Giải pháp khắc phục những thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu trong quy hoạch vùng Đông Nam Bộ
08/03/2024 17:39
Tóm tắt
Vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, là khu vực phát triển kinh tế năng động, nơi tập trung nhiều trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế, có hệ thống đô thị phát triển và nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH), đây là những cản trở đối với sự phát triển bền vững của Vùng. Bài viết xác định những thách thức về môi trường và BĐKH khi lập quy hoạch Vùng và đề xuất các giải pháp khắc phục.
Từ khóa: vùng Đông Nam Bộ, biến đổi khí hậu, thách thức về môi trường, quy hoạch vùng
Summary
The Southeast region has a particularly important position and role in the socio-economic development of the country, is a dynamic economic development area, where many economic, industrial, trade, service and technology centers, transportation and international exchange hub are concentrated, and owns the developed urban system and many scientific and technological training and research establishments. However, the Southeast region is facing environmental and climate change challenges, which are obstacles to the regions sustainable development. This article identifies environmental and climate change challenges in regional planning and proposes solutions.
Keywords: Southeast region, climate change, environmental challenges, regional planning
GIỚI THIỆU
Vùng Đông Nam Bộ bao gồm: TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Vùng có diện tích 23.551,5 km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước. Dân số của Vùng năm 2022 là 18,8 triệu người, chiếm 18,9% dân số cả nước. Vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, có lực lượng lao động dồi dào, tay nghề cao; là đầu mối giao lưu quan trọng của các tỉnh phía Nam với cả nước và quốc tế. Vùng Đông Nam Bộ có các ngành công nghiệp chủ lực dẫn đầu cả nước, như: công nghiệp dầu khí, điện tử, dệt may, da giày và chế biến lương thực, thực phẩm. Đông Nam Bộ có tốc độ đô thị hóa và tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước. Vùng còn có hệ thống cảng biển nước sâu với năng lực vận chuyển hàng hóa chiếm 62% khối lượng hàng hóa vận chuyển container qua cảng biển toàn quốc. Hệ thống cảng Sài Gòn đứng trong top 20 cảng lớn nhất thế giới năm 2020. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có lưu lượng vận chuyển hành khách trong nước và quốc tế lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, Đông Nam Bộ đã và đang phải chịu áp lực lớn từ ô nhiễm môi trường và tác động của BĐKH ngày càng gia tăng. Việc xác định các thách thức về môi trường và BĐKH của Vùng là rất cần thiết trong bối cảnh lập quy hoạch Vùng, để từ đó có các giải pháp ứng phó nhằm bảo đảm phát triển bền vững cho Đông Nam Bộ.
NHỮNG THÁCH THỨC VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ BĐKH ĐỐI VỚI QUY HOẠCH VÙNG ĐÔNG NAM BỘ
Vùng Đông Nam Bộ đã và đang phải chịu áp lực lớn từ các nguồn ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng về số lượng, quy mô và mức độ tác động.
Về môi trường không khí: Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm môi trường không khí vẫn tiếp diễn tại các thành phố lớn, nhất là các khu vực nội thành của các thành phố, như: TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Thủ Dầu Một. Trong những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các khu vực đô thị, khu công nhiệp (KCN) trong Vùng có xu hướng gia tăng, chủ yếu do ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5. Nguyên nhân chính phát sinh bụi, khí thải gây tác động, ô nhiễm môi trường không khí được xác định là do số lượng lớn phương tiện cơ giới tham gia giao thông, bụi từ các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, khí thải từ các KCN, cụm công nghiệp, các cơ sở công nghiệp quy mô lớn đang hoạt động.
Về môi trường nước: Ô nhiễm nguồn nước mặt tại một số sông ngòi lớn vẫn đang là vấn đề đáng báo động ở vùng Đông Nam Bộ. Chất lượng nước trên sông Đồng Nai suy giảm trong những năm qua, mức ô nhiễm tập trung chủ yếu ở vùng hạ lưu các sông chính, sông nhánh và các kênh nội thành, nội thị, khu vực tiếp nhận nước thải lớn từ sinh hoạt của các khu đô thị, nước thải sản xuất từ các KCN và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nước thải làng nghề. Sông Sài Gòn có chất lượng nước xấu nhất, khi mức độ ô nhiễm hữu cơ (đặc trưng bởi thông số BOD5, COD), ô nhiễm dinh dưỡng (đặc trưng bởi thông số N-NH4+) cao hơn các lưu vực sông khác. Một số nơi thuộc sông Vàm Cỏ, như: Cảng Phú Định (nơi tàu phà qua lại đông đúc), bến đò Tân Thanh, cầu An Hạ có chất lượng nước ở mức “ô nhiễm”, thậm chí là “ô nhiễm nặng”. Ngoài ra, tình trạng xâm nhập mặn tại cửa sông Vàm Cỏ có xu hướng tăng trong những năm gần đây, đã gây tác động xấu tới chất lượng nước và ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân tại các khu vực bị xâm nhập mặn.
Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai đã được triển khai nhiều năm, song chưa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường nước, nhất là ở các đô thị trong Vùng. Hệ thống quan trắc môi trường chưa được đầu tư hiện đại, đồng bộ dẫn đến chưa kiểm soát hiệu quả.
Tình trạng xâm nhập mặn diễn ra phổ biến ở các khu vực đồng bằng ven biển Nam Bộ, một mặt do tác động của BĐKH, nước biển dâng; mặt khác, do ảnh hưởng của quá trình khai thác nước trong các tầng chứa nước nhạt làm hạ thấp mực nước dưới đất, tạo điều kiện thuận lợi cho nước đã bị mặn xâm nhập vào trong các tầng chứa nước nhạt. Ước tính tỷ lệ nước dưới đất bị nhiễm mặn lên đến trên 50% tổng lượng nước của toàn Vùng.
Về môi trường đất: Số liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đất nông nghiệp xung quanh khu vực hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề có nguy cơ cao bị ô nhiễm kim loại nặng (Cu, Pb, Zn, Cd), với mức độ dao động khác nhau tại TP. Hồ Chí Minh. Ở khu vực KCN quận 12, hàm lượng As vượt 1,25 lần ngưỡng của QCVN 03-MT:2015/BTNMT đối với đất nông nghiệp; hàm lượng Hg trong đất cũng khá cao. Tại Bình Dương, đất sản xuất nông nghiệp ven khu vực KCN Đại Đăng (TP. Thủ Dầu Một) có hàm lượng Cr vượt 1,32 lần ngưỡng của QCVN 03-MT:2015/ BTNMT. Đất sản xuất nông nghiệp tại Tân Uyên có hàm lượng Cd vượt 1,09 lần ngưỡng của QCVN 03-MT:2015/ BTNMT. Tại Đồng Nai, đất sản xuất nông nghiệp tại các khu vực Trảng Bom, Vĩnh Cửu có hàm lượng As vượt 1,03-1,27 lần ngưỡng của QCVN 03- MT:2015/BTNMT; riêng khu vực Vĩnh Cửu còn có hàm lượng Cd vượt 1,09 lần.
Đối với các vùng đất chuyên canh nông nghiệp, hàm lượng hữu cơ trong đất đều có dấu hiệu suy giảm, rõ nhất là trên đất chuyên canh rau và hoa, cây cảnh. Bên cạnh đó là dấu hiệu bị chua hóa. Môi trường đất bị suy thoái trong giai đoạn vừa qua là do quá trình thâm canh cây trồng đã gia tăng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt đô thị và chất thải làng nghề. Ngoài ra, do tác động của BĐKH, các hiện tượng cực đoan về thời tiết xảy ra thường xuyên hơn, khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, khô hạn và sa mạc hóa.
Quản lý và xử lý chất thải chưa hiệu quả; hạ tầng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020 (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2021), vùng Đông Nam Bộ là khu vực có mức phát sinh chất thải rắn sinh hoạt cao nhất trong cả nước. Khối lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt đô thị năm 2020 là 12.639 tấn/ngày, tương đương 4.613.290 tấn/năm; chất thải rắn sinh hoạt nông thôn là 3.150 tấn/ngày, tương đương 1.149.918 tấn/năm. Chất thải rắn công nghiệp phát sinh chủ yếu từ các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm trong các KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các cơ sở sản xuất nằm ngoài KCN. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa hiệu quả, phần lớn được chôn lấp trực tiếp. Dự báo sau năm 2025, TP. Hồ Chí Minh sẽ hết chỗ chôn lấp rác thải nếu không đầu tư xử lý triệt để chất thải rắn, cũng như đầu tư mới các cơ sở xử lý chất thải rắn. TP. Hồ Chí Minh đang gấp rút triển khai các thủ tục cần thiết để kêu gọi đầu tư, xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn hiện đại, đồng bộ, nhằm xử lý triệt để lượng chất thải rắn phát sinh, bảo đảm công suất xử lý ổn định và bảo vệ môi trường.
Tỷ lệ đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung còn thấp. Nước thải từ các cụm công nghiệp phát sinh ngày càng lớn, trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải vừa thiếu, vừa không đồng bộ, dẫn đến ngập úng, triều cường thường xuyên.
Nhiều địa phương trong Vùng đối mặt với tình trạng ngập úng, sụt lún
Nhiều địa phương trong Vùng đang đối mặt với tình trạng ngập úng, sụt lún, trong đó, tình trạng ngập úng nghiêm trọng tại TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa được khắc phục. Theo báo cáo của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), TP. Hồ Chí Minh tiếp tục sụt lún trung bình mỗi năm 2 cm, thậm chí có nơi đến 6 cm. Cá biệt, ở một số khu vực, trong vòng 12 năm, từ năm 2005 đến 2017, đã sụt lún tới 23 cm, có nơi đến 81 cm. Khai thác nước ngầm quá mức được coi là một trong những nguyên nhân gây sụt lún nền. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh, lượng nước ngầm khai thác bình quân hàng ngày để sử dụng cho công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt và các mục đích sử dụng khác là hơn 577.000 m3/ngày, gồm cả lượng nước khai thác từ các giếng chưa đăng ký (Xuân Nghi, 2022). Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng sụt lún (không cấp phép khai thác nước ngầm, phát triển đô thị ở những khu vực có nền địa chất tốt…), nhưng tình trạng sụt lún nền đất vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Tác động của BĐKH ngày càng gia tăng, xâm nhập mặn làm cho diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp
Áp lực lên môi trường ngày càng lớn thêm, do các tác động của BĐKH và thiên tai ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái và đa dạng sinh học trong Vùng. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với TP. Hồ Chí Minh, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nếu mực nước biển dâng 80 cm, khoảng 15,21% diện tích của TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập; nếu mực nước biển dâng 100 cm, thì khoảng 17,15% diện tích có nguy cơ bị ngập. Trong đó, quận Bình Tân và TP. Thủ Đức có nguy cơ ngập cao nhất, lần lượt là 80,35% và 64,47%.
Vào mùa mưa, BĐKH còn làm nhiều diện tích đất nông nghiệp bị ngập úng ở tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, các khu vực nông nghiệp ngoại thành của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận nằm trong vùng thấp, nên cũng chịu nhiều ảnh hưởng của triều cường và mưa lớn với diện tích bị ảnh hưởng khoảng 2.340 km². Bên cạnh đó, việc xả lũ của các hồ chứa nước trên các sông: Đồng Nai, Sài Gòn… đã làm vỡ đê bao, tạo nên ngập úng sâu và kéo dài, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Lượng mưa nhiều gây hiện tượng ngập úng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của nhiều loại cây, gây nguy cơ làm thay đổi cấu trúc và hệ sinh thái rừng.
Thiên tai và BĐKH cùng với các biến động bất thường về thời tiết, đặc biệt là nắng nóng, hạn hán đã làm nồng độ CO2 tăng cao, nên các rặng san hô ở một số tỉnh ven biển bị suy thoái, ảnh hưởng đến rừng ngập mặn vì thiếu hàng rào chắn sóng từ những rặng san hô này.
Sự xâm nhập của nước mặn làm diện tích đất bị nhiễm mặn ngày càng nhiều. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có địa phận giáp biển lớn nhất, ngoài bị thu hẹp diện tích đất nông nghiệp do nhiễm mặn, Tỉnh còn phải đối mặt với tình trạng xói lở bờ biển nghiêm trọng do nước biển dâng.
Cơ chế phối hợp liên vùng, liên tỉnh về bảo vệ môi trường vùng Đông Nam Bộ vẫn còn một số hạn chế
Công tác phối hợp giữa các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các địa phương trong việc xử lý các vấn đề môi trường liên vùng đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn lực tài chính và cơ chế chỉ đạo. Những vấn đề mang tính liên ngành, liên tỉnh, địa phương, như: quy hoạch, phát triển, bảo vệ nguồn sinh thủy; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy lợi, nuôi trồng thủy sản…, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý tài nguyên nước với các cơ quan, bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh.
Theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người vùng Đông Nam Bộ theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD. Ảnh: VGP
GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC NHỮNG THÁCH THỨC VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ BĐKH ĐỐI VỚI VÙNG ĐÔNG NAM BỘ
Để giải quyết các vấn đề thách thức về môi trường và BĐKH đối với vùng Đông Nam Bộ, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp như sau:
Giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường
Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ.
Tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Giám sát chất lượng nước đầu ra của hệ thống xử lý nước thải của các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề. Đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải rắn, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị tập trung tại các khu vực thị trấn, thành phố, nơi tập trung đông dân cư. Ứng dụng các biện pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp để cải tạo, xử lý ô nhiễm các hồ, sông, kênh, rạch. Hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu cho cây trồng, khuyến khích áp dụng các mô hình canh tác “xanh”. Các trang trại chăn nuôi và các lò mổ phải có hệ thống xử lý nước thải riêng.
Thúc đẩy các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tiến tới sử dụng công nghệ sạch, tiêu hao ít năng lượng; áp dụng sản xuất sạch hơn, hệ thống quản lý môi trường ISO 14000, thực hiện kiểm toán chất thải...
Áp dụng, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các ngành sản xuất để giảm chất thải, giảm ô nhiễm môi trường; chú trọng các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn kết với giảm phát thải khí nhà kính.
Tăng cường huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng đầu tư cho bảo vệ môi trường. Tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và thúc đẩy hợp tác với các nhà đầu tư trong nước, nhằm triển khai hiệu quả các dự án bảo vệ môi trường, nhất là về thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt tập trung.
Giải pháp hạn chế sụt lún đất
Rà soát, cập nhật và ban hành mới các cơ chế, chính sách, chế tài về quản lý, khai thác tài nguyên nước dưới đất.
Nghiên cứu, đánh giá toàn diện về sụt lún nền đất tại các khu vực có nguy cơ sụt lún cao. Lập bản đồ phân vùng lún, vùng nguy cơ sụt lún và cảnh báo sụt lún mặt đất cho các khu vực trọng điểm trên toàn lưu vực. Đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống theo dõi, giám sát diễn biến sụt lún đất đảm bảo mật độ đủ dày, nhất là tại một số khu vực có mức độ lún cao.
Xác định, khoanh vùng và công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất, ngưỡng khai thác nước dưới đất; thực hiện chặt chẽ việc cấp phép khai thác nước dưới đất, nhất là ở các khu vực có khả năng sụt lún cao.
Xây dựng kế hoạch cấp nước tập trung bằng nguồn nước đảm bảo thay thế các giếng khoan khai thác nước của các hộ gia đình.
Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng (từ các cấp lãnh đạo đến người dân) hiểu rõ nguyên nhân gây sụt, các tác động của sụt đất đến đời sống cộng đồng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp phòng tránh, khắc phục khi có sụt lún đất xảy ra.
Nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công trình, công nghệ hiện đại, nhằm khắc phục, hạn chế tình trạng sụt lún nền đất.
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác khoan thăm dò khai thác nước dưới đất trên địa bàn.
Giải pháp hạn chế xâm nhập mặn
Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích xây dựng công trình chuyển nước, trữ nước, cấp nước sinh hoạt, góp phần bảo đảm cân đối được nguồn nước ngọt ở quy mô từng hộ, thôn/xóm, xã, huyện, đặc biệt là cho vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán; thiếu nước; xâm nhập mặn cho từng khu vực phù hợp với thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn từng năm, để có giải pháp cụ thể bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Huy động các nguồn tài chính để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn.
Chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, đặc biệt là vùng không chủ động được nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (thủy sản - cây ăn trái - lúa). Lựa chọn cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện khô hạn và môi trường nước mặn, nước lợ. Mở rộng diện tích, quy mô phát triển ngành thủy sản nước lợ, phát triển kinh tế theo phương châm sống chung với nước lợ, nước mặn.
Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi đã có, xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản, để chủ động kiểm soát triều, xâm nhập mặn; cải tạo các cửa cống lấy nước, bảo đảm chủ động lấy nước ngọt, nước mặn và tiêu thoát nước. Xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình ngăn mặn, công trình cấp nước tập trung, ưu tiên cho vùng nhiễm mặn; mở rộng, kéo dài tuyến ống cấp nước cho cho các hộ dân khu vực nhiễm mặn.
Xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo về chất lượng nước, xâm nhập mặn đối với các hệ thống nguồn nước đang có tình trạng xâm nhập mặn và các hệ thống thủy lợi ven biển.
Giải pháp hạn chế ngập lụt tại các địa phương trong Vùng
Tập trung nguồn lực để hoàn thiện các công trình phòng, chống ngập tại các địa phương hạ lưu vực sông Đồng Nai, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.
Tăng cường liên kết, hợp tác khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước.
Nghiên cứu áp dụng các giải pháp lưu giữ nước mưa ở các khu đô thị, dân cư tập trung, nhằm giảm bớt tình trạng ngập úng, đồng thời bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất. Tập trung nghiên cứu rà soát những khu vực trũng thấp có thể tận dụng để xây dựng các hồ điều tiết giảm ngập, tăng dung tích trữ nước, tạo cảnh quan đô thị; giữ lại những khu vực ngập tự nhiên, nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế thích ứng với điều kiện tại khu vực ngập nước tự nhiên. Vận hành các công trình hồ điều tiết, hồ chứa đa mục tiêu, nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống lũ lụt và cấp nước trong mùa cạn.
Triển khai các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn để giữ nước, giảm tốc độ dòng chảy, ngăn ngừa xói lở; tăng cường bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven bờ, cửa sông.
Rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; cải cách thủ tục hành chính, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành các công trình thoát nước.
Giải pháp về liên kết vùng trong bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH
Đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương trong Vùng và đẩy mạnh vai trò của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai để triển khai các giải pháp tăng cường vai trò điều phối, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước mặt; tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ trong xử lý nước thải; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường trên lưu vực.
Tăng cường hợp tác, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, các thành tựu khoa học - công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.
Đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương trong xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường, bao gồm cả các kịch bản, bản đồ về BĐKH, thiên tai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 07/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016- 2020, Nxb Dân Trí.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2023), Báo cáo tổng hợp Quy hoạch bảo vệ môi trường.
4. Xuân Nghi (2022), TP.HCM đang sụt lún, chính quyền phát văn bản khẩn!, truy cập từ https:// vneconomy.vn/tp-hcm-dang-sut-lun-chinh-quyen-phat-van-ban-khan.htm.
ThS. NGUYỄN LỆ THỦY
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 05, tháng 3/2024)