Đánh giá Đề tài “Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến năm 2045”
22/05/2024 17:07
Sáng 22/5/2024, Viện Chiến lược phát triển đã tổ chức đánh giá Đề tài cấp bộ “Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến năm 2045” do TS. Nguyễn Quốc Trường – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển làm Chủ tịch Hội đồng.
Đồng bằng sông Cửu Long thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây còn là “vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc”, cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia. Vùng này có bờ biển dài 735 km, chiếm hơn 20% chiểu dài bở biển cả nước, vì thế nhìn ra biển để phát triển là xu thế tất yếu để mở rộng không gian phát triển kinh tế toàn vùng trong tương lai.
Kinh tế biển rất đa dạng và phong phú liên quan đến phát triển đô thị biển, kinh tế hàng hải; phát triển tam ngư (ngư nghiệp - ngư dân - ngư trường), khai thác dầu khí, du lịch biển; và năng lượng biển. Sự phát triển kinh tế biển sẽ kéo theo các dịch vụ biển như đóng và sửa chữa tàu biển; công nghiệp chế biến; viễn thông và thông tin liên lạc biển; nghiên cứu khoa học công nghệ biển; tài chính và tín dụng, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Các hoạt động này cũng góp phần thực hiện NQ13-TW năm 2022 về “Phát triển vùng và liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Vì vậy, việc nghiên cứu các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến năm 2045 đóng vai trò quan trọng trong công tác lập quy hoạch vùng ở Việt Nam. Điều này có ý nghĩa rất thiết thực đối với phát triển kinh tế biển nói riêng và liên kết vùng nói chung.
TS. Nguyễn Hoàng Hà – Trưởng ban Ban Tổng hợp trình bày tóm tắt kết quả của Đề tài nghiên cứu
Trên tinh thần đó, Đề tài cấp bộ “Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến năm 2045”, do TS. Nguyễn Hoàng Hà – Trưởng ban Ban Tổng hợp làm Chủ nhiệm, đã đạt được một số kết quả nổi bật:
(1) Xây dựng khung phân tích cho giải pháp tổng thể thúc đẩy phát triển kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long;
(2) Đánh giá thực trạng và các yếu tố tác động đến phát triển kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long;
(3) Đánh giá tác động tương hỗ giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng và liên kết giữa các địa phương trong vùng không có biển với địa phương có biển;
(4) Đề xuất quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng nhanh và bền vững;
(5) Kiến nghị hệ thống giải pháp tổng thể phát triển kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Các thành viên trong Hội đồng đánh giá, Đề tài đã đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra, có ý nghĩa thực tiễn cao. Đây là những kết quả nỗ lực nghiên cứu rất đáng ghi nhận. Đề tài đã được 100% (5/5) ý kiến đồng ý thông qua và nhất trí cho bảo vệ ở cấp bộ, sau khi đã tiếp thu chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng./.