Viện Chiến lược phát triển có vị trí quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu chiến lược, quy hoạch phát triển cho Quốc gia
07/03/2024 08:56
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, thành quả qua nhiều thời kỳ lịch sử đã khẳng định Viện Chiến lược phát triển có vị trí quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu chiến lược, quy hoạch phát triển cho quốc gia, đóng vai trò vừa là cơ quan nghiên cứu khoa học, vừa là cơ quan tham mưu chính sách phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH) trung và dài hạn, góp phần vào thành quả công tác của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trước đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện nay, cũng như vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước.
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA VIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GẮN LIỀN VỚI LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN KT-XH CỦA ĐẤT NƯỚC
Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Viện tổ chức trang trọng sáng nay (ngày 6/3) tại Hà Nội, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế; đại diện sở kế hoạch và đầu tư, viện nghiên cứu và nhiều cơ quan; các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Viện Chiến lược qua các thời kỳ...
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, 60 năm hình thành và phát triển là một quá trình dài, nhiều thăng trầm, khó khăn, vất vả nhưng vinh quang, tự hào của nhiều thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện Chiến lược phát triển. Được thành lập từ khi đất nước còn chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, rồi thống nhất đất nước, quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập khu vực và quốc tế, Viện Chiến lược phát triển hôm nay đã có một hành trình dài, gắn với nhiều thay đổi quan trọng, có tính bước ngoặt của đất nước, hay có thể nói quá trình phát triển của Viện Chiến lược phát triển gắn liền với lịch sử phát triển của công tác kế hoạch hóa và với lịch sử phát triển KT-XH của đất nước.
Ở thời kỳ mới thành lập, trong tình hình đất nước bị chia cắt, có chiến tranh, Viện, khi đó còn là hai vụ, đã nghiên cứu lý thuyết, ứng dụng lý luận của Liên Xô (cũ) về phân vùng vào điều kiện miền Bắc, rồi cùng với các ngành, các viện, trường đại học triển khai giới thiệu và nghiên cứu những công trình ban đầu về khoa học kinh tế vùng (với sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô), đồng thời đề xuất một số dự án về phân vùng kinh tế.
Các dự án phân vùng kinh tế khi đó là bước thử nghiệm đầu tiên nhằm đưa ra một sơ đồ tổ chức sản xuất trên lãnh thổ ở phạm vi một số ngành kinh tế chủ yếu. Đây là một dấu mốc rất quan trọng để tích luỹ kinh nghiệm ban đầu về công tác điều tra cơ bản, phân vùng quy hoạch, đào tạo được một lớp cán bộ đầu tiên về công tác này ở Trung ương và địa phương và kết quả của nó là đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phân vùng kinh tế nông - lâm nghiệp miền Bắc Việt Nam”, miền Bắc được chia thành 4 vùng kinh tế nông lâm nghiệp lớn là: Đồng bằng Bắc Bộ, Khu 4 cũ, Đông Bắc, Tây Bắc. Rồi tiếp sau đó là quy hoạch phát triển kinh tế ở 30 huyện và quy hoạch các vùng kinh tế mới, phục vụ tốt cho việc lập kế hoạch kinh tế quốc dân và kế hoạch ngành ở Trung ương và địa phương. Như thế có thể thấy, công tác quy hoạch ở nước ta cũng đã được chú ý và bắt đầu triển khai từ khá lâu.
Theo Thứ trưởng, sau khi đất nước thống nhất, công tác phân vùng quy hoạch kinh tế được tiến hành trên phạm vi cả nước, theo một quan điểm tổng hợp chung - kết hợp ngành và lãnh thổ. Cùng với phân vùng nông, lâm nghiệp, công tác phân bố công nghiệp cũng được triển khai đồng đều hơn và có thêm tiến bộ về mặt nhận thức cũng như cách làm. Một nhiệm vụ lớn của công tác phân vùng quy hoạch kinh tế giai đoạn này nhằm thực hiện đường lối phát triển kinh tế của Đại hội IV đề ra là quy hoạch huyện. 227 huyện trong tổng số 390 huyện của cả nước đã được xây dựng quy hoạch tổng thể. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận. Đặc biệt, trong giai đoạn này, chúng ta đã tiến hành xây dựng “Tổng sơ đồ phân bố lực lượng sản xuất trên phạm vi cả nước thời kỳ 1986 - 2000”. Lần đầu tiên ở Việt Nam, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì triển khai nghiên cứu quy hoạch một cách hệ thống, toàn diện từ Trung ương đến địa phương, mà vai trò quan trọng của Viện Chiến lược phát triển khi đó là cơ quan được giao tổ chức triển khai.
Từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20, Viện được giao nhiệm vụ rất quan trọng là tham gia tổ chức và xây dựng chiến lược phát triển của đất nước để trình Đại hội Đảng. Có thể nói Viện Chiến lược phát triển rất vinh dự và tự hào đã được Lãnh đạo Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao cho trọng trách này. Cả bốn bản chiến lược phát triển của nước ta đến nay (1991 – 2000, 2001 – 2010, 2011 – 2020, 2021 – 2030) đều có đóng góp rất quan trọng của Viện Chiến lược phát triển. Nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã dành rất nhiều tâm huyết, trí tuệ, thời gian, công sức để tham gia xây dựng các bản chiến lược này, cống hiến không biết mệt mỏi để mong xây dựng đất nước mỗi ngày phát triển hơn, cuộc sống của nhân dân được tốt đẹp hơn.
Cùng với việc xây dựng chiến lược, mỗi kỳ Đại hội Đảng, Viện Chiến lược phát triển đều được giao tham gia xây dựng, chuẩn bị các văn kiện về phát triển KT-XH. Việc xây dựng các báo cáo này, theo kế hoạch và chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, ngày càng được tổ chức bài bản, qua đó, đội ngũ cán bộ của Viện, nhất là những đồng chí trực tiếp tham gia xây dựng chiến lược, văn kiện phục vụ Đại hội, có điều kiện nâng cao năng lực, trình độ và tích lũy được nhiều kinh nghiệm rất quý báu, để từ đó giúp cho Lãnh đạo Bộ triển khai thực hiện nhiều nghiên cứu, báo cáo, nhiệm vụ khác có tầm vực lớn, mức độ quan trọng, như xây dựng Chiến lược biển Việt Nam, Chiến lược phát triển nhân lực thời kỳ 2011 - 2020; xây dựng báo cáo “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011 - 2020”; xây dựng Đề án “Cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2012 - 2020”. Có thể thấy cả ba đột phá của Chiến lược 2011 – 2020 đều có sự tham gia nghiên cứu, đóng góp của Viện. Trong những năm gần đây, một số nghiên cứu, tham mưu về chính sách cũng đã được Lãnh đạo Bộ giao cho Viện chủ trì thực hiện, như xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035, tài liệu Khung chính sách kinh tế Việt Nam, tổ chức Diễn đàn Cách cách và Phát triển. Đây thực sự là những việc rất lớn và quan trọng mà Viện đã được Lãnh đạo Bộ giao chủ trì thực hiện và đã hoàn thành rất xuất sắc.
Về công tác quy hoạch, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương trong những năm 1995-2010, Viện Chiến lược phát triển là đơn vị đã chủ trì xây dựng nhiều quy hoạch phát triển, như quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH các vùng KT-XH, vùng kinh tế trọng điểm; quy hoạch phát triển công nghiệp, kết cấu hạ tầng; quy hoạch phát triển các lãnh thổ đặc biệt như các hành lang kinh tế, vành đai kinh tế, dải ven biển, hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp…
Để thực hiện công tác quy hoạch trong giai đoạn phát triển mới, Viện đã tích cực tham gia xây dựng Luật quy hoạch. Sau khi Luật quy hoạch được Quốc hội thông qua, Viện Chiến lược phát triển tiếp tục tham gia xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật quy hoạch, xây dựng Thông tư hướng dẫn về định mức chi phí cho hoạt động quy hoạch; xây dựng tài liệu Khung chỉ dẫn phương pháp chung lập quy hoạch để phục vụ triển khai lập quy hoạch theo Luật quy hoạch. Đây là những việc rất cần thiết để đưa Luật quy hoạch đi vào thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quy hoạch, góp phần vào phát triển KT-XH của đất nước.
Cũng để triển khai thực hiện Luật quy hoạch, Viện Chiến lược phát triển đã được Lãnh đạo Bộ giao chủ trì triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu tiên nước ta triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp đa ngành, rất khó, chưa có tiền lệ, lại phải xây dựng và hoàn thành trong thời gian ngắn hơn rất nhiều so với thời gian mà Luật quy hoạch cho phép. Viện Chiến lược phát triển đã có những nỗ lực rất lớn, tập trung lực lượng, trí tuệ, đoàn kết, chung sức, đồng lòng triển khai quyết liệt và đã hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ này. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 và ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023.
Cùng với nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Viện tiếp tục được giao chủ trì xây dựng Nhiệm vụ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho 5 vùng: Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ và được giao chủ trì lập quy hoạch của hai vùng quan trọng nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ. Hiện nay thì hai quy hoạch vùng này cũng đã được Hội đồng thẩm định thông qua. Đồng thời, Viện cũng phối hợp với các viện nghiên cứu chiến lược, quy hoạch của các bộ, ngành lập quy hoạch cấp tỉnh cho một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, thành quả qua nhiều thời kỳ lịch sử của Viện nêu ra ở trên khẳng định Viện Chiến lược phát triển có vị trí quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu chiến lược, quy hoạch phát triển cho quốc gia, đóng vai trò vừa là cơ quan nghiên cứu khoa học vừa là cơ quan tham mưu chính sách phát triển KT-XH trung và dài hạn, góp phần vào thành quả công tác của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trước đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện nay cũng như vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước. Tập thể cán bộ, viên chức, người lao động của Viện đã có nhiều cố gắng trong nghiên cứu khoa học, hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước và bám sát thực tế để vận dụng đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào công tác nghiên cứu xây dựng chiến lược và quy hoạch, góp phần làm rõ thêm các vấn đề lý luận và thực tiễn.
Hiện tại, chúng ta đã đi qua 1/3 chặng đường thực hiện Chiến lược 10 năm 2021-2030, hơn nửa chặng đường thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025 theo các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội và đã bắt tay vào chuẩn bị xây dựng Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2026-2030 để trình Đại hội XIV của Đảng. Viện Chiến lược phát triển tiếp tục được Lãnh đạo Bộ tin tưởng, giao trọng trách đầu mối của Bộ để tổ chức triển khai các nhiệm vụ.
Để thực hiện được những công việc quan trọng và khó khăn đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương luôn tin tưởng Viện Chiến lược phát triển sẽ không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, trí tuệ tập thể, tinh thần lao động cần mẫn, cống hiến cho khoa học và đặt ra yêu cầu đối với tập thể lãnh đạo và mỗi cán bộ, viên chức, người lao động của Viện cần phải:
(1) Không ngừng rèn luyện bản lĩnh, luôn kiên trì, kiên định, đấu tranh vượt qua tư duy bảo thủ, trì trệ, ngại thay đổi… trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
(2) Quán triệt nghiêm, bám sát chủ trương, quan điểm, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ trong tham mưu chiến lược, quy hoạch, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện.
(3) Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy trí tuệ tập thể, khát vọng phát triển, quyết tâm cao, nỗ lực lớn đổi mới sáng tạo, đoàn kết, thống nhất trên dưới một lòng vì nhiệm vụ chung.
(4) Theo sát, nắm chắc tình hình thế giới, trong nước, chủ động nghiên cứu, tìm tòi hướng đi, giải pháp mới kịp thời, hiệu quả trong tham mưu cho Lãnh đạo Bộ và triển khai nhiệm vụ được giao.
(5) Tăng cường hợp tác quốc tế và trong nước, huy động, khai thác hiệu quả các nguồn lực, chuyên gia, nhà khoa học để phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng chiến lược, chính sách.
“Thực hiện được những việc như vậy, Viện Chiến lược phát triển sẽ tiếp tục giữ vững vị thế, vai trò của một cơ quan nghiên cứu, tham mưu chiến lược có uy tín, để tiếp tục có những nghiên cứu khoa học, lý luận và thực tiễn có giá trị, góp phần tham mưu cho Đảng và Nhà nước những quyết sách, chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn, hiệu quả.”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Với những thành quả nổi bật trong quá trình phát triển, tại buổi Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và phát triển, Viện Chiến lược phát triển đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng Bằng khen.
ĐÓNG GÓP TO LỚN CỦA CÁC THẾ HỆ CÁN BỘ, VIÊN CHỨC VIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN Ở CẢ 4 LẦN TRIỂN KHAI CÔNG TÁC QUY HOẠCH VÀ CẢ 4 LẦN XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KT-XH PHỤC VỤ CÁC KỲ ĐẠI HỘI ĐẢNG
Ôn lại chặng đường 60 năm phát triển của Viện, phát biểu tại Lễ kỷ niệm, TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chia sẻ, ngày 9/3/1964, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 47-CP về việc sửa đổi tổ chức bộ máy của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, trong đó thành lập Vụ Kế hoạch phân vùng kinh tế và Vụ Tổng hợp kế hoạch kinh tế quốc dân dài hạn thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, tiền thân của Viện Chiến lược phát triển ngày nay.
Lịch sử phát triển của Viện Chiến lược phát triển là quá trình liên tục, trải qua nhiều giai đoạn, từng giai đoạn tuy mang tên gọi khác nhau, nhưng nhiệm vụ bao trùm các chặng đường lịch sử phát triển của Viện là nghiên cứu chiến lược và quy hoạch phát triển của cả nước, các ngành, các vùng và các địa phương, làm cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm và hằng năm.
Vào năm 1975, nước nhà thống nhất, từng đoàn cán bộ của Viện lên đường đi các vùng miền đất nước từ Bắc vào Nam để triển khai công tác phân vùng quy hoạch nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp chế biến. Phương án phân vùng nông lâm ngư nghiệp của cả nước và của các tỉnh đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt. Đó là lần đầu tiên công tác phân vùng quy hoạch ở nước ta được triển khai rộng khắp và có bài bản; phục vụ đắc lực cho việc xây dựng đất nước thống nhất. Qua đợt tổng duyệt này, đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch đã hình thành, nhiều kinh nghiệm được tích luỹ và cho thấy vai trò quan trọng của công tác phân vùng quy hoạch ở nước ta.
Trong công tác nghiên cứu chiến lược và kế hoạch dài hạn, ngay khi mới thành lập, Viện đã triển khai hàng loạt nghiên cứu về triển vọng dài hạn và kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh. Trong đó, đáng chú ý có bản “Chiến lược kinh tế hậu chiến”. Tiếp đó, Viện đã chủ trì tổ chức xây dựng các kế hoạch 5 năm trình Đại hội Đảng, phục vụ quá trình khôi phục và phát triển đất nước khi đã thống nhất.
Công cuộc xây dựng đất nước phát triển không ngừng, phương án phân vùng nông, lâm, ngư nghiệp đòi hỏi phải có sự thay đổi khi mà nước ta triển khai mạnh mẽ việc phát triển công nghiệp. Trước tình hình đó, vào những năm 1982 - 1983, được các chuyên gia của Liên Xô cũ giúp đỡ, nước ta đã triển khai việc lập Tổng sơ đồ phân bố lực lượng sản xuất. Để đáp ứng yêu cầu này Hội đồng Bộ trưởng thành lập Hội đồng phân bố lực lượng sản xuất trên cơ sở Ủy ban Phân vùng kinh tế Trung ương và Viện Phân bố lực lượng sản xuất ra đời để giúp việc cho Ủy ban. Hơn hai năm vất vả, đội ngũ những người làm công tác phân vùng quy hoạch đã hoàn thành Tổng sơ đồ phân bố lực lượng sản xuất cho cả nước và sơ đồ phân bố lực lượng sản xuất cho các ngành và các tỉnh. Đây có thể coi là lần thứ hai công tác quy hoạch được triển khai rộng khắp. Tuy nhiên, sau khi các phương án phân bố lực lượng sản xuất của cả nước và của các ngành, các tỉnh được hoàn thành thì do tình hình thế giới có nhiều biến chuyển lớn, đất nước bị bao vây cấm vận, nhiều khó khăn xuất hiện, do đó Tổng sơ đồ phân bố lực lượng sản xuất đã không thể triển khai thực hiện như mong muốn. Công tác phân vùng quy hoạch, phân bố lực lượng sản xuất đứng trước nhiều thách thức.
Cuối những năm 1980, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đội ngũ cán bộ của Viện bắt tay vào nghiên cứu các vấn đề phát triển đất nước ở tầm dài hạn. Đặc biệt, lần đầu tiên, Viện là một trong 6 cơ quan triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và giúp Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Tiểu ban xây dựng Chiến lược của Hội đồng Bộ trưởng tổ chức việc nghiên cứu xây dựng Chiến lược ổn định và phát triển KT-XH đất nước thời kỳ 1991 – 2000, nhằm tìm cách tạo lập sự phát triển ổn định và đưa nền KT-XH nước ta ra khỏi khủng hoảng. Đại hội Đảng lần thứ 7 (VII) đã thông qua Chiến lược này và sau đó, đội ngũ cán bộ của Viện tiếp tục tham gia vào việc triển khai thực hiện Chiến lược.
Quá trình tổ chức thực hiện Chiến lược đòi hỏi phải có những dự án quy hoạch. Một lần nữa thực tiễn xây dựng đất nước đòi hỏi triển khai quy hoạch trên phạm vi cả nước. Trong những năm 1997 - 1998, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đội ngũ cán bộ của Viện lại bắt tay vào xây dựng các đề án quy hoạch phát triển KT-XH thời kỳ đến năm 2010. Đây có thể coi là lần thứ ba công tác quy hoạch được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. Viện đã tham gia xây dựng quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng và khu công nghiệp trên phạm vi cả nước, quy hoạch một số vùng KT-XH, một số địa phương cấp tỉnh và cấp huyện.
Cuối những năm 1990, Viện Chiến lược phát triển tiếp tục được giao là cơ quan đầu mối xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH thời kỳ 2001 - 2010 để trình Đại hội 9 (IX) của Đảng thông qua. Đây là lần thứ hai Viện tham gia nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH đất nước.
Trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, công tác nghiên cứu chiến lược, quy hoạch ngày càng trở nên quan trọng. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tập thể cán bộ, viên chức của Viện Chiến lược phát triển đã tập trung công sức xây dựng nhiều đề án quan trọng về phát triển KT-XH gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh các vùng, quy hoạch các hành lang kinh tế, dải ven biển quan trọng, hệ thống các khu kinh tế ven biển, cửa khẩu... Công tác quy hoạch ngày càng được đổi mới cả về nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng.
Cuối những năm 2000, chuẩn bị văn kiện cho Đại hội lần thứ 11 (XI) của Đảng, Viện Chiến lược phát triển vinh dự được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao trọng trách làm đầu mối phối hợp tổ chức triển khai xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH thời kỳ 2011 – 2020. Đây là lần thứ ba Viện tham gia nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển của đất nước. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 11, Viện đã tập trung xây dựng các đề án, chiến lược, quy hoạch về phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện ba khâu đột phá chiến lược; đồng thời, cũng trong thời kỳ này, đã triển khai xây dựng quy hoạch phát triển cho các vùng KT-XH, vùng kinh tế trọng điểm đến năm 2020.
Để chuẩn bị văn kiện cho Đại hội lần thứ XII của Đảng, trong bối cảnh đất nước đã trải qua chặng đường phát triển gần 30 năm đổi mới, đứng trước những cơ hội và cả những thách thức lớn, thực tế đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục cải cách, đổi mới mạnh mẽ, tạo không gian và động lực mới cho phát triển KT-XH đất nước, Viện Chiến lược phát triển tiếp tục được Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin tưởng giao thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, như tham gia Tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới; tham gia Tổ Biên tập của Tiểu ban KT-XH để xây dựng Báo cáo về tình hình KT-XH 5 năm 2011 - 2015, phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020.
Chuẩn bị Đại hội lần thứ 13 (XIII) của Đảng, tháng 10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thành lập Tiểu ban KT-XH do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Tiểu ban để xây dựng văn kiện trình Đại hội. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Chiến lược phát triển đã xây dựng đề cương chi tiết ban đầu về tổng kết Chiến lược phát triển KT-XH 2011 – 2020, xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH thời kỳ 2021-2030 và chủ trì nghiên cứu 8 chuyên đề phục vụ xây dựng Chiến lược. Đây là lần thứ tư Viện Chiến lược phát triển tham gia xây dựng chiến lược. Đồng thời, Viện đã trực tiếp tham gia Thường trực Tổ Biên tập, Văn phòng Tổ Biên tập; phục vụ tốt các hoạt động của Tiểu ban KT-XH. Việc triển khai nghiên cứu, xây dựng chiến lược đã được tiến hành công phu, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới và đã hoàn thành xây dựng Chiến lược 10 năm 2021 - 2030 trình Đại hội 13 của Đảng theo đúng yêu cầu, kế hoạch đề ra.
Trong công tác quy hoạch, đứng trước yêu cầu đổi mới, Viện Chiến lược phát triển đã tích cực tham gia xây dựng Luật quy hoạch, được Quốc hội ban hành năm 2017. Sau khi Luật quy hoạch được thông qua, Viện được giao xây dựng các tài liệu, văn bản để phục vụ triển khai Luật quy hoạch như Thông tư hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch; tài liệu Khung chỉ dẫn phương pháp chung lập quy hoạch... Đồng thời, với vai trò của một viện nghiên cứu đầu ngành trong công tác nghiên cứu chiến lược, quy hoạch, Viện Chiến lược phát triển đã được Lãnh đạo Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ chủ trì triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường ngày 9/1/2023 để triển khai thực hiện. Đối với quy hoạch vùng theo Luật quy hoạch 2017, Viện cũng là đơn vị chủ trì lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Hai bản quy hoạch này đã được báo cáo tại Hội nghị thẩm định tháng 12/2023 và được Hội đồng thẩm định biểu quyết thông qua. Ngoài ra, Viện cũng phối hợp với các viện nghiên cứu chiến lược, quy hoạch của các bộ, ngành lập quy hoạch cấp tỉnh cho một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Như vậy, đây cũng có thể coi là lần thứ tư Viện có những đóng góp lớn vào công tác quy hoạch ở nước ta khi công tác quy hoạch được triển khai rộng khắp và có nhiều đổi mới để phù hợp với quá trình phát triển KT-XH của đất nước.
Như vậy, nhìn lại quá trình 60 năm xây dựng và phát triển đã cho thấy vai trò quan trọng, đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, viên chức Viện Chiến lược phát triển ở cả 4 lần triển khai công tác quy hoạch và cả 4 lần xây dựng chiến lược phát triển KT-XH phục vụ các kỳ Đại hội Đảng.
60 năm phấn đấu và trưởng thành, đội ngũ cán bộ của Viện ngày càng lớn mạnh. Thế hệ đi sau tiếp nối và phát huy truyền thống của thế hệ đi trước. Đội ngũ cán bộ của Viện đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có quyết định sáp nhập Tạp chí Kinh tế và Dự báo và một số đơn vị thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia vào Viện Chiến lược phát triển, qua đó mở rộng thêm chức năng, nhiệm vụ của Viện trong giai đoạn phát triển mới…
“Nhân buổi Lễ Kỷ niệm trang trọng này, thay mặt tập thể các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động của Viện Chiến lược phát triển, tôi xin chân thành cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ tận tình của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ quý báu để Viện có bước trưởng thành như ngày nay và hoàn thành được nhiệm vụ cấp trên giao; chân thành cảm ơn các thế hệ Bộ trưởng, Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đảng uỷ cơ quan cùng các đơn vị, các tổ chức đoàn thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan Trung ương, địa phương, các Viện nghiên cứu, trường đại học đã thường xuyên giúp đỡ một cách có hiệu quả để Viện từng bước phát triển. Là thế hệ hôm nay, chúng tôi trân trọng biết ơn các thế hệ anh chị đi trước đã để lại truyền thống quý báu và thành tích vẻ vang tiếp sức cho chúng tôi vững vàng phát triển. Tập thể Viện Chiến lược phát triển sẽ phát huy những thành tựu đã đạt được, chung sức, đồng lòng, phát huy trí tuệ tập thể xây dựng Viện ngày càng lớn mạnh để tiếp tục có những nghiên cứu, tham mưu kịp thời, hoàn thành xuất sắc hơn nữa những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển KT-XH đất nước.”, Viện trưởng Trần Hồng Quang nhấn mạnh.
VIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN SẼ VƯƠN XA, VƯƠN CAO TRONG GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN SẮP TỚI
Đại diện cho thế hệ nguyên lãnh đạo Viện, chia sẻ tại Lễ kỷ niệm, TS. Nguyễn Bá Ân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, quy hoạch đất nước với tầm nhìn dài hạn là nhiệm vụ khoa học rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi kiến thức tổng hợp sâu, rộng về nhiều ngành, lĩnh vực cả về lý luận cũng như kinh nghiệm thực tiễn. Để hoàn thành nhiệm vụ trong bối cảnh mới, chúng ta đã phải mở rộng hợp tác quốc tế với hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học uy tín quốc tế. Chúng ta đã thực hiện nhiều dự án hợp tác quốc tế quan trọng...
Ông nhìn nhận, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự phối hợp của các đơn vị trong Bộ, cùng sự nỗ lực của tất cả các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động của Viện, chúng ta đã quyết tâm, bền chí, chịu đựng, hy sinh, vượt qua khó khăn, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước đặt lên vai chúng ta. Qua đó, Viện Chiến lược phát triển đã trở thành đơn vị nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực chiến lược và quy hoạch. Viện đã luôn xây dựng môi trường làm việc mang lại hiệu quả cao nhất, phát huy toàn diện tài năng của từng cán bộ, viên chức, nghiên cứu viên…
Tuy nhiên, ông cho rằng, những thành tựu của Viện vẫn còn nhỏ bé so với yêu cầu phát triển của đất nước. Chúng tôi mong lãnh đạo, cán bộ Viện với trái tim nhiệt huyết, tấm lòng trong sáng với đất nước, xã hội, cộng đồng sẽ đoàn kết, hợp tác, chia sẻ để sớm đạt được những bước tiến phát triển mới, tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới để không phụ lòng tin yêu của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Bộ.
“Hôm nay với tinh thần của những chiến binh với trái tim có lửa trong mỗi cán bộ, viên chức, người lao động của Viện, tôi tin rằng Viện sẽ vươn xa, vươn cao trong giai đoạn phát triển sắp tới.”, ông Ân chia sẻ.
Cũng với góc nhìn của nguyên lãnh đạo Viện, TS. Hoàng Ngọc Phong, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, những thành tựu to lớn đã đạt được trong 60 năm qua là điểm tựa vững chắc cho bước phát triển của Viện thời gian tới trong bối cảnh phát triển, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, sâu rộng. Các mô hình phát triển kinh tế, phương thức tổ chức và vận hành kinh tế tại một đất nước đang trên đà phát triển như Việt Nam hiện nay chắc chắn sẽ tạo ra cơ hội lớn và đặt ra cho lãnh đạo, cán bộ của Viện cần đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo hơn nữa. Tiếp nối truyền thống 60 năm, để có thể vươn lên, nhất định Viện phải có được đội ngũ cán bộ giỏi, có khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp, xây dựng Viện vững mạnh.
“Trải qua 60 năm phát triển tồn tại và phát triển, Viện đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức mới. Vị thế và hình ảnh của Viện trong chặng đường vừa qua là kết tinh và hội tụ, tích lũy các thành quả, các giá trị truyền thống, giá trị cốt lõi của các thế hệ cán bộ, viên chức, nhân viên trong suốt 60 năm qua. Giá trị cốt lõi của Viện chính là lập quy hoạch tổng thể quốc gia, xây dựng chiến lược phát triển KT-XH quốc gia, quy hoạch các vùng miền, các địa phương, tham gia xây dựng các văn kiện phục vụ đại hội Đảng toàn quốc, cũng như các kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và kế hoạch hàng năm. Giá trị cốt lõi và truyền thống vẻ vang đó cần được trân trọng, giữ gìn, phát huy và cần được tiếp tục nâng lên trên tầm cao mới.”, ông Phong tâm huyết.
Đại diện cho thế hệ cán bộ, lãnh đạo trẻ của Viện, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó trưởng Ban Chiến lược phát triển vùng, Viện Chiến lược phát triển chia sẻ: thế hệ trẻ chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm sát sao, hướng dẫn tận tình của các thế hệ cán bộ đi trước, tạo điều kiện tham gia ở nhiều vai trò phù hợp với công tác của Viện. Quá trình rèn luyện để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đã giúp chúng tôi được đặt chân đến mọi miền tổ quốc, lắng nghe tâm tư, khát vọng phát triển của người dân.
“Thế hệ trẻ chúng tôi luôn phát huy tinh thần không ngại khó, ngại khổ, không ngại học. Quá trình tham gia vào công tác chuyên môn, các hoạt động tập thể mang đến cho thế hệ trẻ những trải nghiệm vô cùng phong phú, đáng trân trọng. Chúng tôi rất mong các đồng chí lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện cho sự trưởng thành, để thế hệ trẻ có những đóng góp tốt nhất cho sự phát triển của Viện. Hiện tại hôm nay là quá khứ của ngày mai, tiếp nối bước đi của các thế hệ đi trước, thế hệ trẻ của Viện sẽ tiếp tục quyết tâm rèn luyện phẩm chất, năng lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tiếp nối truyền thống rất đỗi tự hào của nhiều thế hệ đi trước đã dày công vun đắp…”, ông Dũng chia sẻ./.
TV
Ảnh: Đức Trung
Tạp chí Kinh tế và Dự báo