Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở nước ta hiện nay

19/06/2014 09:31


"Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở nước ta hiện nay” là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, bắt đầu thực hiện từ tháng 5/2013. Sau gần một năm thực hiện, Ban chủ nhiệm Đề tài xin báo cáo một số kết luận chắt lọc được từ những kết quả nghiên cứu như sau:

1. Nhân sự, nhân lực luôn đóng vai trò là một trong những giải pháp đột phá trong quá trình phát triển của nước ta từ trước đến nay; tuy nhiên, chỉ sau năm 2010, vai trò của nhân lực chất lượng cao mới thực sự được nhấn mạnh

Trước năm 1986, kinh tế Việt Nam phát triển theo mô hình kế hoạch hóa tập trung; mô hình này đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ ráo riết thực hiện lệnh cấm vận Liên Xô cùng với khối SEV tan rã, đất nước bị cô lập, nguồn lực bên ngoài hạn chế thì mô hình này đã hoàn toàn bộc lộ những nhược điểm của nó. Sản xuất đình trệ, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, lạm phát tăng cao. Để khắc phục nhược điểm trên và nhằm thoát khỏi khủng hoảng, sau năm 1986, Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện chuyển đổi, trong 5 mũi đột phá, có đột phá về nhân lực, cụ thể: (i) Đột phá về tư duy chính trị, tư duy kinh tế để xóa bỏ các ràng buộc về thể chế quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung; (ii) Nông nghiệp được coi trọng đổi mới thông qua các chính sách như Chỉ thị 100 và Khoán 10 với mục tiêu cơ bản là ổn định đời sống của nhân dân; (iii) Ngành sản xuất hàng tiêu dùng được chọn làm một bước đột phá với mục tiêu là thay thế hàng nhập khẩu; (iv) Thực hiện tổng thể các biện pháp chống cấm vận thông qua bước đột phá là thúc đẩy thương mại Việt – Trung; (v) Thực hiện đột phá, đổi mới về nhân sự, nhân lực. Kết quả là chỉ trong vòng 5 năm đã ổn định được kinh tế vĩ mô, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; từ một nước nhập khẩu lương thực Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 3 trên thế giới; quan hệ Việt – Trung sang một trang mới, tạo tiền đề quan trọng trong việc Mỹ xóa bỏ cấm vận năm 1994 và để Việt Nam tham gia Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) một năm sau đó…

Từ sau năm 1986 đến những năm 2000, trước bối cảnh tình hình thế giới với hai cực bị phá vỡ, mô hình đa cực chưa hình thành, kinh tế khu vực rơi vào khủng hoảng tài chính tiền tệ (bắt đầu từ Thái Lan năm 1997); trong nước đời sống nhân dân được nâng cao, nguồn tích lũy được đầu tư cho phát triển do có sự thông thoáng về chính sách nên Việt Nam đã chủ động chuyển sang phát triển theo mô hình tận dụng thời cơ hướng tới xuất khẩu. Mục tiêu của mô hình này là tận dụng mọi lợi thế so sánh và điều kiện mở của thị trường Mỹ để phát triển nuôi trồng thủy sản, các ngành công nghiệp chế biến thu hút nhiều lao động với yêu cầu tay nghề thấp nhằm tận dụng nguồn ngoại lực (ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định). Các đột phá chính trong thời kỳ này có thể nêu ra: (i) Tiếp tục chính sách mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài; (ii) Đẩy mạnh quá trình cải cách hành chính, phát triển ngồn nhân lực; (ii) Đẩy mạnh công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; (iii) Ưu đãi với doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, dệt may, da dày xuất khẩu. Thành tựu của giai đoạn này là đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dần vượt qua giá trị GDP cả nước, hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam được thị trường quốc tế chấp nhận. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, thành tích xóa đói giảm nghèo được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tạo được bước đi vững chắc cho nước ta trở thành thành viên của WTO.

Sau năm 2000, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã xác định ba khâu đột phá: (i) Xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà trọng tâm là đổi mới cơ chế, chính sách nhằm giải phóng triệt để lực lượng sản xuất, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; (ii) Tạo bước chuyển mạnh về phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; (iii) Đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, trọng tâm là cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Tiếp đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 tiếp tục xác định xác định ba khâu đột phá, trong đó có đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhấn mạnh đến nguồn nhân lực chất lượng cao, gồm: (i) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (ii) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; và, (iii) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Như vậy, nhân lực luôn đóng vai trò là một trong những giải pháp đột phá trong quá trình phát triển của nước ta từ trước đến nay; tuy nhiên, chỉ sau năm 2010, vai trò của nhân lực chất lượng cao mới thực sự được nhấn mạnh

2. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là phát triển lợi thế cạnh tranh động của Việt Nam trong quá trình phát triển.

Ba đặc điểm kinh tế lớn đang chi phối sự phát triển của mỗi quốc gia hiện nay là: (i) Nền kinh tế tri thức đang hình thành một cách phổ biến tại các nước với đặc trưng cơ bản là tốc độ phát triển của khoa học - công nghệ rất nhanh, nhanh hơn nhiều lần so với các thời kỳ trước; (ii) Lợi ích do hợp tác ngày càng cao nhưng cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt trong xu thế toàn cầu hóa, liên kết kinh tế ngày càng sâu, rộng; (iii) Sự khan hiếm dần của các loại nguyên liệu, năng lượng, tài nguyên không tái tạo được đang là một thách thức đối với hầu hết các quốc gia.

Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là quá trình phân bố lại các nguồn lực trên phạm vi quốc gia và toàn bộ nền kinh tế để nâng cao hiệu quả nói chung của nền kinh tế; trên cơ sở đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn; nâng trình độ của các ngành kinh tế nói riêng và nền kinh tế nói chung lên mức phát triển cao hơn. Mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020 là: nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế từ đó hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn, tạo tiền đề đưa nền kinh tế nước ta chuyển lên trình độ phát triển cao hơn vào khoảng cuối 2030. Trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, tái cơ cấu kinh tế bao gồm hai nội dung chủ yếu: tái cơ cấu ưu tiên trước mắt và tái cơ cấu trọng tâm, lâu dài. Về ưu tiên trước mắt, trong 5 năm tới ưu tiên tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Về nội dung trọng tâm và lâu dài là "cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng, thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế”.

Bối cảnh trên đặt ra yêu cầu phải tạo điều kiện cho việc thay đổi mô hình tăng trưởng từ chỗ chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác các tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực rẻ nhưng chất lượng thấp sang mô hình tăng trưởng dựa vào các nhân tố năng suất tổng hợp bao gồm khả năng áp dụng các thành tựu mới nhất của khoa học - công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý hiện đại. Đề tài cho rằng, có lẽ chỉ có 2 ngành mới đích thực là tương lai của kinh tế Việt Nam, đó là: ngành công nghệ thông tin(IT) và ngành nông nghiệp.

- Tại sao lại là ngành IT? Có 3 lý do: (i) Dân số Việt Nam là dân số trẻ, IT là ngành rất cần chất xám về sự sáng tạo, năng động do đó cần phải có những đầu óc trẻ; (ii) Phát triển IT phụ thuộc rất lớn vào sự khám phá, sáng tạo của bản thân từng cá nhân mà đức tính này người Việt Nam có thừa; (iii) IT không cần đường sắt cao tốc, hay nhà máy điện nguyên tử, nó chỉ cần một chính sách mềm, đường truyền tốt do vậy rất phù hợp với một nước thiếu vốn đầu tư như Việt Nam.

- Tại sao lại là ngành nông nghiệp? Lý do là: Việt Nam là quốc gia có khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng thuận lợi, vùng biển bao la để khai thác ngư nghiệp. Ngoài ra, trên 70% dân số là những người sống về nghề nông. Nếu tạo cho nông nghiệp một môi trường phát triển, áp dụng những công nghệ mới nhất từ các quốc gia như Israel, Hoa Kỳ, Châu Âu thì sức đột phá nông nghiệp Việt Nam sẽ rất cao. Chỉ có phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mới thực hiện được sự chuyển đổi. Suy cho cùng, đây là khâu quan trọng nhất trong ba khâu đột phá vì chính con người tạo ra và thực thi thể chế, xây dựng bộ máy, quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng.

Trong nhân lực chất lượng cao, phải đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nhà lãnh đạo như Washington (Hoa Kỳ), Nhật Hoàng Minh Trị (Nhật Bản), Đặng Tiểu Bình (Trung Quốc), và Lý Quang Diệu (Singapore), Pak Chung Hy (Hàn Quốc)… là những ví dụ điển hình về tầm quan trọng của những người đứng đầu bộ máy Nhà nước đối với sự phát triển quốc gia. Trí tuệ và khả năng lãnh đạo, dẫn dắt của những người lãnh đạo Nhà nước các cấp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Họ không chỉ là những nhà chính trị mà họ còn là những nhà kinh tế, nhà ngoại giao. Tầm nhìn của họ, khả năng đề xuất đường lối và bản lĩnh tổ chức thực hiện của họ có giá trị to lớn và mang hiệu ứng cấp số nhân cho quốc gia. Qua nghiên cứu các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi cho thấy, đội ngũ cán bộ Nhà nước của các quốc gia cơ bản không phải vướng bận quá lớn đến những vấn đề liên quan đến lợi ích kinh tế cho gia đình. Do vậy, họ luôn cố gắng dồn hết tâm trí và sức lực phụng sự quốc gia. Phần thưởng đối với họ là sự tôn vinh, trọng vọng của xã hội và họ thường được ngưỡng mộ. Bên cạnh những người lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước, vai trò của những người đứng đầu của các doanh nghiệp (nhà quản lý hoặc giám đốc) trong nền kinh tế cũng vô cùng quan trọng. Những doanh nhân nổi tiếng trên thế giới như Bill Gate (Mỹ), Honda, Matshushita, Mitsubishi (Nhật Bản)… là những tấm gương rất thuyết phục. Các doanh nghiệp chính là chủ thể quan trọng nhất cho phát triển đối với một nền kinh tế thị trường, là nơi tạo ra thu nhập (đóng góp ngân sách) cho quốc gia và giải quyết việc làm. Hiện nay, vai trò của các tập đoàn đa quốc gia đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu ngày càng lớn, vượt qua khung khổ không gian của một quốc gia hoặc một khu vực, do vậy, vai trò của người lãnh đạo doanh nghiệp càng quan trọng hơn. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, vai trò của giới lãnh đạo doanh nghiệp càng được rất nhiều quốc gia đề cao và là một trong những đặc điểm được nhận định là tiêu biểu trong vài thập kỷ tới.

Mấu chốt là đặt việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự gắn kết với việc phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ; đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề. Điều này thể hiện tính hướng đích của sự phát triển khoa học - công nghệ, bảo đảm chuyển tiềm năng trí tuệ của nguồn nhân lực thành những thành quả ứng dụng và sáng tạo khoa học - công nghệ, động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững.

Để thực hiện tái cơ cấu, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng. Về vấn đề này, sau 12 tháng triển khai, Đề tài đã rút ra được một số kết luận sau:

- Nguồn nhân lực là tổng hoà của yếu tố thể lực và trí lực tồn tại trong toàn bộ lực lượng lao động xã hội của một quốc gia, trong đó kết tinh truyền thống, kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng của một dân tộc được vận dụng để sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần phục vụ cho nhu cầu hiện tại và tương lai của đất nước. Nguồn nhân lực chất lượng cao là một bộ phận của nguồn nhân lực, có khả năng đáp ứng những yêu cầu phức tạp của công việc, từ đó tạo ra năng suất và hiệu quả cao trong công việc, có những đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của cộng đồng nói riêng và cho toàn xã hội nói chung (thực chất đó là bộ phận lao động xã hội có trình độ học vấn và chuyên môn kĩ thuật cao; có kĩ năng lao động giỏi và có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất; có sức khoẻ và phẩm chất tốt, có khả năng vận dụng sáng tạo những tri thức, những kĩ năng đã được đào tạo vào quá trình lao động sản xuất nhằm đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao).

- Nguồn nhân lực chất lượng cao có một vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu như trước kia, quá trình phát triển chủ yếu là dựa vào tích lũy vốn vật chất (tài nguyên, đất đai…), thì hiện nay, quá trình này đang chủ yếu dựa trên công nghệ và nhân lực trình độ cao. Đó cũng là mô hình mà các nước Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan… đã áp dụng và đạt được sự phát triển thần kỳ những năm qua.

- Có nhiều nhóm nhân tố tác động đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: kết cấu xã hội của dân số, dân cư, dân tộc, phong tục tập quán; quy mô và trình độ phát triển của nền kinh tế - xã hội (quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP, phân phối thu nhập, sự phát triển của các ngành, lĩnh vực…); trình độ phát triển của hệ thống giáo dục – đào tạo và y tế; trình độ công nghệ của nền kinh tế; sự phát triển của thị trường lao động cạnh tranh; cơ chế chính sách của nhà nước về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… .

- Vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao trong mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam thể hiện trên nhiều mặt: vai trò đối với đổi mới tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; vai trò đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; vai trò với việc tạo lập các ngành nghề hiện đại và thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ; vai trò trong việc nâng cao năng suất lao động xã hội; vai trò trong việc hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức; vai trò trong việc thúc đẩy phát triển toàn bộ nguồn nhân lực nói chung; vai trò trong việc phát triển nên kinh tế theo hướng bền vững…

- Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần: Nâng cao nhận thức của xã hội, chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng dân số, phát triển hệ thống y tế, ban hành các văn bản pháp luật, phát triển thị trường lao động…

3. Một trong những giải pháp quan trọng thực hiện hiệu quả chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nước ta trong những năm tới là thu hút và sử dụng nhân tài trong bộ máy quản lý Nhà nước các cấp

Những nghiên cứu bước đầu của Đề tài cho thấy các bất cập của đội ngũ cán bộ trong bộ máy quản lý Nhà nước hiện nay như sau: (i) Số lượng quá nhiều (theo số liệu thống kê năm 2011 thì đội ngũ công chức, viên chức các cấp là 4,35 triệu người, tăng bình quân/năm khoảng 6,1%); (ii) Trình độ đào tạo không cao, vốn thực tiễn yếu (chỉ có 42,1% có trình độ đại học và 2% có trình độ thạc sĩ và 0,3% có trình độ tiến sĩ). Trình độ yếu, thiếu kinh nghiệm thực tiễn cộng với thiếu đầu tư hiện đại hóa phương tiện làm việc dẫn đến năng suất lao động thấp, đội ngũ cồng kềnh, vận hành kém hiệu quả; (iii) Phân công nhiệm vụ, trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ trong bộ máy quản lý Nhà nước chưa hợp lý. Người làm tốt thì phải đảm đương quá nhiều việc thậm chí cả việc hành chính nên giảm khả năng sáng tạo; (iv) Không có nhiều những cá nhân xuất sắc, thực tài: cấp lãnh đạo chưa được trang bị các tầm nhìn chiến lược; cấp tham mưu không có động lực và thiếu tính chiến đấu; cấp thực hiện thụ động, thiếu sáng tạo.

Nguyên nhân của những bất cập trong thu hút và trọng dụng nhân tài trong bộ máy quản lý Nhà nước: (i) Tư duy về thu hút và sử dụng người tài tuy đã có những đổi mới theo hướng thu hút các nguồn lực xã hội nhưng chưa mạnh dạn và thiếu những giải pháp cụ thể; (ii) Các đề án chương trình thu hút và sử dụng người tài được xây dựng thiếu sự phối hợp, thống nhất để có được những biện pháp đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành nên khó triển khai thực hiện và thiếu tính khả thi; (iii) Chưa tạo dựng được một môi trường làm việc đủ khuyến khích và lôi kéo người tài phát huy năng lực; (iv) Thiếu một cơ chế mang tính thị trường trong công tác tuyển dụng, đãi ngộ, đào tạo, sử dụng, đào thải đội ngũ cán bộ trong bộ máy Nhà nước.

Các quan điểm cơ bản cần quán triệt trong việc thu hút và trọng dụng nhân tài trong bộ máy quản lý Nhà nước: Tuân thủ các yêu cầu bắt buộc của nền kinh tế thị trường trong thu hút và trọng dụng nhân tài; áp dụng có chọn lọc kinh nghiệm thu hút và trọng dụng nhân tài của một số nước trên thế giới; tiến hành đổi mới thể chế, thu hút và trọng dụng nhân tài một cách toàn diện, triệt để nhưng có lộ trình thích hợp để tránh gây ra sốc đối với nền kinh tế và với xã hội. Với tinh thần đó, Đề tài đã có những suy nghĩ bước đầu về những kiến nghị, giải pháp việc thu hút và trọng dụng nhân tài trong bộ máy quản lý Nhà nước cụ thể như sau: (i) Tạo động lực để thu hút nhân tài theo hướng quan tâm đúng mức tới lợi ích kinh tế (tiền lương, nhà ở, chỗ làm việc, phương tiện đi lại, dịch vụ y tế, giáo dục...) và danh dự cá nhân gắn với khích lệ tinh thần quốc gia dân tộc; (ii) thay đổi tiêu chí, chế độ tuyển dụng, chế độ đãi ngộ, sử dụng, trách nhiệm, sa thải cán bộ trong các cơ quan Nhà nước theo hướng thị trường và tăng cường quyền lực thực tế cho những người lãnh đạo các cấp; (ii) xóa bỏ tất cả các bất bình đẳng, các đãi ngộ ngoài lương của đội ngũ lãnh đạo (thường lớn và vô hình) để thay đổi tư duy vươn lên làm trở thành lãnh đạo; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài; (iii) xóa bỏ rào cản tâm lý về quốc tịch, tôn giáo, đẳng cấp, dân tộc trong việc lựa chọn người tài (tạo động lực cho mọi thành phần, tầng lớp cùng cố gắng xây dựng một xã hội tri thức)

4. Vai trò của yếu tố văn hóa, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc trong nguồn nhân lực chất lượng cao đối với phát triển đất nước chưa được nhìn nhận và lượng hóa đúng với tầm quan trọng của nó.

Trong Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII), Đảng ta khẳng định: Văn hóa Việt Nam là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo ra trong quá trình dựng nước và giữ nước… là kết quả giao lưu và tiếpthu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Yếu tố văn hóa có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, vấn đề tác động cụ thể, có định lượng của yếu tố văn hóa, con người trong nguồn nhân lực đối với phát triển chưa được nhiều nghiên cứu tập trung làm rõ cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Văn hóa với ý nghĩa là giá trị kết tinh của quá khứ, thôi thúc và hướng dẫn hành vi nhân văn của con người nhưng với tư cách là kết quả hành động của con người, văn hoá có ý nghĩa như giá trị vật chất cho tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa văn hoá mang ý nghĩa phương tiện để phát triển. Như vậy, văn hóa vừa là mục đích, vừa là phương tiện để phát triển. Con người tạo ra các giá trị văn hoá rồi phát huy các giá trị ấy để làm cho xã hội phát triển hơn, con người tốt đẹp hơn. Đó là logic phát triển muôn đời. Nhiều quốc gia sử dụng các giá trị văn hoá truyền thống để phát triển kinh tế (khuếch trương các lễ hội, các công trình văn hoá vật thể phục vụ phát triển du lịch và xây dựng cộng đồng hoà thuận, gắn kết). Khi đó văn hoá mang ý nghĩa phương tiện để phát triển. Bản thân văn hoá khi chưa có "kích hoạt” của con người thì chưa thể thúc đẩy con người hành động phát triển (rất nhiều lễ hội và nhiều công trình văn hoá "vô giá trị” trong khoảng thời gian dài).

Sự vận động không ngừng của lịch sử đã minh chứng rằng, chỉ khi nào tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, sự sáng tạo được khuyến khích, động viên thì quốc gia ấy mới có sự phát triển. Lúc sinh thời, Hồ Chủ tịch đã từng viết "Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta làm cách mạng thành công giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn, thiếu thốn, đói khổ, tang tóc, quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước”. Không ai có thể phủ nhận về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc của người Việt Nam trong những lúc Tổ quốc lâm nguy, bị xâm lược. Tuy nhiên, hiện tại đất nước đang trong thời bình, tinh thần dân tộc chưa được phát huy tốt phục vụ cho phát triển kinh tế. Do vậy, cần phải khơi lên và chuyển hóa sức mạnh của lòng yêu nước như trong thời chiến chống giặc ngoại xâm thành lực lượng vật chất để đạt được mục tiêu phát triển, có thể sánh vai với các cường quốc.

 TS. Lưu Đức Hải
(Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)