Kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc sẽ giúp ích cho việc thực hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam
15/01/2015 09:05
Ngày 08 tháng 01 năm 2015, Phó Viện trưởng Phan Ngọc Mai Phương đã có buổi làm việc với Đoàn đánh giá và phỏng vấn của Công ty Tư vấn Phát triển toàn cầu Hàn Quốc (GDC Consulting) tại Trụ sở Viện, 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội nhằm đánh giá Chương trình Chia sẻ tri thức của Hàn Quốc (KSP) dành cho Việt Nam do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ và Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) và Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hơp thực hiện trong giai đoạn 2009- 2011.
Tham dự buổi họp về phía Hàn Quốc có GS. TS. Wang Seok Dong, Trường Đại học Quốc tế Hàn Quốc và PGS. Kim Jong-woon, Trường đại học Hannam là các chuyên gia tư vấn độc lập của công ty Tư vấn GDC cùng ông Hur Seong-jun, nghiên cứu viên của Công ty.
Đoàn chuyên gia Hàn Quốc đến làm việc với Viện lần này với mục đích trao đổi, phỏng vấn Quản đốc Chương trình KSP phía Việt Nam và các chuyên gia của Viện đã từng tham gia KSP 2009-2011 với tư cách Tư vấn trong nước để đánh giá về đóng góp của Chương trình đối với Việt Nam.
KSP, viết tắt của Knowledge Sharing Pgogramme (Chương trình chia sẻ tri thức), là sáng kiến chia sẻ tri thức tiêu biểu của Hàn Quốc nhằm hỗ trợ cho phát triển kinh tế của các nước đối tác (các nước tiếp nhận chia sẻ tri thức) thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc. Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc (MOSF) bắt đầu thực hiện và tài trợ cho Chương trình Chia sẻ tri thức của Hàn Quốc (KSP) dành cho các quốc gia đang phát triển từ năm 2004 với mục đích chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc để qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các quốc gia đối tác của Chương trình. Việt Nam là một trong hai đối tác đầu tiên của Chương trình và cho đến nay, Chương trình đã có hơn 40 quốc gia đối tác là các nước đang phát triển.
Các báo cáo nghiên cứu trong khuôn khổ KSP giai đoạn 2009-2011 được đánh giá cao và đã đóng góp thiết thực (là các nghiên cứu đầu vào, tài liệu tham khảo) cho quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 của Việt Nam. Thông qua Chương trình, nhiều kinh nghiệm phát triển phù hợp của Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã được chia sẻ với Việt Nam và nhiều khuyến nghị chính sách đã được đề xuất và thực hiện, góp phần thực hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam đến năm 2020. Ngoài ra, các chương trình tăng cường năng lực, các khóa tập huấn dành cho cán bộ Việt Nam (tổ chức tại Hàn Quốc và Việt Nam) trong Chương trình này đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, phân tích, dự báo kinh tế, hoạch định chính sách phát triển của các cán bộ Việt Nam tham dự.
Hoạt động trong năm đầu tiên (năm 2009) của KSP giai đoạn 2009-2011 dành cho Việt Nam chủ yếu tập trung vào các chương trình nghiên cứu chung giữa các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc về các chủ đề được kỳ vọng sẽ có những đóng góp quan trọng cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020 của Việt Nam. Theo đó, trọng tâm được dành cho các chủ đề liên quan mật thiết đến việc thực hiện tầm nhìn trở thành "một nước công nghiệp có thu nhập trung bình”, bao gồm năm chủ đề lớn (với 13 chuyên đề nghiên cứu cụ thể): (1) Tìm kiếm con đường phát triển và đánh giá tiềm năng tăng trưởng đến năm 2020; (2) Các chính sách tài chính và tiền tệ nhằm mang lại tính ổn định, hiệu quả và bền vững; (3) Chiến lược sử dụng đất toàn quốc; (4) Các chính sách phát triển công nghệ công nghiệp; (5) Chính sách phát triển doanh nghiệp hài hòa và hiệu quả. KSP năm 2010 tập trung vào ba chủ đề lớn (với 09 chuyên đề nghiên cứu cụ thể): (1) Chiến lược phát triển và vai trò của Nhà nước; (2) Quản lý kinh tế vĩ mô và chính sách tài chính: và (3) Tăng cường hỗ trợ của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp. KSP năm 2011 gồm 05 chuyên đề nghiên cứu cụ thể, tập trung vào phát triển kinh tế vĩ mô và hạ tầng sân bay và cảng biển của Việt Nam.
Tiếp sau KSP 2004-2005 và 2009-2011, đến nay phía Hàn Quốc liên tục hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm phát triển với Việt Nam thông qua chương trình này với việc thực hiện KSP 2012, 2014 và 2014. KSP năm 2014 hiện đang được triển khai với bốn chủ đề nghiên cứu: (1) Chính sách phát triển kinh tế vùng bền vững: Kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam; (2) Hệ thống thẩm định công nghệ như một phương pháp cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mang tính đổi mới sáng tạo: Chỉ dẫn cho xây dựng mô hình của Việt Nam; (3) Chính sách cung cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin (IT) nhằm thúc đẩy sử dụng giao dịch trực tuyến ở Việt Nam; (4) Bán nhà theo hình thức góp vốn xây dựng và các cơ chế bảo lãnh nhà ở đối với Việt Nam: Bài học từ kinh nghiệm của Hàn Quốc.
Hai bên cũng thảo luận về một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của KSP trong những năm tới và tin tưởng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc sẽ ngày càng phát triển và bền chặt./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.