Góp ý cho Dự thảo Sử dụng mô hình lượng hóa tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế

01/07/2015 08:54


Trong khuôn khổ hợp phần Dự án "Hỗ trợ thực hiện Chiến lược phát triển thống kế Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và sử dụng thông tin thống kê dân số trong xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển ” (VNM8P01) do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2012-2016, ngày 26/6/2015, Viện Chiến lược phát triển phối hợp cùng UNFPA tổ chức Tọa đàm góp ý cho dự thảo báo cáo nghiên cứu "Sử dụng mô hình lượng hóa tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và đề xuất các chính sách nhằm tận dụng cơ hội dân số vàng ở Việt Nam thời kỳ đến năm 2050” 65 Văn Miếu, Hà Nội.

Bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Phó Giám đốc Dự án, chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Chuyên viên An sinh xã hội, Văn phòng UNFPA tại Việt Nam; các nhà nghiên cứu đến từ một sốcơ quan, đơn vị: Viện Chính sách công và Quản lý (Đại học Kinh tế quốc dân); Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Chiến lược, Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội);Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhiều cán bộ nghiên cứu Viện Chiến lược phát triển.

Tại Tọa đàm, PGS.TS. Giang Thanh Long, Viện trưởng, Viện Chính sách công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn đã trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo nghiên cứu "Sử dụng mô hình lượng hóa tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và đề xuất các chính sách nhằm tận dụng cơ hội dân số vàng ở Việt Nam thời kỳ đến năm 2050”.

Báo cáo đã đưa ra những phương pháp nghiên cứu và kết quả của tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế như phương pháp: Ước lượng bằng tiếp cận thống kê, ước lượng bằng hàm sản xuất, phân tích dịch chuyển tỷ trọng (SSA).

Đặc biệt phương pháp Tài khoản chuyển giao quốc dân (NTA) (những báo cáo trước đã đề cập) cho chúng ta một cái nhìn khả quan hơn về giai đoạn cơ cấu dân số vàng của Việt Nam từ 2007-2041. Như vậy chúng ta có một thời gian dài hơn để tận dụng giai đoạn này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tại hội thảo, Báo cáo đã nhận được 2 bài phản biện và nhiều ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý đến từ các Bộ, Ban, ngành.

Nguồn:Viện Chiến lược phát triển.