Đánh giá đề tài “Nghiên cứu chính sách đầu tư thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững ở Việt Nam”

21/11/2024 09:53


Đây là đề tài cấp bộ do ThS. Lê Thị Ninh làm Chủ nhiệm. Đề tài được 100% ý kiến đồng ý thông qua và nhất trí cho bảo vệ ở cấp bộ, sau khi đã tiếp thu chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng.

z6052277847008_5c66ec81a2c965cb6b2dedcf4e03c167

 ThS. Lê Thị Ninh trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu

Việc công bố mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 đã xác định Việt Nam là nước đi đầu trong các nước đang phát triển về giảm phát thải carbon và hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, trong khi đồng thời phải tiếp tục đáp ứng các nhu cầu về năng lượng ngày một tăng. Theo OECD, Việt Nam là nền kinh tế sử dụng nhiều năng lượng, thuộc hàng cao nhất thế giới. Ngành công nghiệp chiếm hơn một nửa nhu cầu năng lượng trong năm 2018 - tỷ trọng này đã tăng hơn 4 lần kể từ năm 2000. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với hoạch định chính sách và thị trường tài chính trong nước cho đầu tư chuyển dịch năng lượng.

Tài chính là điều kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng để Việt Nam giải quyết các thách thức phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt và tình hình cạnh tranh địa chính trị gia tăng. Theo ước tính, nhu cầu vốn cho phát triển nguồn điện trong giai đoạn 2021-2030 là 114 tỷ USD, trong đó điện gió chiếm 30% và điện khí chiếm 35%. Trong giai đoạn 2031-2050, nhu cầu vốn sẽ tăng lên 495 tỷ USD, trong đó điện gió chiếm khoảng 65%, theo sau là điện mặt trời (18%). Điều này cho thấy, áp lực về nguồn vốn cho các dự án năng lượng tái tạo theo quy hoạch điện VIII là bài toán hết sức nan giải.

Vì thế, để có thể chuyển dịch năng lượng bền vững ở Việt Nam trong giai đoạn tới, Chính phủ cần có những chính sách đầu tư hiệu quả và khả thi để Việt Nam có thể thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa phát triển bền vững với một nền kinh tế tuần hoàn phi carbon.

Trong đề tài này, nhóm nghiên cứu tìm hiểu cơ sở lý thuyết về chuyển dịch năng lượng và chính sách đầu tư trong chuyển dịch năng lượng bền vững ở Việt Nam, xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới và khu vực, các bài học kinh nghiệm của một số quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam để rút ra bài học kinh nghiệm.

Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành phân tích, so sánh, đánh giá thực trạng chuyển dịch năng lượng và chính sách đầu tư trong chuyển dịch năng lượng bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2011-2022, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu sử dụng công cụ SWOT để phân tích những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức đối với quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, từ đó đề ra các giải pháp, chính sách đầu tư thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững ở Việt Nam.

Với những đóng góp trên, Hội đồng đánh giá đề cấp bộ do TS. Nguyễn Quốc Trường - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển là Chủ tịch Hội đồng - đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài. 100% ý kiến đồng ý thông qua đề tài và nhất trí cho bảo vệ ở cấp bộ, sau khi đã tiếp thu chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng./.

Viện Chiến lược phát triển