Tổng quan Chương trình Chia sẻ tri thức (KSP) của Hàn Quốc với Việt Nam từ 2004 đến nay và các kết quả nghiên cứu chủ yếu của KSP năm 2014

11/12/2014 14:16


KSP, viết tắt của Knowledge Sharing Pgogramme (Chương trình chia sẻ tri thức), là sáng kiến chia sẻ tri thức tiêu biểu của Hàn Quốc nhằm hỗ trợ cho phát triển của các nước đối tác (các nước tiếp nhận chia sẻ tri thức) thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) Việt Nam là cơ quan chính phủ điều phối thực hiện KSP của Hàn Quốc dành cho Việt Nam. Viện Chiến lược phát triển (Viện CLPT) được Lãnh đạo Bộ giao làm đầu mối thực hiện chương trình, phối hợp với các bộ ngành, các cơ quan, các viện nghiên cứu có liên quan khác của Việt Nam.

I. GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH CHIA SẺ TRI THỨC

1. Tổng quan

KSP, viết tắt của Knowledge Sharing Pgogramme (Chương trình chia sẻ tri thức), là sáng kiến chia sẻ tri thức tiêu biểu của Hàn Quốc nhằm hỗ trợ cho phát triển của các nước đối tác (các nước tiếp nhận chia sẻ tri thức) thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc.

Sáng kiến này được khơi dậy bởi ý tưởng "tri thức, không phải vốn, là chìa khóa dẫn đến tăng trưởng kinh tế bền vững và cải thiện cuộc sống của con người” (Báo cáo Phát triển thế giới năm 1998-1999)

Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc (MOSF) bắt đầu thực hiện Chương trình Chia sẻ tri thức của Hàn Quốc (KSP) với các quốc gia đang phát triển từ năm 2004 với mục đích chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc và qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các quốc gia đối tác của Chương trình.

Chương trình KSP bao gồm nghiên cứu chính sách, tham vấn phát triển và tăng cường năng lực và nhằm mục tiêu hỗ trợ các quốc gia đối tác phát triển thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mình thông qua kinh nghiệm của Hàn Quốc. Mục tiêu bao trùm của Chương trình là hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế và các nỗ lực tái cơ cấu thể chế của các quốc gia đối tác phát triển thông qua chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc. Chương trình KSP không có ý định đưa ra bất kỳ một giải pháp cuối cùng hoặc cách thức rõ ràng nào để phát triển kinh tế một cách cụ thể mà phân tích các vấn đề kinh tế của một quốc gia từ phía cầu và đưa ra các phương án chính sách mang tính thực tế và hữu ích cũng như những tham khảo dựa trên cơ sở những trường hợp và kinh nghiệm tương tự của Hàn Quốc.

2. Mục tiêu của Chương trình

i) Xây dựng và tăng cường năng lực quản lý và hoạch định chính sách cho cán bộ và các cơ quan của Chính phủ thông qua các hoạt động tham vấn cũng như hỗ trợ thực hiện các khuyến nghị chính sách của Chương trình KSP;

ii) Tìm kiếm những kinh nghiệm phát triển mang tính thực tế và hữu ích của Hàn Quốc về các vấn đề chính sách hiện hành dựa trên cơ sở phân tích kinh tế và đưa ra những khuyến nghị cụ thể nhằm biến những tình huống trên cơ sở lý thuyết thành những giải pháp mang tính tình huống thực tế;

iii) Nuôi dưỡng các mối quan hệ đôi bên cùng có lợi thông qua những cách tiếp cận hữu hình và theo chức năng để hỗ trợ các nỗ lực phát triển kinh tế của các quốc gia khác.

3. Các lĩnh vực bao quát của chương trình

Các lĩnh vực theo chương trình chủ yếu của Chương trình KSP là:

1) Chiến lược phát triển kinh tế

2) Công nghiệp hóa và xúc tiến xuất khẩu

3) Nền kinh tế tri thức

4) Quản lý khủng hoảng kinh tế

5) Phát triển nguồn nhân lực

4. Quốc gia đối tác phát triển chiến lược

Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc (MOSF) đã bắt đầu thực hiện dự án "Quốc gia đối tác phát triển chiến lược (SDPC)” với Việt Nam từ năm 2009. Dự án SDPC khác với các dự án "Quốc gia đối tác phát triển (DPC)” ở hai khía cạnh chính. Trước hết, mục tiêu của dự án SDPC là phân tích tình hình kinh tế - xã hội và đưa ra những phương án chính sách khác nhau về các lĩnh vực toàn diện của sự phát triển, trong khi dự án DPC thường tập trung vào một lĩnh vực cụ thể. Thứ hai, dự án DPC là dự án thực hiện trong một năm trong khi dự án SDPC được thiết kế thực hiện trong ba năm. Đối với Việt Nam, dự án này nhằm phân tích tình hình kinh tế - xã hội và đưa ra những phương án chính sách khác nhau trong hai năm đầu, và thực hiện nghiên cứu sâu hoặc nghiên cứu bổ sung và tham vấn trong những lĩnh vực cần thiết cho năm thứ ba.

Các quốc gia đối tác phát triển mang tính chiến lược được MOSF lựa chọn dựa trên cơ sở những chính sách kinh tế và ngoại giao tổng thể cho tương lai của Hàn Quốc, tiềm năng hợp tác giữa hai nhà nước nhằm cùng phát triển, và phần lớn dựa trên cơ sở sự tự nguyện của các nước thực hiện Chương trình KSP với Hàn Quốc.

5. Tổ chức thực hiện

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) Việt Nam là cơ quan chính phủ điều phối thực hiện KSP của Hàn Quốc dành cho Việt Nam. Viện Chiến lược phát triển (Viện CLPT) được Lãnh đạo Bộ giao làm đầu mối thực hiện chương trình, phối hợp với các bộ ngành, các cơ quan, các viện nghiên cứu có liên quan khác của Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Việt Nam với tư cách là đối tác của Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc (MOSF) – cơ quan chỉ đạo và tài trợ cho KSP – thực hiện các KSP theo thỏa thuận riêng giữa hai bộ.

Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) được Chính phủ Hàn Quốc chỉ định là đối tác điều phối, thực hiện KSP phía Hàn Quốc. Viện CLPT (đại diện phía Việt Nam và KDI (đại diện phía Hàn Quốc) ký kết các Biên bản ghi nhớ (MOU) về thực hiện các chương trình KSP. Thứ trưởng thường trực Bộ KHĐT Cao Viết Sinh đã chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về KSP 2009-2011 giữa Viện trưởng Viện CLPT và Phó Viện trưởng KDI tại Trụ sở của Bộ năm 2009. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về KSP 2012 giữa Viện trưởng Viện CLPT và Viện trưởng KDI tại Xê-un, Hàn Quốc năm ngoái (2012).

Các chuyên gia Hàn Quốc sang Việt Nam gặp gỡ các cơ quan chính phủ, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, chuyên gia Việt Nam... để nghiên cứu, khảo sát về nhu cầu nghiên cứu, đào tạo, tăng cường năng lực của phía Việt Nam, thu thập thông tin liên quan đến chủ đề nghiên cứu và lựa chọn chuyên gia Việt Nam làm đối tác thực hiện nghiên cứu. Hai bên phối hợp xây dựng báo cáo nghiên cứu. Sau khi dự thảo báo cáo hoàn thành, KDI và Viện CLPT phối hợp tổ chức Hội thảo báo cáo giữa kỳ và Hội thảo các nhà thực hành chính sách tại KDI, Hàn Quốc để các chuyên gia tham gia nghiên cứu trình bày dự thảo báo cáo và thu thập ý kiến đóng góp để hoàn thiện báo cáo. Sau khi báo cáo chính thức hoàn thành, hai Viện phối hợp tổ chức Đối thoại chính sách cấp cao (với các Bộ liên quan đến các chủ đề nghiên cứu) và Hội thảo báo cáo cuối cùng tại Hà Nội. Qua các cuộc đối thoại và hội thảo này, các kết quả nghiên cứu, đặc biệt là các khuyến nghị đối với Chính phủ Việt Nam, được trình bày, chia sẻ với Lãnh đạo các bộ ngành, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các nhà kế hoạch và chiến lược... của Việt Nam và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

6. Các kết quả chủ yếu của các KSP được ký kết giữa Viện CLPT và KDI

· Gần 40 nghiên cứu về rất nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội mà Việt Nam còn nhiều vướng mắc và mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc đã hoàn thành với những khuyến nghị có giá trị, là đầu vào quan trọng cho các nghiên cứu hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn của Việt Nam, đặc biệt là cho xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

· 04 khóa đào tạo tăng cường năng lực đã được thực hiện tại Hàn Quốc (03) và Việt Nam (01), đào tạo nhiều cán bộ của các bộ ngành, viện nghiên cứu của Việt Nam.

· 07 Hội thảo báo cáo giữa kỳ và Hội thảo các nhà thực hành chính sách (mỗi năm một hội thảo) đã được tổ chức tại KDI, Hàn Quốc.

· Nhiều Đối thoại chính sách cấp cao đã được tổ chức tại Hà Nội.

· 06 Hội thảo báo cáo cuối cùng đã được tổ chức tại Hà Nội.

· Các nghiên cứu đã hoàn thành được xuất bản dưới dạng sách (cả tiếng Anh và tiếng Việt): KSP 2004-2005 và KSP 2009-2011, được độc giả đánh giá cao. Cuốn sách tập hợp các nghiên cứu trong khuôn khổ KSP 2009-2011 do Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Bahk Jaewan viết lời tựa.

· Việc thực hiện các chương trình KSP đã góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa bộ/cơ quan/viện nghiên cứu đóng vai trò điều phối chương trình phía Việt Nam (Bộ KHĐT, Viện CLPT) với các cơ quan khác tham gia vào chương trình

· KSP góp phần tạo ra mối quan hệ cộng tác, làm việc chặt chẽ hơn giữa các tổ chức, cán bộ và chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam, từ đó góp phần mang lại quan hệ đối tác chiến lược tốt đẹp và bền chặt hơn giữa hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc.
 
II. CHƯƠNG TRÌNH KSP VỚI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2004-2011

Tri thức là một trong những yếu tố chủ yếu quyết định trình độ phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia trong thế kỷ thứ XXI. Nhận thức được điều này, Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc (MOSF) và Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) đã đưa ra Chương trình KSP vào năm 2004. Việt Nam là một trong những quốc gia đối tác đầu tiên của Chương trình. Mục đích của KSP là chia sẻ kinh nghiệm và tri thức phát triển của Hàn Quốc được tích lũy từ vài thập kỷ vừa qua để hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia đối tác.

Chương trình KSP đầu tiên với Việt Nam đã được triển khai thành công trong hai năm 2004-2005 với chủ đề của KSP Chương trình nghị sự chính sách chính của Việt Nam và các đối sách theo hướng nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa (Vietnam Major Policy Agenda and Policy Responses toward a Globalized Market Economy). Bao gồm 5 nghiên cứu và 01 Khóa tập huấn về chính sách. Một trong những thành tựu to lớn của Chương trình là đóng góp vào việc thành lập Ngân hàng phát triển Việt Nam (tiền thân là Quỹ hỗ trợ phát triển) vào năm 2006.

Năm 2009, Việt Nam tiếp tục được lựa chọn là quốc gia đối tác phát triển chiến lược đầu tiên trong Chương trình KSP và đây là điểm khởi đầu của Chương trình với thời hạn ba năm. Chương trình KSP giai đoạn 2009-2011 với mục tiêu hỗ trợ xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn cho Việt Nam được thực hiện vào một thời điểm rất quan trọng đối với Việt Nam khi Việt Nam tiến hành tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2001-2010 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020 (Chiến lược PTKT-XH 2011-2020) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 (Kế hoạch PTKT-XH 2011-2015).

  1. Chương trình KSP 2009

Hoạt động trong năm đầu tiên của Chương trình KSP kéo dài ba năm với Việt Nam chủ yếu tập trung vào các chương trình nghiên cứu chung giữa các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc về các chủ đề được kỳ vọng sẽ có những đóng góp quan trọng nhất cho việc xây dựng Chiến lược PTKT-XH 2011-2020. Theo đó, trọng tâm được dành cho các chủ đề liên quan mật thiết đến việc thực hiện tầm nhìn trở thành "một nước công nghiệp có thu nhập trung bình”, bao gồm bốn chủ đề lớn sau:

- Tìm kiếm con đường phát triển và đánh giá tiềm năng tăng trưởng đến năm 2020

- Các chính sách tài chính và tiền tệ

- Các chính sách phát triển công nghệ công nghiệp

- Chính sách doanh nghiệp hài hòa và hiệu quả

  1. Chương trình KSP 2010

Bước vào năm thứ hai của dự án, GS. Sang-Woo Nam, Quản đốc dự án của KSP dành cho Việt Nam, đã thảo luận về các chủ đề nghiên cứu cho năm 2010 với Viện Chiến lược phát triển (VCLPT), cơ quan đối tác và cơ quan thực hiện Chương trình KSP của nước chủ nhà. Cân nhắc những lĩnh vực do các cơ quan Việt Nam, nhất là Bộ KHĐT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, và đương nhiên cả Viện CLPT, cũng như các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam - những người đã tham gia Chương trình KSP năm 2009 đề xuất, 09 chuyên đề nghiên cứu và hai lĩnh vực xây dựng năng lực cho năm 2010 đã được xác định:

Chủ đề chính: Hỗ trợ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011 – 2020 của Việt Nam

9 chủ đề nghiên cứu:

(1) Nâng cấp ngành công nghiệp để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam

(2) Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đẳng cấp cao cho khu vực công của Việt Nam

(3) Quản trị các tập đoàn kinh tế tại Việt Nam: Đề xuất cải cách

(4) Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho thị trường tài chính Việt Nam

(5) Cải thiện và phục hồi nguồn tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam

(6) Cải thiện khung pháp lý cho các hợp tác xã tín dụng tại Việt Nam

(7) Tăng cường năng lực về công nghệ tại Việt Nam

(8) Chính sách phát triển nguồn nhân lực để bảo đảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam

(9) Đánh giá lại sự phát triển của đặc khu kinh tế tại Việt Nam

Hai lĩnh vực tăng cường năng lực:

(1) Chiến lược thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam

(2) Tăng cường năng lực phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô

Trong quá trình thực hiện Chương trình KSP năm 2010 với Việt Nam, 06 nghiên cứu thí điểm được thực hiện nhằm xác định các vấn đề chính sách chính đối với mỗi chủ đề nghiên cứu được đề cập trong Biên bản ghi nhớ (MOU) được ký giữa KDI (ngày 01/6/2010) và Viện CLPT (ngày 02/6/2010), để tìm kiếm các tham vấn trong nước cho Chương trình, để thu thập các tài liệu và số liệu liên quan cũng như trao đổi ý kiến về những hoạt động tiếp theo.

  1. Chương trình KSP 2011

Bước vào năm thứ ba của Chương trình KSP-SDPC với Việt Nam, GS. Sang-Woo Nam, Quản đốc Chương trình, đã thảo luận các chủ đề nghiên cứu năm 2011 với Viện CLPT, các đối tác trong nước và các đơn vị thực hiện Chương trình KSP thông qua hoạt động khảo sát nhu cầu đầu tiên được thực hiện từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 4 năm 2011. Chương trình KSP năm 2011 được xác định gồm có 7 chủ đề nghiên cứu và 01 chương trình tăng cường năng lực.

Tiếp đó, hai nghiên cứu thí điểm được thực hiện trong khoảng thời gian từ 31/5/2011 đến 04/6/2011 và từ ngày 17 đến ngày 23/6/2011 nhằm thảo luận về Chương trình KSP năm 2011 và xác định lần cuối các chủ đề nghiên cứu, xác định các lĩnh vực nghiên cứu phù hợp với từng chủ đề và gặp gỡ các đơn vị phù hợp để thu thập thông tin và dữ liệu. Cuối cùng, 04 nghiên cứu tiếp theo và 01 Chương trình tăng cường năng lực cho Chương trình KSP năm 2011 đã được xác định.

Chủ đề chính: Hỗ trợ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ 2011-2020

04 chủ đề nghiên cứu

(1) Phát triển cảng hàng không hiện đại ở Việt Nam: Chia sẻ kinh nghiệm Hàn Quốc

(2) Phát triển cảng biển hiện đại ở Việt Nam: Chia sẻ kinh nghiệm Hàn Quốc

(3) Hệ thống đánh giá hoạt động của DNNN ở Việt Nam: So sánh và hàm ý chính sách từ trường hợp của Hàn Quốc

(4) Phân tích và dự báo thu ngân sách ở Việt Nam

01 Chương trình tăng cường năng lực:

(1) Tăng cường năng lực dự báo kinh tế vĩ mô dài hạn cho Việt Nam thời kỳ 2011-2020
 
III. CHƯƠNG TRÌNH KSP VỚI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2012-2014

1. KSP 2012

Sau ba năm thực hiện (KSP giai đoạn 2009-2011), các kết quả nghiên cứu của Chương trình, đặc biệt là phần tổng kết về kinh nghiệm của Hàn Quốc trong các lĩnh vực nghiên cứu và phần đề xuất về khuyến nghị cho Việt Nam, đã có đóng góp hữu ích cho công tác nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020 của Việt Nam. Nhằm "Hỗ trợ hoàn thiện và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn của Việt Nam”, Chương trình đã tiếp tục được triển khai và tiến hành khảo sát nhu cầu và nghiên cứu thí điểm trong năm 2012 để tìm ra những lĩnh vực có nhu cầu về hỗ trợ chính sách và chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc.

Theo đó, Chương trình KSP-SDPC với Việt Nam giai đoạn 2012-2013 tập trung vào nghiên cứu 4 chủ đề chính:

1. Nâng cao hiệu quả của đầu tư công tại Việt Nam từ kinh nghiệm của Hàn Quốc

2. Cơ chế thực hiện các dự án đô thị mới: Cấp vốn cho dự án đô thị mới

3. Những chỉ dẫn đối với Viện Khoa học và Công nghệ theo mô hình Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) ở Việt Nam

4. Dự báo cầu lao động giai đoạn 2011-2020 và thành lập Cơ quan Thông tin việc làm tại Việt Nam

2. KSP 2013

Trong năm 2013 có 4 chủ đề nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ của Chương trình KSP, đó là:

1. Chính sách an ninh năng lượng quốc gia - Kinh nghiệm của Hàn Quốc và hàm ý chính sách cho Việt Nam;

2. Gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu – Kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam;

3. Kế hoạch phát triển xây dựng nhà ở xã hội tại Việt Nam.

3.1. Phát triển nhà ở xã hội ở Việt Nam -Khuyến nghị chính sách từ kinh nghiệm của Hàn Quốc

3.2 . Hệ thống đền bù đất đai của Hàn Quốc và những cải tiến để đảm bảo đền bù tối ưu

4. Hỗ trợ xây dựng Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

3. KSP 2014

Trong năm 2014, có 4 chủ đề nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ của chương trình KSP, đó là:

1/ Chính sách phát triển kinh tế vùng bền vững: Kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam

Từ 1986, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển đổi từ mô hình kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang phát triển nền kinh tế thị trường. Việt Nam đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững quốc gia giai đoạn 2011-2020. Trong quá trình phát triển, Việt Nam không chỉ quan tâm đến phát triển các ngành, lĩnh vực, mà còn luôn quan tâm đến phát triển các vùng, lãnh thổ theo hướng bền vững. VN luôn coi trọng học hỏi kinh nghiệm quí của các nước, trong đó có kinh nghiệm về chính sách phát triển kinh tế vùng bền vững của HQ.

Việt Nam và Hàn Quốc là hai nước Châu Á có nhiều nét tương đồng. Quan hệ giữa hai nước đang ở vào giai đoạn phát triển nhất (là đối tác chiến lược từ năm 2009). Chương trình Chia sẻ tri thức của HQ (KSP) với các nước đối tác, trong đó có Việt Nam, đã thực hiện được gần 10 năm và đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp, có nhiều đóng góp tích cực cho quá trình phát triển trung và dài hạn của Việt Nam. Viện CLPT thuộc Bộ KHĐT là cơ quan đầu mối thực hiện Chương trình phía Việt Nam. Tuy nhiên, một mảng đề tài lớn là đề tài về kinh tế vùng nói chung, chính sách phát triển vùng bền vững nới riêng vẫn chưa có dịp được đưa vào như một nội dung quan trọng của KSP.

Chính vì lẽ đó, việc nghiên cứu chủ đề "Chính sách phát triển kinh tế vùng của HQ và bài học cho VN” là một vấn đề quan trọng cần được nghiên cứu trong khuôn khổ KSP năm 2014 cho Việt Nam.

Mục tiêu chính của nghiên cứu này là:

- Cập nhật, làm sáng tỏ thêm lý luận về phát triển kinh tế vùng nói chung và chính sách phát triển kinh tế vùng nói riêng trên thế giới, nhất là ở HQ;

- Hiểu rõ chính sách phát triển kinh tế vùng của HQ;

- Được chia sẻ những bài học kinh nghiệm chủ yếu về chính sách phát triển vùng của HQ phù hợp để áp dụng vào VN.

2/ Hệ thống thẩm định công nghệ như một phương pháp cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mang tính đổi mới sáng tạo: Chỉ dẫn cho xây dựng mô hình của Việt Nam

Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI) – Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với đối tác Hàn Quốc là Quỹ hỗ trợ công nghệ của Hàn Quốc (KOTEC) xây dựng khung tiêu chí đánh giá công nghệ phù hợp với thực tiễn trình độ công nghệ của Việt Nam để ứng dụng cho xem xét hỗ trợ các dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chương trình quốc gia và các quỹ quốc gia về KH&CN. Để triển khai dự án hợp tác, cả 2 bên đã thống nhất các nội dung cụ thể sau:

- Làm rõ khái niệm, mục đích và sự quan trọng của việc đầu tư tài chính cho đổi mới công nghệ, trong đó vấn đề về đánh giá công nghệ là rất quan trọng để lựa chọn được các dự án đổi mới công nghệ tiềm năng.

- Phía Việt Nam sẽ phân tích một cách tổng thể về vấn đề đầu tư tài chính cho đổi mới công nghệ ở Việt nam và các hệ thống đánh giá để lựa chọn các dự án mà Việt Nam đang sử dụng, từ đó có những đánh giá về những hạn chế và rào cản.

- Trên cơ sở những thông tin về Việt Nam, phía Hàn Quốc sẽ chia sẽ kinh nghiệm và tri thức trong vấn đề đầu tư tài chính cho đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp đặc biệt ở vấn đề đánh giá và định giá công nghệ. Phía Hàn Quốc sẽ tư vấn đề xuất các cơ chế chính sách để vượt qua được hạn chế và rào cản hiện tại.

- Sau khi đã có chia sẻ và hiểu biết về hiện trạng và kinh nghiệm của 2 bên, các chuyên gia Hàn Quốc sẽ hỗ trợ phía Việt nam xây dựng hệ thống đánh giá công nghệ.

3/ Chính sách cung cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin (IT) nhằm thúc đẩy sử dụng giao dịch trực tuyến ở Việt Nam;

4/ Bán nhà theo hình thức góp vốn xây dựng và các cơ chế bảo lãnh nhà ở đối với Việt Nam: Bài học từ kinh nghiệm của Hàn Quốc.

Dân số đô thị ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại các thành phố lớn như thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, gây nên một nhu cầu cấp thiết về nhà ở và phát triển các khu đô thị trong thành phố. Nội dung về bán nhà ở hình thành trong tương lai là một trong những điều luật rất quan trọng được quy định tại Điều 14 của Luật Kinh doanh bất động sản và Điều 39 của Luật nhà ở, cho phép bán bất động sản chưa hình thành tại thời điểm ký kết hợp đồng. Kể từ khi 2 đạo luật này có hiệu lực thực hành, trong đó có cơ chế cho phép bán nhà ở hình thành trong tương lai thì thị trường bất động sản nói chung, và thị trường nhà ở nói riêng phát triển nhanh chóng do hai lợi thế quan trọng: thứ nhất, nó cho phép nhà đầu tư bất động sản huy động thêm vốn từ khách hàng để đầu tư cho dự án; thứ hai, người mua nhà có thể thanh toán theo hình thức trả góp theo tiến độ xây dựng dự án thay vì phải thanh toán toàn bộ giá trị căn nhà trong một lần. Tuy nhiên, cơ chế này đã bộc lộ những hạn chế nhất định trong quá trình áp dụng ví dụ như việc nhà đầu tư bất động sản dùng tiền huy động vốn của khách hang để đầu tư vào một số dự án bất động sản cùng một lúc, nguồn vốn huy động từ dự án A lại đầu tư vào dự án B hoặc những dự án khác, và như thế nguồn vốn huy động không được sử dụng đúng mục đích dẫn đến việc nhà đầu tư cạn vốn, dự án không được triển khai xây dựng đúng tiến độ, thậm chí không thể tiếp tục triển khai, hoặc trong trường hợp xấu nhất, nhà đầu tư bất động sản có thể bị phá sản trước khi hoàn thành dự án để bàn giao cho khách hang theo hợp đồng đã ký kết.

- Nằm trong khuôn khổ chương trình KSP (Chương trình Chia sẻ kiến thức) năm 2014 về tư vấn chính sách, báo cáo này nhằm mục đích đưa ra một số khuyến nghị để Chính phủ Việt Nam cải thiện cơ chế bán nhà hình thành trong tương lai và gợi ý một mô hình bảo lãnh nhà ở đảm bảo hiệu quả dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc để có thể khắc phục, hạn chế được các tồn tại nêu trên.