Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới

07/12/2018 09:52


(MPI) - Việt Nam nhận thức được ý nghĩa và giá trị đối với các khoản hỗ trợ của các đối tác cho sự phát triển và mong muốn sớm trở thành một đối tác có đóng góp tích cực và hỗ trợ trở lại các nước kém phát triển hơn trong những thập niên tới.

Đây là một trong những nội dung được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam năm 2018. Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức ngày 05/12/2018, tại Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau gần hai thập niên, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2010. Sứ mệnh của Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) đã hoàn thành và bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới, không còn là nơi huy động viện trợ cho Việt Nam chuyển thành Diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF) với mục tiêu tạo ra cơ chế đối thoại chính sách giữa Việt Nam với các nhà tài trợ nhằm tìm ra các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam. Đến nay, Diễn đàn chuyển sang Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF). Điều này cho thấy sau hơn 25 năm, đây là dấu mốc chuyển mình của Việt Nam từ một nước nhận viện trợ, đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, năng động hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, đồng thời cũng là quốc gia sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm và tích cực giải quyết những vấn đề toàn cầu. Đạt được điều này, Việt Nam luôn có sự ủng hộ và đồng hành đáng tin cậy của những đối tác, nhà tài trợ.

Luôn có niềm tin vào con đường cải cách đã lựa chọn, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vô cùng ý nghĩa qua hơn 30 năm đổi mới. Tăng trưởng đạt mức cao, bình quân 6,63%. Năm 2018, GDP dự kiến tăng khoảng 7%, thu nhập bình quân khoảng 2.540 USD/người. Cùng với kinh tế phát triển, Việt Nam cũng rất thành công trong giảm nghèo.

Để chuyển đổi thành công từ một quốc gia có trình độ phát triển thấp trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình với tốc độ phát triển cao và ổn định là điều không dễ dàng. Thực tế cho thấy rằng, một quốc gia như Việt Nam ngày nay có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình trở thành nước có thu nhập trung bình cao sẽ càng là thử thách đầy khó khăn và nếu Việt Nam không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình thì những thành quả đạt được trong mấy thập niên qua sẽ giảm đi nhiều ý nghĩa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ bị bỏ lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất lớn. Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện ba điểm nghẽn chiến lược cản trở sự phát triển là thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng những kết quả này chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, cũng như chưa tương xứng với tốc độ phát triển mà Việt Nam kỳ vọng trong giai đoạn tới đây.

Do vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các nhà tài trợ tiếp tục tin tưởng và đồng hành cùng Việt Nam trong thời gian tới, tránh được bẫy thu nhập trung bình, thoát nguy cơ bị tụt lại phía sau trong thế giới toàn cầu hóa.

Việt Nam có tầm nhìn và khát vọng về một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, mốc lịch sử 100 năm độc lập. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 30 năm tới tương đương với 30 năm qua sẽ không dễ dàng, bởi vì khi đã đạt mức tăng trưởng cao, để tăng trưởng cao hơn nữa sẽ là một thách thức. Tuy nhiên, Việt Nam luôn cháy mãi khát vọng hùng cường, với mục tiêu sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm, chia sẻ trở lại với cộng đồng quốc tế trong những thập niên tới. Sự phát triển của Việt Nam được đặt trong tổng hòa của tính bền vững, bao trùm về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường tự nhiên. Đó là một nền kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và có khả năng chống chịu cao với biến đổi khí hậu, thiên tai và mọi người dân đều được hưởng lợi từ thành quả phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Việt Nam tiếp tục tập trung giải quyết ba điểm nghẽn để chuyển hóa thành 3 đột phá chiến lược thực sự phục vụ cho yêu cầu phát triển. Về vấn đề thể chế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo kênh tương tác trực tiếp giữa người dân và chính quyền, xây dựng một cơ chế mà các chủ thể trong xã hội có thể tham gia một cách hiệu quả, trực tiếp vào quá trình lập chính sách, ưu tiên xây dựng khung pháp lý về số hoá và cổng dịch vụ công quốc gia. Đổi mới cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ để lựa chọn được người tài phục vụ trong hệ thống hành chính.

Về chất lượng nguồn nhân lực, Chính phủ xác định nhân lực là chìa khóa vàng cho sự thành công trong tương lai và đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để xây dựng được nguồn lực con người chất lượng phục vụ tăng trưởng bền vững. Hiện nay, Việt Nam chỉ có 40% lực lượng lao động qua đào tạo và thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Về cơ sở hạ tầng, mặc dù hệ thống kết cấu hạ tầng đã được cải thiện nhiều nhưng nhìn chung tính đồng bộ, kết nối còn hạn chế, cần tìm các giải pháp khơi thông mọi nguồn lực, tạo lập các cơ chế sáng tạo trong hợp tác công - tư để gia tăng nhanh chóng năng lực kết cấu hạ tầng phục vụ yêu cầu phát triển, nhất là trong kết nối vùng miền, các cụm kinh tế trọng điểm. Đặc biệt, trong giai đoạn tới, Việt Nam ưu tiên đầu tư cho hạ tầng thông minh, hạ tầng công nghệ số để tăng khả năng kết nối các yếu tố và tài nguyên của nền kinh tế.

Bên cạnh thực hiện ba đột phá nêu trên, để bắt nhịp với thời đại và xu hướng mới, Chính phủ sẽ bổ sung thêm hai đột phá mới là thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0; thúc đẩy và phát huy khu vực kinh tế tư nhân. Đây là hai động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới.

Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, chủ yếu trong khu vực tư nhân. Sáng tạo và khởi nghiệp - tập trung vào tầng lớp thanh niên trẻ, là nguồn tăng trưởng về số lượng và chất lượng các doanh nghiệp thế hệ mới. Hiện nay, Việt Nam đang hun đúc tin thần khởi nghiệp không sợ hãi trong giới trẻ và mong muốn các đối tác phát triển hãy cùng đồng hành với Việt Nam trên bước đường khởi nghiệp và cùng ghi dấu ấn thành công.

Phát huy các kết quả đạt được trong 2018, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực chuẩn bị chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2019, với những hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn có tính đột phá và hiệu quả hơn hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển năm 2020.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục chỉnh sửa, nâng cấp và hoàn thiện các quy định về chuẩn mực môi trường kinh doanh theo tiêu chuẩn OECD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với những biện pháp, hành động mạnh mẽ hơn. Từ năm 2019, Chính phủ chuẩn bị Chiến lược phát triển mới cho thời kỳ 2021-2030 và các chương trình nghị sự, đặt nền móng hướng tới tầm nhìn năm 2045.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ liên quan, tổng hợp các phát hiện, đề xuất, kiến nghị tại Diễn đàn, nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo hoàn thiện các cơ chế, chính sách, triển khai các biện pháp cụ thể phát huy các động lực phát triển hiệu quả, thiết thực. Đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam nhận thức được ý nghĩa và giá trị đối với các khoản hỗ trợ của các đối tác cho sự phát triển và mong muốn sớm trở thành một đối tác có đóng góp tích cực và hỗ trợ trở lại các nước kém phát triển hơn trong những thập niên tới. Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe ý kiến của các nhà tài trợ để hành động hướng tới sự thịnh vượng và bền vững của Việt Nam.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

Tại Diễn đàn, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, tổ chức, cá nhân liên quan trao đổi, chia sẻ, thảo luận cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề cải cách và phát triển của đất nước, tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng và xã hội, khuyến nghị và đề xuất các giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo những chuyển biến rõ nét, căn bản trong các hành động chính sách, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Kể từ khi Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới cho thấy cải cách phải đi liền với phát triển nếu Việt Nam muốn đạt được các mục tiêu phát triển ngày càng mang tính bao trùm, bền vững hơn. Đồng thời đề xuất các giải pháp, hành động cải cách và phát triển có tính khả thi cao.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến của các chuyên gia, các diễn giả và các đối tác phát triển. Các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn để làm rõ hơn bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước, đặc biệt là trong xu thế lớn của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Qua đó, nhận diện rõ hơn những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Đồng thời phân tích, chia sẻ về khát vọng của Việt Nam và đưa ra các đề xuất, giải pháp để phát huy những động lực tăng trưởng mới, trong đó có hai động lực được tập trung thảo luận là năng lực đổi mới sáng tạo và phát triển khu vực tư nhân nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đến năm 2020 và hướng tới hiện thực hóa khát vọng Việt Nam thịnh vượng, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các đối tác phát triển tiếp tục tham vấn các chuyên gia, các học giả, nhà khoa học, doanh nghiệp để nghiên cứu, lựa chọn các giải pháp phù hợp để xây dựng kế hoạch hành động với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời sẽ tổng hợp các ý kiến tại Diễn đàn để báo cáo, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong công tác hoạch định chính sách, cũng như trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới./.

Theo Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=41749&idcm=188