Viện trưởng Bùi Tất Thắng tiếp đoàn khảo sát của Quỹ phát triển nguồn nhân lực quốc tế Thái Lan

22/09/2016 09:55


Sáng ngày 21/9/2016, tại trụ sở 65 Văn Miếu, Hà Nội, PGS. TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đã chủ trì buổi làm việc với đoàn khảo sát của Quỹ phát triển nguồn nhân lực quốc tế Thái Lan (FIHRD) do GS.TS.Chira Hongladarom – Giám đốc làm Trưởng đoàn. Tham dự buổi làm việc còn có Phó Viện trưởng Phan Ngọc Mai Phương và một số lãnh đạo Ban.

Quỹ phát triển nguồn nhân lực quốc tế Thái Lan được thành lập vào ngày 27 tháng 01 năm 1998. Quỹ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho Chính phủ Thái Lan về mặt chính sách, nhằm thúc đẩy hiểu biết chung và tin tưởng thông mối liên kết về học thuật và chia sẻ tri thức với các nước trong khu vực. Qua đó đưa Thái Lan trở thành trung tâm phát triển nguồn nhân lực của khu vực ASEAN. Quỹ phát triển nguồn nhân lực quốc tế Thái Lan cũng đã có những hợp tác về phát triển nhân lực đối với Việt Nam. Lần này đến làm việc với Viện, Quỹ mong muốn sẽ có những hợp tác nghiên cứu về nguồn nhân lực với Viện trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Viện trưởng Bùi Tất Thắng đã đề xuất 03 vấn đề muốn hợp tác với Quỹ phát triển nguồn nhân lực quốc tế Thái Lan trong thời gian tới: (1) Phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch: du lịch biển, du lịch truyền thống, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa… Có thể kết nối với các nước trong khu vực tạo thành các tour du lịch có sức hấp dẫn cho cả vùng; (2) Việc thích nghi của người dân đối với điều kiện biến đổi khí hậu và môi trường về mặt tự nhiên của tiểu vùng Sông Mê Kông; (3) Thiết lập một hệ thống thông tin về cầu nhân lực giúp cơ sở đào tạo đào tạo ra được nguồn nhân lực đúng với nhu cầu của xã hội và giúp cho người sử dụng lao động dễ dàng tìm kiếm được nguồn nhân lực mình cần một cách dễ dàng và rẻ nhất.

Sau khi thảo luận, hai bên đã thống nhất, trong thời gian tới sẽ tập trung vào vấn đề thứ hai mà Viện trưởng Bùi Tất Thắng đã đề xuất. Đó là vấn đề thích nghi của người dân với điều kiện biến đổi khí hậu và môi trường về mặt tự nhiên của tiểu vùng Sông Mê Kông. Trong khi thượng nguồn sông Mê Kông đắp đập xây thủy điện thì hạ nguồn ngày càng hiếm nước. Người dân ngày càng phải thích nghi với một quá trình biến đổi môi trường sinh sống, môi trường canh tác. Như vậy các nước ở trong tiểu vùng này cần có chương trình tập huấn để người dân thích nghi với nền sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thay đổi môi trường tự nhiên.

Trong thời gian tới, hai bên sẽ có kế hoạch gặp gỡ và trao đổi cụ thể để cùng thực hiện nghiên cứu nói trên./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.