.

- Nhà nước cần có quỹ bảo trợ cho đổi mới sáng tạo, tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

- Cần thay đổi cơ chế tài chính của doanh nghiệp. Không phân biệt doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, và khuyến khích để cả hai loại hình này đầu tư mạnh vào nghiên cứu, phát triển sản phâm.

- Cần có quy hoạch tổng thể phát triển nhân lực quốc gia phù hợp với nhu cầu của thị trường. Dựa vào đó, các cơ sở giáo dục tự chủ chiến lược đào tạo và quản lý. Các tác giả kỳ vọng năm 2035, đại học Việt Nam sẽ có tên trong tốp 500 trường ĐH tốt nhất thế giới. Để đạt được điều đó, cần trao quyền tự chủ toàn diện cho các cơ sở giáo dục đại học, và xóa bỏ mô hình Bộ chủ quản như hiện nay. Các quỹ nghiên cứu cho các trường ĐH cần cung cấp theo nguyên tắc "đặt hàng và cạnh tranh theo đầu ra”./.
Nhóm truyền thông Báo cáo Việt Nam 2035