Một số điểm mới trong mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời kỳ đến 2030

27/09/2024 09:32


Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là việc đổi mới phương thức huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực theo hướng hợp lý và hiệu quả; chuyển cách thức tăng trưởng theo chiều rộng từ dựa chủ yếu vào tăng vốn, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên sang tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu chủ yếu dựa vào sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn liền với cơ cấu lại nền kinh tế là điều kiện tiên quyết để hướng tới phát triển hiệu quả, bền vững. Bài viết dưới đây phân tích mục tiêu và định hướng mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến năm 2030, trên cơ sở đó đề xuất một số điểm mới góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến năm 2030.

Mục tiêu và định hướng mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến năm 2030 

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu cho thời kỳ 2021–2030 đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm; và giảm tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP ở mức 1-1,5%/năm. Mục tiêu trên phản ánh tinh thần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng với các điểm nhấn mới là mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Những chỉ tiêu kinh tế cụ thể nêu trên cũng nhằm góp phần đạt tới khát vọng đến năm 2030, Việt Nam “là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” và “đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Đại hội XIII của Đảng cũng xác định các định hướng lớn, trực tiếp liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu của mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến năm 2030 gồm:

Ba đột phá chiến lược

- Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ.

- Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các nhiệm vụ chủ yếu

Thứ nhất, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội

- Bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường.

- Cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Phấn đấu đến năm 2030, môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu.

- Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.

- Đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. 

Thứ hai, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế

- Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển nền khoa học Việt Nam; phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số. 

- Thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới. 

- Lấy việc nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế là tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của khoa học, công nghệ. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40%.

- Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ, đa dạng hóa đối tác, lựa chọn đối tác chiến lược là các quốc gia có nền khoa học, công nghệ tiên tiến; gắn kết chặt chẽ giữa hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ với hợp tác kinh tế quốc tế. 

Thứ ba, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô

- Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới.

- Thực hiện hiệu quả và thực chất các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế để đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động nhằm hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh. 

- Thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.

- Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công. Đổi mới toàn diện thể chế quản lý đầu tư công, thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư công. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh hợp tác công - tư nhằm huy động nguồn lực xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ công.

- Nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán để thực sự trở thành một kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế. 

- Thực hiện chế độ kiểm toán, kế toán, thống kê phù hợp với chuẩn mực quốc tế và nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo phục vụ quản lý, điều hành.

- Hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước. Tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương

- Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.

- Chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, quan trọng nhất đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. 

- Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh. Phấn đấu nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%; giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. 

- Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu... Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao như: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp điện tử - viễn thông, công nghiệp sản xuất rô bốt, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số, công nghiệp an toàn thông tin, công nghiệp dược phẩm, sản xuất chế phẩm sinh học, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp và vật liệu mới đi đôi với áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu. 

- Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục - đào tạo, viễn thông và công nghệ thông tin, logistics và vận tải, phân phối... Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch. Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47 - 50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%.

Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

- Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông, năng lượng và hạ tầng số để khắc phục cơ bản những điểm nghẽn cho phát triển, tăng cường kết nối với khu vực và thế giới. Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển. Quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt, triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng. Xây dựng hạ tầng số và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin.

- Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động và đổi mới cơ chế quản lý, mô hình phát triển của các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch gắn với đô thị hóa trở thành động lực phát triển vùng. Xây dựng các đô thị theo hướng đô thị xanh, văn minh, có bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn. Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Thúc đẩy phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Tập trung phát triển cảng biển container Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế. Nghiên cứu xây dựng thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành.

- Phát triển mạnh kinh tế biển, phấn đấu đến năm 2030, quy mô kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển bằng 65-70% GDP cả nước. 

- Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thượng nguồn và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước ở lưu vực các dòng sông xuyên biên giới, nhất là sông Mê Kông và sông Hồng. Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng, tái chế chất thải tương đương với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN….

Có thể thấy, những định hướng nêu trên đã bao quát toàn diện các nội dung, cả thể chế lẫn các ngành/lĩnh vực cụ thể, cả định tính lẫn định lượng và có khá nhiều các nhiệm vụ rất cụ thể. Tuy vậy, thực tế tình hình thực hiện 3 năm qua (2021-2023) có nhiều diễn biến phức tạp, gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn so với dự báo lúc đầu. 

Trước hết, phải kể đến tác động của đại dịch Covid-19. Tháng 1/2021, sau khoảng 1 năm đại dịch Covid-19 xảy ra, Đại hội XIII của Đảng đã nêu: “Xây dựng và thực hiện các giải pháp chính sách khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, tận dụng hiệu quả các cơ hội mới cho phát triển đất nước”. Thế nhưng, mặc dù đã có không ít các giải pháp, chính sách khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19, việc phục hồi nền kinh tế đã không “nhanh chóng” được như mong đợi và có thể còn tiếp tục kéo dài. 

- Tháng 12/2019, thế giới ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên (tại thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc). 

- Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

- Ngày 5/5/2023, sau hơn 3 năm xảy ra đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế; tại thời điểm này thế giới ghi nhận trên 696 triệu trường hợp mắc tại 231 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có trên 6,9 triệu trường hợp tử vong.

- Ngày 29/10/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1269/QĐ-TTg bãi bỏ một số văn bản phòng, chống dịch COVID-19 do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó nêu rõ, bãi bỏ Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch COVID-19.

Đến cuối năm 2023, việc nối lại các đứt gẫy về dòng chảy vật chất (nhân lực, vật tư, thiết bị, thị trường, bạn hàng…) ở một số doanh nghiệp vẫn còn rất chật vật và chưa hoàn toàn phục hồi sản xuất, kinh doanh trở lại như thời kỳ trước khi có dịch Covid-19.

Tiếp theo là cuộc xung đột Nga – Ucraina từ tháng 2 năm 2022 đã gây ra những tác động lớn đến kinh tế toàn cầu, trong đó có việc cung cấp dầu mỏ, lương thực và nhiều lĩnh vực khác. Thêm vào đó, cuộc xung đột ở Dải Gaza giữa Israel và Hamas từ tháng 10 năm 2023 đã khiến khu vực Trung Đông lại rơi vào vòng xoáy bạo lực, bất ổn mới. Cả hai cuộc xung đột này hiện vẫn đang tiếp diễn, diễn biến khó lường và gây nhiều hệ lụy cho kinh tế và chính trị thế giới.

Trong bối cảnh chung như vậy, nhìn một cách khái quát, 3 năm qua (2021-2023), tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam tương đối thấp, khoảng 5,3%/năm. Mặc dù đã cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của thế giới (3,2%), nhưng vẫn chưa đạt mức mục tiêu kế hoạch 6,5-7%/năm. Và để đạt mục tiêu kế hoạch này, trong hai năm 2024 và 2025 phải đạt trung bình khoảng 9%/năm – một nhiệm vụ rất cao ở thời điểm hiện nay.

Bảng 1: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Tăng trưởng GDP (%)
Bình quân 2011-2020 6,0
2021 2,56
2022 8,02
2023 5,05
Bình quân 2021-2023 5,3
Kế hoạch 2021-2025 6,5-7,0

Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả

Tuy vậy, năm 2023 cũng chỉ ra những dấu hiệu tích cực cho kinh tế Việt Nam với tăng trưởng quý sau luôn cao hơn quý trước, trong đó khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất đạt 6,82%, đóng góp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế là 62,29%; trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87% và có tốc độ phục hồi nhanh qua từng quý.  thang

Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Đề xuất một số điểm mới trong mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến năm 2030 

Phạm trù “mô hình tăng trưởng kinh tế” có nội hàm chính là kiểu tổ chức hoạt động kinh tế của một quốc gia trong một thời kỳ nhất định nhằm gia tăng giá trị sản lượng quốc gia, trong đó cách thức phân bổ các nguồn lực tăng trưởng và cơ chế duy trì động lực tăng trưởng là những nội dung chủ yếu nhất tạo nên nét đặc trưng của mỗi mô hình. Các nguồn lực tăng trưởng (nhân lực, tài nguyên, vốn...) được phân bổ như thế nào, theo cách nào, vào những lĩnh vực nào, liều lượng bao nhiêu..., và cơ chế nào để duy trì sự quan tâm của các nhà đầu tư, đảm bảo dòng chảy liên tục của các nguồn lực vào quá trình tái sản xuất xã hội, là những nhân tố có ý nghĩa quyết định kết quả thực tế của mỗi loại mô hình tăng trưởng; và do đó, làm nên sự khác biệt giữa các loại mô hình tăng trưởng khác nhau.

Theo ý nghĩa này, có thể đề xuất một số điểm mới trong mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến năm 2030 như sau:

Những điểm xuất phát mới về bối cảnh:

Tiếp tục thực hiện những mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021–2030, những năm sắp tới đã xuất hiện một số yếu tố mới có ý nghĩa rất tích cực, gồm:

Một là, không còn đại dịch Covid-19. Việc WHO tuyên bố đại dịch Covid-19 “không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế” và Việt Nam “bãi bỏ một số văn bản phòng, chống dịch Covid-19” đã chính thức khép lại một giai đoạn khủng hoảng y tế và kéo theo nó là khủng hoảng kinh tế trầm trọng mang tính toàn cầu. Giờ đây, thế giới và Việt Nam tuy vẫn phải luôn cảnh giác với các loại dịch bệnh mới có thể phát sinh, nhưng đã thực sự yên tâm bước vào thời kỳ phục hồi sau Covid-19, nối lại các đứt gãy của chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị do Covid-19 tàn phá. Việc nối lại các đứt gãy về cung – cầu lao động, tài chính, nguyên nhiên vật liệu và thị trường, tuy vậy, không phải là tiếp tục làm như cũ; mà trước những yêu cầu mới về phát triển bền vững và khả năng sẵn có về công nghệ, năng lượng…, việc nối lại các đứt gãy đòi hỏi phải có sự nâng cấp trong hệ thống quản trị và công nghệ. Ở một góc độ nào đó, có thể xem đây là một cơ hội sau “sự tàn phá sáng tạo” mà nếu tận dụng được, sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ yêu cầu nâng cao năng suất lao động hiện còn rất thấp trong nền kinh tế Việt Nam.

Hai là, trong năm 2023, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản, mở ra một chương mới trong quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã có 6 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Hoa Kỳ (2023) và Nhật Bản (2023). Nếu kể thêm một số nền kinh tế lớn khác trên thế giới như Anh (2010); Đức (2011); Italy (2013), Pháp (2013), Úc (2018) và các nước trong khối ASEAN là đối tác chiến lược thì có thể nói, Việt Nam đã thiết lập được các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nền kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tham gia ký kết các Hiệp định thương mai tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó phải kể đến Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - có hiệu lực từ 12/2018) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA - có hiệu lực từ 8/2020) với các đặc trưng cơ bản là: mức độ cam kết rộng (bao gồm gần như toàn bộ hàng hóa và dịch vụ); mức độ cam kết sâu (cắt giảm thuế gần như về 0% hết mà không có loại trừ); cơ chế thực thi cực kỳ chặt chẽ và bao gồm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa...

Việc mở rộng và nâng cấp các quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư… với các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới thực sự đã đem đến một thời kỳ tăng trưởng mới với nhiều kỳ vọng mới. Nhờ các quan hệ này mà cơ hội thị trường rộng mở, các dòng đầu tư FDI gắn với công nghệ mới (xanh, sạch, thông minh) nhiều hơn. Và đặc biệt, mặc dù cơ chế thực thi chặt chẽ đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam, nhưng nếu đáp ứng được (và buộc phải đáp ứng được) thì sẽ lại là điều kiện tiếp tục đẩy tới công cuộc cải cách cơ chế kinh tế tốt nhất để hội nhập vào thể chế kinh tế thị trường toàn cầu với các chuẩn mực là “thông lệ quốc tế tối ưu”.

Ba là, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng hệ thống quy hoạch trên quy mô cả nước theo Luật Quy hoạch 2017 với khoảng 100 quy hoạch gồm các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và cấp địa phương (tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương). Đặc điểm chung của các bản quy hoạch này là tập trung phân tích, khai thác các tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương để đạt tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. 

Việc triển khai đồng loạt xây dựng quy hoạch theo Luật Quy hoạch 2017 với phương pháp tích hợp, kết hợp chặt chẽ với quy hoạch sử dụng đất và tiến hành điều chỉnh quy hoạch xây dựng ở một số thành phố lớn đã đưa công tác quy hoạch – một công cụ quản lý phát triển của Nhà nước, có bước cải tiến có ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư kinh doanh và tổ chức cuộc sống trên từng địa bàn lãnh thổ một cách có căn cứ khoa học. Đồng thời, các bản quy hoạch cũng thể hiện rõ mục tiêu và khát vọng phát triển, không chỉ nhanh về kinh tế mà còn bền vững về môi trường, hài hòa về xã hội và phát huy các giá trị văn hóa để hướng đến một không gian sống an lành, hạnh phúc.

Về mặt kinh tế, các quy hoạch đều nhấn mạnh đến việc đầu tư thực hiện quyết liệt đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển mạnh các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch, thông minh; xây dựng các khu công nghiệp sinh thái; phát triển mạnh kinh tế đô thị, xem đây là động lực phát triển chính của mỗi vùng và cả nước; phát triển mạnh kinh tế biển, kinh tế du lịch và dịch vụ; đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa, khoa học công nghệ…

Một số điểm mới trong mô hình tăng trưởng

Với những điểm xuất phát mới về bối cảnh nêu trên, thời kỳ đến năm 2030 nên tập trung hơn vào những nhân tố tăng trưởng sau.

Một là, thực hiện nhanh và hiệu quả đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. So với nhiều nước trong khu vực, một trong những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam là sự thiếu hụt toàn diện của hệ thống kết cấu hạ tầng trước yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm cả ở thị trường quốc tế lẫn trong nước. Sự thiếu hụt trực tiếp dẫn đến chất lượng dịch vụ, trước hết là dịch vụ vận tải và logistics, cung cấp điện, nước… thấp; cơ chế kinh doanh thiếu tính cạnh tranh, minh bạch, khiến cho giả cả các loại dịch vụ này trên mỗi đơn vị sản phẩm rất cao so với các nước khác. Từ nhiều năm qua, việc thực hiện đột phá về kết cấu hạ tầng tuy có nhiều kết quả, nhưng nhiều hạng mục còn rất chậm, đội vốn, chất lượng chưa đảm bảo… là nguyên nhân gây ra những bức xúc trong xã hội và cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội.

Vì vậy, trong thời gian gần đây, việc Chính phủ đã rất nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ và chất lượng xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, sân bay Long Thành, Đường vành đai 4 vùng Thủ đô, các tuyến đường sắt đô thị, đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), nhà ga hành khách T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất… là những điểm nhấn rất tích cực đối với tăng trưởng kinh tế trong những năm trước mắt. Tiếp theo là cần quyết liệt hơn trong việc triển khai các dự án để cơ bản hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, bao gồm các trục giao thông đường bộ Bắc - Nam (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số đoạn của đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đường ven biển), các trục giao thông Đông - Tây quan trọng, phấn đấu có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và các tuyến nối với cảng Hải Phòng ở phía Bắc và cảng Cái Mép – Thị Vải ở phía Nam; dự án Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) nhằm góp phần thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ năng lượng phát thải carbon thấp…. 

Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố cảng Hải Phòng và các thành phố khác, trở thành các đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á. Đồng thời, nâng cấp, tổ chức lại hệ thống các đô thị và định hướng 16 thị xã lên thành phố. 

Đối với Thủ đô Hà Nội, ngoài việc đẩy nhanh việc xây dựng Đường vành đai 4, hoàn thiện và đưa vào sử dụng tuyến đường sắt nội đô Nhổn – Ga Hà Nội…, các hướng tập trung ưu tiên trong thời gian tới gồm xây dựng các thành phố phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; xây dựng các cầu qua sông Hồng và sông Đuống; các cầu vượt trong nội thành; mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; xúc tiến các dự án trình UNESCO công nhận thêm các di sản văn hóa quốc tế và nâng cấp hạ tầng du lịch; xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, các trung tâm thương mại; cải tạo môi trường sông Nhuệ - sông Đáy, sông Tô Lịch; và đặc biệt là nghiên cứu triển khai dự án tổng thể phát triển sông Hồng thành trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, tập trung phát triển thành phố Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới; sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là tuyến vành đai 3, 4; các đường cao tốc, đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Xúc tiến đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, mạng lưới đường sắt kết nối vùng Thành phố Hồ Chí Minh…. theo tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 2 tháng 6 năm 2023 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Đối với thành phố cảng Hải Phòng, thời kỳ đến 2030 sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá phát triển gồm lĩnh vực: (i) Cảng biển và dịch vụ logistics hiện đại, trong đó xây dựng cảng Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, trong đó nghiên cứu Khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới; (ii) Đi đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số; (iii) Xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà - Đồ Sơn có sức hấp dẫn cao, kết hợp với Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng khu trung tâm hành chính mới; tập trung phát triển các khu công nghiệp thông minh, sinh thái; nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, nghiên cứu xây dựng Cảng Hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng…

Ba là, phát triển mạnh kinh tế biển, trong đó tập trung hơn cho lĩnh vực cảng biển và dịch vụ logicstics, các thành phố ven biển, du lịch biển/đảo và các dự án điện gió, điện mặt trời ngoài khơi và ven biển.

Bốn là, khai thác tốt hơn nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh hoạt động xuất-nhập khẩu và thu hút FDI, đặc biệt là với các chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược cũng như các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhằm đẩy mạnh hơn quá trình chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn, xây dựng các khu công nghiệp sinh thái mới và các ngành công nghiệp mới.

Năm là, tìm các giải pháp phát triển nhân lực hiệu quả, bền vững gắn với phát triển văn hóa, con người Việt Nam, hướng đến làm chủ công nghệ và xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh.

Tóm lại, những điểm “mới” trong mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến năm 2030 nêu trên thực chất là thực hiện quyết liệt hơn việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực nằm nâng cao hơn mức đóng góp của TFP trong mức tăng GDP, cũng như nâng cao năng suất lao động, nhân tố mà theo V.I Lênin, suy cho cùng, sẽ “quyết định sự thắng lợi của trật tự xã hội mới”. Việc phân bổ lại nguồn lực cho tăng trưởng về cơ bản chỉ phụ thuộc vào những “đột phá” về cơ chế, không tốn kém thêm nguồn lực./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Angus Maddison (2011). Kinh tế thế giới - Một thiên niên kỷ phát triển, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Bộ Chính trị (2022). Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

3. Bộ Chính trị (2022). Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

4. Bùi Tất Thắng, Lưu Đức Hải, Trần Hồng Quang (2014). Hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội. 

5. Bùi Tất Thắng (2019). Định hướng phát triển để Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 11.

6. Bùi Tất Thắng (2020). Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030: Đổi mới, sáng tạo để hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường. Tạp chí Kinh tế và Dự báo. số 01+02.

7. Bùi Tất Thắng (2021). Những đột phá và định hướng lớn của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Tạp chí Kinh tế Tài chính Việt Nam. Số 01.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII - Tập 1, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật

9. Mai Chi (2024). 'Lộ diện' 16 thị xã được định hướng lên thành phố. https://nguoiquansat.vn/lo-dien-16-thi-xa-duoc-dinh-huong-len-thanh-pho-114739.html; 

10. Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016). Việt Nam 2035 – Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ, Nhà xuất bản Hồng Đức.

11. Quốc hội (2023). Nghị quyết số81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

12. Thủ tướng Chính phủ (2023). Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 02/12/2023 phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

13. Trần Quốc Toản và cộng sự (2019). Thể chế phát triển nhanh - bền vững. Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong giai đoạn mới. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

14. Trần Văn Thọ (1997). Công nghiệp hóa Việt Nam trong thời đại châu Á - Thái Bình Dương, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh .

15. UN (2015). Transforming our world: the 2030 Agenda for Sustainable Development. 

16. Việt Nam trên đường phát triển. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2015. 

----------------------------------------------

PGS, TS. Bùi Tất Thắng

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển