Ban chỉ đạo Báo cáo VN2035 tiếp đoàn Ủy ban kế hoạch quốc gia Nepal

15/12/2016 15:38


Sáng ngày 13/12/2016, tại Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đâu tư, 6B Hoàng Diệu, Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo xây dựng báo cáo Việt Nam 2035, ông Bùi Quang Vinh, đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn Ủy ban Kế hoạch quốc gia Nepal (NPC) do ông Swarnim Wagle, Ủy viên - Hàm Thứ trưởng, làm trưởng đoàn với nội dung chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Báo cáo Việt Nam 2035.

Tham dự buổi làm việc còn có ông Cao Viết Sinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phụ trách nhóm chuyên gia phía Việt Nam; ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo báo cáo Việt Nam 2035; ông Norio Saito, Phó Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam và các chuyên gia phía Nepal.

Tại buổi làm việc, Nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ sự vui mừng khi được đón tiếp đoàn Ủy ban Kế hoạch quốc gia Nepal. Ông và phía Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ với các chuyên gia Nepal về quá trình xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035, kế hoạch thực hiện của nó và quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ năm 1986 đến nay.

Nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ, có ba lý do chính để dẫn đến sự ra đời của Báo cáo Việt Nam 2035. Thứ nhất, sau lần đổi mới đầu tiên từ năm 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng tất cả những động lực trong đổi mới thể chế của giai đoạn trước cho đến nay dần dần đã phát huy hết tác dụng của nó. Vì vậy Việt Nam cần có một động lực mới, một sự đổi mới tiếp theo; Thứ hai, Việt Nam đối diện với vấn đề già hóa dân số. Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam; Thứ ba, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn với kinh tế quốc tế. Vì vậy đòi hỏi Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Đó là ba nguyên nhân chính dẫn đến Chính phủ Việt Nam cùng với Ngân hàng Thế giới đã thống nhất thực hiện báo cáo để có một định hướng phát triển cho tiến trình tiếp theo từ 2015 đến 2035 của Việt Nam.

Nội dung của Báo cáo Việt Nam 2035 đã đánh giá quá trình đổi mới của Việt Nam sau 30 năm, từ năm 1986 đến nay; đánh giá hiện trạng, vị trí của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; hạn chế và những vấn đề vướng mắc mà Việt Nam đang gặp phải và khát vọng của Việt Nam đến năm 2035, kế hoạch thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra.

Cũng tại buổi làm việc, Nguyên Thứ trưởng Cao Viết Sinh cũng đã chia sẻ với đoàn cán bộ Ủy ban Kế hoạch quốc gia Nepal (NPC) về quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ năm 1986 tới nay. Sau 30 năm đổi mới Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thu nhập bình quân đầu người (GDP) của Việt Nam tăng từ khoảng 100 USD (theo giá hiện hành) lên đến khoảng 2.200 USD vào năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 50% trong những năm 1990 xuống còn 3% hiện nay. Từ một nước không có điện vào năm 1986, đến nay 97% hộ dân được cấp điện từ mạng lưới quốc gia.v.v…

Thứ trưởng Cao Viết Sinh cũng đã chia sẻ thêm, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có bốn chuyển đổi lớn, gồm: (1) Chuyển đổi từ cơ chế hóa tập trung sang cơ chế thị trưởng; (2) Từ nền kinh tế một thành phần là quốc doanh sang nền kinh tế đa thành phần; (3) từ nền kinh tế khép kín, Việt Nam đã chuyển sang nền kinh tế hội nhập với quốc tế và thị trường nước ngoài; (4) từ quản lý nhà nước tập trung sang phân cấp địa phương.

Kết thúc buổi làm việc, ông Swarnim Wagle chân thành cảm ơn những chia sẻ của Nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và phía Việt Nam. Đây là những chia sẻ rất hữu ích đối với các chuyên gia Nepal trong việc xây dựng một báo cho Nepal giống như báo cáo VN2035 của Việt Nam./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.