Phó Viện trưởng Phan Ngọc Mai Phương tiếp đoàn Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam

02/04/2019 14:27


Sáng ngày 18 tháng 3 năm 2019, tại Trụ sở Viện Chiến lược phát triển, Phó Viện trưởng Phan Ngọc Mai Phương đã tiếp và làm việc với đoàn Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam do ông Thích Chấn Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc làm trưởng đoàn.

Dự buổi tiếp đoàn còn có ông Nguyễn Quốc Trường - Trưởng ban, Ban Chiến lược phát triển các ngành dịch vụ; ông Phạm Mạnh Thùy - Trưởng ban, Ban Chiến lược phát triển nhân lực và xã hội; ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Trưởng ban; Ban Chiến lược phát triển các ngành sản xuất và một số nghiên cứu viên của Viện.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi một số nét chính về tổng quan kinh tế Việt Nam hiện nay và một số mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ trung và dài hạn sắp tới; một số chính sách về phát triển kinh tế, khu công nghiệp và hạ tầng của Việt Nam; nhu cầu đầu tư hạ tầng của Việt Nam trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Liên quan đến tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, Viện Chiến lược phát triển đã chia sẻ với đoàn Trung Quốc một số thông tin cơ bản. Trong thời gian trước đây, Việt Nam đầu tư khá ồ ạt vào khu công nghiệp trong khi nhu cầu thuê đất, nhất là nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, tại các KCN không cao như dự kiến (tỷ lệ lấp đầy các KCN thấp) dù giá thuê rất thấp nên hiệu quả không cao. Trong những năm gần đây, Việt Nam đang xem lại chính sách phát triển công nghiệp của mình, nhất là đầu tư các KCN, KKT trọng tâm, trọng điểm hơn, tập trung vào khai thác lợi thế của các khu công nghiệp theo từng vùng. Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp thông qua hỗ trợ xây dựng "Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn2030”. Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2016-2020; xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2025. Những định hướng phát triển mới cho phù hợp với bối cảnh phát triển mới, cả quốc tế và trong nước, sẽ được đề ra trong các văn bản này. Bên cạnh đó, nông nghiệp đã được chú trọng phát triển hơn giai đoạn trước. Nông nghiệp đóng vai trò là khu đệm khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, phát triển công nghiệp và dịch vụ gặp khó khăn, tỷ lệ lao động tại các KCN thất nghiệp tăng lên. Đất nông nghiệp sẽ giúp công nhân thất nghiệp có khả năng sinh kế.

Về phát triển hạ tầng ở Việt Nam, Viện Chiến lược phát triển cho biết sáng kiến Vành đai và Con đường (viết tắt theo tiếng Anh là BRI) có một số mặt tích cực như: thúc đẩy kết nối ba châu lục Á – Âu – Phi, thúc đẩy hợp tác, kết nối Việt Nam - Trung Quốc, nhất là thông qua kết nối khuôn khổ hợp tác đã có "Hai hành lang, một vành đai” từ năm 2006 với BRI, thúc đẩy kết nối Việt Nam với các nước ASEAN… Tuy nhiên, BRI đặt ra một số vấn đề đáng lo ngại như: thực tế hợp tác của nhiều nước trong thời gian qua cho thấy nếu không quản lý và sử dụng tốt vốn vay sẽ dễ rơi vào bẫy nợ; hiện Việt Nam và Trung Quốc chưa xây dựng được một kế hoạch hợp tác chung để triển khai thực hiện MOU đã ký tháng 11 năm 2017 về thúc đẩy kết nối khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai” với BRI; công tác truyền thông về BRI còn hạn chế khiến cho nhiều người chưa hiểu đúng về BRI, việc thông tin chủ yếu tập trung vào các điểm tiêu cực, nguy cơ từ BRI tạo ra tâm lý e ngại; ngoài ra vấn đề Biển Đông cũng sẽ ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa các bên. Tuy nhiên, Việt Nam hy vọng các trở ngại này sớm được giải quyết để hợp tác giữa các nước trong khuôn khổ BRI thực sự hiệu quả, đóng góp vào thịnh vượng của từng quốc gia và các khu vực. Mặc dù nhu cầu đầu tư hạ tầng rất lớn trong thời gian hiện nay và trong một, hai thập kỷ tới nhưng Việt Nam luôn thận trọng trong việc vay vốn để phát triển hạ tầng, đặt tiêu chí hiệu quả lên hàng đầu, đảm bảo tuân thủ yêu cầu về trần nợ công. Khu vực tư nhân ở Việt Nam được tạo điều kiện đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ông Thích Chấn Hồng cho biết, Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm đến việc hợp tác với các quốc gia trong khuôn khổ BRI và coi phát triển bền vững, phát triển công bằng, chia sẻ thành quả phát triển là ba nhiệm vụ chính của mình. Để hoàn thành ba nhiệm vụ này, Trung Quốc thực hiện theo năm vấn đề ưu tiên, đó là: sáng tạo, hài hòa, phát triển xanh, mở cửa và chia sẻ. Ông Hồng cũng cho biết, Trung Quốc có rất nhiều kinh nghiệm trong hoạch định chính sách và phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng đường sắt. Trung Quốc luôn sẵn sàng kết nối và chia sẻ với Việt Nam để hai nước cùng nhau phát triển.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.