Phó Viện trưởng Phan Ngọc Mai Phương tiếp đoàn học giả Viện Nghiên cứu Trung Quốc của Ấn Độ

27/09/2017 09:47


Sáng 22/9/2017, tại trụ sở Viện Chiến lược phát triển, 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội, Phó Viện trưởng Phan Ngọc Mai Phương đã tiếp đoàn cán bộ Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Institute of Chinese Studies - ICS) của Ấn Độ do TS. Aravind Yelery, Phó Viện trưởng, làm Trưởng đoàn.

Tại buổi làm việc, Phó Viện trưởng Phan Ngọc Mai Phương đã giới thiệu quá trình thành lập và phát triển của Viện Chiến lược phát triển từ năm 1964 đến nay; chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, các lĩnh vực nghiên cứu và hoạt động hợp tác quốc tế của Viện. Phó Viện trưởng cũng chia sẻ thông tin về một số hoạt động, nhiệm vụ điển hình mà Viện được giao thực hiện trong thời gian vừa qua như: xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của quốc gia, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương; phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện các báo cáo, dự án như: phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện hai dự án Hỗ trợ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2001-2010 và 2011-2020 của nước ta; phối hợp với Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) điều phối và triển khai Chương trình chia sẻ tri thức của Hàn Quốc với Việt Nam (KSP) từ năm 2004 đến nay, phối hợp với Quỹ Dân số của Liên hợp quốc (UNFPA) thực hiện Hợp phần dự án hỗ trợ nghiên cứu dân số và phát triển phục vụ công tác xây dựng và theo dõi, đánh giá thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp với Ngân hàng thế giới và một số tổ chức phát triển song phương khác xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035…

TS. Aravind Yelery, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc (ICS) đã giới thiệu tóm tắt về ICS. ICS là một viện nghiên cứu độc lập và là một trong những tổ chức nghiên cứu của Ấn Độ nghiên cứu lâu dài và sâu nhất về các vấn đề Trung Quốc và Đông Á. ICS có mối quan hệ rộng rãi và thường xuyên cộng tác, làm việc với nhiều bộ, ngành, viện, trường, tổ chức tư vấn của Ấn Độ. Đến nay, ICS đã ký kết bản ghi nhớ (MOU) với khoảng 30 cơ quan đối tác.

Cũng tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi cởi mở về thực trạng và triển vọng đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam, khả năng bổ sung lẫn nhau giữa hai nền kinh tế, các cơ hội hợp tác giữa hai nước nói chung và hai viện nói riêng. Hai bên nhận thấy hai nước có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, dược phẩm, nông nghiệp, du lịch, giáo dục, năng lượng, văn hóa, quốc phòng

Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi thông tin về phát triển một số ngành, lĩnh vực của hai nước như cảng biển, thương mại, phát triển đô thị nhằm tìm ra mối quan tâm chung và khả năng hợp tác chia sẻ kinh nghiệm phát triển và thảo luận về một số vấn đề trong khu vực mà hai bên cùng quan tâm như việc xây dựng Vành đai và Con đường theo sáng kiến của Trung Quốc.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên ghi nhận, đánh giá cao các nội dung đã trao đổi với nhau và nhất trí sẵn sàng triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể phù hợp với nhu cầu của cả hai bên trong thời gian tới./.

Đoàn học giả Viện Nghiên cứu Trung Quốc của Ấn Độ chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ Viện Chiến lược phát triển.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.