Hội nghị quốc tế "Quản trị kinh tế hướng tới một nhà nước kiến tạo”
Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ (Báo cáo VN2035). Với mục tiêu tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm quốc tế và xác định rõ vai trò nhà nước trong quản trị kinh tế và tăng cường thể chế hướng tới một nhà nước kiến tạo nhằm phát triển bền vững và thịnh vượng hơn, ngày 13/6/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới đã tổ chức hội nghị quốc tế với chủ đề "Quản trị kinh tế hướng tới một nhà nước kiến tạo” tại khách sạn Melia Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển lớn nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ từ bối cảnh thế giới mới đầy biến động cũng như những khó khăn thách thức từ nội tại của nền kinh tế. Vấn đề đặt ra là: làm thế nào để nắm bắt những cơ hội phát triển, vượt qua những thách thức để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn sắp tới? Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn luôn cầu thị, lắng nghe và học hỏi những kinh nghiệm phát triển để tiến hành những cải cách nhằm xác định rõ hơn và cụ thể hóa những chủ trương, quyết sách lớn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu đã kỳ vọng hội nghị cần làm rõ: (1).Mối quan hệ (lành mạnh) giữa 03 trụ cột của thể chế (nhà nước-thị trường-xã hội). Đây là nền tảng xác định rõ và cụ thể về vai trò và phương thức can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường đầy đủ; (2).Các mối quan hệ mang tính kỹ trị trong quản trị nhà nước giữa các cơ quan của nhà nước, quan hệ giữa nhà nước với thị trường và quan hệ giữa nhà nước với xã hội; (3).Về phương hướng cải cách, cải tổ bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả và hiệu lực của nhà nước. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử ngày càng được xem là công cụ hữu hiệu để các chính sách của Nhà nước hiệu quả hơn trong đó có việc cung cấp các dịch vụ công liên quan đến doanh nghiệp và người dân".
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng Việt Nam có những tiến bộ về kinh tế trong những thập kỷ gần đây.Tuy nhiên, để duy trì được thành công từ trước tới nay và tiếp tục con đường hướng tới thịnh vượng, phát triển vì mọi người thì Việt Nam cần xem xét việc quản trị kinh tế hiện hành và hiểu được vai trò của nhà nước trong vấn đề này. Hội nghị quốc tế hôm nay có hai căn cứ rất quan trọng: Thứ nhất,đây là hoạt động tiếp nối Báo cáo VN2035 với chủ đề hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ; thứ hai, gần đây, đội ngũ lãnh đạo mới của chính phủ Việt Nam đã đề ra mục tiêu xây dựng một nhà nước kiến tạo để phục vụ doanh nghiệp và người dân tốt hơn. Câu hỏi lớn đặt ra là Nhà nước kiến tạo là như thế nào? Việt Nam cần phải làm gì và làm như thế nào để xây dựng được nhà nước kiến tạo? Việt Nam cần đưa ra thể chế như thế nào để tạo thuận lợi cho những tương tác trong bộ máy nhà nước? Và làm sao để xây dựng được các mối quan hệ lành mạnh giữa nhà nước - thị trường - xã hội? Hội nghị hôm nay sẽ giải đáp các câu hỏi trên thông qua kinh nghiệm từ các nước khác nhau trên thế giới.
Các diễn giả tham gia trao đổi trong về "Bối cảnh mới và thách thức đối với chuyển đổi quản trị nhà nước”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, Việt Nam ngày càng tụt hậu về thu nhập và quy mô kinh tế so với khu vực. Từ những năm 1990, tăng trưởng năng suất đã trên đà giảm xuống. Mặc dù GDP dao động từ 6 - 7% nhưng số tuyệt đối này rất nhỏ so với các nước trên thế giới. Chúng ta chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường mặc dù chưa hoàn thiện nhưng đã phát huy được lực lượng sản xuất mạnh mẽ để phát triển như hôm nay. Chương trình hiện đại hóa kinh tế chưa kết thúc sẽ là cơ hội cho tiến trình cải cách tiếp theo do khu vực tư nhân dẫn dắt và tập trung vào nâng cao năng suất. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới với sự diễn ra của Cách mạng công nghiệp 4.0 và một Trung Quốc đang nổi lên. Trong xu thế hội nhập, nếu Việt Nam không tận dụng cơ hội của nước đi sau, đón đầu ở đâu, chọn lĩnh vực nào, khắc phục tồn tại ra sao trong cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế như thế nào để có sức cạnh tranh trong nền kinh tế cao hơn thì rất khó phát triển. Vì thế, cần tìm ra động lực mới, nhất là về thể chế. Nguyên Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, chúng ta phải quan tâm ở đây là tăng trưởng bền vững chứ không phải tăng trưởng chớp nhoáng.
Tại hội nghị, đã có bốn nội dung lớn được các diễn giả trong nước và quốc tế trình bày và trao đổi gồm: Thứ nhất, bối cảnh mới và thách thức đới với chuyển đổi quản trị nhà nước; thứ hai, nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ; thứ ba, khai thác các lực lượng thị trường, cải cách doanh nghiệp nhà nước và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân; thứ tư, phát huy công nghệ số trong quan hệ giữa nhà nước và người dân.
Hội nghị cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp từ các chuyên gia và nhà quản lý trong nước và nước ngoài cũng như khu vực nhà nước và khu vực tư nhân./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.