Viện Chiến lược phát triển - Hành trình 60 năm xây dựng và phát triển

04/03/2024 17:23


Năm 2024 đánh dấu Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỷ niệm 60 năm thành lập (09/3/1964 - 09/3/2024). Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từng giai đoạn tuy mang tên gọi khác nhau, nhưng nhiệm vụ bao trùm các chặng đường lịch sử phát triển của Viện là nghiên cứu chiến lược và quy hoạch phát triển của cả nước, các vùng lãnh thổ, các địa phương, một số ngành, làm cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch dài hạn, kế hoạch 5 năm và hằng năm.

Viện Chiến lược phát triển nhận cờ thi đua của Chính phủ ngày 11/01/2024

CÁC DẤU MỐC TRÊN HÀNH TRÌNH 60 NĂM

Viện Chiến lược phát triển được hình thành trên cơ sở tiền thân là 2 vụ của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Vụ Tổng hợp kế hoạch kinh tế quốc dân dài hạn và Vụ Kế hoạch phân vùng kinh tế. Hai Vụ này được thành lập theo Quyết định số 47-CP ngày 09/3/1964 của Hội đồng Chính phủ, hoạt động liên tục trên 2 hướng lớn về xây dựng kế hoạch dài hạn và về phân bố lực lượng sản xuất; đến năm 1988 được tổ chức lại thành Viện Kế hoạch dài hạn và phân bố lực lượng sản xuất; đến năm 1994 được đổi tên thành Viện Chiến lược phát triển. Quá trình phát triển khái quát như sau:

Vụ Tổng hợp kế hoạch kinh tế quốc dân dài hạn hoạt động từ khi thành lập đến năm 1983 thì được giải thể để thành lập Viện Nghiên cứu kế hoạch dài hạn theo Quyết định số 69- HĐBT ngày 09/7/1983 của Hội đồng Bộ trưởng.

Vụ Kế hoạch phân vùng kinh tế hoạt động từ khi thành lập đến 1974 thì được tổ chức lại thành Viện Phân vùng và quy hoạch theo Nghị định số 49-CP ngày 25/3/1974 của Hội đồng Chính phủ. Ngày 30/9/1977, Hội đồng Chính phủ có Quyết định số 269-CP thành lập Uỷ ban phân vùng kinh tế Trung ương. Bộ phận làm việc thường trực của Uỷ ban phân vùng kinh tế Trung ương là Viện Phân vùng và quy hoạch thuộc Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước theo Quyết định số 236-TTg ngày 25/4/1978 của Thủ tướng Chính phủ. Đến 1986, Viện Phân vùng và quy hoạch được đổi tên thành Viện Phân bố lực lượng sản xuất theo Nghị định số 151- HĐBT ngày 27/11/1986 của Hội đồng Bộ trưởng, giải thể Uỷ ban phân vùng kinh tế Trung ương, giao công tác phân vùng kinh tế cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phụ trách.

Thực hiện quyết định số 66-HĐBT ngày 18/4/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sắp xếp lại bộ máy của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đã có quyết định số 198-UB/TCCB ngày 19/8/1988, giải thể Viện Nghiên cứu kế hoạch dài hạn và giải thể Viện Phân bố lực lượng sản xuất để thành lập Viện Kế hoạch dài hạn và phân bố lực lượng sản xuất; phân công Phó Chủ nhiệm Uỷ ban trực tiếp làm Viện trưởng.

Thực hiện Nghị định số 86/CP ngày 12/8/1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, và tổ chức bộ máy của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đã có quyết định số 116 UB/TCCB, ngày 01/10/1994 đổi tên Viện Kế hoạch dài hạn và phân bố lực lượng sản xuất thành Viện Chiến lược phát triển, có vị trí tương đương Tổng cục loại I.

Căn cứ Nghị định số 61/2003/NĐ-CP, ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 232/2003/QĐ-TTg, ngày 13/11/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Chiến lược phát triển, trong đó xác định Viện Chiến lược phát triển là viện cấp quốc gia.

Ảnh 4.3.2

Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ- CP, ngày 14/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 110/2009/QĐ-TTg, ngày 26/8/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Chiến lược phát triển, trong đó xác định Viện Chiến lược phát triển là tổ chức sự nghiệp khoa học cấp quốc gia.

Căn cứ Nghị định số 86/2017/NĐ-CP, ngày 25/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 40/2018/QĐ-TTg, ngày 10/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Chiến lược phát triển, trong đó xác định Viện Chiến lược phát triển là tổ chức sự nghiệp khoa học thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Căn cứ Nghị định số 89/2022/NĐ-CP, ngày 28/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các quyết định sáp nhập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, cùng một số đơn vị thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vào Viện Chiến lược phát triển từ ngày 01/01/2023 và có Quyết định số 859/QĐ-BKHĐT, ngày 15/5/2023 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Chiến lược phát triển, trong đó xác định Viện Chiến lược phát triển là tổ chức sự nghiệp khoa học thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Từ 2 vụ ban đầu (1964) với biên chế 24 người, đến nay, Viện Chiến lược phát triển đã trở thành tổ chức sự nghiệp khoa học đầu ngành, với hơn 150 cán bộ, viên chức, người lao động (trong đó có 1 phó giáo sư, 18 tiến sĩ, hơn 90 thạc sĩ và hơn 40 cử nhân, kỹ sư), có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp trên giao và đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Ảnh 4.3.3

NHỮNG THÀNH TỰU CHỦ YẾU

Trong 60 năm hoạt động, được sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Phân vùng kinh tế Trung ương trước đây và của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện nay, với sự phấn đấu liên tục của nhiều thế hệ cán bộ, viên chức, Viện Chiến lược phát triển đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao với những thành tựu chủ yếu có thể khái quát trong 2 giai đoạn chính như sau:

Giai đoạn 1964-1988

Về nghiên cứu phân vùng kinh tế, phân bố lực lượng sản xuất

Trong tình hình đất nước bị chia cắt, có chiến tranh (1964-1975), công tác phân vùng quy hoạch, chủ yếu nghiên cứu, triển khai ở miền Bắc. Trong giai đoạn này, trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết, ứng dụng lý luận của Liên Xô (cũ) về phân vùng vào điều kiện miền Bắc Việt Nam, đã triển khai nghiên cứu một số vùng cây trồng (vùng dâu Ba Vì, vùng mía Vạn Điểm, vùng cói Kim Sơn...). Cùng với các ngành, các Viện và một số trường đại học, được chuyên gia Liên Xô hướng dẫn, triển khai giới thiệu và nghiên cứu những công trình ban đầu về khoa học kinh tế vùng, đồng thời đề xuất một số dự án về phân vùng kinh tế.

Các dự án phân vùng kinh tế là bước thử nghiệm đầu tiên nhằm đưa ra một sơ đồ tổ chức sản xuất trên lãnh thổ ở phạm vi một số ngành kinh tế chủ yếu. Qua công tác này đã hiểu biết thêm các điều kiện tự nhiên, kinh tế của đất nước, đồng thời đã tích luỹ một số kinh nghiệm ban đầu về công tác điều tra cơ bản, phân vùng quy hoạch, đào tạo được một lớp cán bộ đầu tiên về công tác này ở Trung ương và địa phương.

Năm 1964-1969: Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phân vùng kinh tế nông - lâm nghiệp miền Bắc Việt Nam”, theo đó miền Bắc được chia thành 4 vùng kinh tế nông lâm nghiệp lớn (với 46 tiểu vùng) là: Đồng bằng Bắc Bộ, Khu 4 cũ, Đông Bắc, Tây Bắc.

Năm 1970-1973: Triển khai quy hoạch phát triển kinh tế ở 30 huyện và quy hoạch các vùng kinh tế mới, phục vụ tốt cho việc lập kế hoạch kinh tế quốc dân và kế hoạch ngành ở Trung ương và địa phương. Đã bắt đầu tiến hành xử lý tổng hợp liên ngành, nghiên cứu và đề xuất những quan điểm về phương pháp luận sát tình hình Việt Nam hơn.

Năm 1974-1976: Viện Phân vùng và quy hoạch được thành lập. Tháng 4/1975, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 94/TTg “Về xúc tiến công tác phân vùng quy hoạch” nhằm đẩy mạnh công tác phân vùng quy hoạch làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch năm 1976 và kế hoạch 5 năm (1976-1980). Nhiều chương trình, dự án đã hoàn thành trong thời gian này như: Báo cáo phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển nông lâm nghiệp cả nước 10-15 năm; phân vùng quy hoạch nông lâm nghiệp của các tỉnh; quy hoạch các vùng thực phẩm, vùng nguyên liệu công nghiệp; xác định 50 vạn ha khai hoang làm nông nghiệp và 70 vạn ha trồng rừng; xây dựng và phê duyệt quy hoạch một số vùng kinh tế mới; lập các sơ đồ phân bố lực lượng sản xuất vùng Trung du và miền núi, Khu IV cũ, các vùng đồng bằng và cả nước.

Năm 1976-1978: Triển khai công tác phân vùng quy hoạch kinh tế trên phạm vi cả nước, theo một quan điểm tổng hợp chung - kết hợp ngành và lãnh thổ; hoàn thành xây dựng một số dự án phân vùng nông, lâm nghiệp và công nghiệp chế biến và dự án phân bố một số ngành công nghiệp.

Cùng với phân vùng nông, lâm nghiệp, công tác phân bố công nghiệp cũng được triển khai đồng đều hơn và có thêm tiến bộ về mặt nhận thức cũng như cách làm. Đã bắt đầu nghiên cứu bố trí một hệ thống các nhà máy có tính chất liên ngành thành các khu, cụm công nghiệp. Nhiều ngành công nghiệp đã nghiên cứu quy hoạch, như: các ngành điện, than, cơ khí, luyện kim, hoá chất, giao thông vận tải, vật liệu xây dựng... Quy hoạch các thành phố cũng đã được triển khai nghiên cứu song song với việc bố trí công nghiệp.

Một nhiệm vụ lớn của công tác phân vùng quy hoạch kinh tế giai đoạn này nhằm thực hiện đường lối phát triển kinh tế của Đại hội IV đề ra là quy hoạch huyện. 227 huyện trong tổng số 390 huyện của cả nước (không tính các quận và thị xã) đã được xây dựng quy hoạch tổng thể. Qua công tác quy hoạch, từng huyện đã hiểu sâu thêm các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của huyện mình, xác định được phương hướng sản xuất, các trung tâm kinh tế kỹ thuật, bố trí hệ thống dân cư, mạng lưới đường sá và các vùng mở mang mới, bước đầu xây dựng được phương án phát triển dân số và sử dụng lao động trên địa bàn huyện.

Năm 1978-1988: Trong giai đoạn này, với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô cũ, đã tiến hành xây dựng “Tổng sơ đồ phân bố lực lượng sản xuất trên phạm vi cả nước thời kỳ 1986-2000”. Lần đầu tiên ở Việt Nam, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì triển khai nghiên cứu quy hoạch một cách hệ thống, toàn diện từ Trung ương đến địa phương. Thực hiện Chỉ thị 212/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Viện đã chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước 70.01 gồm nhiều đề tài, kết quả nghiên cứu đã xác định phân chia nước Việt Nam thống nhất thành 4 vùng, 7 á vùng và đã xây dựng sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất cho cả 4 vùng. Tất cả các ngành, các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng sơ đồ phát triển và phân bố lực lượng sản xuất 1986-2000.

Về mặt tổ chức cán bộ, đã xây dựng được một hệ thống từ Trung ương đến địa phương chuyên nghiên cứu về phân vùng quy hoạch.

Về nghiên cứu chiến lược và kế hoạch dài hạn

Năm 1964-1975: Ngay sau khi thành lập Vụ Tổng hợp kế hoạch kinh tế quốc dân dài hạn, đã triển khai mạnh mẽ công tác điều tra cơ bản, dự báo dân số và nguồn lao động, xây dựng các quy hoạch ngành và dự kiến các công trình đầu tư xây dựng cơ bản trọng điểm. Trong điều kiện có chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc, đã triển khai hàng loạt nghiên cứu về triển vọng dài hạn và kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh.

Thời kỳ này, Bộ Chính trị chỉ thị cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước nghiên cứu xây dựng “Chiến lược kinh tế hậu chiến”. Nhiệm vụ này sau đó được giao cho Vụ Tổng hợp Kế hoạch Kinh tế Quốc dân dài hạn. Bản “Chiến lược kinh tế hậu chiến” đã hoàn thành vào tháng 4/1973, trình Bộ Chính trị. Sau khi chỉnh sửa, tháng 5/1973, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đã báo cáo Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Năm 1976-1982: Chủ trì tổ chức xây dựng kế hoạch 5 năm 1976-1980, phục vụ quá trình khôi phục và phát triển đất nước trong điều kiện cả nước thống nhất và đi lên CNXH, đã được Chính phủ trình lên Đại hội lần thứ IV của Đảng. Chủ trì tổ chức xây dựng kế hoạch 5 năm 1981-1985, được trình lên Đại hội lần thứ V của Đảng.

Năm 1983-1988: Trong thời kỳ này, Viện nghiên cứu kế hoạch dài hạn đã triển khai hàng loạt các nghiên cứu đánh giá các nguồn lực phát triển, các dự báo dài hạn và tham gia xây dựng kế hoạch 5 năm 1986-1990, phục vụ chuẩn bị Đại hội VI của Đảng.

Giai đoạn 1988 đến nay

Về nghiên cứu xây dựng chiến lược và cơ chế, chính sách

Về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

Viện Chiến lược phát triển đã tham gia vào quá trình xây dựng tất cả các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trình Đại hội Đảng: Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030.

- Đối với Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000, lần đầu tiên, Viện là 1 trong 6 cơ quan triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và giúp Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Tiểu ban xây dựng Chiến lược của Hội đồng Bộ trưởng tổ chức việc nghiên cứu xây dựng Chiến lược.

- Đối với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010: Viện đã chủ trì chuẩn bị đề cương xây dựng Chiến lược để Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Bộ Chính trị và Ban Cán sự Đảng Chính phủ ra văn bản số 44/BCS, ngày 03/6/1998 về việc nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2001- 2010; đồng thời, Viện tham gia và là cơ quan thường trực của Tiểu ban kinh tế - xã hội chuẩn bị Đại hội IX của Đảng. Sau Đại hội Đảng IX, Viện đã chủ trì xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, bao gồm cả Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010.

Đối với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020: Từ đầu năm 2007, Viện đã tích cực triển khai xây dựng Đề cương ý tưởng Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2011-2020 báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai nghiên cứu Chiến lược này. Sau đó, Viện tham gia trực tiếp với tư cách thường trực vào nhóm biên tập của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Tiểu ban Chiến lược - để thực hiện các công việc. Sau khi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua, Viện đã chủ trì xây dựng “Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 và Phương hướng nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015”, được ban hành tại Nghị quyết số 10/NQ-CP, ngày 24/4/2012 của Chính phủ. Năm 2013, Viện được giao chủ trì xây dựng Báo cáo “Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về kinh tế - xã hội, trọng tâm là thực hiện ba khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, trình Bộ Chính trị và Hội nghị Trung ương 8, khóa XI (tháng 10/2013).

- Đối với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030: Tháng 10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thành lập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Tiểu ban để xây dựng các báo cáo trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, gồm: Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Xây dựng Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Chiến lược phát triển đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để tổ chức thực hiện; đồng thời, Viện đã xây dựng đề cương chi tiết ban đầu về tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 (trong đó, chủ trì nghiên cứu 8 chuyên đề phục vụ xây dựng Chiến lược 10 năm 2021-2030 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025). Việc triển khai nghiên cứu đã được tiến hành công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới và đã hoàn thành xây dựng Chiến lược 10 năm 2021-2030 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trình Đại hội XIII của Đảng.

Ảnh 4.3.4

Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Trần Hồng Quang báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

Cùng với việc triển khai các công việc nghiên cứu, xây dựng Chiến lược, Viện còn trực tiếp tham gia Thường trực Tổ Biên tập, Văn phòng Tổ Biên tập; tổ chức tốt các hoạt động của Văn phòng Tổ Biên tập, phục vụ tốt các hoạt động của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tổ Biên tập và Thường trực Tổ Biên tập.

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Viện Chiến lược phát triển đã thực hiện nhiệm vụ chủ trì xây dựng “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, được ban hành tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ.

Từ cuối năm 2023, để chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Viện Chiến lược phát triển được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chủ trì triển khai thực hiện các nhiệm vụ để phục vụ Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2026-2030 trình Đại hội XIV của Đảng.

Ảnh 4.3.5
Hội thảo khoa học phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030

Về một số chiến lược khác và nghiên cứu cơ chế, chính sách

Cùng với xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Viện Chiến lược phát triển cũng đã được giao chủ trì xây dựng một số chiến lược khác, như:

- Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đây là Chiến lược biển đầu tiên của nước ta, đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua và ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007. Sau đó, Viện tiếp tục phối hợp với các cơ quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW và được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 27/NQ-CP, ngày 30/5/2007. Đồng thời, Viện đã chủ trì xây dựng Đề án Hợp tác quốc tế về biển, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/2008/QĐ-TTg, ngày 13/6/2008.

- Chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển nhân lực thời kỳ 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011. Đây cũng là lần đầu tiên nước ta xây dựng chiến lược này nhằm cụ thể hóa 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược. Để cụ thể hóa Chiến lược này, Viện tiếp tục chủ trì xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực thời kỳ 2011-2020 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011.

Trong giai đoạn phát triển mới, cùng với nghiên cứu chiến lược, Viện Chiến lược phát triển đã bước đầu triển khai nghiên cứu cơ chế, chính sách để tham mưu nhiều hơn cho Đảng và Nhà nước trong phát triển đất nước, như:

- Đảm nhiệm thường trực nhóm xây dựng báo cáo “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011-2020”. Báo cáo này đã được Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XI thông qua (Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012). Sau đó, Viện tiếp tục được giao xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết này và đã được Chính phủ ban hành. Trong các năm tiếp theo, Viện đã theo dõi tình hình thực hiện Nghị quyết ở các bộ, ngành, địa phương. Năm 2022- 2023, đã tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết và trình Chính phủ, đã được báo cáo Bộ Chính trị ban hành Kết luận.

- Hoàn thành xây dựng Đề án “Cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2012- 2020”. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1317/QĐ- TTg ngày 06/8/2013 và Viện tiếp tục được giao tham gia Tổ Điều phối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Tháng 4/2014, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Báo cáo “Việt Nam 2030” (sau đó đổi thành “Việt Nam 2035”), do Phó Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Văn phòng Ban Chỉ đạo đặt tại Viện Chiến lược phát triển để giúp Ban Chỉ đạo các công việc và triển khai xây dựng Báo cáo “Việt Nam 2035”. Đây là nhiệm vụ có sự phối hợp thực hiện của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu nhằm phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội XII của Đảng, đồng thời cung cấp những căn cứ khoa học và thực tiễn (trong và ngoài nước) cho Chính phủ để xây dựng các quyết sách về phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Viện Chiến lược phát triển với nhiệm vụ đầu mối, chủ trì phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu, phối hợp xây dựng và hoàn thành Báo cáo Việt Nam 2035 và công bố tại Hà Nội tháng 02/2016.

Hiện nay, tiếp nối Báo cáo Việt Nam 2035, Viện Chiến lược phát triển tiếp tục được giao chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Thế giới chuẩn bị xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045 để triển khai trong năm 2024.

- Xây dựng tài liệu Khung chính sách kinh tế Việt Nam theo sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhằm giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan và công chúng một cách khái quát, ngắn gọn những thông tin quan trọng, thiết thực về tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại và chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm sắp tới, đưa ra thông điệp rõ ràng về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, huy động các nguồn lực cho phát triển, kêu gọi đầu tư, tham gia xây dựng đất nước trong giai đoạn phát triển mới; kết nối đồng bộ từ chiến lược, kế hoạch đến chính sách; giúp cho việc phổ biến, giới thiệu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với mọi đối tượng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc. Khung chính sách kinh tế Việt Nam đã được phát hành tháng 12/2018 tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018.

Về công tác quy hoạch

Đây là mảng công việc rất lớn của Viện. Các đóng góp thể hiện trên 2 mặt chủ yếu sau:

Xây dựng các văn bản phục vụ quản lý Nhà nước về quy hoạch.

Viện Chiến lược phát triển đã tham mưu để Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg về công tác quy hoạch; Nghị định số 92/2006/NĐ-CP về lập, thẩm định và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP và chủ trì xây dựng các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định, xây dựng định mức chi phí cho thực hiện công tác quy hoạch. Đồng thời, Viện đã hướng dẫn các ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh và xây dựng mới quy hoạch phát triển các thời kỳ, xây dựng tài liệu nghiệp vụ để hướng dẫn các ngành, các địa phương triển khai nghiên cứu quy hoạch.

Tham gia nhóm Thường trực và Tổ Biên tập xây dựng Luật Quy hoạch. Sau khi Luật quy hoạch được Quốc hội thông qua, Viện Chiến lược phát triển tiếp tục tham gia xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quy hoạch (Nghị định số 37/2019/ NĐ-CP), đồng thời chủ trì xây dựng Thông tư hướng dẫn về định mức chi phí cho hoạt động quy hoạch (Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT); xây dựng tài liệu Khung chỉ dẫn phương pháp chung lập quy hoạch để phục vụ triển khai lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch.

Nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng các quy hoạch:

Đây là mảng công việc Viện được giao và đã hoàn thành với khối lượng rất lớn, gồm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm; quy hoạch phát triển công nghiệp, kết cấu hạ tầng; quy hoạch phát triển các lãnh thổ đặc biệt, như: các hành lang kinh tế, vành đai kinh tế, dải ven biển, khu công nghiệp…

Trong giai đoạn 1995-2000, Viện hoàn thành lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 cho 8 vùng kinh tế lớn, 3 vùng trọng điểm; trong giai đoạn sau 2001 là rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng đến năm 2010 và xây dựng mới quy hoạch các vùng đến năm 2020. Trong các năm 2012-2013 là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của 6 vùng kinh tế - xã hội: Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; của 4 vùng kinh tế trọng điểm: Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và rất nhiều đề án, báo cáo khác về quy hoạch, về phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai nghiên cứu và hoàn thành.

Triển khai Luật Quy hoạch, Viện Chiến lược phát triển đã được giao chủ trì thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như:

- Xây dựng Báo cáo Phân vùng giai đoạn 2021- 2030 để phục vụ triển khai thực hiện Luật Quy hoạch; xây dựng Kế hoạch lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1520/QĐ-HĐQHQG ngày 07/10/2019); xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Chính phủ thông qua và ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2020 để triển khai thực hiện; xây dựng Báo cáo “Các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” để làm cơ sở cho lập Quy hoạch tổng thể quốc gia.

- Chủ trì triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 và ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023. Thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 90/NQ-CP, ngày 16/6/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Chủ trì xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho 5 vùng: Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; xây dựng báo cáo Các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng; chủ trì triển khai lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngoài ra, Viện cũng phối hợp với các viện nghiên cứu chiến lược, quy hoạch của các bộ, ngành lập quy hoạch cấp tỉnh cho một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo

Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm của Viện trong mọi thời kỳ. Trong các năm 1989-1990, với mục tiêu nghiên cứu để đáp ứng việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn trong điều kiện chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, Viện đã triển khai thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước 70A, gồm nhiều đề tài cấp nhà nước, bước đầu đi vào nghiên cứu lý luận và thực tiễn đất nước trong mô hình phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nghiên cứu cơ sở khoa học của định hướng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, đô thị, dân số, lao động, việc làm và phân bố dân cư, phát triển vùng...

Trong các năm tiếp theo một số đề tài khoa học cấp nhà nước nghiên cứu về định hướng phát triển vùng và tổ chức lãnh thổ cũng được triển khai thực hiện, tiêu biểu như: “Nghiên cứu xác định cơ cấu lãnh thổ theo phương hướng phát triển có trọng điểm” (1993-1995); “Tổ chức lãnh thổ kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam” (1994-1996); “Cơ sở khoa học cho việc phát triển kinh tế - xã hội dải ven biển Việt Nam, đề xuất mô hình phát triển cho một số khu vực trọng điểm” (2001-2004); “Nghiên cứu các giải pháp tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường vùng Tây Nguyên trong tình hình mới” (2003-2005); “Phát triển kinh tế vùng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (2004-2006); “Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ tổ chức lãnh thổ và đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc dưới tác động của công trình thuỷ điện Sơn La” (2005-2006); “Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của dự án đê biển Vũng Tầu - Gò Công đến kinh tế, xã hội vùng hạ du sông Đồng Nai - Sài Gòn và phụ cận” (2012-2014)…

Các đề tài cấp nhà nước nghiên cứu về chiến lược và định hướng phát triển dài hạn cũng đã được thực hiện, như: Đề tài “Cơ sở khoa học của một số vấn đề trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020” (1997-1999), Đề tài “Tầm nhìn và định hướng phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2030” (2008- 2010); Đề tài “Nguồn lực và động lực để phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế Việt Nam ở giai đoạn 2011-2020” (2008-2010); Đề tài: “Vấn đề giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho phát triển bền vững Tây Nguyên” (2012-2014); Đề tài “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở nước ta hiện nay” (2012-2014); Đề tài “Thể chế quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng Việt Nam” (2014-2015); Đề tài “Thể chế kinh tế vùng ở Việt Nam - Hiện trạng và giải pháp” (2014-2015); Đề tài “Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế tri thức: Khung khổ lý thuyết và trường hợp Việt Nam” (2019-2023).

Về đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, trung bình mỗi năm, Viện Chiến lược phát triển chủ trì thực hiện từ 7 đến 10 đề tài cấp bộ. Kết quả nghiên cứu các đề tài này luôn được đánh giá cao và đã góp phần hỗ trợ cho công tác chuyên môn, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Viện.

Cùng với nghiên cứu khoa học, từ năm 2004, sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ cho Viện tại Quyết định số 45/2004/ QĐ-TTg, ngày 25/3/2004, đã có 104 nghiên cứu sinh, trong đó 94 thuộc chuyên ngành Kinh tế phát triển, 10 thuộc chuyên ngành Địa lý học tham gia đào tạo tại Viện và 65 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Đồng thời, Viện tham gia tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quy hoạch, tổ chức một số khóa đào tạo cho cán bộ của các địa phương trong cả nước; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư một số địa phương tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quy hoạch cho cán bộ của các tỉnh; tham gia tập huấn cho cán bộ của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Trong các năm 2006-2007, Viện Chiến lược phát triển được giao là cơ quan chủ trì xây dựng Đề án thành lập Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đầu năm 2008, Học viện được thành lập và đồng chí Viện trưởng được giao kiêm Giám đốc Học viện cho đến năm 2011.

Hợp tác quốc tế

Viện Chiến lược phát triển đã mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phối hợp nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực chiến lược, quy hoạch và các vấn đề phát triển khác. Một số đối tác chính của Viện qua các thời kỳ gồm có: Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Trung tâm phát triển vùng của Liên hợp quốc (UNCRD), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Viện Phát triển quốc tế thuộc Trường Đại học Harvard Mỹ (HIID), Cơ quan Phát triển quốc tế Thuỵ Điển (SIDA), Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada (IDRC), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan phát triển vùng của Pháp (DATAR), Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI), Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào, Viện nghiên cứu Nhật Bản (JRI), Viện phát triển nguồn nhân lực trường Đại học Thammasat Thái Lan, Quỹ Hòa bình Sasakawa (SPF), Quỹ Nippon Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới (WB)... Các nội dung hợp tác cụ thể đã triển khai, như: quản lý phát triển vùng; dự báo kinh tế và đào tạo cán bộ; nghiên cứu các vấn đề kinh tế vĩ mô, cải cách kinh tế; quy hoạch năng lượng, chiến lược phát triển; phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo; chia sẻ kinh nghiệm phát triển…

Ảnh 4.3.6

Lễ ký kết văn kiện với UNDP hỗ trợ nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời kỳ 2011-2020

TIẾP TỤC GIỮ VỮNG VỊ THẾ, VAI TRÒ CỦA MỘT CƠ QUAN NGHIÊN CỨU, THAM MƯU CHIẾN LƯỢC CÓ UY TÍN

Khái quát lại quá trình phát triển của Viện Chiến lược phát triển cho thấy sự gắn liền với lịch sử phát triển của công tác kế hoạch hóa và với lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trải qua quá trình 60 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Chiến lược phát triển ngày càng khẳng định vị trí quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu chiến lược, quy hoạch phát triển cho quốc gia, đóng vai trò vừa là cơ quan nghiên cứu khoa học, vừa là cơ quan tham mưu chính sách phát triển kinh tế, xã hội trung và dài hạn, góp phần thiết thực vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước. Viện luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn được giao trong mỗi thời kỳ lịch sử, ghi nhận công lao, đóng góp hết sức quý báu của các thế hệ cán bộ. Với những thành tích đạt được, Viện Chiến lược phát triển đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ trưởng, của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua của Bộ, của Chính phủ; Huân Chương Lao động hạng Hai (1999), Huân chương Lao động hạng Nhất (2004), Huân chương Độc lập hạng Ba (2009). Huân chương Độc lập hạng Nhì (2014).

Ảnh 4.3.7

Viện Chiến lược phát triển đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2014

Trong giai đoạn phát triển mới, Viện Chiến lược phát triển sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, trí tuệ tập thể, tinh thần lao động cần mẫn, cống hiến cho khoa học; phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nghiên cứu viên có trình độ cao, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, tiếp tục giữ vững vị thế, vai trò của một cơ quan nghiên cứu, tham mưu chiến lược có uy tín, tiếp tục có những nghiên cứu khoa học, lý luận và thực tiễn có giá trị, góp phần tham mưu cho Đảng và Nhà nước những quyết sách, chủ trương, đường lối, chính sách, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình đổi mới và phát triển của đất nước./.

TS. TRẦN HỒNG QUANG

Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 05, tháng 3/2024)