Triển khai hợp tác với Viện nghiên cứu Kinh tế Chung Hua (Đài Loan)
23/09/2015 14:09
Sáng 18/9/2015, Viện Chiến lược phát triển đã có buổi làm việc với Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế Chung Hua (Đài Loan), tại trụ sở Viện, 65 Văn Miếu, Hà Nội. Đây là lần thứ hai bà Kristy HSU - Giám đốc Trung tâm đến làm việc với Viện. Trong chuyến công tác lần này, bà Kristy HSU muốn trao đổi sâu hơn về phương hướng, nội dung hợp tác để hình thành được chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Việt Nam và ngược lại, có lợi cho cả hai phía Việt Nam – Đài Loan.
Trao đổi về những vấn đề ưu tiên hợp tác Việt Nam – Đài Loan, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bùi Tất Thắng đã đề cập đến một số vấn đề mà hai bên có nhiều mối quan tâm, nhất là nghiên cứu các vấn đề liên quan đến chính sách để doanh nghiệp Đài Loan vào đầu tư tại Việt Nam và ngược lại, đi liền với nó là chính sách thuế, chính sách thị trường, chính sách tiền lương,…. Đây được coi là vấn đề chính, quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế hai bên và tăng cường quan hệ Việt Nam – Đài Loan ngày càng bền chặt. Đồng thời, Viện trưởng Bùi Tất Thắng cũng mong muốn có những nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực công nghiệp của Đài Loan và mong muốn Đài Loan sẽ chia sẻ kinh nghiệm phát triển của mình với Việt Nam, đặc biệt là chia sẻ, trao đổi học thuật của các chuyên gia Đài Loan với Việt Nam và ngược lại.
Bà Kristy HSU cũng đồng ý với những quan điểm của Viện trưởng Bùi Tất Thắng, đặc biệt là vấn đề liên quan đến chính sách để thu hút được nhiều doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Việt Nam hơn nữa. Đồng thời, bà cũng đề nghị đi sâu hơn vào một số ngành mà cả hai bên đều đặc biệt quan tâm như ngành dệt may và da giày, ngành thông tin điện tử, ngành luyện sắt thép và ngành nông nghiệp. Sau khi trao đổi, Viện trưởng Bùi Tất Thắng và bà Kristy HSU đã đi đến thống nhất trong thời gian tới hai bên ưu tiên nghiên cứu về ngành dệt may và da giày, vì trong thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp Đài Loan sang tìm hiểu đón đầu PPP tại Việt Nam. Trong thời gian tới hai bên sẽ thành lập tổ nghiên cứu và đưa ra chủ đề, phạm vi, mục đích… nghiên cứu trong lĩnh vực này cũng như phương thức hoạt động của tổ nghiên cứu./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.